Ôn thi Luật sư Môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư – Đề số 07

on-thi-luat-su-mon-ky-nang-nghe-nghiep-luat-su-de-so-07

Đề thi số 07 môn Kỹ năng nghề nghiệp luật sư là một tài liệu ôn tập quan trọng dành cho các thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch năng lực hành nghề luật sư. Đề thi bám sát cấu trúc và nội dung đề thi thực tế, bao gồm các câu hỏi xoay quanh các chủ đề trọng tâm về kỹ năng hành nghề của luật sư.

ĐỀ ÔN TẬP SỐ 07

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

Ôn tập về lý thuyết

  • Phần chung (hình sự): Phân tích dấu hiệu tội danh của “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định của BLHS ; thời hạn tạm giam theo quy định của BLTTHS
  • Đề tự chọn 1 (thương mại) : Quy định về giao nhận hàng hóa và khuyến mại theo Luật Thương mại ; Quy định vế ấn định giá bán theo Luật cạnh tranh 2004 và 2018
  • Đề tự chọn 2 (dân sự) : Quy định về chia di sản theo pháp luật

 

CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

Huỳnh Quang V làm nghề lái xe chở nước đá cây cho các đại lý, cửa hàng trong đó có cửa hàng của ông H. Biết V hàng ngày vẫn chở nước đá bằng xe cũ, ông H đã bàn với V là Ông H sẽ mua một xe tốt hơn để V về lái xe chở nước đá cho mình với điều kiện mỗi ngày V chở cho ông H khoảng 70-80 cây nước đá không lấy tiền lời. Ngoài mức trên, V được quyền sử dụng xe chở nước đá cho các mối khác để lấy tiền, đồng thời V tự chịu trách nhiêm tu bổ, sửa chữa khi xe hư hỏng và chi phí xăng dầu.

Thỏa thuận xong, ngày 3/5/2018 ông H mua của bà L một chiếc xe ô tô hiệu Huyndai, biển số 54M 48xx với giá 41.000.000đ (bốn mươi mốt triệu đồng) về giao cho V sử dụng. Trong quá trình mua nước đá về bỏ mối, V còn nợ ông T (chủ hãng nước đá) 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng). Do ông T đòi nợ nhiều lần, V không có tiền trả nên V đã bán chiếc xe nêu trên cho ông T để cấn trừ số nợ nói trên rồi bỏ trốn.

Ngày 18/6/2018, ông H làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt xe của V với cơ quan công an quận X. Ngày 20/8/2018, cơ quan điều tra công an quận X khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Quang V về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 1, điều 175, Bộ luật hình sự và ra lệnh tạm giam đối với V là 03 tháng tính từ ngày bắt giam.

1. Anh/Chị có ý kiến gì đối với hoạt động tố tụng của Cơ quan Công an quận X đối với Huỳnh Quang V?

2. Nếu được ông H yêu cầu tham gia từ giai đoạn điều tra, để bảo vệ quyền lợi cho ông H, Anh/chị sẽ kiến nghị những vấn đề gì với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quận X?

Trong giai đoạn điều tra, ông T thừa nhận việc mua xe đó là sai. Tuy nhiên, tại phiên Tòa, ông T phủ nhận lời khai tại Cơ quan điều tra, cho rằng việc cấn trừ nợ giữa ông và V là đúng.

3.Nếu là LS bảo vệ quyền lợi của ông H tại phiên Tòa, Anh/chị xử lý tình huống này như thế nào?

CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

Công ty A là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thị phần chiếm hơn 40% trên thị trường liên quan tại Việt Nam. Cty B là nhà phân phối hàng hóa của Cty A ở Việt Nam. Năm 2014, Cty A và Cty B có ký một hợp đồng mua bán hàng hóa (“Hợp đồng”). Theo đó, Cty A đồng ý bán cho Cty B một mặt hàng tiêu dùng do mình sản xuất (“Sản phẩm”).

Theo Hợp đồng, hai bên đồng ý giao hàng vào ngày 15/3/2014. Tuy nhiên, Cty A quyết định giao hàng sớm cho Cty B và hàng được giao vào ngày 7/3/2014. Do điều kiện kho bãi chật chội chưa đáp ứng được yêu cầu chứa hàng, Cty B từ chối nhận hàng.

1.Anh/Chị hãy cho biết việc từ chối nhận hàng này của Cty B có phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật không? Vì sao?

Hợp đồng có điều khoản như sau: “Công ty A và Cty B đồng ý rằng Cty B sẽ phân phối lại Sản phẩm với mức giá không thấp hơn mức giá áp dụng cho Sản phẩm đó do Cty A quy định tại từng thời điểm. Nếu Cty B bán sản phẩm không đúng theo giá mà Cty A quy định thì Cty A sẽ có quyền yêu cầu Cty B chấm dứt Hợp đồng này.”

2. Anh/Chị hãy cho biết quy định về giá như trên có phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh không? Vì sao?

Để thúc đẩy việc phân phối sản phẩm, Cty B thực hiện chương trình khuyến mãi tặng phiếu mua hàng giảm giá cho người mua. Theo đó, khi mua hàng của Cty B với hóa đơn từ một số tiền nhất định trở lên, người mua sẽ nhận được phiếu giảm giá 70% giá trị sản phẩm khi mua Sản phẩm.

3.Anh/Chị hãy cho biết Cty B có được phép thực hiện việc này không?

ĐỀ 2:

Từ năm 1988, ông X và bà Y là vợ chồng hợp pháp có đăng ký kết hôn tại UBND xã, có 02 người con chung sinh năm 1989 và 1991. Ngoài ra, ông X còn có 01 người con riêng với người vợ đã qua đời năm 1986. Người con này đã về chung sống với bà Y từ 3 tuổi, từ khi ông X và bà Y kết hôn với nhau. Bà Y và người con riêng của ông X đối xử với nhau như mẹ con. Đến năm 2017 bà Y qua đời, không để lại di chúc. Khi bà Y qua đời có người mẹ nuôi còn sống. Di sản của bà Y để lại là một căn nhà tại Quận 10, thành phố HCM (là tài sản riêng của bà Y). Người con riêng của ông X tranh chấp đòi hưởng thừa kế đối với di sản do bà Y để lại.

Nếu người con riêng của ông X yêu cầu tư vấn, Anh/Chị sẽ có ý kiến như thế nào về các vấn đề sau đây:

1/ Người con riêng của ông X có tư cách là người thừa kế di sản của bà Y và có quyền khởi kiện tranh chấp thừa kế hay không? Vì sao?

2/ Người mẹ nuôi của bà Y có được hưởng di sản thừa kế của bà Y hay không? Vì sao?

3/ Những người nào là thừa kế của bà Y đối với căn nhà tại Quận 10, Tp.HCM? Di sản của bà Y được phân chia như thế nào?

 

ĐÁP ÁN ĐỀ ÔN TẬP SỐ 07

Môn: Kỹ năng nghề luật sư

Thời gian làm bài : 180 phút

ĐÁP ÁN CÂU 1: (Phần chung): 5,0 điểm

1. Ý kiến gì về hoạt động tố tụng của cớ quan công an quận X đối với V: (2.0đ)

  • Về nội dung: Việc xác định tội danh với V “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 điều 175 BLHS 2015 là đúng người đúng tội. Bởi lẽ V đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm và nhận tài sản của ông H, có giá trị 41.000.000đ sau đó tự ý cấn trừ nợ cho ông T rồi bỏ trốn (điểm a, khoản 1, điều 175 BLHS 2015) (1.0đ)
  • Về tố tụng: Do V phạm tội theo điểm a, khoản 1, điều 175 BLHS có mức hình phạt cao nhất đến 3 năm tù. Theo khoản 3, điều 9 BLHS thì trường hợp này thuộc tội ít nghiêm trọng. (0,5đ)
  • Theo khoản 1, điều 173 BLTTHS 2015, thời hạn tạm giam để điều tra với tội ít nghiêm trọng là không quá 02 tháng. Cơ quan điều tra công an quận X ra lệnh tạm giam lần đầu với V 03 tháng là vi phạm tố tụng. (0,5đ)

2. Nếu là người bảo vệ cho ông H trong giai đoạn điều tra, luật sư cần kiến nghị với Cơ quan điều tra công an và Viện kiểm sát quận X những vấn đề sau đây: (2.0đ)

  • Triệu tập ông T để lấy lời khai làm rõ việc ông T có biết xe đó không phải của V không?     (0,5đ)
  • Lấy lời khai của bà L, việc bà bán xe cho ông H đã làm thủ tục sang tên chưa, sang tên cho ai? (0,5 đ)
  • Làm rõ tính xác thực số nợ của V đối với ông T. 0,5 đ
  • Yêu cầu thu hồi và trả xe lại cho ông H. 0,5 đ
  • Thay đổi thời gian tạm giam?

3. Xử lý tình huống như thế nào (2,0đ)

  • Lập luận chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của ông H đối với chiếc xe giao cho V sử dụng. (0,5 đ)
  • Về trách nhiệm hình sự: Đồng ý việc truy tố đối với V về tội danh và điều luật đã phân tích ở trên.(0,5 đ)
  • Về trách nhiệm dân sự: Yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt và hoàn trả chiếc xe. (0,5 đ)
  • Trước ý kiến phủ nhận của ông T, cần phân tích hành vi của ông T có dấu hiệu của “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo điều 323 BLHS. Từ đó, đề nghị HĐXX ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (theo Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNNTC-BCA-TANDTCngày 22/12/2017)  ( 0,5đ)

ĐÁP ÁN CÂU 2: (Phần tự chọn – chọn 1 trong 2 đề sau): 5,0 điểm

ĐỀ 1:

1. Anh/Chị hãy cho biết việc từ chối nhận hàng này của Cty B có phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật không? Vì sao? 1đ

Việc từ chối nhận hàng của Cty B là phù hợp với quy định hiện hành. (0,5đ)

Theo quy định tại Điều 38 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội, nếu các bên không có thỏa thuận khác, trong trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng.

Trong Hợp đồng chỉ đề cập đến ngày giao hàng là 15/3/2014 và không có thỏa thuận khác về ngày giao hàng, nên Cty B có quyền từ chối nhận hàng. (0,5đ)

2.Anh/Chị hãy cho biết quy định về giá như trên có phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh không? Vì sao?  (2.5đ)

Quy định về giá như trên là không phù hợp với quy định hiện hành. (0,5đ)

Theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội (“Luật cạnh tranh”) thì Cty A là Cty có vị trí thống lĩnh thị trường (Cty có thị phần chiếm trên 30% trên thị trường liên quan).  (0,5đ)

Theo Hợp đồng, Cty A không cho phép Cty B bán lại sản phẩm thấp hơn giá bán do Cty A đưa ra. Căn cứ theo Khoản 2, Điều 13, Luật cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường như Cty A bị cấm thực hiện hành vi “Ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng”  (0,5đ)

Theo khoản 3, điều 27 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 (sđ bởi NĐ 119/2011/NĐ-CP) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh thì hành vi “ấn định giá bán lại gây thiệt hại cho khách hàng là việc khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ bán lại hàng hóa thấp hơn mức giá đã quy định trước”. (1,0đ)

*Lưu ý : so sánh với Luật cạnh tranh 2018 áp dụng từ 01/7/2019 và Nghị định hướng dẫn 35/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ, áp dụng từ 15/5/2020 để điều chỉnh đáp án nếu có thay đổi

3.Anh/Chị hãy cho biết Cty B có được phép thực hiện việc này không?   (1.5đ)

Công ty B không được phép tặng phiếu mua hàng giảm giá có giá trị bằng 70% giá của dịch vụ, hàng hóa. (0,5đ)

Điều 5 của Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ có quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại.

Do đó, Cty B chỉ được phép tặng phiếu mua hàng giảm giá có giá trị tối đa bằng 50% giá Sản phẩm. (1,0đ)

Lưu ý: NĐ 37/2006 bị thay thế bằng NĐ 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018, hiệu lực từ 15/7/2018, xem lai đáp án có phù hợp không

ĐỀ 2:

1. (1,5 điểm)

Người con riêng của ông X có tư cách là người thừa kế di sản của bà Y với điều kiện phải chứng minh có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như mẹ con với bà Y (mẹ kế)  (đ.654 BLDS 2015)   (0,5đ)

Con riêng của ông X có quyền khởi kiện để tranh chấp thừa kế di sản của bà Y với tư cách là con riêng của chồng nhưng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như mẹ con với bà Y (mẹ kế) (k.5 đ.25 BLTTDS 2004, k.5 đ.26 BLTTDS 2015)  (1,0đ)

2. (1,5 điểm)

 Người mẹ nuôi của bà Y phải chứng minh có quan hệ là mẹ nuôi của bà Y. (0,5đ)

Nếu chứng minh được quan hệ trên, người mẹ nuôi của bà Y được hưởng di sản thừa kế của bà Y theo quy định của pháp luật về thừa kế. (đ.651 BLDS 2015) (1,0đ) 

3. (2,0 điểm)

Những người thừa kế theo pháp luật của bà Y gồm có người mẹ nuôi, ông X (chồng), người con riêng của ông X và 02 người con chung của ông X và bà Y. Tổng số 05 người thừa kế. (1,0đ)

Những thừa kế của bà Y mỗi người được hưởng một phần bằng nhau đối với di sản của bà Y là 1/5 căn nhà tại quận 10, Tp. HCM. (đ.651 và 654 BLDS 2015) (1,0đ)

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon