Trình bày và phân tích các đặc điểm của tố tụng cạnh tranh

trinh-bay-va-phan-tich-cac-dac-diem-cua-to-tung-canh-tranh

Tố tụng cạnh tranh được biết tới là hoạt động điều tra, tiến hành xử lý vụ việc cạnh tranh và tiến hành giải quyết các khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục của Luật cạnh tranh 2018. Tuy nhiên, có lẽ Tố tụng cạnh tranh là một hoạt động tương đối mới trong các lĩnh vực tố tụng, Vậy Tố tụng cạnh tranh là gì, đặc điểm của tố tụng cạnh tranh là gì?. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ khái quát chung những vấn đề liên quan tới chủ đề này cho các bạn.

Căn cứ pháp lý

  • Luật cạnh tranh 2018

1. Khái niệm tố tụng cạnh tranh

Tố tụng cạnh tranh là thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong đời sống pháp lý ở Việt Nam cùng với sự ra đời của Luật Cạnh tranh 2004. Trong quá trình tiếp thu ý kiến và chỉnh lý cho dự thảo Luật Cạnh tranh 2018, nhiều quan điểm cho rằng không nên tiếp tục sử dụng thuật ngữ “tố tụng cạnh tranh” và thay bằng thuật ngữ “trình tự giải quyết vụ việc cạnh tranh” cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu và đánh giá vô cùng cẩn trọng, thuật ngữ “tố tụng cạnh tranh” tiếp tục được kế thừa và sử dụng trong Luật Cạnh tranh 2018.

Đây là sự kế thừa phù hợp bởi tố tụng cạnh tranh là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục điều tra, xử lý và giải quyết vụ việc cạnh tranh, trong đó quy trình tố tụng cạnh tranh có phiên điều trần, các bên có quyền tranh luận, trình bày ý kiến của mình. Quá trình này về bản chất cũng giống với quá trình tranh tụng tại toà. Bởi vậy, việc sử dụng cụm từ “tố tụng cạnh tranh” trong dự thảo Luật này là phù hợp với cách sử dụng thuật ngữ “tố tụng” trong hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018 thì tố tụng cạnh tranh là hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Cạnh tranh.

2. Đặc điểm của tố tụng cạnh tranh

Tố tụng cạnh tranh có những đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tố tụng cạnh tranh được áp dụng để giải quyết vụ việc cạnh tranh

Mỗi dạng thức tố tụng đều được áp dụng để giải quyết các vụ việc pháp lý có tính chất tương ứng. Theo đó, tố tụng cạnh tranh chỉ được áp dụng để giải quyết các vụ việc cạnh tranh và ngược lại, các vụ việc cạnh tranh chỉ được giải quyết thông qua tố tụng cạnh tranh.

Vụ việc cạnh tranh được hiểu “là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh bị điều tra, xử lý theo quy định của Luật này, bao gồm vụ việc hạn chế cạnh tranh, vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh” (khoản 9 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018). Như vậy, một vụ việc sẽ được xem là vụ việc cạnh tranh khi đồng thời đáp ứng hai điều kiện (i) có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh và (ii) bị điều tra, xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể như sau:

  • Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh được xem là điều kiện cần để xem xét tính chất của một vụ việc có phải là vụ việc cạnh tranh hay không. Thể theo điều kiện này, chỉ những vụ việc có dấu hiệu cho thấy các chủ thể liên quan đã thực hiện các hành vi phản cạnh tranh bị pháp luật cạnh tranh cấm thì mới có thể bị xem là vụ việc cạnh tranh. Vì cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh cũng là một trong số cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh nên điều kiện này mang ý nghĩa loại trừ một số hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh ra khỏi nội hàm của tố tụng cạnh tranh, ví dụ như hoạt động xem xét và quyết định cho hưởng miễn trừ, hoạt động đánh giá tác động của tập trung kinh tế hay thẩm định tập trung kinh tế.
  • Bị điều tra, xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018: đây được xem là điều kiện đủ để một vụ việc được xem là vụ việc cạnh tranh và cần đượ giải quyết thông qua tố tụng cạnh tranh. Điều kiện này cũng mang yếu tố loại trừ đối với các vụ việc tuy có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng không bị điều tra, xử lý theo quy định và do đó sẽ không được xem là vụ việc cạnh tranh, ví dụ như hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu hay hành vi tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc bí mật điều tra hay gây rối tại phiên điều trần.

Thứ hai, tố tụng cạnh tranh áp dụng cho các loại hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có bản chất khác nhau.

Tố tụng cạnh tranh áp dụng cho các loại hành vi vi phạm hạn chế cạnh tranh, hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ba nhóm hành vi này, tuy đều là các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh bị cấm nhưng mang bản chất khác nhau và do đó tố tụng cạnh tranh được áp dụng để giải quyết các hành vi này cũng không mang tính đồng nhất. Có thể đưa ra ví dụ như việc giải quyết các hành vi hạn chế cạnh tranh phải thông qua phiên điều trần và chủ thể có thẩm quyền là Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, thẩm quyền ra quyết định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quy định về tập trung kinh tế trực tiếp thuộc về Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sau khi nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra từ Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

Thứ ba, tố tụng cạnh tranh tiến hành bởi các cơ quan hành pháp

Khác với các tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và tố tụng hình sự, tố tụng cạnh tranh được tiến hành bởi các cơ quan hành pháp mà không phải là cơ quan tư pháp (toà án). Các cơ quan này bao gồm Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Đặc điểm này cũng cho thấy rằng, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là quyết định hành chính và do đó trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh tại Toà án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon