Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu, tự bảo vệ quyền sở hữu

cac-phuong-thuc-bao-ve-quyen-so-huu-tu-bao-ve-quyen-so-huu

Bảo vệ quyền sở hữu cho phép cá nhân có quyền tự bảo vệ hoặc ngăn chặn người khác xâm phạm quyền của mình. Tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra các giới hạn cho các hành vi bảo vệ quyền sở hữu của các chủ thể quyền trong việc đảm bảo quyền sở hữu của họ được thực thi trên thực tế nhưng luôn phải chú ý đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong xã hội. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về các phương thức bảo vệ quyền sở hữu, tự bảo vệ quyền sở hữu, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015;

1. Khái niệm quyền sở hữu

Theo nghĩa rộng, quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm pháp luật về sở hữu trong một hệ thống pháp luật nhất định để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và của cải vật chất trong xã hội.

Theo nghĩa hẹp, quyền sở hữu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép chủ sở hữu được thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản trong những điều kiện nhất định.

Ngoài ra, theo một phương diện khác, quyền sở hữu còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu bao gồm đầy đủ các yếu tố của quan hệ pháp luật dân sự: chủ thể, khách thể, nội dung như mọi quan hệ pháp luật dân sự khác.

2. Các thuật ngữ tiếng Anh có liên quan

– Ownership: (n) Quyền sở hữu.

– Asset: (n) Tài sản.

– Protect: (v) Bảo vệ.

3. Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự?

3.1. Biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Chủ sở hữu tự bảo vệ quyền sở hữu Điều 164 BLDS năm 2015 ghi nhận:

“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trải với của pháp luật”.

Theo đó, tự bảo vệ quyền sở hữu là việc chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có thể tự mình tiến hành mọi biện pháp mà pháp luật không cấm để bảo vệ quyền sở hữu, các quyền hợp pháp khác đối với tài sản của mình. Biện pháp tự bảo vệ cho phép chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản chủ động lựa chọn và áp dụng các biện pháp nhất định để ngăn cản người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, truy đòi lại tài sản bị chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật hay yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tự bảo vệ là biện pháp bảo vệ quyền sở hữu được sử dụng thường xuyên với cách thức thể hiện đa dạng nhất trong các biện pháp bảo vệ được pháp luật dân sự ghi nhận. Với biện pháp tự bảo vệ này, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản khác có thể trực tiếp thực hiện các biện pháp đối kháng đối với hành vi và các chủ thể thực hiện hành vi có nguy cơ, đã hoặc đang xâm phạm trực tiếp lên quyền sở hữu, các quyền hợp pháp của mình.

Biện pháp tự bảo vệ thể hiện rõ nhất nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc thỏa thuận của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong việc theo dõi, tìm hiểu, phát hiện hành vi xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của mình cũng như chủ động lựa chọn cách thức bảo vệ phù hợp như: truy tìm và đòi lại tài sản, yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc bồi thường thiệt hại. Đặc biệt hơn nữa, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có thể chủ động thương lượng, thỏa thuận với bên vi phạm bất kỳ khi nào suốt quá trình giải quyết tranh chấp.

Các biện pháp tự bảo vệ gồm:

+ Truy tìm và đòi lại tài sản:

Điều 166 BLDS năm 2015 quy định:

“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Để bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu tài sản của mình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền truy tìm và đòi lại tài sản của mình. Đây là hình thức đầu tiên để tự bảo vệ quyền sở hữu, đồng thời là cơ sở để chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thực hiện việc tự đòi lại tài sản hoặc kiện đòi lại tài sản.

Việc đòi lại tài sản trong biện pháp tự bảo vệ có thể là yêu cầu bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Chủ thể quyền cũng có thể chỉ cho người có hành vi xâm phạm biết rằng nếu họ không trả lại tài sản, người có quyền sẽ thực hiện kiện ra Tòa đòi người có hành vi xâm phạm phải trả lại tài sản.

Tuy nhiên, đây là biện pháp chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của người hiện đang chiếm hữu tài sản, không có sự can thiệp của cơ quan nhà nước nên việc đòi lại tài sản từ người này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự thương lượng của cả hai bên.

+ Yêu cầu người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm:

Điều 169 BLDS 2015 quy định về quyền hạn này của chủ thể có quyền như sau:

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi 42 đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.

Theo đó, trong quá trình thực hiện các quyền năng hợp pháp này của mình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị cản trở, xâm phạm hoặc đe dọa bị xâm phạm bởi hành vi của chủ thể khác có quyền thông báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ thể này phải chấm dứt các hành vi đó.

Đặc điểm của biện pháp tự bảo vệ này là tạo khả năng bảo vệ quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản một cách nhanh chóng, kịp thời, trong nhiều trường hợp có thể tránh được thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên biện pháp này phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện thực hiện hay không thực hiện việc chấm dứt hành vi cản trở việc xâm phạm quyền của chủ thể có quyền của người được yêu cầu. Vì thế, việc thực hiện biện pháp này của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản gần như không có sự bảo đảm.

+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp đã có thiệt hại đã xảy ra đối với tài sản của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể là yêu cầu độc lập hoặc kết hợp với yêu cầu đòi lại tài sản hay yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật. Thiệt hại có thể là do tài sản bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ, tài sản bị tiêu hủy, hủy hoại, tài sản không còn do thất lạc hoặc không tìm thấy người đang chiếm hữu không có căn cứ tài sản…

Việc xác định mức bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào sự tính toán của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trên cơ sở có sự thỏa thuận, đồng ý từ người được yêu cầu bồi thường cũng như có các chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí đã bỏ ra để khắc phục thiệt hại.

Tuy nhiên, cũng như hai biện pháp tự bảo vệ nêu trên, vấn đề khi yêu cầu bồi thường thiệt hại vẫn nằm ở sự tự nguyện thực hiện việc bồi thường của người được yêu cầu.

3.2. Chủ sở hữu yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền sở hữu

Điều 164 BLDS năm 2015 quy định:

“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Khi chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản áp dụng biện pháp tự bảo vệ không thành thì chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có thể kiện ra Tòa án, cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu người có hành vi trái pháp luật phải chấm dứt hành vi trái pháp luật, trả lại tài sản hay bồi thường thiệt hại.

Một điểm ưu việt sự khác của phương thức này so với phương thức tự bảo vệ quyền sở hữu là có sự can thiệp của quyền lực Nhà nước khiến hiệu quả thực thi vì thế sẽ cao hơn.

Các phương thức kiện ra Tòa án, cơ quan có thẩm quyền:

– Kiện đòi tài sản:

Quyền đòi lại tài sản được quy định tại Điều 166 BLDS năm 2015 như sau:

“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Kiện đòi tài sản là một trong những phương thức kiện phổ biến để bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản. Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tải sản yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình.

Mục đích chính của phương thức này là nhằm lấy lại được tài sản của mình đang bị người khác chiếm hữu trái pháp luật. Đây là phương pháp phổ biến nhất trong việc giúp chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác lấy lại tài sản thuộc về mình.

Tuy nhiên, bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự có một nguyên tắc đặc trưng chính là nghĩa vụ chứng minh thuộc về người có yêu cầu mà không phải là trách nhiệm của Tòa án.

– Kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản:

Kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được ghi nhận tại Điều 169 BLDS năm 2015:

“Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.

Việc áp dụng phương thức kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền hợp pháp khác đối với tài sản có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại vật chất có thể xảy ra đối với tài sản, tăng khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản.

Đồng thời phương thức này cũng ngăn chặn được hành vi xâm phạm một cách kịp thời, tránh cho người có hành vi vi phạm lâm vào cảnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác.

– Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là một trong các phương thức bảo vệ quyền sở hữu phổ biến và có hiệu quả nhất.

Biện pháp kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại giúp khắc phục được những lợi ích kinh tế bị mất cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản hoặc người thứ ba ngay tình.

Biện pháp này cũng được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước nên hiệu quả thực thi cao hơn so với biện pháp tự bảo vệ. Biện pháp này cũng mang tính thực tế cao nhất do trên thực tế, việc tài sản đặc biệt là động sản không đăng ký quyền sở hữu thường được chuyển giao qua nhiều giao dịch, khiến cho việc xác định được “tung tích” của tài sản là rất khó khăn, chưa kể đến việc tài sản thường không còn giữ được giá trị ban đầu nên việc quy ra giá trị để yêu cầu bồi thường sẽ thuận tiện hơn việc đòi lại nguyên tài sản ban đầu.

Do đó, tùy thuộc vào điều kiện thực tế mà người có quyền, lợi ích bị xâm phạm lựa chọn phương thức bảo vệ quyền sở hữu cho mình một cách phù hợp và hữu hiệu nhất. Mỗi phương thức bảo vệ quyền sở hữu đều có những đặc trưng riêng nhưng đều có mục đích chung hướng tới đó là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích về các phương thức bảo vệ, tự bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon