Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

quyen-hien-nhan-mo-bo-phan-co-the-nguoi-va-hien-lay-xac

Xã hội ngày càng phát triển, các lĩnh vực thiết yếu cũng theo đó phát triển vượt bậc. Cụ thể, nền y học trên thế có nhiều phát triển mạnh mẽ trong việc tìm tòi, nghiên cứu ra các phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể con người. Đặc biệt hơn nữa là sự phát triển của y học, giải phẫu học đã làm cho đời sống con người thay đổi một cách ngoạn mục, từ chỗ con người có thể bị chết do một bộ phận cơ thể nào đấy bị bệnh dẫn đến “hỏng” thì con người có thể được tái sinh sự sống qua việc được cấy, ghép mô, bộ phận cơ thể. Chính vì vậy, nhu cầu về việc cấy, ghép mô, tạng ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới ngày càng lớn.

Theo đó, pháp luật Việt Nam với mục đích nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và tạo nguồn cung cấp mô, tạng dồi dào phục vụ cho việc cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học đã có những quy định chung nhất cho đến cụ thể nhất về vấn đề này. Nội dung bài viết này nhằm giúp người đọc có thêm những kiến thức về quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và hiểu rõ hơn về quyền này.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006
  • Bộ luật Dân sự năm 2015

1. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Theo quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Cá nhân có quyền hiến mô và bộ phận cơ thể của chính họ trong suốt cuộc đời, hoặc hiến mô và bộ phận cơ thể của họ hoặc hiến xác sau khi chết với mục đích điều trị bệnh của người khác hoặc để tiến hành nghiên cứu khoa học.

Cá nhân có quyền nhận mô cơ quan của người khác để phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Hiểu một cách thông thường thì quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người là việc một cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu cần thiết và theo luật quy định thì sẽ được hiến mô, bộ phận cơ thể của mình cho người bệnh đang cần hoặc người bệnh được nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác nhằm chữa bệnh; hiến, lấy xác là việc một người với ý chí tự nguyện hiến cơ thể, thân xác của mình sau khi chết để cứu đời giúp người hoặc giúp đỡ công tác nghiên cứu khoa học trên chính thân thể của mình.

Đây là một quyền mang tính nhân văn rất cao và những người hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác là những người có nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Chính vì vậy, nhà nước đã có những quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này để việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác được tuần thủ nghiêm ngặt theo các điều kiện để tránh việc buôn bán bộ phận cơ thể người, tránh những trường hợp lợi dụng việc này mà thực hiện hành vi xấu xa.

2. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể trong pháp luật Việt Nam

Đối với việc hiến xác, bộ phận cơ thể, pháp luật Việt Nam có quy định rất rõ về các nguyên tắc tại Điều 4 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 như sau:

Điều 4. Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.

2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

3. Không nhằm mục đích thương mại.

4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

– Đối với nguyên tắc tự nguyện: Tự nguyện là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất trong luật dân sự, chỉ có sự tự nguyện mới đảm bảo được sự tự định đoạt của chủ thể. Để có được sự tự nguyện thì người hiến tặng phải có khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi của mình. Chính vì vậy, pháp luật quy định những người hiến tặng phải là người có năng lực hành vi dân sự.

Tuy vậy, theo quy định tại Điều 6 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì nam từ đủ hai mưởi tuổi trở lên và nữ từ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật. Quy định này phù hợp với Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về độ tuổi kết hôn, dẫn đến việc hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi chỉ cần sự tự nguyện và đồng ý của chính chủ thể và tự họ có thể thực hiện được dễ dàng và không ảnh hưởng đến bất kỳ người thân nào của họ.

Do đó, việc thực thi điều này trên thực tế mang tính khả thi cao. Nhưng việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết thường sẽ liên quan đến thân nhân của người hiến cho nên đối với thực thế thì việc này tính khả thi không cao. Cho đến thời điểm hiện tại, Luật không quy định việc hiến tặng phải có sự đồng ý của thân nhân, do đó trong trường hợp nếu những thân nhân của người hiến tặng không đồng ý thì có thể cưỡng chế họ không và ai là người được quyền cưỡng chế. Đây chính là lỗ hỏng lớn mà pháp luật vẫn chưa thể giải quyết một cách thấu đáo để vừa hợp tình lại vừa hợp lý.

Trong vấn đề tử tù tự nguyện hiến xác sau khi thi hành án, cho đến nay đã có nhiều tử tù có nguyện vọng hiến xác nhưng các quy định về thi hành án tử hình thì lại không hề đề cập đến vấn đề này. Có rất nhiều ý kiến thể hiện nhiều quan điểm công nhận sự tự nguyện hiến xác của các tử tù nhưng cũng có không ít lo ngại về mặt tâm lý, thuần phong mỹ tục cũng như truyền thống. Đó chính là sự quan ngại những người bị tử hình là người nguy hiểm cho xã hội, việc tước đi quyền được sống của họ chính là để loại bỏ đi con người không đáng được sống này nên không cần phải sử dụng lại các bộ phận cơ thể của họ nữa.

Hay sự lo sợ rằng khi những người được cấy ghép các bộ phận cơ thể biết được rằng đây là bộ phận của người tử tù sẽ bị shock tâm lý đối với những người không thể chấp nhận được việc này. Nếu nhìn nhận từ gốc độ y học thì một cơ thể chết đi là một thực thể vô tri vô giác và nó không hề có tội mà còn có rất nhiều lợi ích cho y học và khoa học. Vướng mắc duy nhất chính là việc thừa nhận việc các tử tù được tự nguyện hiến xác cho khoa học và xã hội của pháp luật thi hành án tử hình.

– Về nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại: Theo các công ước quốc tế về nguyên tắc thì mô, bộ phận cơ thể không được coi là một món hàng hoá và không được coi là có tính thương mại. Tuy nhiên, qua pháp luật của các quốc gia và qua các nghiên cứu có thể thấy rằng pháp luật quy định là vậy nhưng quan điểm vẫn còn khác nhau.

Một số nước quy định trực tiếp trong luật là không thừa nhận tính thương mại của mô, bộ phận cơ thể người và thậm chí không coi mô, bộ phận cơ thể như một tài sản theo nghĩa thuần tuý có thể trao đổi, mua bán, tiêu biểu cho quan điểm này là Pháp, Đức… Quan điểm khác cho rằng nên thừa nhận hiến mô, tạng vì mục đích thương mại vì bộ phận cơ thể là tài sản, mỗi cá nhân khi cho đi một bộ phận cơ thể thì có quyền nhận lại được một lợi ích vật chất nhất định chính là quyền hoàn toàn chính đáng và đảm bảo người mua, kẻ bán, người trung gian đều có lợi trong vấn đề này. Mặt khác, nhu cầu về ghép bộ phận cơ thể trên thực tế là rất lớn, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để có được thử mình cần. Song song hai quan điểm này, có một quan điểm khác nữa mang tính dung hoà hơn là họ cho rằng nên thừa nhận việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người là vì mục đích thương mại nhưng trong một giới hạn nhất định.

Theo khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác và tại Điều 4 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006 ghi nhận vấn đề này thành nguyên tắc “không nhằm mục đích thương mại”. Xét về mặt xã hội học, pháp luật học thì việc pháp luật Việt nam nghiêm cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại là hợp lý vì:

+ Về mặt thuật ngữ thì bản thân từ “hiến” cũng thể hiện rõ tính tự nguyện của việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể người mà không cần đòi hỏi bất kỳ sự trao đổi lợi ích vật chất nào do đó đã nói đến hiến thì không thể vì mục đích thương mại mà vì mục đích cao quý hơn rất nhiều, chính là nhằm cứu chữa người bệnh hoặc vì mục đích phục vụ sự nghiệp nghiên cứu y học tìm ra những phương thức để phòng, chữa trị cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.

+ Đó là sự tương thân, tương ái, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Và truyền thống tốt đẹp này thì không thể đem quy đổi ra tiền bạc, vật chất được. Mặc dù bộ phận cơ thể người có tính giá trị và giá trị sử dụng nhưng nó không phải là cái con người có thể tạo ra trong quá trình sản xuất mà đó là tạo hoá ban tặng cho mỗi người và nó tạo thành sự thống thống nhất của cơ thể con người để có thể tồn tại và phát triển bình thường, nó gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người do đó nó không được coi là hàng hoá. Như vậy, nó đương nhiên không được phép trao đổi mua bán trên thị trường vì mục đích thương mại.

 – Về nguyên tắc giữ bí mật các thông tin liên quan đến người hiến: Dường như hầu hết các quốc gia đều quy định giữ bí mật về thông tin giữa người hiến cũng như người nhận là một nguyên tắc quan trọng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Về việc nguyên tắc này được quy định là một sự dự phòng tuyệt vời và hợp lý của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của cả người hiến cũng như người nhận.

Xét theo hướng tích cực, việc thân nhân người hiến biết thông tin về người được ghép bộ phận cơ thể của người thân mình sẽ giúp họ gặp người ấy để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, còn người được ghép gặp lại có thể bày tỏ lòng biết ơn với người hiến và gia đình của họ.

Nhưng bên cạnh mặt tích cực chúng ta cũng phải quan tâm đến mặt tiêu cực của nó vì khi một người chết hiến xác, bộ phận cơ thể thì nỗi đâu thường sẽ thuộc về người còn sống, có thể gia đình người chết thì không vượt qua hiện thực rằng người thân của mình đã chết còn người được ghép thì khó có thể quay lại hiện thực cuộc sống của chính mình bởi chính những ám ảnh cuộc sống của một người khác hoặc của một phần thân thể người khác tồn tại trong cơ thể của mình hoặc hơn nữa là hiện tượng người thân của người được hiến không hiểu, không đồng ý cho hiến, không chấp nhận hay thậm chí cho rằng người được ghép đã cướp đi cuộc sống của người thân mình dẫn tới xác suất xảy ra những việc làm bất lợi cho người được nhận mô, bộ phận cơ thể là rất lớn như đòi tiền, quấy rối, đe doạ… Tuy nhiên, nếu tuân thủ hoàn toàn 100% nguyên tắc này thì sẽ đi ngược lại quyền của trẻ em được biết nguồn gốc huyết thống của mình trong trường hợp sinh con bằng xin trứng, xin tinh trùng.

Bên cạnh những nguyên tắc về việc hiến mô, bộ phận cơ thể thì tại Điều 11 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong việc hiến nhận mô, bộ phận cơ thể như:

– Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người, lấy trộm xác;

– Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến;

– Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, mua, bán xác;

– Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại;

– Lấy mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

– Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời;

– Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại;

– Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Nhìn chung có thể thấy, những hành vi bị cấm nêu trên được quy định với một mục đích chung nhất là để bảo vệ việc hiến nhận mô, bộ phận cơ thể của một cá nhân không bị xâm phạm và không bị chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động thương mại trái pháp luật.

Thực tế những năm gần đây cho thấy rất rõ ràng về việc dùng tử thi vô thừa nhận góp phần cứu chữa được nhiều người bệnh, nhiều bệnh nhân nhờ vào đó mà thoát cửa tử. Tuy nhiên, hiện nay Luật vẫn chưa có quy định cụ thể về tử thi vô thừa nhận. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát có thể dễ dàng đánh giá việc hiến mô, bộ phận cơ thể là một nghĩa cử cao đẹp cần được bảo vệ và tạo điều kiện. Có thể thấy, một cuộc đời khép lại vẫn có thể cứu giữ rất nhiều cuộc đời khác từ chính cơ thể của mình. Chính vì vậy, những hành động vi phạm pháp luật về hiến nhận mô, bộ phận cơ thể đáng bị lên án và xử lý nghiêm khắc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon