Học luật có thể làm nghề gì?

hoc-luat-co-the-lam-nghe-gi

Trong những năm gần đây, ngành Luật luôn là một trong những ngành thu hút được nhiều sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh nhất. Bởi đây là ngành học có cơ hội việc làm rộng mở sau khi ra trường. Những câu hỏi được các thí sinh cũng như phụ huynh đặt ra nhiều nhất như: Ngành Luật là ngành gì? Muốn học ngành Luật thì thi khối nào? Học Luật thì học ở đâu?,… Đặc biệt là thắc mắc về việc học Luật ra có thể làm nghề gì? Sau đây Luật Dương Gia sẽ giải đáp cho quý bạn đọc những thắc mắc trên. Hy vọng rằng, những thông tin chúng tôi đưa ra sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về ngành Luật và giúp các thí sinh có thêm thông tin để tham khảo trước khi đưa ra quyết định chọn ngành học cho mình.

1. Ngành Luật là gì?

Ngành Luật (Faculty of Law), đối với trình độ Đại học hiểu đơn giản là một ngành học mà ở đó người học sẽ được đào tạo những kiến thức về hệ thống pháp luật trong và ngoài nước. Trong ngành Luật có rất nhiều chuyên ngành nhỏ như Luật dân sự, Luật hình sự, Luật kinh tế,… Tuỳ thuộc theo mỗi chuyên ngành đào tạo mà người học sẽ được trang bị các kiến thức khác nhau liên quan cụ thể đến lĩnh vực đó.

2. Muốn học Luật phải thi khối nào?

Hiện nay, ngành Luật tổ chức xét tuyển với rất nhiều tổ hợp ở các khối giúp các bạn thí sinh có thêm nhiều sự lựa chọn cho mình. Cụ thể:

  • Khối A00: Toán, Vật Lý, Hoá học;
  • Khối A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh;
  • Khối C00: Văn, Sử, Địa;
  • Khối D01: Văn, Toán, Tiếng Anh;
  • Khối D03: Văn , Toán, Tiếng Pháp;
  • Khối D06: Văn, Toán, Tiếng Nhật;

Ngoài việc xét tuyển theo điểm thi THPT thì một số trường có thêm các hình thức xét tuyển bằng học bạ, bằng các giải thưởng ở các cuộc thi lớn tỏng và ngoài nước.

3. Học Luật thì học ở đâu?

Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành Luật trải dài khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Dưới đây là một số trường Đại học đào tạo ngành Luật uy tín, mời quý bạn đọc tham khảo.

Trường Đại học Luật Hà Nội

Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10 tháng 11 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ. Trải qua hơn 40 năm phát triển, hiện nay trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo ngành Luật hàng đầu tại Việt Nam.

Các chuyên ngành của trường bao gồm:

  • Luật học;
  • Luật Kinh tế;
  • Luật Thương mại quốc tế;
  • Ngôn Ngữ Anh (Chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý).

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là trường đào tạo luật hàng đầu ở khu vực phía Nam, đạt chất lượng cao trong giảng dạy và nghiên cứu của quốc gia và trong khu vực. Nếu bạn đang tìm kiếm một môi trường đào tạo Luật chất lượng ở phía Nam thì đây là một lựa chọn lý tưởng.

Các chuyên ngành của trường bao gồm:

  • Ngành Luật;
  • Ngành ngôn ngữ Anh;
  • Ngành Quản trị – Luật;
  • Ngành Quản trị kinh doanh;
  • Ngành Luật Thương Mại quốc tế.

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì trường Đại học Luật Huế là cơ sở đào tạo ngành Luật lớn và uy tín nhất. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo từ các cơ sở hàng đầu trong và ngoài nước về ngành Luật cũng như kinh nghiệm dày dặn trong nghề, trường Đại học Luật Huế là một lựa chọn hàng đầu của các thí sinh khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và thí sinh cả nước nói chung.

