Quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình là quyền và nghĩa vụ được pháp luật ghi nhận. Việc ban hành các văn bản pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa người nuôi dưỡng và người được nuôi dưỡng đã đem lại ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng trong thực tiễn.
Đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với nhau, tránh xảy ra những mâu thuẫn không đáng có. Vậy nuôi dưỡng là gì? Quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong hôn nhân và gia đình. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giúp bạn rõ hơn về nội dung trên.
Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
1. Nuôi dưỡng là gì?
Nuôi dưỡng có thể được định nghĩa như sau: Là việc một người chăm sóc, quan tâm và cung cấp những thứ cần thiết cho người khác (người được nuôi dưỡng) nhằm mục đích tạo mọi điều kiện để cuộc sống của người đó được đảm bảo và duy trì tốt hơn. Những thứ cần thiết ở đây không chỉ là những thứ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần.
Để cụ thể hóa về nghĩa vụ nuôi dưỡng, Luật Hôn nhân và gia đình đã có những quy định cụ thể về việc cha mẹ và con, ông bà và cháu, anh chị em với nhau có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau khi một bên chưa thành niên, ốm đau, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động hay không có tài sản để tự nuôi bản thân mình. Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không cùng chung sống hoặc trốn tránh nghĩa vụ với người được nuôi dưỡng thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng của con cái đối với cha mẹ
Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ như sau:
2.1. Quyền của con cái đối với cha mẹ
– Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
– Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
– Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
– Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình.
– Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
2.2. Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ
– Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
– Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
– Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
– Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái
Dựa trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ:
“Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái thành những công dân tốt… Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con”.
Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ đối với con cái bao gồm:
3.1. Quyền của cha mẹ đối với con
Căn cứ theo quy định tại Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cha mẹ có các quyền sau đối với con cái:
– Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
– Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
– Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
3.2. Nghĩa vụ của cha mẹ đối với con
Điều 69, 71, 72 đã quy định rất rõ nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái bao gồm:
– Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
– Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
– Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.
– Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.
– Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.
– Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.
Ngoài mối quan hệ nuôi dưỡng giữa cha mẹ đối với con và ngược lại con cái đối với cha mẹ thì quan hệ giữa các thành viên trong trong gia đình cũng đã được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
4. Quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình
– Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản của các thành viên gia đình quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.
– Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình.
– Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để các thế hệ trong gia đình quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong xã hội cùng tham gia vào việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
5. Quyền và nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại đối và cháu
– Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
– Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
6. Quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em
Điều 105 Luật hôn nhân và gia đình năm 2020 quy định anh, chị, em trong gia đình có quyền và nghĩa vụ như sau:
Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
7. Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng có được hưởng di sản di sản thừa kế không?
Căn cứ tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những người không được quyền hưởng di sản như sau:
Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”
Theo đó, những người không được quyền hưởng di sản thừa kế thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621. Trong đó việc người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với người để lại di sản thì không được hưởng di sản.
Tuy nhiên, trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng của những người nuôi dưỡng nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì vẫn có quyền hưởng di sản.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến khái niệm nuôi dưỡng, quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng trong hôn nhân và gia đình. Trường hợp có thắc mắc về những vấn đề khác vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.