Án lệ số 12/2017 về triệu tập đương sự

an-le-so-12-2017-al-ve-xac-dinh-truong-hop-duong-su-duoc-trieu-tap-hop-le-lan-thu-nhat-sau-khi-toa-an-da-hoan-phien-toa

Không có ít trường hợp sau khi phiên tòa bị hoãn xuất phát từ cơ quan tố tụng thì chủ thể liên quan đến vụ việc vắng mặt trong lần triệu tập kế tiếp. Vậy, pháp luật quy định trong trường hợp này, sự vắng mặt của đương sự, chủ thể liên quan đó được coi là vắng mặt lần thứ nhất hay thứ hai. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua án lệ số 12/2017/AL sau đây.

1. Nguồn của án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 14/2017/KDTM-GĐT ngày 06-6-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” tại tỉnh Quảng Trị giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Q (người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Công D, người đại diện theo ủy quyền là ông Hồ Nghĩa A) với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn T (người đại diện theo pháp luật là ông Võ Văn T, người đại diện theo ủy quyền là bà Võ Thị T).

2. Khái quát nội dung của án lệ

– Tình huống án lệ:

Tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa và lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt.

– Giải pháp pháp lý:

Tòa án phải xác định đây là trường hợp đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa.

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

  • Bộ luật tố tụng Dân sự 2004 ( Hiên nay là bộ luật tố tụng 2015) cụ thể tại các điều:

Khoản 1 Điều 199, Điều 202, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (khoản 1 Điều 227, Điều 228, khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

4. Tóm tắt nội dung vụ án

Ngày 03-01-2011, Công ty cổ phần Q (sau đây viết tắt là Công ty Q) và Công ty trách nhiệm hữu hạn T (sau đây viết tắt là Công ty T) ký kết Hợp đồng mua bán cây giống cao su số 011/2011/HĐKT; ngày 23-02-2011, hai bên tiếp tục ký Hợp đồng số 021/2011/HĐKT với cùng nội dung. Tổng số lượng cây của hai hợp đồng là 400.000 cây cao su giống bầu 02 tầng lá có giá trị 2.800.000.000 Kíp Lào (mỗi hợp đồng 200.000 cây, trị giá 1.400.000.000 Kíp Lào). Sau khi ký hợp đồng, Công ty Q đã tạm ứng cho Công ty T 930.000.000 Kíp Lào (tương đương với 2.511.000.000 đồng).

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đề nghị mượn 449.455 cây Stump trần và được Công ty Q chấp nhận, số cây này Công ty Q ký hợp đồng mua của Công ty V với giá 6.500 đồng/cây. Công ty T đã trả cho Công ty Q 40.600 cây, hiện còn nợ 408.855 cây. Đợt 1, Công ty T chỉ giao được 79.924 cây sau đó không thực hiện hợp đồng. Công ty Q đã nhiều lần mời Công ty T đến để giải quyết, nhưng Công ty T không đến. Ngày 05-10-2011, ông Võ Văn T mới cử con gái là bà Võ Thị T đến làm việc. Để hạn chế thiệt hại xảy ra, Công ty Q đã tiến hành kiểm kê toàn bộ số lượng cây hiện có.

Tính đến ngày 14-9-2011, tổng cộng có 194.776 cây, nhưng đây chỉ là số lượng kiểm kê chứ không phải số lượng giao nhận. Nếu kết thúc ở thời điểm giao nhận tháng 9-2011 thì số lượng cây giao nhận chỉ đạt 20% trên tổng số tiền là 76% mà Công ty T đã nhận ứng trước của Công ty Q. Do đó, Công ty Q đã thống nhất với bà Võ Thị T để Công ty Q cử công nhân đến tận dụng và bứng tiếp đợt 2 là 117.833 cây, nâng tổng số cây giao nhận lên 197.757 cây Stump, tương ứng tổng trị giá 3.623.897.000 đồng.

Ngoài ra, Công ty Q còn cho Công ty T mượn các loại vật tư, phân bón với tổng giá trị là 243.913.211 đồng, nhưng đến nay Công ty T vẫn chưa trả lại.

Công ty T đã giao cho Công ty Q 163.376 bầu đất gia công, trị giá 39.414.000 Kíp Lào, tương đương 105.629.500 đồng; vườn gỗ nhân trị giá 20.491.200 Kíp Lào, tương đương 54.916.000 đồng và 18.096.000 đồng; tổng cộng là 178.641.500 đồng. Nay Công ty Q yêu cầu Tòa án giải quyết:

–  Buộc Công ty T bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hai hợp đồng nêu trên với tổng số cây giống chưa giao đủ là 202.243 cây (trị giá thành tiền là 3.706.102.975 đồng). Theo hợp đồng hai bên đã có thỏa thuận nếu vi phạm còn phải chịu phạt gấp 05 lần giá trị số cây chưa giao đủ là 18.530.514.875 đồng;

–  Buộc Công ty T phải trả 408.855 cây giống Stump trần đã mượn của Công ty Q, trị giá thành tiền là 2.657.557.500 đồng;

–  Buộc Công ty T phải trả các loại vật tư đã mượn của Công ty Q bao gồm: Túi bầu PE (18 x 40) 5.170kg, phân Kali 500kg, phân DAP 1.000kg, phân lân 2.800kg với tổng trị giá 91.212.392 Kíp Lào, tương đương 243.913.211 đồng.