Các chuyên ngành của trường bao gồm:

  • Ngành Luật;
  • Ngành Luật Kinh tế;

Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, tính đến cuối năm 2023, trường có 381 nhân sự, trong đó có 230 giảng viên (100 người có trình độ TS, PGS và GS và hơn 45% nhân sự được đào tạo sau đại học ở nước ngoài).

Các chuyên ngành Luật của trường bao gồm:

  • Luật Tài chính – Ngân hàng;
  • Luật Thương mại quốc tế;
  • Luật Kinh doanh;
  • Luật Dân sự;
  • Luật.

Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

Tuy chỉ là một khoa của trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những cơ sở đào tạo uy tín của cả nước. Có thể nói, khoa Luật trường Đại học Quốc Gia Hà Nội là cơ sở đào tạo Luật đứng thứ hai ở miền Bắc sau trường Đại học Luật Hà Nội.

Để trở thành một sinh viên của khoa Luật ĐHQG Hà Nội, các thí sinh ngoài việc đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản còn cần phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.

Khoa Luật trường Đại học Vinh

Khoa Luật trường Đại học Vinh là một khoa tương đối trẻ trong việc đào tạo ngành Luật. Tuy nhiên, qua quá trình hơn 8 năm phấn đấu và phát triển thì đây cũng được xem là một sự lựa chọn đáng cân nhắc của thí sinh.

Khoa luật Đại học Vinh có 02 chuyên ngành đào tạo: Luật học và Luật Kinh tế.

Khoa Luật trường Đại học Cần Thơ

Khoa Luật trường Đại học Cần Thơ được thành lập vào tháng 2 năm 2000 trên cơ sở là Bộ môn Luật được thành lập vào tháng 9 năm 1998.

Tại đây đào tạo những chuyên ngành như sau:

  • Luật Hành chính;
  • Luật Tư pháp;
  • Luật Thương mại;

4. Học Luật có thể làm nghề gì?

Khi nói đến ngành Luật thì đại đa số mọi người thường nghĩ học Luật ra chỉ có thể làm nghề Luật sư hay làm ở các cơ quan nhà nước. Nhưng thực tế không phải vậy, sau khi hoàn thành chương trình học ở các cơ sở đào tạo thì các bạn có thể đi làm ở các công ty Luật, văn phòng công chứng, một số bạn có thể được giữ lại trường để làm việc hoặc làm nhà báo hay làm ở các cơ quan ban ngành khác.

Theo Dự báo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế của nước ta hiện nay thì nhu cầu về nhân lực ngành Luật có xu hướng tăng không ngừng nghỉ. Do đó, phần lớn sinh viên theo học ngành luật sẽ có cơ hội việc làm rộng mở, cùng với đãi ngộ tốt và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.

Trong thời buổi hiện nay, các công ty – doanh nghiệp thành lập mới mọc lên như “nấm sau mưa”. Cùng với nhu cầu phát triển bền vững, mở rộng quy mô thì các công ty – doanh nghiệp ngày nay cũng rất chú trọng đến khâu pháp lý. Không chỉ là nhu cầu về kiện tụng, giúp hạn chế những rủi ro mà còn các vấn đề khác như về sở hữu trí tuệ, giảm thiệt hại cho công ty – doanh nghiệp, đưa ra giải pháp giúp thu hút nguồn vốn, đưa công ty ngày càng phát triển.

Một số bạn sau khi tốt nghiệp có xu hướng học tiếp để nâng tầm kiến thức, khẳng định bản thân cũng như tìm cho mình một chỗ đứng trong nghề. Tuy nhiên, học tập phải luôn đi đôi với thực hành. Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức lý luận thì các bạn nên trao dồi kỹ năng làm việc bằng cách đi làm thực tế. Có như vậy mới có thể phát triển bản thân hơn nữa.

Sau đây là một số việc làm liên quan đến ngành Luật, mời quý bạn đọc cùng tham khảm:

Chuyên viên pháp lý

Đây là những người hỗ trợ, xử lý các vấn đề về pháp luật cho doanh nghiệp theo đúng quy định. Họ là những người trực tiếp nghiên cứu, soạn thảo, hoàn thiện và chỉnh lý hồ sơ pháp lý. Ngoài ra, họ còn phải thường xuyên gặp gỡ đối tác, cập nhật những thay đổi của pháp luật ,…. Khả năng giao tiếp tốt, xử lý tình huống linh hoạt hay tác phong làm việc nhanh nhẹn là những gì thường thấy ở chuyên viên pháp lý.

Pháp chế doanh nghiệp

Hiện nay, ngoài các ngân hàng thì hầu như các doanh nghiệp đều có phòng/ban pháp chế doanh nghiệp. Do đó, pháp chế doanh nghiệp chính là sự lựa chọn hàng đầu sau khi ra trường của sinh viên ngành Luật vì cơ hội việc làm cao và môi trường làm việc năng động.

Luật sư

Luật sư chính là câu trả lời nhiều nhất cho câu hỏi “Học Luật ra làm nghề gì?”. Thực tế, vẫn có rất nhiều người lầm tưởng rằng cứ học Luật ra thì sẽ làm luật sư vì đây là công việc được cho là đặc trưng tiêu biểu nhất của ngành Luật.

Để làm luật sư trước tiên bạn phải có bằng cử nhân Luật, sau đó bạn phải đăng kí học lớp đào tạo nghề luật sư của Bộ Tư pháp. Trải qua thời gian dài học tập cùng với việc thông qua tất cả các kì kiểm tra, đánh giá, các kì thi,… thì bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận hành nghề luật sư.

Luật sư là một nghề đặc biệt, bởi nó đòi hỏi người hành nghề phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực pháp luật mà còn ở những lĩnh vực khác. Đồng thời, Luật sư cũng cần có đạo đức nghề nghiệp tốt và trang bị cho mình các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tranh tụng, tư duy logic,… thật tốt.

Công chứng viên

Công chứng viên là người cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

Cũng giống như luật sư, muốn trở thành công chứng viên thì điều kiện đầu tiên là bạn phải có bằng cử nhân Luật. Tiếp theo bạn phải tốt nghiệp khoá đào tạo nghề công chứng, có thời gian công tác pháp luật theo quy định, đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng thì mới được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên.

Kiểm sát viên

Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp. Tiêu chuẩn chung của kiểm sát viên là có trình độ cử nhân Luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có thời gian công tác theo quy định. Muốn trở thành kiểm sát viên bạn cần có những kỹ năng hùng biện, phân tích, xử lý tình huống,… Ngoài những yếu tố chuyên môn thì kiểm sát viên cũng cần phải đáp ứng các quy định về đạo đức làm nghề.

Thư ký Toà án

Đây là những người có trình độ cử nhân Luật được Toà án tuyển dụng, được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Toà án, và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Toà án.

Thư ký Toà án sẽ là Thư ký phiên toà, tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của luật tố tụng, thực hiện các nhiệm hành chính, tư pháp và các nhiệm vụ khác.

Giảng viên ngành Luật

Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp có mong muốn được ở lại trường hoặc xin vào các trường đại học khác để làm giảng viên ngành Luật. Để trở thành một giảng viên ngành Luật bạn phải tốt nghiệp loại giỏi ngành Luật hệ chính quy hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành Luật. Đồng thời, bạn cần phải học thêm về nghiệp vụ sư phạm trước khi trở thành giảng viên giảng dạy.

Thẩm phán

Thẩm phán là người có nhiệm vụ xét xử các vụ án và giải quyết những việc khác theo thẩm quyền mà pháp luật quy định.

Đây là chức danh cao quý bởi nó đòi hỏi người đảm nhiệm phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. Thẩm phán phải có trình độ cử nhân Luật trở lên, đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử và có thời gian công tác thực tiễn pháp luật.

Trên đây là phần giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc học ngành Luật. Chúng tôi hy vọng qua những thông tin trên quý bạn đọc đã phần nào hiểu biết thêm về ngành học này. Đồng thời, có thêm nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp cho những bạn đã, đang và sẽ theo học ngành này.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon