Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

boi-thuong-thiet-hai-do-nguoi-cua-phap-nhan-gay-ra

Các chủ thể tham gia vào các giao dịch dân sự thường được xác định là cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác, các chủ thể này khi tham gia vào các giao dịch, hoạt động này đều phải đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Ở khía cạnh chủ thể là pháp nhân, thì khi xảy ra thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường. Vậy, bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra được pháp luật quy định thế nào? Pháp nhân có trách nhiệm bồi thường thế nào trong trường hợp người của mình gây thiệt hại? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

1. Pháp nhân là gì?

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện sau:

“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Tuy không quy định cụ thể về khái niệm, nhưng qua các điều kiện thì có thể đưa ra một khái niệm cơ bản của pháp nhân như sau:

Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác. Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.

Vậy có thể hiểu, pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, tuy nhiên việc tham gia quan hệ dân sự, kinh tế của pháp nhân luôn thông qua hành vi của người đại diện, thông qua hành vi của thành viên pháp nhân. Hành vi của người đại diện, của thành viên pháp nhân ngoài việc mang lại quyền cho pháp nhân thì cũng mang lại nghĩa vụ cho chính pháp nhân đó. Nếu những thành viên của pháp nhân gây thiệt hại khi thực hiện công việc của pháp nhân giao cho thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong dân sự

2. Người của pháp nhân là gì?

Mặc dù Bộ luật dân sự chưa quy định một cách rõ ràng về khái niệm, nhưng dựa trên những định nghĩa về pháp nhân được nêu ở trên và  quy định tại Điều 597 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, thì “Người của pháp nhân” được hiểu là bất cứ thành viên nào của pháp nhân, không chỉ bao gồm các thành viên chính thức góp vốn của pháp nhân mà còn bao gồm những người làm việc cho pháp nhân theo hợp đồng lao động và người này được xem là người pháp nhân khi người này được dùng để thực hiện một hoặc một số hoạt động của pháp nhân và được pháp nhân chi trả tiền lương, tiền công đối với công việc mà người pháp nhân được giao nhiệm vụ theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, để xác định về trách nhiệm bồi thường của pháp nhân thì theo quy định của Bộ luật này có quy định đối với những người làm việc cho pháp nhân theo hợp đồng dịch vụ, không phải theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật dân sự, thì không được xác định là người của pháp nhân. Chính vì vậy, khi những người này gây thiệt hại khi thực hiện công việc của pháp nhân sẽ phải tự chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Thành viên này có thể được pháp nhân tuyển dụng vào làm việc theo các quan hệ hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, đang trong thời gian thử việc…

3. Bồi thường thiệt hại là gì?

– Bồi thường thiệt hai là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

– Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị thiệt hại.

– Pháp luật dân sự quy định hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

– Bồi thường thiệt hại phải có đầy đủ các điều kiện sau đây: Có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây ra thiệt hại có lỗi.

4. Căn cứ bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Theo quy định Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật“.

Theo đó, nếu người của pháp nhân gây thiệt hại thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, cần xác định rõ các điều kiện của một tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân hay không. Bởi trong nhiều trường hợp, thành viên của tổ chức gây thiệt hại; nhưng tổ chức đó không có tư cách pháp nhân thì việc bồi thường không thuộc trường hợp này.

Thiệt hại do thành viên của mình gây ra mà phải bồi thường cho người bị thiệt hại liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ pháp nhân giao cho thành viên thực hiện.

5. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Theo nguyên tắc chung, người trực tiếp gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên trong trường hợp người gây thiệt hại là người của pháp nhân đang thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao thì pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường. Nội dung này quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo quy định của Bộ luật dân sự, cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường của pháp nhân trong trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại khi và chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, người gây thiệt hại là người của pháp nhân. Điều này được thể hiện qua sự thừa nhận của pháp nhân hoặc qua hợp đồng lao động hợp pháp được ký giữa pháp nhân và người lao động (người của pháp nhân)…

Thứ hai, thời điểm gây thiệt hại phải trùng với thời điểm người của pháp nhân đang thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao (căn cứ hợp đồng lao động, lời khai của các bên, người làm chứng về việc giao nhiệm vụ đột xuất nếu không có thỏa thuận trước trong hợp đồng…)

Nếu trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại nhưng không đáp ứng đủ hai yêu cầu trên thì pháp nhân không có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng và trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên. Trong trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường của pháp nhân, thì dựa vào mức độ lỗi, người của pháp nhân phải hoàn trả khoản tiền theo quy định của pháp luật. Vì vậy, người của pháp nhân để xảy ra thiệt hại có thể thỏa thuận với công ty về việc giảm số tiền đền bù do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hay vì lý do khách quan nào đó mang tính thuyết phục.

Ví dụ: Ông A là bảo vệ của Công ty TNHH V.C.T theo hợp đồng lao động đã ký kết trong đó có nhiệm vụ trông, giữ xe cho khách hàng. Vào ngày 10/02/2023, bà N.V.T điều khiển xe mô tô đến liên hệ làm việc tại công ty và để xe tại khu vực quy định do ông A trông coi. Quá trình trông xe cho khách hàng, ông A bất cẩn trong nhiệm vụ dẫn đến xe mô tô của bà T bị kẻ gian lấy trộm. Do đó, bà T khởi kiện yêu cầu Công ty V.C.T phải bồi thường. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về Công ty V.C.T nhưng ông A là người có lỗi nên ông A phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho công ty theo quy định.

Lưu ý: Nếu người của pháp nhân gây ra thiệt hại nhưng nguyên nhân của việc gây thiệt hại không xuất phát từ pháp nhân, tức là việc họ gây ra thiệt hại không phải tại thời điểm đang thực hiện nhiệm vụ trong thẩm quyền được pháp nhân giao, thì chỉ cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường và không liên quan đến pháp nhân. Vậy trong trường hợp này sẽ áp dụng khoản 1 Điều 586 Bộ luật Dân sự, cá nhân phải tự bồi thường thiệt hại do chính bản thân mình gây ra.

Trên đây là tư vấn của Luật Dương Gia về nội dung “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra”. Để biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này hoặc các quy định của pháp luật có liên quan. Quý khách hàng có thể liện hệ số Hotline: 1900.6568 của Luật Dương Gia để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon