Tài sản chung của người phải THADS với người khác có thể bị kê biên để THADS. Kê biên loại tài sản này khá phức tạp. Bài viết này nghiên cứu về kê biên tài sản chung của người phải THADS dựa trên thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định này tại Việt Nam gần đây. Trên cơ sở phân tích thực trạng pháp luật thi hành án dân sự tại Việt Nam, nội dung bài viết sẽ chỉ ra những vưỡng mắc, bất cập trong lĩnh vực này.
1. Thực trạng kê biên tài sản chung của người phải thi hành án
Kê biên tài sản để THADS là một trong những biện pháp cưỡng chế, được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định đã có hiệu lực, họ có tài sản để thực hiện nghĩa vụ đó nhưng họ lại không tự nguyện thực hiện.([1]) Trong THADS, kê biên tài sản để THADS là biện pháp được Nhà nước sử dụng để bắt buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ. Vì thế, các quy định của pháp luật THADS về kê biên tài sản là cơ sở pháp lí không thể thiếu khi thực hiện biện pháp này. Các quy định của pháp luật về kê biên tài sản thể hiện “kĩ thuật pháp lí nhằm tạo dựng niềm tin”([2]) cho người được thi hành án nói riêng và người dân trong xã hội nói chung vào giá trị pháp lí thực tế của các quyết định trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Hiểu một cách cụ thể hơn, kê biên tài sản hay các quy định của pháp luật THADS về kê biên tài sản sẽ làm chấm dứt tình trạng người phải thi hành án chống đối, cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoặc tránh được việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản, không chịu thi hành án.
Hiện nay, biện pháp kê biên tài sản được ghi nhận tại khoản 3 Điều 71 và được cụ thể hoá trong nhiều điều luật khác tại Chương IV Luật THADS năm 2014. Tài sản bị kê biên để thi hành án có thể là tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án nhưng cũng có thể là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án đối với người khác. So với kê biên đối với tài sản riêng của người phải thi hành án, việc kê biên tài sản là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án đối với người khác thường khó khăn, phức tạp hơn. Vì thế, việc kê biên đối với tài sản chung này phải được thực hiện theo đúng các quy định của Luật THADS năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS năm 2014 như Nghị định của Chính phủ số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP), Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 11).
2. Những điểm nội bật của kê biên tài sản chung của người phải thi hành án với người khác
2.1. Về tài sản chung được kê biên để THADS
Cho đến hiện tại, các văn bản pháp luật THADS chưa có điều luật quy định cụ thể tài sản chung bị kê biên để thi hành án bao gồm những loại tài sản nào. Nếu hiểu theo quy định tại Điều 207 BLDS năm 2015 thì tài sản chung bị kê biên để THADS là tài sản thuộc sở hữu chung. Trong khi đó, “sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung”. Trên thực tế, các trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều chủ sở hữu có thể là tài sản chung của vợ chồng, tài sản công ti, tài sản chung của thôn, làng… Hiện tại, Điều 74 Luật THADS năm 2014 có quy định về tài sản chung bị xác định, phân chia, xử lí để thi hành án, tuy nhiên, vì chưa có quy định cụ thể nên việc xác định tài sản chung được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo cách hiểu đơn giản nhất, tài sản chung được xác định là tài sản thuộc quyền sở hữu của nhiều người. Quyền sở hữu tài sản của nhiều người này thường bao gồm các quyền của nhiều người đối với tài sản như quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Tuy nhiên, do có những loại tài sản đặc biệt chỉ được nhà nước công nhận cho chủ thể quyền sử dụng (ví dụ như quyền sử dụng đất) nên tài sản thuộc sở hữu chung này còn có thể hiểu là tài sản thuộc quyền sử dụng chung của nhiều người.
Ngoài ra, khi kê biên tài sản chung theo quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2014 thì còn cần phải thống nhất hiểu tài sản chung là tài sản của người phải THADS với người khác mà người khác đó không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ trong bản án, quyết định đang được tổ chức thi hành, bởi nếu là người có quyền lợi, nghĩa vụ trong bản án, quyết định đang được tổ chức thi hành thì bản thân họ đã có tư cách đương sự trong THADS (là người được thi hành án hoặc là người phải thi hành án), sau này nếu có mâu thuẫn, tranh chấp gì về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong bản án, quyết định của toà thì không thể quy định buộc họ phải khởi kiện lại, yêu cầu toà án giải quyết lại về tài sản đó được.([3]) Với cách hiểu này, các trường hợp tài sản chung của người phải thi hành án với những người khác trong các vụ án chia thừa kế, vụ án hôn nhân gia đình đã được toà án giải quyết sẽ không thuộc trường hợp tài sản chung được xác định, phân chia, xử lí theo quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2014.
Như vậy, để việc kê biên tài sản chung theo quy định tại Điều 74 Luật THADS năm 2014 được đúng đắn và có hiệu quả cao thì tài sản chung bị kê biên để THADS là những tài sản thuộc sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án với người khác mà “người khác” đó phải là người không liên quan đến bản án, quyết định đang được tổ chức thi hành, không phải là một đương sự trong bản án, quyết định được thi hành.
2.2. Về nguyên tắc áp dụng biện pháp kê biên đối với tài sản thuộc sở hữu chung
Thông thường, cơ quan, tổ chức THADS sẽ kê biên đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải THADS trước và chỉ kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác khi tài sản riêng của người phải thi hành án không đủ, không có để thi hành nghĩa vụ hoặc do yêu cầu của người phải thi hành án và xét thấy yêu cầu này không gây khó khăn cho cơ quan thi hành án. Sở dĩ phải xác định đây là một nguyên tắc bởi nhìn chung, xét về sự thuận lợi thì việc kê biên đối với tài sản riêng của người phải THADS sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn so với kê biên tài sản chung của người phải THADS với người khác. Thông thường, tài sản riêng của người phải THADS sẽ là đối tượng đầu tiên của biện pháp kê biên tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy sẽ có trường hợp kê biên tài sản riêng không đủ để người phải THADS thực hiện nghĩa vụ, thậm chí họ không có tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ hoặc người phải thi hành án chủ động yêu cầu kê biên tài sản chung trước và yêu cầu này không hề gây khó khăn gì cho cơ quan, tổ chức thi hành án thì đương nhiên trong những trường hợp này phải xác định tài chung của người phải thi hành án với người khác là đối tượng của biện pháp kê biên tài sản. Nguyên tắc này cũng đã được thể hiện trong hướng dẫn tại khoản 2 và 4 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Cơ quan THADS chỉ kê biên, xử lí đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của người phải thi hành án về việc tự nguyện đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án, các chi phí liên quan. Thủ tục áp dụng cho trường hợp này là chấp hành viên phải lập biên bản giải thích cho người bị kê biên tài sản chung về việc họ phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lí tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Người phải thi hành án sẽ bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Riêng với trường hợp người phải THADS là doanh nghiệp thì theo khoản 5 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, “Cơ quan THADS chỉ kê biên tài sản khác của doanh nghiệp phải thi hành án, nếu sau khi đã khấu trừ tài khoản, xử lí vàng, bạc, đá quý, kim khí quý khác, giấy tờ có giá của doanh nghiệp đang do doanh nghiệp quản lí hoặc đang do người thứ ba giữ mà vẫn không đủ để thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định có quyết định khác hoặc đương sự có thoả thuận khác”.
Nguyên tắc chỉ kê biên tài sản chung của người phải THADS với người khác khi các tài sản khác không có, không đủ để thi hành án hoặc khi người phải thi hành án có tài sản chung có yêu cầu kê biên tài sản chung mà yêu cầu này không gây trở ngại, khó khăn cho cơ quan thi hành án cũng phần nào được thể hiện qua quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật THADS năm 2014 như sau: “Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án”.
Như vậy, về nguyên tắc chung, tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải THADS phải được kê biên trước, tài sản chung chỉ bị kê biên khi người phải thi hành án không có, không đủ tài sản riêng để thi hành án hoặc do chính người phải thi hành án yêu cầu kê biên tài sản chung.
2.3. Về thủ tục xác định phân chia, xử lí phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung
Vì là tài sản chung của người phải THADS với người khác nên khi kê biên tài sản chung này có thể xảy ra hai trường hợp: 1) Tài sản chung đó chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án 2) Tài sản chung đó đã xác định được phần sở hữu, sử dụng của các chủ sở hữu, sử dụng chung. Thủ tục cần thực hiện trong mỗi trường hợp cụ thể đã được quy định chung tại Điều 74 Luật THADS năm 2014 và được hướng dẫn cụ thể hơn tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể là:
Thứ nhất, Theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014, đối với trường hợp tài sản chung của người phải thi hành án với người khác bị kê biên mà chưa xác định được phần quyền sở hữu, phần quyền sử dụng của người phải thi hành án, chấp hành viên thông báo để người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất tự thoả thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thoả thuận hoặc thoả thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thoả thuận không được và không yêu cầu toà án giải quyết thì chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu toà án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu toà án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu toà án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lí tài sản theo quyết định của toà án
Cụ thể hoá quy định trên, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn tuỳ thuộc vào từng loại tài sản chung mà xác định, phân chia, xử lí như sau:
+ Nếu tài sản chung bị kê biên là của vợ chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Thông thường, chấp hành viên sẽ dựa trên nguyên tắc chia đôi giá trị tài sản và sau đó thông báo cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án biết.
+ Nếu tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, sau đó chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của chấp hành viên thì có quyền yêu cầu toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lí tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
+ Với các tài sản chung khác thì thực hiện theo quy định chung tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 đã nêu trên. Như vậy, trừ trường hợp là tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình, các tài sản chung khác chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản mà người có quyền sở hữu, sử dụng chung không thoả thuận được việc phân chia tài sản thì chấp hành viên chỉ kê biên, xử lí tài sản sau khi đã có bản án của toà án về việc xác định tài sản chung.
Thứ hai, trường hợp tài sản bị kê biên thuộc sở hữu chung nhưng đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung thì việc xử lí tài sản đó thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật THADS năm 2014 như sau:
+ Đối với tài sản chung có thể chia được, chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án.
+ Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản, chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
2.4. Về ưu tiên mua tài sản của chủ sở hữu chung
Theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS năm 2014, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Cụ thể, trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản. Đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 Luật THADS.
Khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11 còn hướng dẫn cụ thể: trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, chấp hành viên thông báo cho chủ sở hữu chung quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS. Khi chủ sở hữu chung đồng ý mua tài sản kê biên thì thủ tục phải được thực hiện theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 11 như sau: đối với tài sản là bất động sản và động sản phải đăng kí quyền sở hữu, quyền sử dụng, chấp hành viên ra quyết định bán tài sản cho chủ sở hữu chung; đối với tài sản là động sản nhưng không phải đăng kí quyền sở hữu, quyền sử dụng, chấp hành viên lập biên bản giao tài sản cho chủ sở hữu chung.
[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình luật THADS, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 251.
[2]. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Hội thảo: “Pháp luật về thi hành án”, Hà Nội, ngày 24, 25/8/1998, tr. 7, 8.