Tại phiên tòa, Công ty Q chỉ yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng 8% đối với giá trị số cây chưa giao đủ là 296.488.000 đồng. Tổng cộng Công ty T phải trả cho Công ty Q 3.088.822.500 đồng. Sau khi đối trừ số tiền Công ty Q phải thanh toán cho Công ty T là 1.367.934.000 đồng thì Công ty T còn phải trả cho Công ty Q số tiền là 1.720.888.500 đồng.

Bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn T trình bày:

Xác nhận nội dung hợp đồng như Công ty Q đã trình bày. Công ty T đã thực hiện đúng hợp đồng, nhưng khi đến thời hạn giao cây thì Công ty Q trì hoãn không nhận cây với lý do chưa đủ công nhân, chưa có phương tiện vận chuyển cây đi. Đại diện của Công ty Q cho biết do kế hoạch trồng cây cao su của Công ty tại thời điểm đó so với năm trước đã bị cắt giảm diện tích trồng nên không biết nhận cây xong sẽ trồng ở đâu.

Do đó, đến ngày 19-7-2011, Công ty Q mới chịu nhận đợt 1 là 79.924 cây và đến ngày 21-9-2011 mới vận chuyển hết số cây nói trên. Công ty T đã nhiều lần yêu cầu Công ty Q nhận số cây còn lại nhưng Công ty Q không đến nhận. Đến đầu tháng 9-2011, Công ty Q hẹn Công ty T vào ngày 14-9-2011 sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra số cây còn lại, nếu sử dụng được thì đếm nhận và xin để nhờ tại vườn ươm của Công ty T, đến khi nào có kế hoạch sẽ trồng, số cây mà Công ty Q đếm vào ngày 14-9-2011 là 194.766 cây, cộng với số cây nhận đợt 1 là 79.924 cây, tổng cộng Công ty Q đã nhận 274.690 cây.

Số cây quá thời hạn mà Công ty Q không nhận dẫn đến bị chết là 125.310 cây. Như vậy, đối với số lượng 400.000 cây của hai hợp đồng thì Công ty T đã cung cấp đủ. Lỗi không nhận cây dẫn đến số cây bị chết là do Công ty Q. Nghĩa vụ thực hiện việc giao cây từ hai hợp đồng đã được Công ty T thực hiện xong, số tiền còn lại từ hai hợp đồng Công ty T đã nhiều lần yêu cầu thanh toán nhưng Công ty Q không chịu trả.

Tóm lại:

Trong quá trình tiến hành hợp đồng, những vấn đề đã xảy rà là việc Công ty T không hoàn tất việc tạo đủ mặt hàng theo hợp đồng theo thời hạn đặt ra, trong khi Công ty Q gặp một số vấn đề về việc nhận hàng xuyên biên giới trong thời gian thời tiết có biến động. Bên cạnh đó, Công ty T còn vay mượn Công ty Q một số thiết bị và vật tư để phục vụ sản xuất.

Một thời gian sau, khi hợp đồng không thể đạt được như nguyện vọng đặt ra, Công ty Q cho rằng Công ty T đã vi phạm hợp đồng, hai bên không thể thương lượng và hòa giải được, nên Công ty Q đã khởi kiện Công ty T, đệ đơn gửi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng, cùng với việc trả lại vật tư đã mượn dưới dạng tiền.

Vụ án lần lượt trải qua sơ thẩm, phúc thẩm tại Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, nhưng đã bị đình chỉ giải quyết, trì hoãn trong một thời gian dài rồi được giám đốc thẩm tại Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đưa ra quyết định để quay trở lại với sơ thẩm ban đầu

5. Nội dung án lệ

“[1] Về tố tụng: Theo Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 26-11-2013 thì tại phiên tòa các đương sự có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của Tòa án. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để các đương sự cung cấp thêm chứng cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào ngày 26-02-2014, bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn vắng mặt. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và việc hoãn phiên tòa là do Tòa án, tại phiên tòa được mở lại đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất.

Lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự để hoãn phiên tòa.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 202, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.”

6. Ý nghĩa của việc ra đời án lệ số 12/2017/AL

Theo quy định tại Điều 199, Điều 200, Điều 201 BLTTDS năm 2004 mỗi đương sự được vắng mặt một lần nếu có lý do chính đáng. Điều đó có nghĩa là nếu vụ án có nhiều đương sự thì có nhiều khả năng Tòa án phải hoãn phiên tòa nhiều lần và thực tế đã từng diễn ra như vậy nhưng khi BLTTDS này được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-3-2011, có hiệu lực từ ngày 01-01-2012), tại Điều 199 đã có thay đổi quan trọng về bảo đảm quyền của đương sự có mặt và nghĩa vụ phải có mặt tại phiên tòa sơ thẩm

Thực tiễn cho thấy có nhiều trường hợp Tòa án cho hoãn phiên tòa. Pháp luật về tố tụng dân sự không có sự phân định rõ các lý do hoãn phiên tòa. Dó đó, án lệ số 12/2017/AL ra đời phần nào giải quyết được vấn đề này. Án lệ số 12/2017/AL đã chỉ ra việc xác định như thế nào được coi là triệu tập đương sự hợp lệ lần thứ nhất, khi nào việc hoãn phiên tòa được cho là do đương sự. Nội dung án lệ giúp các Thẩm phán hiểu chính xác, áp dụng chính xác, thống nhất Điều 199, Điều 226 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (tương ứng với Điều 227 và 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Trên đây là bài bình luận Án lệ số 12/2017/AL . Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về cách xác định lãi suất nợ quá hạn và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số Hotline 19006568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon