Ủy quyền là gì? Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền?

uy-quyen-la-gi-quyen-va-nghia-vu-cua-ben-duoc-uy-quyen

Trong đời sống hiện nay, không phải cá nhân nào cũng có thể tự mình tham gia vào tất cả các hợp đồng, giao dịch mà mình giao kết. Vì vậy, pháp luật cho phép họ ủy quyền cho người khác. Có thể nói ủy quyền được diễn ra thường ngày gắn liền với nhu cầu công việc và đời sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trong xu thế xã hội ngày một phát triển, yêu cầu giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự nói chung và ủy quyền nói riêng càng nhiều, với tính chất rất phức tạp đòi hỏi người tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng phải có những hiểu biết nhất định về pháp luật để bảo vệ bản thân, cũng như tránh gây phương hại cho đối tác trong hợp đồng. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về ủy quyền là gì, quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Ủy quyền là gì?

Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm ủy quyền là gì mà chỉ quy định về hợp đồng ủy quyền.

Căn cứ theo điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, ủy quyền được hiểu là việc một bên (gọi là bên được ủy quyền) nhân danh một bên khác (gọi là bên ủy quyền) để xác lập, thực hiện các giao dịch trong phạm vi được ủy quyền.

Ủy quyền mang một số đặc điểm sau:

– Ủy quyền làm phát sinh hai mối quan hệ cùng tồn tại: Quan hệ thứ nhất là quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền và quan hệ thứ hai là quan hệ giữ người ủy quyền và người thứ ba.

– Người được ủy quyền xác lập quan hệ với người thứ ba là nhân danh (đại diện) người ủy quyền chứ không phải nhân danh chính họ.

– Mục đích người được ủy quyền xác lập quan hệ với người thứ ba là vì lợi ích của người ủy quyền. Hay nói cách khác là quyền (lợi ích) và nghĩa vụ trong quan hệ với người thứ ba là quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền.

– Ủy quyền được xác lập trên cơ sở thỏa thuận.

– Quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền tùy thuộc vào nội dung ủy quyền (phạm vi ủy quyền).

2. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền

Khoản 3 điều 138 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện. Như vậy, tùy thuộc vào tính chất và công việc ủy quyền mà người được ủy quyền phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc chỉ cần có năng lực hành vi dân sự một phần.

Ví dụ:

– A ủy quyền cho B đi mua cho A một chiếc điện thoại thì đối với trường hợp này A chỉ cần trên 15 tuổi là có thể đại diện theo ủy quyền mà không cần phải trên 18 tuổi.

– A ủy quyền cho B đại diện cho A tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân cho vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữ A và C. Để B có thể đại diện được cho A thì B phải đủ 18 tuổi.

2.1. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:

Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

“1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.”

– Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

Thực hiện công việc theo ủy quyền là nghĩa vụ chính và quan trọng nhất của người được ủy quyền, cho nên người được ủy quyền phải cố gắng hết sức mình để hoàn thành công việc được giao, dù có hay không có thù lao; một khi đã giao kết ủy quyền thì người được ủy quyền phải chấp nhận và thực hiện công việc đó với tinh thần tận tụy theo cách tốt nhất như công việc của chính mình. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền, người được ủy quyền phải thường xuyên báo cho người ủy quyền về tình hình thực hiện công việc, những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện công việc theo giao kết hoặc theo quy định của pháp luật.

– Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

Người được ủy quyền đóng vai trò quan trọng khi thực hiện công việc ủy quyền, mọi thỏa thuận, giao kết trong hợp đồng do chính người được ủy quyền thực hiện với đối tác – người thứ ba cho nên để dễ dàng làm việc với nhau thì người được ủy quyền phải báo cho người thứ ba về phạm vi công việc mình được thực hiện; nghĩa vụ này bên được ủy quyền sẽ phải thực hiện và nếu có sửa đổi, bổ sung về thời hạn, phạm vi ủy quyền cũng phải báo kịp thời cho người thứ ba biết.

– Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

Để thuận lợi trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền, người ủy quyền có thể giao cho người được ủy quyền các tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc ủy quyền. Chính vì vậy, người được ủy quyền có nghĩa vụ: “bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện công việc ủy quyền”

Nếu việc bảo quản tài liệu, phương tiện đó đòi hỏi cần chi phí thì người được ủy quyền có thể yêu cầu người ủy quyền cung cấp chi phí bảo quản.

– Giữ bí mật thông tin.

Người được ủy quyền phải tuyệt đối giữ bí mật các thông tin mà mình biết được khi thực hiện công việc, không được tiết lộ dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thể hiện sự tôn trọng và có trách nhiệm với người ủy quyền về những vấn đề riêng tư của họ. Nếu người được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ này kể cả khi ủy quyền đã hết hiệu lực thì bên ủy quyền hoàn toàn có quyền kiện bên được ủy quyền để bồi thường thiệt hại, hoặc công khai xin lỗi… tùy theo mức độ vi phạm.

– Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn thành công việc ủy quyền thì người được ủy quyền phải giao trả lại những gì đã nhận của người ủy quyền, của người thứ ba… Đối với những gì đã nhận của người ủy quyền thì người được ủy quyền phải giao trả lại tất cả những gì người ủy quyền giao như: tài liệu, phương tiện, tiền bạc… Đối với những gì đã nhận của người thứ ba thì người được ủy quyền có nghĩa vụ giao trả tài sản đã nhận và những lợi ích thu được khi thực hiện công việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Việc quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nhằm để người được ủy quyền hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình những gì được làm và những gì không được làm trong khi thực hiện nghĩa vụ ủy quyền, giúp họ có trách nhiệm hơn khi thực hiện công việc được ủy quyền. Người được ủy quyền phải bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ quy định ở năm khoản trên, gây thiệt hại cho bên ủy quyền. Hình thức bồi thường cũng như mức độ tùy thuộc vào sự vi phạm của người được ủy quyền.

2.2. Quyền của bên được ủy quyền

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên được ủy quyền như sau:

Điều 566. Quyền của bên được ủy quyền

“1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.”

– Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

Công việc ủy quyền có thể là công việc dễ thực hiện cũng có thể là công việc khó thực hiện cho nên, để thực hiện tốt công việc ủy quyền, bên được ủy quyền có quyền: “yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền”.

Bên được ủy quyền sẽ không chịu trách nhiệm nếu công việc ủy quyền không được thực hiện tốt vì lý do không đủ điều kiện để thực hiện trong khi bên được ủy quyền đã yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện… cần thiết.

Ngoài ra, bên được ủy quyền nếu xét thấy không thể thực hiện công việc ủy quyền vì bên ủy quyền không đáp ứng yêu cầu của mình, thì có thể đơn phương chấm dứt thực hiện vì sự thiếu hợp tác của bên ủy quyền.

– Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

Bên được ủy quyền được hưởng thù lao nếu các bên có thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu hai bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định về thời điểm nhận thù lao thì việc nhận thù lao của bên được ủy quyền sẽ được tiến hành khi bên được ủy quyền thực hiện xong công việc ủy quyền. Chi phí như thế nào được gọi là hợp lý sẽ do các bên thỏa thuận. Ngay khi không có thỏa thuận thì bên được ủy quyền cũng được thanh toán các chi phí hợp lý, cần thiết mà họ đã bỏ ra.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về ủy quyền là gì, quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon