Phân biệt tội giết người với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

phan-biet-toi-giet-nguoi-voi-toi-giet-nguoi-do-vuot-qua-gioi-han-phong-ve-chinh-dang

Tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người là bất khả xâm phạm được pháp luật hình sự bảo vệ. Khi một người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người. Tuy nhiên, pháp luật thể hiện sự nhân đạo trong việc quy định tội giết người trong một số trường hợp mà người phạm tội có những hạn chế nhất định như vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Vậy, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì? Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có điểm gì giống và khác nhau với tội giết người.

Để hiểu rõ hơn về hai tội danh này mời các bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

1. Tội giết người là gì?

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng con người.

Tội phạm và hình phạt của tội giết người được quy định cụ thể tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, tội giết người có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đây cũng là một trong số những tội phạm mà pháp luật hình sự quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Đối với người phạm tội giết người nếu thuộc trong những trường hợp có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình nếu người phạm tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

“…a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;…”

2. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?

Việc xác định các dấu hiệu của tội phạm này nhất thiết phải căn cứ vào chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ không có phòng vệ chính đáng thì không có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Như vậy, dấu hiệu quan trọng nhất của tội phạm này là “sự vượt quá giới hạn được coi là chính đáng”. Vì vậy, để xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì nhất thiết phải hiểu được thế nào là phòng vệ chính đáng.

Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm thực hiện với lỗi cố ý xâm hại đến quyền sống của con người bằng hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tội phạm và hình phạt của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định cụ thể tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

3. Phân biệt tội giết người với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

3.1. Giống nhau

– Khách thể bị xâm phạm bởi hai tội danh này đều là quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng của người khác.

– Về mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi phạm tội giết người và tội giết do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng đều là lỗi cố ý. Người phạm tội đều thấy trước hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và gây thiệt hại về thân thể, sức khỏe, tính mạng của người khác.

3.2. Khác nhau

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) quy định các tội danh khác nhau là căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội; căn cứ vào quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (khách thể của tội phạm); căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi của mình (lỗi); căn cứ vào nhân thân người phạm tội, trong một số trường hợp căn cứ vào giới tính, độ tuổi của người phạm tội và bị hại…

Để phân biệt tội “Giết người” và “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” chúng ta cần xem xét đến chủ thể và mặt khách quan của người thực hiện hành vi phạm tội:

Tiêu chí Tội giết người Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Chủ thể Người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 14 tuổi trở lên. Người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên.
Mặt khách quan Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn và phương tiện khác nhau gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi phạm tội có thể hành động hoặc không hành động. Các phương tiện như súng, dao, gậy, tay chân, thuốc độc… Hành vi tước bỏ quyền sống của người khác thường được thực hiện bằng các phương thức như bắn, chém, đâm, treo cổ, bóp cổ, đầu độc, đấm đá…

Hành vi khách quan của tội phạm là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Có nghĩa là, nạn nhân chính là người có hành vi tấn công, xâm hại lợi ích hợp pháp và hành vi giết người là hành vi người phạm tội lựa chọn thực hiện để ngăn chặn hành vi tấn công, bảo vệ lợi ích hợp pháp đang bị xâm hại:

Hành vi xâm hại những lợi ích cần bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ; xâm phạm một cách trực tiếp đến các lợi ích cần bảo vệ chứ không phải do suy diễn, tưởng tượng. Người thực hiện hành vi phòng vệ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác.

Tuy nhiên, người thực hiện hành vi phòng vệ có chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người.

Hậu quả Chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác như đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể như vùng đầu, vùng bụng…thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc.

Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả: Hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn chính đáng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Như vậy, để phân biệt tội “giết người” hay tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì phải tổng hợp tất cả các dấu hiệu của vụ án, mà xác định ý thức chủ quan của người phạm tội.

Khi phân biệt hai tội trên, phải căn cứ vào hậu quả xảy ra do hành vi mà người phạm tội thực hiện. Trong đó, ở tội “giết người”, chỉ cần người phạm tội có hành vi tấn công nhằm vào những nơi xung yếu trên cơ thể nạn nhân như: Vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… đã cấu thành tội giết người.

Đối với tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, thì hậu quả chết người phải xảy ra. Nếu nạn nhân không chết mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 136 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ví dụ: Do có mâu thuân từ trước nên Nguyễn Văn H có đánh Lê Văn T vài cái nhưng chỉ trầy xước nhẹ. Sau khi đánh Lê Văn T thì H đã lên xe bỏ đi. Lê Văn T nổi giận cùng với T đã rủ Bùi Văn C đi tìm H để “giải quyết”.

Khi đi đến quán bún ở đường Tôn Đức Thắng thì thấy H, Phạm Xuân L đang ngồi ăn trong quán nên T và C đã xông vào đánh H, T dùng dao đâm 4 nhát vào H, còn C dùng đá đập vào đầu H dẫn đến bị thương nặng. H cố gắng bỏ chạy nhưng H, C vẫn đuổi theo. Khi H, C đang đuổi theo H, thì T thấy Phạm Xuân L đuổi theo sau nên đã quay lại đuổi theo L đến một con hẻm cụt. Khi H đánh L, L bị thất thế nên dùng con dao bấm để trong túi quấn đâm H để chạy thoát ra, nhưng nhát dao trúng tim khiến ông H chết tại chỗ.

Sau đó L bị Tòa án nhân dân TP ĐN tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Trong cuộc sống hàng ngày đã xảy ra không ít những vụ việc như trên. Tất cả những người thực hiện hành vi phạm tội xâm hại đến quyền sống của con người đều phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta khi tương tác trong cuộc sống hàng ngày cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng khi thực hiện bất cứ một hành vi nào để không bị vướng vào vòng lao lý.

Trên đây là những điểm giống và khác nhau của hai tội danh nói trên mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp cần được tư vấn khác vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon