Các phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ cơ bản

cac-phuong-thuc-thuong-mai-hoa-tai-san-tri-tue

Hiện nay, có một thực tế khá trái ngược là trong nhiều trường hợp, các chủ thể rất tích cực trong việc thương mại hoá tài sản trí tuệ lại gặp phải những rào cản, bất cập bắt nguồn từ sự chưa rõ ràng, tương thích của các quy định pháp luật tương ứng. Chính vì vậy, bài viết xin nêu và phân tích khái quát về quy định của pháp luật Việt Nam về các phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Luật SHTT không quy định trực tiếp và liệt kê các phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, với tư cách là một loại tài sản, mang những đặc thù riêng, có thể xác định các phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ theo quy định của pháp luật như sau:

1. Trực tiếp khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ

Trực tiếp khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ là việc chủ thể sáng tạo hoặc chủ sở hữu của tài sản trí tuệ trực tiếp sử dụng và đưa tài sản trí tuệ vào quá trình kinh doanh, thương mại, sản sinh ra lợi nhuận, không phụ thuộc vào hành vi hoặc không có sự tham gia của các chủ thể khác. Việc trực tiếp khai thác, thương mại hoá có thể được thể hiện thông qua các hoạt động như: xây dựng, phát triển, sử dụng nhãn hiệu của hàng hoá, dịch vụ, có thể mở rộng các mô hình, cửa hàng, sản phẩm sử dụng nhãn hiệu; sáng tạo ra giải pháp kĩ thuật, áp dụng vào sản xuất ra máy móc, thiết bị và cung ứng cho thị trường; sáng tạo ra công thức pha chế, sử dụng thành bí quyết để tạo ra đồ ăn, đồ uống độc đáo, sản xuất và bán cho người tiêu dùng… Có thể nói, với bất kì tài sản trí tuệ nào, chủ thể sáng tạo hoặc chủ sở hữu đều có khả năng tự mình đưa tài sản vào quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận.

Tương ứng với các vấn đề liên quan đến xác định tài sản trí tuệ đã nêu, trực tiếp khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ còn có thể tiếp cận theo hai cách hiểu: Thứ nhất, trực tiếp thương mại hoá tài sản trí tuệ là tự khai thác các tài sản trí tuệ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng kí bảo hộ (ví dụ như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp) hoặc đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo pháp luật sở hữu trí tuệ (ví dụ như tác phẩm, bí mật kinh doanh). Thứ hai, trực tiếp thương mại hoá tài sản trí tuệ còn có thể hiểu là việc tự sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ, không áp dụng các thủ tục, đăng kí bảo hộ, không bộc lộ công khai, giữ làm tài sản riêng và tự khai thác, đưa vào quá trình sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.

Việc trực tiếp khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ có nhiều ưu điểm, có thể kể đến như: (i) đối với chính chủ thể sáng tạo hoặc chủ sở hữu: tạo ra lợi thế cạnh tranh từ việc làm độc đáo, khác biệt của các sản phẩm, dịch vụ vốn có rất nhiều loại trên thị trường, thậm chí là tạo ra sản phẩm, dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện, từ đó, thu được lợi nhuận cao từ doanh thu bán hàng; kiểm soát và chủ động “giữ” tài sản trí tuệ do không cần chia sẻ, không có sự tham gia của các chủ thể khác trong quá trình khai thác tài sản (ii) đối với xã hội: khuyến khích hoạt động sáng tạo trên toàn xã hội, xuất phát từ hiệu quả kinh tế thực tế mà các chủ thể sáng tạo đã đạt được khi thương mại hoá tài sản trí tuệ; tạo ra sự “quen thuộc” về các hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ, dẫn tới nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và giá trị của tài sản trí tuệ đối với đời sống.

Tuy nhiên, việc trực tiếp khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ cũng có nhiều bất cập, khó khăn, bao gồm: (i) đối với chủ thể sáng tạo hoặc chủ sở hữu: đối với chủ thể không chuyên hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc kinh doanh, thương mại có thể gặp khó khăn khi khai thác tài sản, đặc biệt là loại tài sản trí tuệ, không truyền thống như các loại tài sản khác, dẫn tới không tận dụng được triệt để lợi thế của tài sản trí tuệ hoặc có thể dễ dàng lãng phí vứt bỏ tài sản trí tuệ; không tận dụng được các nguồn lực khác để có thể tối ưu hoá lợi nhuận; có rủi ro cao khi không áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo hộ, dẫn tới dễ dàng bị vi phạm; (ii) đối với xã hội: hạn chế khả năng tiếp cận và khai thác tài sản trí tuệ; khó thực hiện được “liệu pháp” bù đắp cho chủ thể sáng tạo bằng thời gian độc quyền sở hữu nếu họ không đăng kí bảo hộ theo thủ tục; khó áp dụng “đòn bẩy” bằng sử dụng rộng rãi các tài sản trí tuệ đã hết giai đoạn bảo hộ để từ đó tiếp tục kế thừa và cập nhật thành tựu sáng tạo trong mỗi lĩnh vực.

Có thể thấy, phương thức thương mại hoá tài sản trí tuệ này hiện tại khá phổ biến tại nước ta. Điều này xuất phát từ tâm lí muốn giữ kín những thành quả sáng tạo cá nhân và thực tế chưa quen với hoạt động đăng kí bảo hộ các tài sản trí tuệ từ giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp. Xét trên góc độ nhỏ lẻ, việc trực tiếp khai thác tài sản trí tuệ vẫn chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, có lợi cho hoạt động sáng tạo và cần khuyến khích. Tuy nhiên, để cân bằng với lợi ích của cộng đồng, xã hội, cũng như bảo đảm tối ưu hoá lợi ích của các chủ thể sáng tạo, nên kết hợp hài hoà phương thức này với những phương thức khác, đặc biệt lưu ý đến yếu tố hợp tác, cùng phát triển, dựa trên những khả năng riêng có của từng đối tượng.

2. Chuyển giao quyền đối với tài sản trí tuệ

Có thể nói, chuyển giao quyền đối với tài sản trí tuệ là phương thức khai thác, thương mại hoá tài sản trí tuệ có yếu tố “trái ngược” với phương thức trực tiếp khai thác. Nếu như phương thức trực tiếp thể hiện tính chủ động và khép kín của chủ thể sáng tạo hoặc chủ sở hữu tài sản trí tuệ thì phương thức chuyển giao quyền lại thực hiện việc khai thác hoàn toàn hoặc một phần thông qua chủ thể khác. Trong đó, chuyển giao quyền sở hữu có thể so sánh tương tự như việc “khai thác một lần”, chuyển giao hoàn toàn quyền tài sản đối với tài sản trí tuệ; còn chuyển giao quyền sử dụng có thể hiểu tương tự như việc mở rộng hoạt động thương mại hoá tài sản trí tuệ trên thực tế, nhưng bằng hành vi, hoạt động của chủ thể độc lập khác và qua đó, chủ thể sáng tạo hoặc chủ sở hữu được hưởng lợi nhuận.

2.1. Chuyển giao quyền sở hữu

Hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, trong quy định của Luật SHTT, chính là chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan; chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.

Trong đó, việc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật SHTT, việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 138, Điều 139 và Điều 140 Luật SHTT; việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Điều 194, Điều 195 Luật SHTT và các quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, việc chuyển giao quyền sở hữu các đối tượng này phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng), bao gồm các điều khoản cơ bản theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng cũng phải đáp ứng các điều kiện hạn chế nhất định, với những đối tượng được phép chuyển nhượng. Trong một số trường hợp, như quyền đối với giống cây trồng, hợp đồng chuyển nhượng phải đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo điều kiện phát sinh hiệu lực pháp luật.

Khi thực hiện chuyển nhượng quyền, chủ sở hữu của các đối tượng này sẽ chấm dứt quyền tài sản và quyền nhân thân tương ứng với đối tượng. Nói cách khác, việc khai thác thu lợi nhuận đối với tài sản trí tuệ được thực hiện một lần, sau đó, không thể tiếp tục khai thác. Do đó, hoạt động chuyển giao quyền sở hữu thường được áp dụng đối với các trường hợp chủ sở hữu không có điều kiện trực tiếp khai thác hoặc không có điều kiện duy trì khả năng khai thác thương mại đối với tài sản trí tuệ trong thực tế. Thông thường, các doanh nghiệp hoặc thương nhân thường tìm kiếm các giao dịch này từ các cá nhân có chuyên môn, có khả năng tìm tòi, sáng tạo các sản phẩm có hàm lượng kĩ thuật, công nghệ cao nhưng không chuyên về quản trị hoặc kinh doanh.

2.2. Chuyển giao quyền sử dụng

Việc chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 47, Điều 48 Luật SHTT; việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được quy định từ Điều 141 đến Điều 147 Luật SHTT; việc chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được quy định tại các Điều 192, Điều 193, Điều 195, Điều 196, Điều 197 Luật SHTT và các quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Hình thức của việc chuyển giao quyền sử dụng cũng phải được thực hiện bằng văn bản, gồm các điều khoản cơ bản và cần được đăng kí để đảm bảo hiệu lực. Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền sử dụng được pháp luật quy định không được có những điều khoản hạn chế bất hợp lí về quyền của bên nhận chuyển giao quyền sử dụng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó. Trong một số trường hợp đặc biệt, thường xuất phát từ mục đích cộng đồng hoặc hoàn cảnh đặc biệt, chủ sở hữu của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng cho chủ thể khác.

Việc chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ là hoạt động diễn ra khá phổ biến trong cuộc sống. Chủ thể chuyển nhượng có thể thu được lợi nhuận từ phí chuyển nhượng nhưng vẫn không mất đi quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng có thể phân chia thành hai loại: độc quyền và không độc quyền. Theo đó, hợp đồng độc quyền không cho phép chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng đối tượng cho bất kì chủ thể nào khác chủ thể đã nhận chuyển nhượng, còn hợp đồng không độc quyền không hạn chế việc chuyển giao của chủ sở hữu cho các chủ thể nhận chuyển nhượng khác nhau. Việc chuyển giao quyền sử dụng có thể phát huy tối đa giá trị, ích lợi của tài sản trí tuệ, không chỉ đối với các chủ thể có quyền, mà còn đối với cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với trình độ sáng tạo và khả năng tiếp thu các yếu tố khoa học kĩ thuật phát triển trong cộng đồng.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon