Nội dung câu hỏi:
Chào công ty luật Dương Gia chi nhánh Đà Nẵng, tôi có một vấn đề cần được tư vấn như sau:
Công ty Cổ phần A đăng ký vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông sáng lập mới góp vốn bằng tiền mặt khoảng 4 tỷ đồng. Công ty vay ngân hàng theo hợp đồng tín dụng 6 tỷ đồng (thế chấp 02 dây chuyền máy móc của công ty và 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 02 cổ đông sáng lập).
Hiện tại đã quá thời hạn 90 ngày kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà các cổ đông vẫn chưa góp đủ vốn đã đăng ký. Tuy nhiên, các cổ đông sáng lập tiến hành chuyển nhượng một phần cổ phần. Tiếp đó, các cổ đông mới nhận chuyển nhượng tiếp tục chuyển nhượng cổ phần cho bên thứ ba. Các hợp đồng chuyển nhượng đều ghi nhận vốn điều lệ của công ty là 10 tỷ đồng, các bên cũng thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần với giá trị công ty theo đúng vốn điều lệ đã đăng ký là 10 tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, sau một thời gian kinh doanh, hoạt động, công ty đã phát sinh lợi nhuận. Các cổ đông mới yêu cầu chia cổ tức, lợi nhuận theo đúng tỷ lệ góp vốn.
Tuy nhiên, các cổ đông sáng lập đề nghị dùng một phần lợi nhuận này trả tiền lãi vay, một phần tiền gốc (đến hạn) cho ngân hàng. Số tiền còn lại sẽ chia theo tỷ lệ. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này phải giải quyết như thế nào?
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899
I. Căn cứ pháp lý
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
II. Nội dung tư vấn
Chào bạn, đối với nội dung này, Công ty luật TNHH Dương Gia Chi nhánh Đà Nẵng tư vấn như sau:
1. Vốn điều lệ sẽ được tính là bao nhiêu và sẽ bị xử phạt như thế nào trong trường hợp không góp đủ vốn điều lệ?
1.1. Vốn điều lệ của công ty
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tài sản góp vốn được ghi nhận trong vốn điều lệ bao gồm:
Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Theo đó, số vốn điều lệ của công ty được tính bằng số tiền cổ đông sáng lập thực góp. Cụ thể, vốn điều lệ Công ty là 4 tỷ đồng.
Số tiền 6 tỷ đồng còn lại mà công ty có được do việc thế chấp toàn bộ các tài, vay vốn từ ngân hàng thì đây là khoản vay của công ty, không được cộng dồn vào vốn điều lệ.
Ngoài ra, các cổ đông sáng lập vẫn có quyền tiếp tục chứng minh ngoài tiền mặt, đã góp vốn bằng các loại tài sản khác như đã nêu trên.
1.2. Xử phạt trường hợp không góp đủ vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp như sau:
Điều 113. Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
“1. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn…
…..
3. Trường hợp sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
….
d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.”
Theo đó, khi hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cổ đông không góp đủ theo đúng vốn điều lệ đã đăng ký thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông trong thời hạn 30 ngày.
Trong trường hợp này, nếu đã quá 90 ngày kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà công ty không thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ về đúng giá trị thực góp thì có thể bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể, căn cứ theo điểm a, khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về thành lập doanh nghiệp như sau:
Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
“…
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
…
Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;”
Như vậy, ngoài mức xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, căn cứ theo điểm b, khoản 5 Điều 46 của Nghị định này, doanh nghiệp còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi cổ đông sáng lập.
2. Chuyển nhượng cổ phần của công ty
Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, trường hợp công ty không góp đủ vốn theo quy định thì cổ đông không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
Theo đó, việc cổ đông của Công ty thực hiện việc chuyển nhượng trên vốn điều lệ 10 tỷ đồng (vốn điều lệ chưa góp đủ) có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý là Hợp đồng vô hiệu.
Cụ thể, căn cứ theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“…
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
…”
Theo đó, khi hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, các cổ đông nhận lại số cổ phần chuyển nhượng. Đồng thời hoàn trả lại số tiền chuyển nhượng cho người nhận chuyển nhượng cổ phần.
3. Việc chia cổ tức, lợi nhuận khi công ty phát sinh lợi nhuận
Căn cứ theo quy định tại Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về trả cổ tức
“2. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.”
Như vậy, công ty cổ phần buộc phải thanh toán toàn bộ tiền lãi ngân hàng, tiền gốc đến hạn và các nghĩa vụ tài chính khác trước khi trả cổ tức, phân chia lợi nhuận.
4. Một số phương án giải quyết
4.1. Phương án thứ nhất
Các cổ đông thỏa thuận về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ về đúng số tiền đã thực góp, đảm bảo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.
Thành phần hồ sơ điều chỉnh vốn điều lệ được thực hiện theo Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần.
Thỏa thuận lại về tỷ lệ cổ phần.
Phần lợi nhuận vẫn buộc phải thanh toán toàn bộ nghĩa vụ tài chính trước khi tiến hành trả cổ tức, phân chia lợi nhuận.
4.2. Phương án thứ hai
Các cổ đông sáng lập chủ động góp vốn bổ sung cho đủ vốn điều lệ đã đăng ký với Sở kế hoạch đầu tư, cụ thể là 10 tỷ đồng.
Trường hợp này, tỷ lệ cổ phần trong công ty được giữ nguyên.
Phần tiền góp vốn bổ sung sử dụng vào việc trả toàn bộ các khoản vay cho ngân hàng.
Lúc này, lợi nhuận được chia theo đúng tỷ lệ cổ phần, không phát sinh phần trả lãi, tiền gốc đến hạn do khoản vay ngân hàng đã được xử lý.
4.3. Phương án thứ ba
Trường hợp không thể thỏa thuận, thống nhất, các cổ đông có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, đề nghị giải quyết tranh chấp hoặc đề nghị tuyên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vô hiệu.
Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới vấn đề cổ phần, phần vốn góp nói riêng cũng như các vấn đề pháp lý liên quan tới luật Doanh nghiệp nói chung, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật TNHH Dương Gia qua hotline 19006568 để được hỗ trợ.