Quyền của người khuyết tật theo luật quốc tế

quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-theo-luat-quoc-te

Quyền của người khuyết tật thuộc quyền của nhóm dễ bị tổn thương là một trong số những nội dung trọng tâm hiện nay của pháp luật quốc tế. Theo đó, tinh thần bảo về quyền của nhóm người này, được thể hiện qua những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người cũng như một số điều ước quốc tế đặc thù của từng nhóm người. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế, quyền của người khuyết tật theo luật quốc tế được ghi nhận như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái quát luật quốc tế về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương

Các nhóm người dễ bị tổn thương chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.

Một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương trong luật nhân quyền quốc tế bao gồm: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi… Theo dòng thời gian, danh sách này có thể còn được bổ sung, bao gồm những nhóm người gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh.

Có thể nói rằng luật nhân quyền quốc tế bắt đầu từ những quy phạm về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, mặc dù trước năm 1945, những quy định về vấn đề này mới chỉ ở mức khái quát.

Lý do chính dẫn đến việc xây dựng thêm những văn kiện và cơ chế quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương bổ sung cho hai công ước năm 1966 đó là:

Thứ nhất, do vị thế yếu hơn của họ, các nhóm này rất dễ bị vi phạm các quyền hoặc gặp khó khăn trong việc hưởng thụ các quyền. Thực tế đó làm nảy sinh nhu cầu xây dựng những văn kiện pháp lý quốc  tế với những quy định cụ thể và chi tiết hơn  để  bảo  vệ  và  thúc  đẩy quyền của các nhóm này.

Thứ hai, hệ thống các quy phạm và cơ chế quốc tế về quyền con người nói chung về cơ bản là không đủ, thậm chí, đôi khi không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc với các nhóm người dễ bị tổn thương.

2. Quyền của người khuyết tật theo luật quốc tế

2.1 Khái quát về cuộc đấu tranh cho quyền của người khuyết tật

Theo thống kê gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số người khuyết tật trên thế giới vào khoảng 650 triệu, chiếm 10% dân số  của nhân loại. Người khuyết tật được coi là  một  trong  những  nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất, vì tình trạng khuyết tật khiến họ phải chịu những thiệt thòi trên tất cả phương diện của đời sống xã hội.

Sự chuyển biến về nhận thức dẫn tới thay đổi cả cách gọi  tên của nhóm xã hội này. Thay cho việc dùng từ những người tàn tật (disable persons) có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm xã hội này được gọi một cách chính xác và trân trọng là những người khuyết tật (persons with disabilities). Tên gọi mới, ngoài những yếu tố khác, mang hàm ý rõ ràng rằng đây là nhóm người tuy  có  những  khiếm  khuyết về thể chất hoặc tinh thần, nhưng họ không phải và không được coi họ là những người vô dụng, đứng ngoài lề dòng chảy và là gánh nặng cho xã hội.

2.2 Những nội dung chủ yếu của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật

Văn kiện quan trọng này, nói theo ông Don Mackay, Chủ tịch Uỷ ban lâm thời soạn thảo Công ước, đã: “xác lập một cách chi tiết các quyền của những người khuyết tật và những quy tắc cho việc hiện thực hoá các quyền đó”. Công ước bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:

2.2.1 Các định nghĩa quan trọng

Công ước nêu ra bốn định nghĩa quan trọng làm cơ sở cho việc thống nhất nhận thức về người khuyết tật:

“Người khuyết tật”: Theo Điều 1 Công ước, người khuyết tật được hiểu là “những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”. Mặc dù vẫn còn những quan điểm khác nhau về những thuộc tính cấu thành khái niệm “người khuyết tật”, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một định nghĩa về “người khuyết tật” được xác định trong luật nhân quyền quốc tế. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người khuyết tật.

Sự phân biệt đối xử trên cơ sở  sự  khuyết  tật”: Theo Điều 2 Công ước, phân biệt đối xử trên cơ sở sự khuyết tật có nghĩa là mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc hạn chế trên cơ sở sự khuyết tật có mục đích hoặc ảnh hưởng gây tổn hại hoặc vô hiệu hóa sự công nhận, thụ hưởng hoặc thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác.

“Sự điều chỉnh hợp lý” được hiểu là những thay đổi hoặc chỉnh sửa cần thiết để bảo đảm cho người khuyết tật hưởng hoặc thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

“Thiết kế phổ dụng” có nghĩa là thiết kế sản phẩm, môi trường, chương trình và dịch vụ để mọi người, trong đó có người khuyết tật, đều có thể sử dụng mà không cần cải tạo lại hoặc thiết kế chuyên biệt.

