Căn cứ ly hôn trong trường hợp đơn phương ly hôn

can-cu-ly-hon-trong-truong-hop-don-phuong-ly-hon

Căn cứ ly hôn là những tình tiết hay điều kiện được quy định trong pháp luật để khi có những tình tiết hay điều kiện đó thì Tòa án xử cho phép vợ chồng ly hôn. Những tình tiết hay điều kiện này được coi là những chuẩn mực pháp lý để dựa vào đó, Toà án có thể đánh giá thực chất mối quan hệ vợ chồng và đưa ra quyết định đúng đắn. Quyết định chấp nhận cho vợ, chồng được ly hôn với nhau của tòa án một mặt phải bảo đảm lợi ích của vợ chồng, mặt khác phải bảo đảm lợi ích của con cái, của các thành viên trong gia đình và lợi ích của xã hội.

Căn cứ pháp lý:

1. Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ

Trước khi có Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tất cả các Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000 đều có quy định giống nhau về một căn cứ ly hôn khi xét thấy hôn nhân đã ở trong “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Trên cơ sở kế thừa những quy định này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung điểm mới  khi quy định căn cứ ly hôn trong trường hợp một bên vợ, chồng yêu cầu làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được cụ thể như sau:

1.1. Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình

Lần đầu tiên trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hành vi bạo lực gia đình của một bên vợ, chồng được quy định là căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Bởi qua tổng kết thực tiễn giải quyết các án kiện ly hôn của Toà án cho thấy số vụ ly hôn có hành vi ngược đãi, đánh đập chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân  dẫn đến ly hôn ở nước ta trong đó thì đa phần phụ nữ là nạn nhân của tình trạng này.

Tình trạng bạo lực trong gia đình ngày càng gia tăng và thể hiện tính chất nghiêm trọng của nó. Tình trạng bạo lực trong gia đình xảy ra do nhiều lý do khác nhau, có thể do cuộc sống vật chất quá khó khan hoặc do ghen tuông, nghi ngờ một bên ngoại tình nên đã đánh đập nhau. Tệ nạn cờ bạc, nghiện ngập cũng là lý do dẫn đến tình trạng vợ chồng đánh đập, ngược đãi nhau. Đa phần bạo lực trong gia đình dẫn đến tình trạng vợ chồng ly hôn, có trường hợp dẫn đến án mạng.

Theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình53. Những hành vi mà vợ, chồng thực hiện cố ý đó bao gồm:

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
  • Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Cưỡng ép quan hệ tình dục;
  • Cưỡng ép tảo hôn;
  • Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
  • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng kiểm soát của họ;
  • Kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
  • Có hành vi trái pháp luật hoặc buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở;

Cũng từ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì nạn nhân của những hành vi bạo lực gia đình không chỉ là vợ, chồng mà còn có thể các thành viên khác trong gia đình, như: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc  cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

Từ đó, có hai quan điểm khác nhau về hành vi bạo lực gia đình của vợ, chồng được quy định làm căn cứ ly hôn. Quan điểm thứ nhất, hành vi bạo lực gia đình phải trực tiếp tác động vào vợ hoặc chồng thì mới được coi là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm trọng của quan hệ hôn nhân. Quan điểm thứ hai, hành vi bạo lực gia đình có thể không trực tiếp tác động vào vợ, chồng mà tác động gián tiếp, gây ra những tổn thương về mặt tinh thần cho vợ, chồng.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, dù hành vi bạo lực gia đình của vợ, chồng không ảnh hưởng trực tiếp đến chồng, vợ của họ nhưng gây tổn hại đến những thành viên khác trong gia đình thì vẫn có thể làm cho họ tổn thương và gây ra những mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng. Ngoài ra, vợ, chồng thực hiện những hành vi này một cách cố ý tức là đã ý thức được rõ hành vi của mình có thể gây ra những ảnh hưởng về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với những thành viên khác trong gia đình mà vẫn làm.

Do đó, hành vi này dù đã thực sự gây ra hậu quả hoặc có khả năng gây ra hậu quả ảnh hưởng đến những thành viên gia đình thì đều có thể coi là nguyên nhân làm cho hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

1.2. Vợ, chồng có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ

Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, bên cạnh việc có tình cảm yêu thương nhau thì vợ, chồng cần phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ giữa họ. Các quyền và nghĩa vụ này bao gồm các quyền và nghĩa vụ nhân thân và các quyền và nghĩa vụ về tài sản. Khi mỗi bên vợ, chồng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ một trong số các quyền và nghĩa vụ về nhân thân hoặc tài sản này thì đều được coi là vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Điều này sẽ dẫn đến những rạn nứt, mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng mà từ đó, họ không còn muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên, việc vi phạm này chỉ có thể trở thành một trong những căn cứ ly hôn nếu như đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng.

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình, hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng chưa được quy định trong bất cứ một văn bản pháp luật nào.

Từ đó, việc đánh giá mức độ vi phạm hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán khi giải quyết yêu cầu ly hôn trên cơ sở vợ, chồng tự đánh giá mức độ vi phạm trong hành vi của một bên; sau khi thực hiện thủ tục xác minh, lấy lời khai của các bên. Và đương nhiên, khi vợ, chồng có những hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, họ phải có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Những trường hợp vợ, chồng thực hiện hành vi này khi ở trong trạng thái không nhận thức hoặc không làm chủ được hành vi của mình thì không được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

2. Mục đích hôn nhân không đạt được

Bên cạnh việc quy định vợ, chồng có hành vi baọ lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng thì Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định rõ ràng phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.

Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được là một thực trạng tồn tại khách quan trong cuộc sống hôn nhân do nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy nhiên, việc quy định này rất chung chung, trừu tượng, rất khó xác định như thế nào là tình trạng vợ chồng rơi vào trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được.

Hiện nay, trong thực tiễn xét xử, việc xác định hôn nhân rơi vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài,  mục đích hôn nhân không đạt được vẫn được áp dụng theo hướng dẫn của Mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ – HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cụ thể là:

Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

+ Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+ Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+ Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Có thể thấy, việc đưa ra những nguyên nhân của hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để cụ thể hóa căn cứ cho ly hôn “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Đây là một quy định rất tiến bộ mang ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và bảo vệ quyền con người trong tiến trình hội nhập quốc tế. Điều này cũng tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật khi giải quyết việc ly hôn trong cả nước.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon