Ngày Nhà giáo Việt Nam

ngay-nha-giao-viet-nam

Dân tộc ta từ ngàn đời nay vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, truyền thống ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Ngày 20/11 ra đời với mục đích để các thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Đây cũng là dịp tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục trên cả nước.

1. Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tháng 1/1946, một tổ chức quốc tế nhà giáo đã được thành lập ở thủ đô nước Pháp lấy tên là FISE (viết tắt của cụm từ Féderation International Syndicale des Enseignants (tạm dịch là Liên hiệp các Công đoàn Giáo dục quốc tế) bởi các nhà giáo tiến bộ trên thế giới. Nhằm đấu tranh chống lại những quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản dân chủ, phản khoa học.

Sau 3 năm kể từ ngày thành lập, vào năm 1949 tại Waszawa – thủ đô của Ba Lan FISE đã xây dựng nên Hiến chương các nhà giáo quốc tế gồm 15 chương. Nội dung chính nói về đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến cũng như xây dựng nền giáo dục tốt đẹp, trong đó bảo vệ quyền lợi của nghề dạy, đề cao trách nhiệm, vị trí của người thầy. Sự ra đời của bản hiến chương này nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân nhiều nước trên thế giới, nền giáo dục của nhiều nước đã thực thi hiến chương và đã đẩy lùi được những quan điểm sai lầm trong giáo dục, đưa nền giáo dục của nhiều nước trở nên tiên tiến hơn.

Vào năm 1953, nước ta đã tiến hành công nhận Hiến chương các nhà giáo quốc tế và gia nhập vào Liên hiệp các Công đoàn Giáo dục quốc tế

Năm 1957, tại thủ đô của Ba Lan hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo” nhằm tôn vinh nghề dạy học và củng cố, phát triển mạnh mẽ nền giáo dục tiến bộ trên toàn thế giới .

Ở Việt Nam, giai đoạn này đất nước vẫn đang bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc nên vào năm 1958 ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế chỉ được tổ chức trên toàn miền Bắc. Mãi sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thông nhất thì ngày 20/11 mới được tổ chức trên khắp cả nước.

Được sự giúp đỡ của các cấp Đảng uỷ, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân ta, ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế đã được tổ chức thường niên với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và các thầy cô giáo Việt Nam, năm 1982, Bộ giáo dục và đào tạo đã chính thức đề nghị Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”.

Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên được Đảng, nhà nước, Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức hết sức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội vào ngày 20/11/1982

2. Ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có tên gọi đầy đủ là ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam. Đây chính là dịp để các thế hệ học sinh, dù đang còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã khôn lớn, trưởng thành thể hiện lòng biết ơn với những “người lái đò thầm lặng”, những người luôn yêu thương và tận tình chỉ bạo họ trong suốt quá trình đi đến tri thức.

Qua thời gian, ngày này dần trở thành một ngày lễ lớn của ngành giáo dục nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Bởi lẽ, dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống hiếu học cũng như truyền thống tôn sư trọng đạo. Ngày nhà giáo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa với thầy cô và học sinh mà còn là ngày để toàn xã hội tri ân, chia sẻ niềm vui đối với những người đã hết lòng cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Không chỉ vậy, ngày 20/11 còn là dịp để ngành giáo dục ngồi lại và nhìn nhận những gì đã và chưa làm được. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các thầy cô giáo, cán bộ trong ngành giao lưu, học hỏi với nhiều sự kiện diễn ra trên khắp cả nước. Trong tuần lễ này, các đơn vị, trường học tổ chức rất nhiều hoạt động thú vị như các hội thi văn nghệ chào mừng, hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi làm báo tường,…

Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên, sau mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, toàn ngành Giáo dục, từng thầy cô giáo đã được động viên khích lệ, về cả vật chất lẫn tinh thần để vượt qua khó khăn gian khổ, thi đua dạy tốt, rèn luyện phẩm chất trong sáng. Trong ngày này, mọi cấp, mọi ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các thế hệ học sinh đều hướng về ngành giáo dục, hướng về các thầy, cô giáo với tấm lòng tôn kính và những tình cảm chân thành nhất.

3. Ngày Nhà giáo Việt Nam tặng quà gì?

Những món quà luôn là những sự lựa chọn ưu tiên mỗi khi ai đó bày tỏ tình cảm. Bên cạnh những lời chúc tốt đẹp trong ngày kỷ niệm này thì những món quà cũng là phương tiện thể hiện lòng biết ơn hiệu quả. Sau đây, Luật Dương Gia xin phép gợi ý một số món quà, mời bạn đọc cùng tham khảo nhé:

3.1. Quà tặng thầy giáo

– Thứ nhất có thể kể đến áo sơ mi và cà vạt. Đây là món đồ thiết yếu, thầy của các bạn có thể mặc để lên lớp mỗi ngày hoặc mặc chúng vào những dịp cần thiết.

– Gợi ý tiếp theo chúng tôi đưa ra là giày. Có thể là những loại giày da dùng để đi dạy, đi tiệc hoặc có thể là những đôi sandal trẻ trung, tiện lợi để di chuyển mỗi ngày.

– Thứ ba là cặp xách, balo. Đối với những người có đặt thù công việc phải mang vác nhiều tài liệu như thầy cô thì tặng một chiếc cặp xách hay balo là một ý tưởng tuyệt vời.

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số gợi ý như: bộ ấm chén, tranh treo tường, thắt lưng, bút ký,…

3.2. Quà tặng cô giáo

– Hình ảnh cô giáo thướt tha, hiền dịu trong tà áo dài Việt Nam chắc hẳn đã hằn sâu trong tiềm thức của mỗi thế hệ học sinh. Áo dài như một trang phục mang tính biểu tượng cho những người phụ nữ trong ngành giáo dục. Chính vì vậy, món quà đầu tiên mà Luật Dương gia xin được gợi ý cho các bạn là vải để may áo dài. Chắc chắc cô giáo của bạn sẽ rất vui và cảm động với món quà này.

– Tiếp theo, có thể tặng cô giáo một chiếc túi xách thời trang hoặc cặp xách dùng để đi dạy.

– Một gợi ý nữa là mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da. Bởi, bất kỳ người phụ nữ nào cũng có sở thích, mong muốn làm đẹp cho bản thân.

Ngoài những gợi ý trên, bạn có thể tặng cô giáo của mình những món quà khác như: hoa tươi, khăn choàng cổ, những món đồ handmade tự tay làm, đồ dùng làm bếp,…

Tuy nhiên, đối với thầy cô thì món quà ý nghĩa nhất có lẽ là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của những lớp học trò. Những ai còn đang trên ghế nhà trường hãy cố gắng gặt hái thật nhiều bông hoa điểm mười, thi đua rèn luyện, học tập hơn nữa. Những ai đã rời xa mái trường thì hãy phấn đấu thật tốt trong cuộc sống, trở thành một người thành công và có ích cho gia đình cũng như xã hội. Đó mới chính là món quà, niềm ao ước lớn lao nhất trong sự nghiệp của những người “kỹ sư tâm hồn”.

Trên đây là những thông tin về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hy vọng Luật Dương Gia đã giải đáp giúp bạn những thắc mắc về ngày kỷ niệm này, đừng quên theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều nội dung bổ ích nhé!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon