Mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Một trong những hành vi vi phạm phổ biến nhưng thường bị xem nhẹ là tội sử dụng trái phép tài sản. Hành vi này được hiểu là việc một cá nhân tự ý sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nhằm thu lợi bất chính.
Hành vi sử dụng trái phép tài sản không chỉ xâm phạm quyền sở hữu mà còn ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế. Do đó, Bộ luật Hình sự đã có các quy định cụ thể để xử lý nghiêm minh hành vi này.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội danh này? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan.
1. Khái niệm tội sử dụng trái phép tài sản
Sử dụng trái phép tài sản là hành vi của một người vì vụ lợi đã khai thác một cách trái phép giá trị sử dụng của tài sản do đang chiếm giữ. Tội phạm xâm phạm chủ yếu đến quyền sử dụng tài sản, người phạm tội còn phải chiếm hữu tài sản, do đó tội phạm cũng xâm phạm đến quyền chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, muốn sử dụng được tài sản.
Ví dụ, một nhân viên trong công ty tự ý lấy xe ô tô của công ty để sử dụng cho mục đích cá nhân mà không có sự đồng ý của cấp trên. Dù chiếc xe không bị mất hoặc hư hỏng nhưng hành vi này vẫn có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hình phạt đối với hành vi này nhằm đảm bảo sự an toàn của mọi người tham gia giao thông tại Điều 177 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
“Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là di vật, cổ vậthoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóanếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Dấu hiệu pháp lý của tội sử dụng trái phép tài sản
2.1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ cá nhân nào từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trong đó có tội sử dụng trái phép tài sản.
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Tội phạm có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cũng có thế do nhiều người cùng thực hiện.
2.2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Việc sử dụng trái phép tài sản xâm phạm trực tiếp đến quyền sử dụng tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức và gián tiếp xâm phạm quyền chiếm hữu tài sản.
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Như vậy, tội sử dụng trái phép tài sản có thể liên quan đến nhiều loại tài sản khác nhau, miễn là hành vi xâm phạm quyền sử dụng hợp pháp của người khác.
2.3. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm được xác định là hành vi vì động cơ vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác.
– Hành vi sử dụng trái phép tài sản được hiểu là hành vi tự ý khai thác giá trị sử dụng của tài sản mà không có quyền hợp pháp đối với tài sản đó. Mặc dù hành vi này không làm mất đi quyền sở hữu của chủ tài sản, nhưng vẫn xâm phạm đến quyền chiếm hữu, sử dụng của họ. Chẳng hạn, một cá nhân làm nhân viên giao hàng do xe máy của mình bị hỏng, đã tự ý sử dụng tạm thời một chiếc xe máy đang đỗ trước cửa hàng mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, sau khi hoàn thành công việc đã đưa xe về vị trí cũ.
Cần phân biệt rõ hành vi sử dụng trái phép tài sản với hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chỉ bị coi là sử dụng trái phép khi mục đích của người thực hiện chỉ nhằm khai thác giá trị sử dụng của tài sản trong một khoảng thời gian nhất định mà không có ý định chiếm đoạt. Sau thời gian này, tài sản được hoàn trả lại cho chủ sở hữu.
– Hậu quả của hành vi sử dụng trái phép tài sản là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Pháp luật không yêu cầu xác định giá trị sử dụng (hoa lợi) mà người phạm tội thu được từ việc sử dụng tài sản trái phép, mà chỉ cần xác định giá trị tài sản bị sử dụng trái phép. Theo quy định tại khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự, có hai trường hợp hậu quả như sau:
Thứ nhất, tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc người phạm tội đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm.
- Trường hợp người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản, bao gồm các hình thức xử phạt theo Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc theo điều lệ của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu trước đó người này bị xử phạt hành chính về một hành vi khác (không phải hành vi sử dụng trái phép tài sản) thì không thuộc phạm vi áp dụng của khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự.
- Trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản nhưng chưa được xóa án tích theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Nếu trước đó người này bị kết án về một tội danh khác (không phải tội sử dụng trái phép tài sản) thì không thuộc phạm vi áp dụng của khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc loại di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa, trừ trường hợp bị xử lý theo Điều 220 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009, di vật được hiểu là hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền lại qua các thời kỳ; cổ vật là hiện vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, có niên đại từ một trăm năm tuổi trở lên.
Ngoài ra, tài sản bị sử dụng trái phép trong trường hợp này không bao gồm vốn đầu tư công của Nhà nước. Nếu tài sản bị sử dụng trái phép là vốn đầu tư công thì hành vi phạm tội sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Cụ thể, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Trường hợp không mong muốn hậu quả nhưng ý thức được khả năng xảy ra và bỏ mặc hậu quả, vẫn được xác định là lỗi cố ý.
– Mục đích của người phạm tội là mong muốn khai thác giá trị sử dụng của tài sản. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
– Động cơ phạm tội là vì vụ lợi, tức nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho bản thân hoặc cho người khác mà họ quan tâm. Đây cũng là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không chứng minh được động cơ vụ lợi thì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này.
3. Khung hình phạt đối với tội sử dụng trái phép tài sản
Theo Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội sử dụng trái phép tài sản có thể bị xử lý theo các mức phạt sau:
– Khung 1. Quy định hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
– Khung 2. Quy định hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tài sản trị giá 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
- Tài sản là bảo vật quốc gia (là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học);
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề trong một thời gian nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội sử dụng trái phép tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức và có thể gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Để tránh rơi vào tình huống vi phạm pháp luật, mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sử dụng tài sản của người khác, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Trên đây là nội dung về “Tội sử dụng trái phép tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp quý khách hàng vẫn còn thắc mắc hoặc cần được tư vấn thêm, vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899