2.2.2 Các nguyên tắc của Công ước

Điều 3 đề cập các nguyên tắc chỉ đạo của Công ước, trong đó bao gồm: (i) Tôn trọng nhân phẩm, quyền tự chủ và sự độc lập của cá nhân; (ii) Không phân biệt đối xử; (iii) Tham gia và hòa nhập trọn vẹn và hữu hiệu vào xã hội; (iv) Tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật là bộ phận của nhân loại có tính đa dạng; (v) Bình đẳng về cơ hội; (vi) Dễ tiếp cận; (vii) Bình đẳng giữa nam và nữ; (viii) Tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật được giữ gìn bản sắc của mình.

Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử với người khuyết tật còn được quy định cụ thể trong Điều 5 của Công ước.

2.2.3 Nghĩa vụ quốc gia

Điều 4 đề cập nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc hiện thực hóa các quyền của người khuyết tật. Công ước còn đề cập đến một số nghĩa vụ đặc thù bao gồm:

  • Tiến hành hoặc khuyến khích nghiên cứu, phát triển, phổ biến, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ, trang bị và tiện ích được thiết kế phổ dụng để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật;
  • Tiến hành hoặc khuyến khích nghiên cứu, phát triển, phổ biến và sử dụng các loại công nghệ mới, bao gồm công nghệ thông tin liên lạc, phương tiện và thiết bị hỗ trợ di chuyển và các công nghệ trợ giúp khác phù hợp với người khuyết tật;
  • Giúp người khuyết tật tiếp cận với thông tin về những phương tiện, thiết bị, công nghệ và mọi hình thức dịch vụ hoặc cơ sở vật chất trợ giúp cho họ;
  • Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn làm việc trong lĩnh vực người khuyết tật;
  • Tham khảo ý kiến và cho phép người khuyết tật, kể cả trẻ em khuyết tật, tham gia vào quá trình xây dựng và thi hành pháp luật và chính sách có liên quan đến họ.

Bên cạnh những nghĩa vụ kể trên, Điều 8 Công ước đề cập một nghĩa vụ quan trọng khác và yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực thi ngay những biện pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức của xã hội về các quyền, năng lực, sự đóng góp cho xã hội và gia đình của người khuyết tật và để đấu tranh xóa bỏ những định kiến và tập tục có hại với người khuyết tật.

2.2.4 Bảo vệ các nhóm khuyết tật thiệt thòi nhất

Phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các bé gái khuyết tật dễ bị phân biệt đối xử hơn so với những người khuyết tật khác. Xuất phát từ thực tế này, Công ước dành hai điều quy định về việc bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em khuyết tật (Điều 6 và 7). Cả hai điều này đều yêu cầu các quốc gia thành viên quan tâm đến tính chất tổn thương kép của phụ nữ và trẻ em khuyết tật, và phải tiến hành những biện pháp thích hợp để bảo đảm cho họ được hưởng trọn vẹn và bình đẳng các quyền và tự do cơ bản của con người.

2.2.5 Các quyền có ý nghĩa quan trọng với người khuyết tật

Quyền sống (Điều 10 và 11): Ngoài những nội dung thông thường, đối với người khuyết tật, quyền này còn bao gồm việc được bảo vệ và hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp như xung đột vũ trang, thảm họa thiên nhiên…(Điều 11).

Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng (Điều 12): Ngoài những nội dung thông thường, đối với người khuyết tật, quyền này còn bao gồm việc được Nhà nước hỗ trợ để có thể thực thi năng lực pháp luật (Khoản 3) và được Nhà nước bảo vệ thích hợp trước mọi sự lạm dụng, đặc biệt trong các vấn đề về sở hữu, thừa kế, quản lý tài sản, tiếp cận với các nguồn tín dụng (Khoản 4 và 5). Thêm vào đó, quyền này còn đòi hỏi các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận với luật pháp và hệ thống tư pháp một cách hiệu quả (Điều 13).

Quyền tự do và an toàn cá nhân (Điều 14): Cũng như mọi người khác, người khuyết tật được hưởng quyền tự do và an toàn cá nhân, họ không bị tước đoạt tự do một cách trái pháp luật hoặc tùy  tiện; tuy nhiên, Điều 14 còn nhấn mạnh không có  trường  hợp  nào  bị  tước quyền tự do vì lý do khuyết tật, và nếu như một người khuyết tật bị tước tự do thì họ phải được bảo vệ bởi  luật  nhân  quyền  quốc  tế một cách bình đẳng như với người khác, đồng  thời,  phải  được  đối  xử phù hợp với Công ước này, trong đó bao gồm những sự điều chỉnh hợp lý.

An toàn cá nhân bao gồm những khía cạnh (đôi khi còn gọi là quyền) cụ thể như được tôn trọng, bảo vệ sự toàn vẹn về thể chất, tinh thần, không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, không bị bóc lột, lạm dụng và bạo lực. Người khuyết tật cũng có những quyền này nêu ở các Điều 15, 16, 17 của Công ước.

Quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư (Điều 22): Giống như những người bình thường khác, người khuyết tật cũng có quyền được bảo vệ trước những sự can thiệp tuỳ tiện, trái pháp luật vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nhà riêng, thư tín, danh dự, uy tín, quan hệ..; tuy nhiên, ngoài những khía cạnh đó, Khoản 2 Điều 22 còn đề cập đến bí mật thông tin về cá nhân, sức khỏe và việc phục hồi chức năng như là một trong những khía cạnh cấu thành sự riêng tư của người khuyết tật.

Thêm vào đó, Công ước dành hẳn một điều (Điều 23) đề cập đến vấn đề tôn trọng nhà ở và gia đình như là một trong những khía cạnh khác trong quyền về đời tư của người khuyết tật.

Quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn quốc tịch và nơi sinh sống (Điều 18): Đây là những quyền dân sự cơ bản áp dụng chung cho tất cả mọi người trong đó có người khuyết tật.

Quyền có mức sống thích đáng và được bảo trợ xã hội (Điều 28): Theo Điều này, người khuyết tật cũng được hưởng các quyền này mà không bị phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật.

Quyền tự do biểu đạt, chính kiến, và tiếp cận thông tin (Điều 21): Giống như mọi người bình thường, người khuyết tật có quyền tự do biểu đạt và tự do chính kiến, bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, truyền đạt thông tin và ý kiến.

Quyền được giáo dục (Điều 24): Giống như người bình thường, người khuyết tật cũng có quyền được học tập.

Quyền được chăm sóc sức khỏe (Điều 25): Giống như những người bình thường, người khuyết tật có quyền hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất có thể đạt được mà không có sự phân biệt nào trên cơ sở sự khuyết tật.

Quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng (Điều 26): Đây là một trong những quyền đặc thù của người khuyết tật, nhằm tạo điều kiện cho họ đạt được và duy trì sự độc lập ở mức tối đa năng lực nghề nghiệp, xã hội, tinh thần, thể chất và có thể hòa nhập trọn vẹn, hoàn toàn vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội.

Quyền về lao động và việc làm (Điều 27): Như mọi người bình thường, người khuyết tật có các quyền về lao động, việc làm. Điều 27 yêu cầu các quốc gia thành viên phải cấm sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở khuyết tật trong việc tuyển dụng, thuê và nhận vào làm việc, duy trì việc làm, thăng tiến, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, điều kiện làm việc, an toàn và vệ sinh lao động, tham gia công đoàn…

Quyền tham gia đời sống chính trị, công cộng (Điều 29): Như mọi người bình thường, người khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào đời sống chính trị, công cộng, bao gồm các quyền được bầu cử, ứng cử, quyền được giữ các chức vụ trong các cơ quan nhà nước, cũng như quyền được tham gia và thành lập các tổ chức xã hội của người khuyết tật.

Quyền tham gia hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí, thể thao (Điều 30): Theo Điều này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thúc đẩy quyền của người khuyết tật được tham gia một cách bình đẳng vào đời sống văn hoá, các hoạt động vui chơi, giải trí và thể thao bằng cách xây dựng hoặc khuyến khích xây dựng những chương trình truyền hình, điện ảnh, sân khấu và các sản phẩm văn hoá khác dưới những dạng thức mà người khuyết tật có thể tiếp cận được, cũng như sửa chữa các rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện cho phù hợp với người khuyết tật và bảo đảm các cơ hội cho người khuyết tật được vận dụng và phát triển năng lực sáng tạo nghệ thuật của họ.

Quyền được hỗ trợ để sống độc lập  và  hoà  nhập  vào  cộng  đồng (các Điều 9, 19 và 20): Đây cũng có thể coi là một quyền đặc thù của người khuyết tật.

Quyền được hỗ trợ trong việc di chuyển (Điều 20): Liên quan đến quy định trong Điều 19, Điều 20 yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật có thể độc lập di chuyển ở mức độ tối đa có thể được, cụ thể như: tạo điều kiện cho họ di chuyển theo cách thức và vào thời gian họ chọn lựa, cũng như được tiếp cận với những phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển với giá thành vừa phải; cung cấp dịch vụ đào tạo thích hợp về kỹ năng di chuyển cá nhân cho người khuyết tật và đội ngũ nhân viên chuyên môn làm việc với người khuyết tật; khuyến khích các cơ sở sản xuất phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật…

Trên đây là những phân tích về “Quyền của người khuyết tật theo luật quốc tế ”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon