Hôn nhân là gì? Chế độ hôn nhân một số nước trên thế giới?

hon-nhan-la-gi-che-do-hon-nhan-mot-so-nuoc-tren-the-gioi

Lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một đề tài được rất nhiều người quan tâm, kể cả ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới. Đặc biệt hôn nhân gia đình trong pháp luật lại càng phải được nhắc đến. Hàng năm, có rất nhiều vụ kiện liên quan đến hôn nhân gia đình như ly hôn, bạo hành, kết hôn trái pháp luật,… Bài viết này giúp bạn đọc hiểu hơn về hôn nhân gia đình Việt Nam, đồng thời tìm hiểu thêm về chế độ hôn nhân ở một số nước trên thế giới.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình 2014;

1. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là mối quan hệ gắn liền với nhân thân của hai bên nam nữ với tư cách là vợ chồng. Sau khi xác lập quan hệ vợ chồng sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định của cả hai bên. Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Cụ thể hơn, khi nam và nữ có mục đích xây dựng gia đình, chung sống lâu dài, sẽ tiến hành đăng ký kết hôn khi đáp ứng các điều kiện theo quy định thì sẽ được xác lập quan hệ hôn nhân. Song song với việc kết hôn đúng với quy định thì có khá nhiều quan hệ hôn nhân được xác lập với mục đích giả dối, trường hợp này không được pháp luật thừa nhận, các bên sẽ không phát sinh quan hệ hôn nhân trước pháp luật. Việc kết hôn phải đúng và đủ các điều kiện Luật định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền.

2. Quan hệ hôn nhân là gì?

Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa nam và nữ sau khi kết hôn, quan hệ này được xác lập khi tuân thủ các quy định của pháp luật hôn nhân gia đình về điều kiện kết hôn và phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền.

3. Nguyên tắc cơ bản của hôn nhân

Dựa trên những quy định của Luật hôn nhân và gia đình, hôn nhân bao gồm những đặc điểm như:

– Đầu tiên, đặc điểm tiên quyết là nam nữ phải đủ độ tuổi kết hôn theo Luật này quy định tại thời điểm kết hôn. Nam phải từ đủ 20 tuổi và nữ phải từ đủ 18 tuổi.

– Hôn nhân là sự liên kết giữa một nam và một nữ. Đây là hôn nhân một vợ một chồng. Luật này cấm những người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, bên cạnh đó còn cấm những người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

– Hôn nhân phải xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên nam nữ, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Vấn đề duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân cũng phải dựa vào sự tự nguyên của mỗi bên.

– Trong quan hệ hôn nhân, nam nữ hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt. Đặc biệc không có sự phân biệt vợ chồng là người Việt Nam hay người nước ngoài, người thuộc dân tộc hoặc tôn giáo nào…

– Những người cùng giới tính thì không thể xác lập quan hệ hôn nhân với nhau.

4. Mục đích của hôn nhân

Mục đích lớn nhất của hôn nhân là nhằm xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững và bình đẳng.
Cốt lõi vẫn là xây dựng gia đình, là các vấn đề về pháp luật và đời sống mà vợ chồng trong quan hệ hôn nhân cùng hướng tới thực hiện. Nếu việc kết hôn chỉ nhằm mục đích hưởng lợi về tài sản hoặc các lợi ích khác thì quan hệ hôn nhân đó không được thừa nhận. Khi mối quan hệ hôn nhân đó không đạt được mục đích của hôn nhân thì một trong hai hoặc cả hai có thể yêu cầu ly hôn và được Toà án giải quyết.

5. Ý nghĩa của hôn nhân

Hôn nhân sẽ mang một ý nghĩa riêng đối với mỗi mối quan hệ hôn nhân vì nó dựa trên mong muốn của cá nhân, gia đình của mỗi người. Mỗi cuộc hôn nhân đều có chuẩn mực riêng. Hôn nhân đòi hỏi trách nhiệm của cả hai bên đối với cuộc sống gia đình chung chứ không chỉ riêng với nhau. Hôn nhân còn có thể là chất xúc tác trong quá trình mỗi người hoàn thiện, phát triển bản thân, là điều kiện thúc đẩy đôi bên cùng nhau trưởng thành về nhận thức lẫn tinh thần. Hôn nhân là sự ràng buộc thiêng liêng, giúp vợ chồng có thể cùng nhau vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống, tiếp thêm động lực cho nhau để xây dựng một gia đình bền vững. Những giá trị tiêu biểu của hôn nhân là thuỷ chung, là đồng cảm, là lắng nghe, là thấu hiểu, là vị tha….

6. Chấm dứt hôn nhân

Hôn nhân được xây dựng trên tiêu chí ổn định lâu dài nhưng điều này không đồng nghĩa rằng nó tồn tại vĩnh cửu mà chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Khi một trong hai người trong mối quan hệ hôn nhân không muốn duy trì mối quan hệ nữa thì quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt theo quyết định của Toà án. Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, thì khi có một trong các sự kiện sau sẽ dẫn đến việc chấm dứt quan hệ hôn nhân:

– Vợ chồng ly hôn

– Một bên hoặc cả hai vợ chồng chết

– Một bên hoặc cả hai vợ chồng bị toà án tuyên bố đã chết theo quy định của pháp luật

Khi hôn nhân chấm dứt sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa vợ chồng. Trong trường hợp chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết hoặc bị toà án tuyên bố đã chết thì người còn sống có quyền được thừa kế di sản của người chết hoặc bị coi là đã chết.

7. Huỷ kết hôn trái pháp luật

Khi việc kết hôn trái pháp luật bị huỷ thì hai bên chủ thể mối quan hệ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng

Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con được giải quyết theo quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn

Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết như sau:

– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ được giải quyết theo thoả thuận giữa các bên. Trường hợp không có thoả thuận thì giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

– Việc giải quyết này phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Chủ thể có quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật là:

– Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

– Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định về hôn nhân như: Vợ, chồng của người đang có chồng, có vợ mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.

8. Chế độ hôn nhân một số quốc gia trên thế giới

– Bhutan: Tại quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới này, người dân tuy nghèo nhưng rất ý thức tuân thủ những quy tắc, luật lệ. Ở Bhutan theo chế độ mẫu hệ, đàn ông khi lấy vợ phải đi ở rể. Phụ nữ được nhà nước bảo vệ rất cao nên ở đây rất hiếm xảy ra bạo lực gia đình. Điều đáng chú ý hơn là ở đây chuyện người dân được lấy nhiều vợ, lấy nhiều chồng. Tức là ở Bhutan cho phép đa phu đa thê, riêng đa thê là tục lệ có thời hạn. Bhutan không có văn hoá cưới xin, hiện nay có một số cặp đã tổ chức đám cưới, nhưng đây là văn hoá du nhập chứ không phải văn hoá Bhutan.

– Nhật Bản: Đây là một quốc gia Châu Á có suy nghĩ rất thoáng về độ tuổi được phép quan hệ tình dục khi quy định độ tuổi có thể có những hành động “thân mật” này là 13 tuổi. Tuy nhiên, do vấn đề quan hệ tình dục từ quá sớm ở một số khu vực nên độ tuổi này đã được nâng lên thành 16 đến 18 tuổi. Và đến khi họ đủ 20 tuổi, có thể kết hôn với người họ yêu mà không cần sự cho phép của bố mẹ.

– Trung Quốc: Nơi đây cho phép quan hệ tính dục từ năm 14 tuổi. Phụ nữ Trung có thể kết hôn ở tuổi 20 trong khi đàn ông được phép kết hôn ở tuổi 22. Bất cứ ai quan hệ với người dưới 14 tuổi có thể bị truy tố theo luật định.

– Hàn Quốc: Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Hàn Quốc là trên 18 tuổi cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, nếu kết hôn ở độ tuổi này, cả hai phải được sự chấp thuận của bố mẹ hoặc người giám hộ. Khi trên 20 tuổi, họ có thể kết hôn tự do với người mà họ muốn. Những trên thực tế, người Hàn Quốc kết hôn khá trễ.

– Tiểu bang Massachusetts, Mỹ: Một số bang của Mỹ quy định độ tuổi kết hôn là 18 tuổi. Tuy nhiên, một vài bang khác lại có quy định riêng. Ví dụ như tiểu bang Massachusetts không quy định độ tuổi thấp nhất được phép kết hôn. Theo tiền lệ gây tranh cãi được xác lập năm 1854, nam đủ 14 tuổi và nữ đủ 12 tuổi có quyền lập gia đình. Tuy nhiên, để có được một giấy đăng ký kết hôn hợp pháp và chính thức, có một vài quy định khác mà các cặp đôi phải tuân theo. Những người vị thành niên phải được sự cho phép của cả bố và mẹ trước Toà án mới có thể chính thức được trở thành vợ chồng. Nếu bố hoặc mẹ của hai người không sống ở Massachusetts thì giấy thông báo về buổi điều trần sẽ được gửi đến họ. Tuy nhiên, sẽ không cần có án lệnh này của Toà nếu bố hoặc mẹ bỏ rơi con, không còn khả năng nhận thức hoặc các lý do liên quan khác.

– Canada: Cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, độ tuổi được phép quan hệ tính dục ở Canada là 16 tuổi. Đối với độ tuổi kết hôn hợp pháp, pháp luật quốc gia này quy định độ tuổi thích hợp để lập gia đình là 16 và cần phải có sự cho phép của bố mẹ.

– Ấn Độ: Quốc gia này có nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau nên cũng có một loạt các quy tắc quản lý hôn nhân khác nhau. Phụ nữ phải đủ 18 tuổi và nam giới phải đủ 21 tuổi mới được phép lập gia đình. Nhưng thực tế cho thấy, các cô giá Ấn kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi, nam kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi rất nhiều. Thậm chí ở đây còn diễn ra tình trạng hôn nhân nhưng không có sự đồng ý của các cô gái.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon