Điều kiện áp dụng án lệ. Một số vụ việc dân sự dùng án lệ để giải quyết

dieu-kien-ap-dung-an-le-mot-so-vu-viec-dan-su-dung-an-le-de-giai-quyet

Tòa án không được từ chối giải quyết các tranh chấp với lý do chưa có luật là nguyên tắc tố tụng quan trọng được ghi nhận trong cả Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật dân sự năm 2015 nên kể cả khi không thể áp dụng luật, tập quán, tương tự pháp luật để giải quyết tranh chấp dân sự thì Tòa án phải áp dụng án lệ hoặc lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp đang xảy ra.

Án lệ được hiểu là đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án trong các vụ việc tranh chấp. Đường lối giải quyết này đã được coi như một tiền lệ để các thẩm phán sau đó có thể vận dụng theo trong các trường hợp tương tự. Xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự. Án lệ có các đặc điểm sau đây: Án lệ do tòa án tạo ra trong qua trình xét xử nên nguồn luật án lệ còn được gọi là luật được hình thành từ vụ việc hay luật do thẩm phán ban hành; án lệ được hình thành phải mang tính mới. Các quy tắc giải quyết được đưa ra chưa có truớc đó. Việc thừa nhận án lệ là nguồn của luật dân sự phù hợp với quy định trong Hiến pháp [1] và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.

1. Điều kiện áp dụng án lệ

Một là, phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự;

Hai là, không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh; không có tập quán, không có quy định tương tự để áp dụng và các bên không có thỏa thuận. Điều này được ghi nhận tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”;

Ba là, có án lệ tương thích để điều chỉnh quan hệ dân sự đang phát sinh. Đây là điều kiện bắt buộc cần phải có để đảm bảo cho việc áp dụng án lệ. Bởi án lệ nước ta là cơ chế tuyển chọn và công bố án lệ nên chỉ có một số bản án được công nhận là án lệ.

Hiện nay, Bộ luật dân sự năm 2015 mới chỉ dừng lại ở việc công nhận áp dụng án lệ và quy định thứ tự ưu tiên các áp dụng. Do đó, Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTP đã quy định việc áp dụng án lệ như sau: Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Án lệ được áp dụng phải là án lệ đang có hiệu lực và được công nhận. Với các án lệ đã bị bãi bỏ thì không được tiếp tục áp dụng. Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định, việc bãi bỏ án lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình; bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ.

Việc áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng án lệ và lẽ công bằng nhằm khắc phục những lỗ hổng trong pháp luật dân sự đó là trên thực tế có các quan hệ dân sự phát sinh nhưng không có các quy phạm pháp luật điều chỉnh, tuy nhiên cần phải giải quyết tranh chấp đó. Việc áp dụng này cũng sẽ tạo tiền đề để các nhà lập pháp hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật.

2. Bãi bỏ án lệ

Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ: trường hợp án lệ không còn phù hợp do sự thay đổi của pháp luật thì án lệ đương nhiên bị bãi bỏ, không cần phải có quy trình bãi bỏ án lệ đối với trường hợp này.

Án lệ bị bãi bỏ theo quy trình bãi bỏ án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tiến hành: trường hợp án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình hoặc bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ thì Hội đồng Thẩm phán xem xét, quyết định việc bãi bỏ án lệ.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ theo quy trình được hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:

Bước 1: Kiến nghị bãi bỏ án lệ

Cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ khi phát hiện án lệ thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này.

Tòa án đã hủy, sửa bản án, quyết định thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này phải gửi báo cáo kèm theo quyết định đã hủy, sửa về Tòa án nhân dân tối cao để xem xét việc bãi bỏ án lệ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.

Bước 2: Tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, báo cáo theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ.

Bước 3: Thông qua việc bãi bỏ án lệ

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc bãi bỏ án lệ theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, theo đó: Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Bước 4: Thông báo bãi bỏ án lệ

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông báo bãi bỏ án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị bãi bỏ. Thông báo bãi bỏ án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

3. Một số vụ việc dân sự được Toà án áp dụng án lệ để giải quyết

* Vụ án số 1: Bản án số: 142/2018/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ngày 13-6-2018 v/v “Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”.

