Nguyên tắc áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết tại tòa án

nguyen-tac-ap-dung-cac-nguon-cua-luat-dan-su-khi-giai-quyet-tai-toa-an

Bài viết trình bày khái quát nguyên tắc áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự tại tòa án. Trên cơ sở đó, bài viết đề cập đến một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng các nguồn của luật dân sự khi giải quyết vụ việc dân sự tại tòa án như: Vấn đề  áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật mà văn bản luật đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành luật thay thế…

1. Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và văn bản pháp luật nội dung áp dụng

Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và văn bản pháp luật nội dung áp dụng là hai vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với phương án tư vấn cũng như giải quyết vụ việc dân sự. Để xác định quan hệ tranh chấp, cần làm rõ các bên tranh chấp với nhau về vấn đề gì, tranh chấp giữa ai với ai, đồng thời dựa vào văn bản pháp luật nội dung áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp đó.

Xác định đúng pháp luật nội dung và các nguồn bổ trợ khác của pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự; hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại, lao động (viết tắt là dân sự) không chỉ có ý nghĩa trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vấn đề mấu chốt của vụ việc, thu thập, cung cấp chứng cứ, đưa ra phương án giải quyết, soạn thảo bản luận cứ… bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý, khách hàng và là một trong yếu tố quyết định thành công của Thẩm phán giải quyết vụ việc hay Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, góp phần cho việc giải quyết tranh chấp dân sự đúng đắn, chính xác.

Xác định được chính xác, đúng, đủ luật nội dung áp dụng giải quyết vụ việc dân sự đòi hỏi Thẩm phán giải quyết vụ việc hay đương sự, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ làm sang tỏ được vụ việc có bao nhiêu quan hệ pháp luật cần giải quyết, các tình tiết, sự kiện pháp lý nào đã được xác lập, thực hiện; thời điểm xảy ra các tình tiết, sự kiện pháp lý; tài liệu, chứng cứ chứng minh các tình tiết, sự kiện đó như thế nào từ đó tìm kiếm các văn bản pháp luật áp dụng phù hợp.

Các văn bản quy phạm pháp luật nội dung điều chỉnh quan hệ dân sự rất rộng, bao gồm 02 nhóm văn bản pháp luật:

– Luật chung: Luật dân sự là luật chung. Tùy theo thời điểm xác lập giao dịch hoặc sự kiện pháp lý sẽ áp dụng văn bản pháp luật dân sự khác nhau. Có thể là luật chuyên ngành hoặc luật chung như BLDS năm 1995 hoặc BLDS năm 2005 hoặc BLDS năm 2015.

– Luật chuyên ngành: Tùy theo quan hệ tranh chấp mà khi giải quyết vụ việc dân sự, Thẩm phán có thể phải áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thương mại, Bộ luật Lao động…

Xuất phát từ tính đặc thù của điều kiện chính trị, lịch sử, kinh tế, xã hội của nước ta nên các văn bản pháp luật nội dung chuyên ngành được áp dụng để giải quyết tranh chấp, yêu cầu dân sự có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng nguồn luật khi giải quyết tranh chấp, yêu cầu. Chẳng hạn, cho đến thời điểm hiện nay, trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình  Nhà nước ta có 4 văn bản pháp luật, đó là Luật Hôn nhân và gia đình  năm 1959, Luật Hôn nhân và gia đình  năm 1986, Luật Hôn nhân và gia đình  năm 2000, Luật Hôn nhân và gia đình  năm 2014.

Pháp luật về dân sự, đất đai, nhà ở, thương mại, lao động… cũng có nhiều văn bản pháp luật tương ứng với các giai đoạn khác nhau. Với đặc điểm về luật nội dung áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự như vậy đòi hỏi Thẩm phán hay Luật sư tham gia giải quyết vụ việc dân sự phải có kỹ năng xác định các nguyên tắc áp dụng pháp luật nội dung.

2. Nguyên tắc áp dụng luật nội dung

Thông thường, văn bản pháp luật nội dung áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự là pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch hoặc sự kiện pháp lý xảy ra. Tuy nhiên, cần lưu ý các nguyên tắc áp dụng luật nội dung giải quyết tranh chấp dân sự bao gồm:

– Nguyên tắc áp dụng luật chung, luật chuyên ngành là “riêng phủ định chung”.

– Áp dụng luật theo hiệu lực về thời gian của văn bản pháp luật.

– Áp dụng luật theo hiệu lực về không gian của văn bản pháp luật.

– Áp dụng luật theo cơ quan ban hành văn bản pháp luật.

3. Áp dụng các nguồn bổ trợ khác

Trong trường hợp không có văn bản luật điều chỉnh cụ thể nội dung tranh chấp, người áp dụng pháp luật cần có kỹ năng áp dụng các nguồn bổ trợ khác của pháp luật. Nguồn bổ trợ của pháp luật theo quy định của BLTTDS 2015 và BLDS 2015 bao gồm: tập quán; tương tự pháp luật; các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 và BLDS năm 2015 thì:

“Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (khoản 2, Điều 4 BLTTDS năm 2015).

Đây là quy định bổ sung mang tính đột phá của BLTTDS năm 2015. Quy định này đưa ra nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp, yêu cầu dân sự của tòa án, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của chủ thể quan hệ pháp luật, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người và quyền tư pháp.

Để áp dụng đúng, đủ, chính xác các nguồn bổ trợ của pháp luật dân sự, Thẩm phán, Luật sư cần nghiên cứu nắm vững các quy định Điều 45 BLTTDS năm 2015, Điều 5, 6 BLDS năm 2015 và các quy định khác có liên quan đến giải quyết vụ án cụ thể mà mình tham gia, đồng thời phải am hiểu về tập quán trong nước và quốc tế; biết phân tích và áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật; biết phân tích và viện dẫn án lệ, phân tích và áp dụng lẽ công bằng.

+ Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

“Tập quán có giá trị áp dụng là tập quán không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015. Trường hợp có nhiều tập quán thì áp dụng tập quán do các bên thỏa thuận; nếu các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự”[1].

+ Lẽ công bằng được quy định tại Điều 45 BLTTDS 2015:“được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.

+ Án lệ của Việt Nam:“là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Cho đến nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 39 án lệ[2].

Ngoài ra, khi áp dụng các nguồn bổ trợ của pháp luật khi tham gia giải quyết vụ án dân sự còn phải nắm vững được thứ tự áp dụng các nguồn bổ sung của pháp luật. Theo đó, tập quán được áp dụng trong trường hợp các bên không có thoả thuận, pháp luật không quy định và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Trường hợp không có không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng  thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.

[1] TANDTC, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC, ngày 07/4/2017 về Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.

[2] https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/home, truy cập ngày 28/10/2020.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon