Giao thông đường sắt là một trong những phương thức vận tải quan trọng của quốc gia, đóng vai trò lớn trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa và góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, do đặc thù kỹ thuật và tính chất hoạt động, giao thông đường sắt luôn đòi hỏi mức độ an toàn và chính xác cao. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình điều khiển phương tiện cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tai nạn thảm khốc về người và tài sản. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, đồng thời đặt ra chế tài xử lý tại Bộ luật Hình sự nhằm xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi,bổ sung 2017)
- Luật Đường sắt 2017
1. Quy định chung về tội vi phạm điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
Theo Bộ luật Hình sự, hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt bị coi là tội phạm khi gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thương tích, hoặc thiệt hại lớn về tài sản. Hành vi vi phạm có thể bao gồm các lỗi như không tuân thủ tín hiệu giao thông, điều khiển tàu sai quy trình, vi phạm tốc độ cho phép, hoặc vận hành tàu trong tình trạng không an toàn.
- Tội phạm cấu thành: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt được cấu thành khi có hành vi vi phạm cụ thể, gây ra hậu quả nghiêm trọng, và người thực hiện có lỗi cố ý hoặc vô ý.
- Mức độ hậu quả: Mức độ nghiêm trọng của hậu quả là yếu tố quyết định việc xử lý hình sự, bao gồm thiệt hại về người, tài sản, hoặc ảnh hưởng đến an toàn giao thông công cộng.
2. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định này, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường sắt vi phạm quy tắc an toàn gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự với nhiều mức hình phạt khác nhau, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại về người và tài sản nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, đồng thời có tính răn đe và phòng ngừa hiệu quả đối với các hành vi vi phạm.
“Điều 267. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3. Các yếu tố cấu thành tội phạm
3.1.Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người chỉ huy hoặc người điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt mới là chủ thể của tội phạm này. Đồng thời, phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Các đối tượng chủ thể có thể được hiểu như sau:
– Người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt không phải là đứng đầu như người chỉ huy trong các lực lượng vũ trang hay chỉ huy một đơn vị sản xuất, mà họ chỉ là người có trách nhiệm trong việc chỉ huy cho phương tiện giao thông đường sắt (chủ yếu là tầu hoả) ra vào ga, qua các đường giao cắt với đường bộ.
– Người điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt là người trực tiếp điều khiển tầu hoả, đầu tầu và các phương tiện giao thông đường sắt khác.
3.2. Khách thể
Đây là tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn giao thông. Cụ thể, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là tội xâm phạm trực tiếp đến các quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường sắt gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác. Đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm này là phương tiện giao thông đường sắt.
3.3. Khách quan
a. Hành vi
Yếu tố khách quan là các hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt hoặc không tuân thủ các quy tắc an toàn trong quá trình vận hành và điều khiển tàu. Các hành vi khách quan có thể bao gồm:
– Không tuân thủ tín hiệu đèn báo, biển báo hoặc chỉ dẫn an toàn.
– Điều khiển tàu với tốc độ vượt quá giới hạn cho phép.
– Điều khiển tàu khi không đủ điều kiện sức khỏe, thiếu kỹ năng, hoặc đang sử dụng chất kích thích.
– Không thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi vận hành.
– Bỏ qua quy trình an toàn khi qua các đoạn giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Đường sắt năm 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt, trong đó người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt không được thực hiện một số hành vi như sau:
– Làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt.
– Nối vào tàu khách các toa xe vận tải động vật, hàng hoá có mùi hôi thối, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất độc hại và hàng nguy hiểm khác.
– Điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định.
– Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi này thể hiện bằng việc gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, cụ thể các thiệt hại được thể hiện như:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khi xem xét cấu thành tội phạm (CTTP) này phải xác định quan hệ nhân quả (QHNQ) giữa hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt với hậu quả gây nên thiệt hại cho tính mạng, hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
3.4. Chủ quan
Chủ thể thực hiện tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt thực hiện hành vi phạm tội của mình với lỗi vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.
Tức là, người phạm tội tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại cho người khác, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Hoặc, người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có thể gây thiệt hại cho người khác mặc dù họ phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
4. Quy định về khung hình phạt
Theo Điều 267 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt được chia thành 4 khung hình phạt chính, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra:
Khung cơ bản (Khoản 1)
Áp dụng khi vi phạm quy định an toàn giao thông và gây hậu quả như:
– Làm chết 1 người;
– Gây thương tích ≥ 61% cho 1 người, hoặc tổng từ 61% đến 121% cho nhiều người;
– Gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu.
Hình phạt: Cảnh cáo cao nhất là 5 năm tù hoặc phạt tiền/cải tạo không giam giữ.
Khung tăng nặng (Khoản 2 và Khoản 3)
Áp dụng khi vi phạm đi kèm các yếu tố nguy hiểm như:
– Không có bằng, say rượu, dùng ma túy, bỏ chạy sau tai nạn, không chấp hành hiệu lệnh…
– Làm chết 2 người, hoặc thương tích từ 122% đến 200%, hoặc thiệt hại tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ.
– Làm chết 3 người trở lên, hoặc thương tích từ 201% trở lên, hoặc thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ trở lên.
Hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm hoặc từ 7 năm đến 15 năm.
Khung hình phạt khác(Khoản 4)
Áp dụng cho hành vi có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng nếu không ngăn chặn kịp thời, chưa gây hại nhưng rõ ràng có khả năng. Thực chất đây là đây là cấu thành tội phạm cơ bản thứ hai. Cấu thành tội phạm ở khung này thì hành vi chỉ gây ra tình trạng nguy hiểm cho xã hội (có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời).
Hình phạt: Phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc tù đến 1 năm.
Hình phạt bổ sung (Khoản 5)
Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nhận thấy, dưới góc độ pháp lý, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt không chỉ là hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp mà còn tiềm ẩn hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người và tài sản xã hội. Vì vậy, việc quy định cụ thể các khung hình phạt trong Điều 267 Bộ luật Hình sự không chỉ thể hiện thái độ nghiêm khắc của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục người điều khiển phương tiện, đồng thời bảo vệ an toàn cho hệ thống giao thông đường sắt quốc gia.
Chính vì vậy, để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, ngoài việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức nghề của những người trực tiếp vận hành hệ thống giao thông nói chung cũng như lĩnh vực giao thông đường sắt nói riêng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được tư vấn cụ thể.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899