Lỗi trong trách nhiệm dân sự

loi-trong-trach-nhiem-dan-su

Trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi, áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật dân sự để buộc chủ thể này phải khắc phục những tổn thất đã gây ra. Căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự gồm nhiều yếu tố, trong đó lỗi là một trong những yếu tố làm phát sinh trách nhiệm dân sự. Lỗi là trạng thái tâm lý tiêu cực của người có hành vi vi phạm với hậu quả của hành vi mình gây ra, nó phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Trách nhiệm dân sự là gì?

Nghĩa vụ dân sự là một quan hệ pháp lý giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ xác định, tại đó bên có nghĩa vụ bị pháp luật cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ. Khoản 1 điều 351 Bộ luật dân sự quy định:

“Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.”

Như vậy, người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi là trách nhiệm dân sự. Nếu các bên thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình thì quan hệ pháp luật phát sinh là quan hệ nghĩa vụ, còn trong trường hợp nghĩa vụ bị vi phạm, quan hệ phát sinh sau đó là quan hệ trách nhiệm.

Tóm lại, trách nhiệm dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi, áp dụng đối với chủ thể vi phạm pháp luật dân sự để buộc chủ thể này phải khắc phục những tổn thất đã gây ra.

Như đã khẳng định ở trên, trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý nói chung, nên giống như các loại trách nhiệm pháp lý khác, nó cũng có những đặc điểm chung sau đây:

– Thứ nhất, TNDS là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Việc áp dụng TNDS được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế Nhà nước, đó là chế tài được áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật dân sự.

– Thứ hai, TNDS chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Hành vi vi phạm pháp luật dân sự ở đây có thể là: gây thiệt hại cho người khác bằng hành vi trái pháp luật; chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; hủy hoại tài sản của người khác; vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng đã được ký kết và có hiệu lực pháp luật…

– Thứ ba, khi TNDS được áp dụng bao giờ nó cũng mang lại những hậu quả bất lợi đối với bên vi phạm, đó là những hậu quả bất lợi về mặt tài sản đối với bên vi phạm. Bởi vì, khi có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, thiệt hại gây ra thường là những thiệt hại về tài sản.

Ngay cả khi thiệt hại gây ra là thiệt hại về tinh thần thì để bù đắp cho những tổn thất tinh thần đó, cũng chỉ có thể được thực hiện bằng việc bù đắp về mặt tài sản. Việc áp dụng TNDS nhằm bù đắp những tổn thất mà người bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm pháp luật của người có hành vi vi phạm gây ra.

– Thứ tư, chủ thể chịu TNDS có thể là người thực hiện hành vi vi phạm hoặc không phải là người thực hiện hành vi vi phạm. Thông thường người thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải tự mình gánh chịu TNDS. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt người gánh chịu TNDS lại không phải là người thực hiện hành vi vi phạm.

Đó là trong các trường hợp như: người của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân mà gây thiệt hại thì pháp nhân sẽ là người phải bồi thường; trường hợp người đại theo pháp luật của người chưa thành niên phải bồi thường khi người chưa thành niên gây thiệt hại mà người đại diện theo pháp luật đó có lỗi trong việc quản lý.

2. Lỗi trong trách nhiệm dân sự

Không phải trong mọi trường hợp cứ có hành vi vi phạm hợp đồng thì người vi phạm đều phải gánh chịu trách nhiệm dân sự. Họ chỉ phải gánh chịu trách nhiệm dân sự nếu họ có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng.

Lỗi ở đây được hiểu là trạng thái tâm lý tiêu cực của người có hành vi vi phạm với hậu quả của hành vi mình gây ra, nó phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Dù lỗi của người có hành vi vi phạm là lỗi cố ý hay lỗi vô ý thì họ đều phải chịu trách nhiệm dân sự nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định khác.

– Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

– Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Lỗi là một trong các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự. Việc xác định lỗi là cố ý hay vô ý có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm và phạm vi bồi thường. Có những trường hợp là lỗi suy đoán. Khi một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác, tức hành vi trái pháp luật, người đó bị suy đoán là có lỗi.

Khi đó, người có quyền chứng minh người có nghĩa vụ không thực hiện, hay thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại không thể tự chứng minh được, hoặc sẽ bị bắt lợi nếu phải chứng minh.

Vì thế, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh. Trong khoa học pháp lý, lỗi được hiểu là thái độ tâm lý chủ quan của người vi phạm nghĩa vụ dân sự, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ đã thực hiện. Vì lẽ đó, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình được coi là không có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó cũng như không phải chịu trách nhiệm cho hành vi của họ.

Đối với các trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ, bệnh viện…. là những đối tượng có nghĩa vụ phải quản lý, chăm sóc, giáo dục theo quy định của pháp luật sẽ được suy đoán là có lỗi khi không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên và phải chịu trách nhiệm do lỗi của họ.

3. Miễn trừ trách nhiệm dân sự

Về mặt pháp lý, trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi được áp dụng đối với những người phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có vi phạm pháp luật và đó là hậu quả của hành vi vi phạm đồng thời trách nhiệm pháp lý thể hiện được sự răn đe đối với những hành vi vi phạm. Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:

Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

“1.Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.” 

Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng bao gồm: sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm và thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng.

3.1. Miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng do sự kiện bất khả kháng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: 

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

Như vậy, để được miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng do sự kiện bất khả kháng cần có những điều kiện đó là:

– Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể dự liệu trước được và nằm ngoài ý chí của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Đó có thể là các hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai), cũng có thể là các hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách chính phủ…

– Ngoài ra, trong thực tiễn, các bên tham gia giao kết hợp đồng còn có thể đưa ra những sự kiện khác là những sự kiện bất khả kháng làm căn cứ để miễn trách nhiệm dân sự (hoặc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng) như: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ giao hàng… Những sự kiện này, về mặt lý luận thì không được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên không có thỏa thuận; trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì pháp luật ghi nhận và tôn trọng các thỏa thuận đó.

– Sự kiện bất khả kháng phải xảy ra sau khi các bên giao kết hợp đồng;

– Sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng phải có mối quan hệ nhân quả. Trong đó, sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân, còn hành vi vi phạm là kết quả. Bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng phải chứng minh được sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của việc vi phạm hợp đồng. Nếu không chứng minh được thì bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự.

– Các bên trong quan hệ hợp đồng đã dùng hết khả năng để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được. Quy định này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của bên có nghĩa vụ trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

3.2. Miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng khi thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm

Tại khoản 3 Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định một trường hợp được miễn trừ trách nhiệm dân sự là:

“Bên có nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”.

Việc lỗi hoàn toàn do bên có quyền cũng đồng nghĩa với bên có nghĩa vụ không có lỗi. Do đó, việc bên có nghĩa vụ chứng minh lỗi hoàn toàn thuộc về bên có quyền suy cho cùng chỉ là một biện pháp nhằm chứng minh bên có nghĩa vụ không có lỗi. Vì vậy, bất kể lỗi hoàn toàn do bên có quyền hay do người thứ ba hoặc không bên nào có lỗi thì bên có nghĩa vụ cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự.

3.3. Miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng khi có thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng

Pháp luật dân sự quy định thỏa thuận của các bên trong hợp đồng cũng là căn cứ để miễn trách nhiệm dân sự của bên vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo sự tôn trọng của các bên trong hợp đồng, vừa hạn chế được việc bên có lợi thế hơn trong giao kết hợp đồng lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm dân sự thì cần phải đánh giá tính hợp lý của thỏa thuận đó.

Do đó, một thỏa thuận về căn cứ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý nếu như hành vi vi phạm hợp đồng không phải do lỗi cố ý. Bởi, nếu hành vi vi phạm là do lỗi cố ý thì sự vi phạm đó được coi là một vi phạm nặng và điều khoản về miễn trừ trách nhiệm theo thỏa thuận trong hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về vấn đề lỗi trong trách nhiệm dân sự. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon