Hệ thống công trình điện luôn giữ vai trò quan trọng cũng như là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về an toàn vận hành công trình điện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, để thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ an toàn công trình hạ tầng thiết yếu, Bộ luật hình sự 2015 đã đặt ra những quy định cụ thể đối với Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện.
Qua bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích cụ thể cấu thành tội phạm, điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như các vấn đề khác có liên quan về tội danh này.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017)
1. Khái niệm và căn cứ pháp lý về Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực
Hành vi này được hiểu là cá nhân hoặc tổ chức xâm phạm các quy tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình điện trong quá trình xây dựng, vận hành và khai thác, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, gây thiệt hại về tài sản, làm gián đoạn việc cung cấp điện hoặc đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.
Về mặt lý thuyết, hành vi vi phạm có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, bất cẩn hoặc cố ý, và thường gắn liền với các hành vi như xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ công trình điện, tác động vật lý làm hư hỏng thiết bị điện, hoặc vận hành hệ thống điện không đúng quy chuẩn kỹ thuật.
Theo đó, tại Điều 314 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể về tội danh này như sau:
“Điều 314. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực
1. Người nào cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn của công trình điện lực; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện lực; đào hố, đóng cọc, xây nhà trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo; lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Các yếu tố cấu thành tội phạm
2.1. Khách thể
Tội vi phạm quy định về vận hành công trình điện là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về an toàn vận hành công trình điện. Đối tượng tác động của tội phạm này là hành lang bảo vệ an toàn vận hành công trình điện, và các đối tượng cụ thể như:
– Quan hệ xã hội liên quan đến an toàn vận hành công trình điện lực: Tội phạm này xâm phạm đến các quy định nhằm bảo đảm an toàn trong việc vận hành công trình điện lực, bao gồm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và bảo vệ tài sản.
– Sức khỏe và tính mạng con người: Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của công nhân, người dân và những người liên quan.
– Tài sản và môi trường: Vi phạm có thể dẫn đến thiệt hại tài sản do sự cố điện lực, như cháy nổ hoặc hư hại thiết bị, cũng như ảnh hưởng đến môi trường nếu có sự cố liên quan đến công trình điện lực.
2.2. Khách quan
a. Hành vi phạm tội
– Vi phạm quy định về an toàn trong vận hành công trình điện lực: Các hành vi như không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về vận hành, bảo trì hoặc kiểm tra định kỳ công trình điện lực, không thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết khi làm việc với thiết bị điện lực.
– Không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn: Ví dụ, không trang bị thiết bị bảo hộ cho nhân viên, không đào tạo công nhân về an toàn lao động, hoặc không thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự cố trong quá trình vận hành.
b. Hậu quả
– Thiệt hại về sức khỏe và tính mạng: Nguy cơ thương vong, chấn thương hoặc tử vong do sự cố điện lực gây ra.
– Thiệt hại tài sản: Hư hại hoặc mất mát tài sản do sự cố như cháy nổ, hỏng hóc thiết bị điện lực.
– Ô nhiễm môi trường: Nếu sự cố điện lực ảnh hưởng đến môi trường, ví dụ, khi xảy ra cháy nổ có thể dẫn đến ô nhiễm không khí hoặc đất.
Đối với tội danh này, hậu quả là yếu tố bắt buộc, cần chứng minh rằng hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực đã dẫn đến các hậu quả cụ thể như thiệt hại sức khỏe, tài sản, hoặc môi trường. Trường hợp hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra, người phạm tội tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2.3. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
2.4. Chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện hầu hết là do vô ý, tức là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó.
– Động cơ thực hiện có thể vì lợi ích kinh tế (Ví dụ, tiết kiệm chi phí bảo trì hoặc giảm chi phí đầu tư vào các biện pháp an toàn); thiếu trách nhiệm hoặc chủ quan trong việc đánh giá mức độ rủi ro.
– Mục đích nhằm tránh các quy định pháp luật (ví dụ, để giảm chi phí hoặc thời gian trong quá trình vận hành công trình điện lực); cẩu thả hoặc thiếu hiểu biết. Nhìn chung, mục đích không phải là chủ đích vi phạm pháp luật nhưng hành vi thiếu trách nhiệm hoặc không tuân thủ quy định có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.
3. Quy định về khung hình phat
Tại điều 314 Bộ luật Hình sự 2017 quy định các mức phạt sau:
– Mức 1: Phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm đối với các trường hợp cấu thành nêu trên, hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định đó này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. khi xảy ra các hậu quả.
– Mức 2: Phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp đáp ứng cấu thành tội phạm nhưng gây ra các hậu quả sau:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
– Mức 3: Phạt tù từ 06 năm đến 10 năm đối với trường hợp rất nghiêm trọng. Hình phạt được áp dụng khi ứng cấu thành tội phạm nhưng gây ra các hậu quả sau:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
– Mức 4: Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các trường hợp rơi vào khung 3 nêu trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tóm lại, việc bảo đảm an toàn trong vận hành công trình điện lực không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà còn là trách nhiệm pháp lý quan trọng đối với mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là điều cần thiết để bảo vệ an toàn công trình điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững của đất nước.
Với toàn bộ những phân tích nêu trên, Luật Dương Gia hy vọng rằng bạn đọc đã có được cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực. Trường hợp cần làm rõ những nội dung liên quan hoặc cần tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ :
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899