– Nội dung vụ án: Vào năm 2012 bà B lập HĐTCQSDĐ cho ông (ông L đã đứng tên trong giấy chứng nhận QSDĐ) với điều kiện ông L phải chăm sóc bà B và hàng năm ông L phải giao cho bà B 100 giạ lúa để bà B sinh hoạt (thỏa thuận bằng miệng). Ông L đã cho con gái là Võ Thị Mộng T đến ở cùng bà B và thực hiện việc chăm sóc bà. Thời gian gần đây ông L và con gái là T không chăm sóc bà B như thỏa thuận, bà B phải tự lo, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nên bà B nộp đơn ra tòa yêu cầu tòa án hủy bỏ HĐTCTS giữa bà và ông L.

– Giải quyết của tòa án: Tại Quyết định bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 11 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện CL đã xử: Chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị B: Buộc ông Võ Thành L trả cho bà Lê Thị B diện tích đất.

– Nhận xét bản án: Đối với vụ việc này, tác giả có hai nhận xét sau đây:

(i) Về người thực hiện điều kiện tặng cho: HĐTCTS được xác lập giữa bà B và ông L, theo đó điều kiện bà B đặt ra là đặt cho ông L. Ông L phải là người thực hiện điều kiện này. Tuy nhiên, sau đó ông L cho con gái đến ở cùng bà B để thực hiện việc chăm sóc; điều này được sự đồng ý của bà B. Theo tác giả, điều kiện tặng cho có thể được thực hiện bởi người được tặng cho hoặc chủ thể thứ ba khác nếu người tặng cho đồng ý. Trong tình huống khi con gái L đến ở cùng bà B thì B không có bất cứ phản đối nào. Khi xem xét vụ việc, tòa án cần chú ý tới sự kiện này để thông qua đó xác định ông L đã thực hiện điều kiện tặng cho hay chưa? Tuy nhiên, vấn đề này chưa được xem xét thấu đáo trong bản án.

(ii) Trong bản án, tòa án có nhận định sau đây: “mặc dù  theo  HĐTCQSDĐ ngày 24/7/2012 giữa bà Lê Thị B với ông Võ Thành L không thể hiện điều kiện là bà B tặng cho QSDĐ cho ông L, thì ông L phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc bà B đến cuối đời. Tuy nhiên, theo biên bản phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm ông L thừa nhận là bà B tặng cho ông L QSDĐ là có điều kiện, ông L phải nuôi dưỡng, chăm sóc bà B đến cuối đời”. Đây là trường hợp điều kiện tặng cho không được ghi nhận trong HĐTC nhưng tòa án vẫn công nhận điều kiện tặng cho giữa B và L. Cách thức giải quyết này thống nhất với Án lệ số: 14/2016/AL.

* Vụ án số 2: Bản án số: 103/2018/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, ngày 21/5/2018 v/v “Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và đòi giá trị tài sản phát sinh từ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”.

– Nội dung vụ án: Năm 2001 bà H mới mua được miếng đất tại đường Lê PH, khu phố 1, phường VB, Tp. RG, Kiên Giang. Ngày 29/10/2007 bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Bùi Thị H. Ngày 14/12/2007 bà H lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại địa chỉ Lô A1-33 thuộc Dự án lấn biển xây dựng khu đô thị mới thành phố RG với diện tích 100 m2 cho N, đã được Ủy ban nhân dân phường VB chứng thực ngày 14/12/2007 và được sang tên trước bạ theo quy định của pháp luật. Kể từ ngày đã được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bà N đã ngược đãi và không chăm sóc bà như lời nói mà bà N cam kết. Bà yêu cầu Tòa án giải quyết hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của bà cho Lý Thùy N, buộc N phải giao trả nhà đất lại cho bà.

– Giải quyết của tòa án:

+ Tại bản án dân sự sơ thẩm số 50/2017/DS-ST ngày 23 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố RG, tỉnh Kiên Giang đã quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Bùi Thị H về việc “Tranh chấp hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và đòi giá trị tài sản phát sinh từ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” đối với bị đơn bà Lý Thùy N.

+ Tại phiên tòa phúc thẩm[2]: Hội đồng xét xử đưa ra hai nhận định quan trọng sau: (i) Bản án sơ thẩm xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà H với bà N là hợp đồng tặng cho có điều kiện và phù hợp với nội dung án lệ số 14 /2017/AL về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng; (ii) Bà N khi nhận tặng cho tài sản thì phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H. Tuy nhiên, thời gian đầu bà N thực hiện đúng nghĩa vụ của mình nhưng từ năm 2014 đến nay bà N không thực hiện đúng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H. Hiện tại, bà H đã không còn sống cùng với bà N và bà N cũng không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bà H. Do đó, bà N đã vi phạm điều kiện tặng cho. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bà N.

– Nhận xét bản án: Đối với vụ việc này, tác giả có nhận xét sau đây:

Tình tiết quan trọng nhất trong Vụ án số 16 là liên quan đến điều kiện tặng cho tài sản. Đây là yếu tố then chốt để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, theo tác giả, yếu tố này chưa được xem xét thấu đáo trong quá trình giải quyết vụ việc, cụ thể:

(i) Ngay tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu ý kiến: “Nhận định của bản án sơ thẩm còn cảm tính về việc tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện đối với bà N, ngoài lời khai ra bà H không có chứng cứ nào khác để chứng minh cho việc tặng cho nhà, đất cho bà N là phải có điều kiện kèm theo. Nội dung của vụ án không phù hợp với nội dung của án lệ số 14 ngày 14/12/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên không xem xét áp dụng án lệ”.

(ii) Lập luận để áp dụng Án lệ số 14/2017/AL của hội đồng xét xử cấp phúc như sau: “Mặc dù, bà N không thừa nhận việc các bên có thỏa thuận điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng bà H tặng cho bà N quyền sử dụng đất tại số 80 Lê PH, phường VB, thành phố RG là tài sản duy nhất của bà H. Mặt khác, theo bà N và bà H trình bày thì từ năm 2003, bà H đã không còn lao động kiếm sống mà sống nhờ vào tiền tích lũy và nuôi dưỡng từ con, cháu. Nên việc bà H cho rằng tặng cho bà N quyền sử dụng đất kèm theo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là có căn cứ. Do đó, bản án sơ thẩm xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà H với bà N là hợp đồng tặng cho có điều kiện và phù hợp với nội dung án lệ số 14 /2017/AL về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng”.

Có thể thấy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang và Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang có những lập luận trái ngược nhau hoàn toàn về cách thức giải quyết đối với trường hợp điều kiện tặng cho không được ghi trong hợp đồng tặng cho giữa bà H và bà N. Theo tác giả, lập luận của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang không thừa nhận điều kiện tặng cho là phù hợp và vận dụng chính xác Án lệ số 14/2017/AL hơn bởi lẽ:

Theo nội dung của Án lệ số 14/2017/AL: “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Trường hợp này, Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện”.

Như vậy, để áp dụng được Án lệ số 14/2017/AL thì bên tặng cho phải chứng minh được thực tế có điều kiện tặng cho (thông qua các giấy tờ, người làm chứng, bản ghi âm hay sự thừa nhận của bên được tặng cho…). Trong vụ việc trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ra quyết định áp dụng Án lệ số 14/2017/AL nhưng không có bất cứ minh chứng nào chứng minh cho điều kiện tặng cho được ký kết giữa bà H và bà N. Ngay trong nhận định của Hội đồng xét xử cấp phúc để thừa nhận hợp đồng tặng cho giữa bà H và bà N là HĐTCTSCĐK là trên cơ sở suy luận, cảm tính.

[1] Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.”

[2] Trong vụ việc này, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã áp dụng Án lệ số 14/2017/AL để giải quyết vụ việc.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon