Nguồn của pháp luật ở Việt Nam và thực tiễn sử dụng các loại nguồn của pháp luật

nguon-cua-phap-luat-o-viet-nam-va-thuc-tien-su-dung-cac-loai-nguon-cua-phap-luat

Có thể thấy, trước năm 2014, pháp luật Việt Nam chủ yếu bao gồm hai loại nguồn là văn bản quy phạm pháp luật và tập quán pháp. Từ khi nhà nước ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, án lệ đã chính thức được thừa nhận là một loại nguồn của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng cũng được thừa nhận là nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay[1]. Cụ thể như sau:

1. Văn bản quy phạm pháp luật

Trong các loại nguồn của pháp luật ở Việt Nam hiện nay, văn bản quy phạm háp luật là nguồn chủ yếu và quan trọng nhất. Điều này một phần do ảnh hưởng bởi truyền thống pháp luật quốc gia, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống pháp luật Civil Law – là hệ thống coi trọng pháp luật thành văn hơn so với án lệ. Chính bởi vậy, Việt Nam luôn coi trọng việc sử dụng văn bản quy phạm pháp luật từ trong tư tưởng cho đến hoạt động trên thực tiễn.

Pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành, tên gọi, nội dung, trình tự, thủ tục ban hành đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật. Có thể thấy, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta tương đối cồng kềnh, phức tạp, với nhiều tầng nấc. Ngoài hiến pháp là luật cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam thường có tên gọi là bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, …được qui định cụ thể tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, các loại văn bản quy phạm pháp luật được chia thành hai loại là văn bản luật và văn bản dưới luật. Trong đó, văn bản luật có thể quan niệm là văn bản do Quốc hội ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật khác là văn bản dưới luật.

Xét về tính thứ bậc hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay, ngoài Hiến pháp được quy định chính thức là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí cao nhất, còn lại các văn bản khác không được qui định chính thức thứ tự cao thấp về hiệu lực. Tuy nhiên, bằng việc qui định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành chúng, nhà nước đã đồng thời xác định thứ tự cao thấp về hiệu lực của từng loại văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật một cách đúng đắn.

2. Tập quán pháp

Tập quán pháp là một loại nguồn của pháp luật Việt Nam ở góc độ chính danh kể từ năm 1995 khi mà nhà nước ban hành Bộ luật dân sự đầu tiên. Theo đó, điều 14 của Bộ luật dân sự năm 1995 có qui định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận, thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật, nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này.”[2] Kế thừa các qui định của Bộ luật Dân sự năm 1995, các qui định của pháp luật hiện nay vẫn tiếp tục thừa nhận tập quán pháp với tư cách là một loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay. Cụ thể, tại điều 5 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

“Điều 5. Áp dụng tập quán

Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.”[3]

Như vậy, tập quán pháp là nguồn chính thức của pháp luật Việt Nam hiện nay. Theo đó, ở Việt Nam, tập quán pháp có thể được hình thành từ hai con đường: 1- Những tập quán được dẫn chiếu trong các điều của các văn bản quy phạm pháp luật; 2- Những tập quán được áp dụng để giải quyết các vụ việc cụ thể. Trong trường hợp này pháp luật chỉ đưa ra nguyên tắc áp dụng tập quán, khi một tập quán được áp dụng nó sẽ trở thành tập quán pháp.

Về tính thứ bậc hiệu lực pháp lý so với các nguồn khác như văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, tập quán pháp chỉ được áp dụng khi các bên không có thoả thuận và luật thành văn chưa có hoặc chưa qui định. Và việc nhà nước thừa nhận tập quán trở thành tập quán pháp thì tập quán đó cũng chỉ được áp dụng tại phạm vi vùng, lãnh thổ, nơi mà tập quán đó tồn tại và được thừa nhận, chứ không có nghĩa được áp dụng rộng rãi trong các vùng khác cũng như trong cả nước.

3. Án lệ

Án lệ chính thức được thừa nhận là một loai nguồn của pháp luật Việt Nam kể từ năm 2014, khi Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 được thông qua và có hiệu lực thi hành. Theo đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xét xử.

Án lệ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là án lệ được hình thành trước hết trong quá trình tòa án giải thích và áp dụng các qui định trong pháp luật thành văn, nhằm làm tăng tính thuyết phục trong các phán quyết của tòa án. Theo đó, tính đến tháng 10/2020, Việt Nam đã công bố tổng số 39 bản án lệ, trong đó án lệ số 39/2020/AL về xác định giao dịch dân sự có điều kiện vô hiệu do điều kiện không thể xảy ra được Hội đồng phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 13 tháng 8 năm 2020 và được công bố theo Quyết định số 276/QĐ-CA ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao[4]. Các án lệ tạo ra quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay đang trong quá trình nghiên cứu và có thể ở một tương lai không xa Việt Nam sẽ chính thức hóa thêm loại án lệ này.

Về tính thứ bậc hiệu lực pháp lý của án lệ: hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có qui định chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, theo lời văn của qui định trong pháp luật hiện hành, đối với lĩnh vực dân sự có thể hiểu thứ tự ưu tiên áp dụng của án lệ là: thỏa thuận các bên; điều khoản qui định trực tiếp vụ việc; tập quán; qui định điều chỉnh vụ việc tương tự; các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự; án lệ; lẽ công bằng[5].

4. Điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế là một loại nguồn quan trọng của pháp luật Việt Nam hiện nay. Điều ước quốc tế có thể được nội luật hóa thành các qui định trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, cũng có thể được áp dụng một cách trực tiếp. Trong trường hợp áp dụng trực tiếp thì pháp luật Việt Nam có qui định cụ thể, theo đó nếu về cùng một vấn đề mà pháp luật trong nước và điều ước quốc tế có qui định khác nhau thì thứ tự ưu tiên áp dụng lần lượt là Hiến pháp, điều ước quốc tế, các văn bản luật, các văn bản dưới luật[6].

5. Hợp đồng

Pháp luật Việt Nam tôn trọng thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, tất nhiên nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật thành văn cũng như không trái đạo đức xã hội. Khi đó, thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng được coi là căn cứ pháp lí để các bên thực hiện hành vi của mình đồng thời cũng là căn cứ quan trọng để các thể có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nếu có. Thậm chí, trong lĩnh vực luật dân sự, trong một số qui định của pháp luật hiện hành, thỏa thuận của các bên được nhà làm luật đề cập trước rồi mới đến pháp luật thành văn hoặc tập quán, … Chẳng hạn, qui định tại điều 2, đặc biệt là điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, theo đó “…Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng….”[7]

6. Một số nguồn khác

Bên cạnh các loại nguồn đề cập trên, pháp luật Việt Nam hiện nay còn thừa nhận các quan niệm, quan điểm đạo đức xã hội và pháp luật nước ngoài cũng là những loại nguồn được sử dụng ở nước ta hiện nay.

Việc sử dụng các quan niệm, quan điểm đạo đức xã hội, đặc biệt là pháp luật nước ngoài trong trường hợp nào sẽ đều phải tuân theo những điều kiện cũng như thủ tục, trình tự do pháp luật qui định.

[1] Xem: Trường Đại học Luật HN, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội – 2017, tr 295.

[2] Xem: Điều 14 của Bộ luật Dân sự năm 1995 (Về nguyên tắc áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật)

[3] Xem thêm: Bộ luật Dân sự năm 2015

[4] Xem: Tạp chí Tòa án

[5] Xem: Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015

[6] Xem: Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

[7] Xem Điều 3 của Bộ luật dân sự năm 2015

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon