Cá độ bóng đá có phải giao dịch dân sự vô hiệu hay không?

ca-do-bong-da-co-phai-giao-dich-dan-su-vo-hieu-hay-khong

Ngày nay, cá độ bóng đá dường như đã trở thành một hình thức đánh bạc phổ biến và xuất hiện khắp trên các diễn đàn. Theo đó, có thể thấy thị trường cá độ bóng đá ở Việt Nam đã trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết và ngày càng nhiều hơn các hình thức cá độ tinh vi khác. Đặc biệt khi hiện nay mùa World Cup 2022 đã bắt đầu, việc cá độ bóng đá là một trong những hành vi vi phạm pháp luật đáng phổ biến. Vậy cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu hay không và hành vi cá độ này bị xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

1. Thực trạng cá độ bóng đá ở Việt Nam

Hiện nay, cá độ bóng đá xảy ra rất phổ biến và có thể xem là một hiện tượng nhức nhối và đáng lên án trong xã hội. Bởi, hành vi cá độ bóng đá đã để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng không chỉ cho bản thân của người tham gia cá độ mà cả với những người thân trong gia đình cũng như toàn xã hội.

Ngoài việc xem bóng đá là bộ môn thể thao giải trí, là niềm yêu thích với trái bóng tròn thì nhiều người đã tài chính hóa nó khiến mỗi mùa bóng đá đến là cơ hội cho các cá nhân tổ chức thực hiện hành vi cá độ. Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều tổ chức cá độ bị cơ quan chức năng triệt phá thì thực trạng này vẫn diễn ra vô cùng phức tạp và có hình thức cá độ tinh vi hơn để che giấu hành vi trái pháp luật của mình. Thậm chí, ngày nay hành vi cá độ còn được thực hiện với quy mô xuyên quốc gia, nhiều tổ chức ở Việt Nam liên kết với các đối tượng ở nước ngoài để xây dựng mạng lưới cá độ với số tiền tham gia lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Với thời đại công nghệ 4.0, việc cá độ bóng đá không chỉ đơn thuần dừng lại ở hình thức trao đổi thông thường mà còn mở rộng bởi hình thức trực tuyến. Thế nên, việc kiểm soát cũng như quản lý để phát hiện hành vi cá độ gây khó khăn cho các cơ quan điều tra.

2. Cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu hay không?

Trước khi tìm hiểu cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu hay không chúng ta cần phải nắm rõ cá độ bóng đá được định nghĩa như thế nào?

2.1. Cá độ bóng đá là gì?

Cá độ bóng đá được hiểu là hành vi dùng tiền hay một loại tài sản khác để đánh cược về việc phỏng đoán kết quả của một trận đấu bóng đá sắp diễn ra hoặc đang diễn ra nhưng chưa kết thúc hoặc chưa có kết quả chung cuộc. Hay có thể hiểu đơn giản cá độ bóng đá là việc ăn thua theo tỉ số thắng thua, tỷ số bàn thắng, số lần phạt góc, số thẻ đỏ, thẻ vàng… của trận bóng đó.

2.2. Cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu?

Theo nguyên tắc, pháp luật tôn trọng quyền tự do, thiện chí của các cá nhân, tổ chức trong việc xác lập các giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Theo đó, hoạt động cá độ bóng đá không phải là hoạt động được cấp phép kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam. Vì vậy, mọi hoạt động cá độ bóng đá trên lãnh thổ Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại đều được xem là bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật.

Cụ thể, hoạt động cá độ bóng đá đã không đáp ứng điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 vì mục đích và nội dung của giao dịch dân sự này đã vi phạm điều cấm của luật. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi thỏa thuận cá độ giữa các bên sẽ không có giá trị thực hiện vì không đáp ứng điều kiện được quy định như nêu ở trên.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội như sau:

Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

“Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”

Như vậy, giao dịch dân sự từ hành vi cá độ bóng đá là giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật nên đây là một giao dịch dân sự vô hiệu.

Theo đó, mặc dù việc cá độ bóng đá là dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện của các bên tuy nhiên giao dịch đó vi phạm điều cấm của pháp luật và là một giao dịch dân sự vô hiệu nên giao dịch này không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. (Căn cứ khoản 1, Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu).

3. Cá độ bóng đá bị xử phạt như thế nào?

Tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà hành vi cá độ bóng đá có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Theo đó, người cá độ bóng đá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

3.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:

d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.”

Theo đó, người có hành vi cá độ bóng đá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, người bị xử lý vi phạm hành chính còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm thì bị trục xuất khỏi Việt Nam.

3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 120, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

Điều 321. Tội đánh bạc

“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm và giá trị tiền hoặc hiện vật mà người cá độ dùng để cá độ bóng đá mà có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Thua cá độ bóng đá nhưng không muốn trả độ có được không?

Theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP thì đã có những quy định để hợp thức hóa việc kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế thông qua việc thí điểm loại hình kinh doanh dịch vụ này.

Tuy nhiên, Nghị định này cũng đặt ra nhiều điều kiện để được kinh doanh đặt cược, cũng như việc người tham gia phải đáp ứng các điều kiện đối với người tham gia cá độ bóng đá. Mặc dù vậy, loại hình này vẫn chưa được phổ biến để thực hiện.

Về hình thức trả cá độ được thực hiện dựa trên sự thỏa thuân của các bên. Theo đó, bên thua độ phải trả cho người thắng số tiền dựa theo thỏa thuận ban đầu căn cứ vào tỉ số chung cuộc của một trận bóng đá. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hành vi cá độ bóng đá là một giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015.

Theo đó, các giao dịch dân sự được xác lập từ hành vi cá độ bóng đá đều bị vô hiệu do là hành vi vi phạm điều cấm của luật.

Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

Như vậy, giao dịch dân sự khi được xem là vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Theo đó, người thua độ bóng đá không phải trả độ cho người thắng theo như thỏa thuận.

Trường hợp vi phạm thỏa thuận, người thua không trả tiền, bên nhận đặt cược (nhà cái) vẫn có quyền tố cáo người chơi liên quan đến hành vi thua cá độ nhưng không trả tiền. Lúc này, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành điều tra, xác minh, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khởi tố bên nhận đặt cược (nhà cái), bên đi tố cáo về tội Tổ chức đánh bạc và khởi tố người chơi (không trả tiền) về tội Đánh bạc. Tất nhiên, toàn bộ số tiền sử dụng vào việc đánh bạc, thắng bạc sẽ bị tịch thu, sung công quỹ.

Trên đây là tất cả nội dung liên quan đến cá độ bóng đá có phải là giao dịch dân sự vô hiệu hay không và các vấn đề pháp lý liên quan. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ và tư vấn.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon