Mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ?

mang-thai-ho-la-gi-dieu-kien-mang-thai-ho

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là quy định mang tính văn minh, đã được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ đảm bảo tính nhân văn, thỏa mãn nhu cầu làm cha mẹ của mỗi cá nhân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mang thai hộ là gì, điều kiện mang thai hộ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Nghị định số: 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

1. Mang thai hộ là gì?

Mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.

– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

– Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép mang việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đồng thời không cho phép việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

2. Ý nghĩa của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giúp bảo đảm quyền con người. Quyền làm cha, mẹ là một trong những quyền tự nhiên của con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Mặc dù khoa học, kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản khá phát triển nhưng vẫn không thể giải quyết được hết những vấn đề về sinh sản đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Chính vì thế, vấn đề mang thai hộ trở thành nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng. Việc Luật HNGĐ 2014 cho phép hoạt động mang thai hộ đã thỏa mãn được nguyện vọng của các cặp vợ chồng vô sinh, đồng thời đảm bảo quyền cơ bản của con người là quyền mưu cầu hạnh phúc.

– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là căn cứ giúp gia đình thực hiện tốt chức năng sinh đẻ. Chức năng sinh đẻ, tái sản xuất con người là một trong những chức năng cơ bản có gia đình. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giúp đảm bảo khả năng thực hiện chức năng tái sản xuất con người. Nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà chức năng duy trì nòi giống của các cặp vợ chồng vô sinh được đảm bảo đồng thời đáp ứng nhu cầu có con ruột của các cặp vợ, chồng.

– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn góp phần làm lành mạnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, ổn định đời sống. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo góp phần giúp các cặp vợ chồng vô sinh được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của mình một cách hợp pháp, đảm bảo sự lành mạnh của mối quan hệ hôn nhân gia đình thay vì dùng các phương pháp, hành vi mà pháp luật cấm để có con như đẻ thuê, đẻ chui, mua bán trẻ em,…

– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo góp phần thúc đẩy sự ứng dụng thành tựu của y học Việt Nam đối với việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thông qua thụ tinh trong ống nghiệm góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực y học Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ sinh sản. Với rất nhiều yếu tố như trang thiết bị được đầu tư tiên tiến, cán bộ y tế trong lĩnh vực này trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có kinh nghiệm và kiến thức nền tảng tốt, …. kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam hiện nay ngày càng phát triển và thành công.

– Tạo khung pháp lý an toàn trong các giao dịch mang thai hộ và có cơ chế phân biệt được với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại như hiện nay. Việc đưa vấn đề mang thai hộ vào khung điều chỉnh của luật sẽ giúp cho các thỏa thuận về mang thai hộ phải tuân theo những quy định của pháp luật, từ đó hạn chế chững biến tướng trong mang thai hộ. 

– Giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được một phần nào đó nhu cầu mang thai hộ hiện nay. Việc pháp luật quy định ngày càng hoàn thiện các quy định về mang thai hộ giúp các cơ quan chức năng dần kiểm soát được vấn đề mang thai hộ trong xã hội, không còn nhiều vướng mắc do thiếu quy định pháp luật hay quy định pháp luật không rõ ràng, từ đó tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với các vấn đề nói chung của xã hội. 

– Bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em: Trẻ em và phụ nữ luôn được coi là đối tượng yếu thế trong xã hội, thường là nạn nhân của nhiều hoạt động phạm pháp liên quan đến quyền con người, mà trong hoạt động mang thai hộ, thì đó có thể là việc hình thành đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, buôn người,… Nên pháp luật quy định chặt chẽ về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo góp phần giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội là phụ nữ và trẻ em có sự bảo vệ tốt hơn từ pháp luật. 

3. Điều kiện mang thai hộ

 Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Sự tự nguyện ở đây hoàn toàn xuất phát từ ý chí của cả hai bên: người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ mà không bị đe dọa, ép buộc, lừa dối bởi bất kỳ bên thứ ba nào.

– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;

+ Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

– Pháp luật còn quy định cụ thể điều kiện đối với từng bên trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể:

3.1 Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

– Phải là cặp vợ chồng hợp pháp. Do đó, người phụ nữ độc thân hay các cặp đôi đồng tính, song tính và chuyển giới cũng không được phép nhờ mang thai hộ do pháp luật vẫn chưa thừa nhận hôn nhân của họ là hợp pháp.

– Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Theo quy định này thì mang thai hộ là giải pháp cuối cùng để có thể có con. Quy định này đặt ra nhằm tránh việc nhờ người khác mang thai hộ một cách bừa bãi, hạn chế việc lợi dụng vì mục đích thương mại khi người phụ nữ vẫn còn khả năng làm mẹ.

– Vợ chồng đang không có con chung: trong trường hợp nhờ mang thai hộ mà thai bị hỏng, bị sẩy, đứa trẻ sinh ra bị chết,… thì sẽ tiếp tục được nhờ mang thai hộ. Trường hợp cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con đã chết và đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định về quyền nhờ mang thai hộ thì vẫn có quyền nhờ mang thai hộ. Trường hơp cặp vợ chồng đã có một con mà con mắc bệnh Down, các bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh hiểm nghèo, hoặc bị dị tật thì không có quyền nhờ mang thai hộ.

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý để đảm bảo họ hiểu rõ bản chất của vấn đề mang thai hộ, tránh xảy ra sai sót cũng như tranh chấp trong tương lai vì thiếu hiểu biết.

3.2 Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:

– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Người này được hiểu là bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ (theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP)

– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Việc đã từng sinh con sẽ giúp người phụ nữ chuẩn bị về mặt tâm lý, tinh thần, cũng như có kinh nghiệm, kỹ năng trong việc chăm sóc bản thân và thai nhi nhằm đảm bảo thực hiện việc mang thai hộ. Quy định chỉ mang thai hộ một lần nhằm tránh tình trạng trục lợi để đạt được mục đích thương mại.

– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Pháp luật chưa có quy định cụ thể về độ tuổi phù hợp, có thể suuy đoán đó là độ tuổi sinh đẻ nói chung là từ 20 tuổi đến 35 tuổi, lúc này cơ thể người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về cả tâm sinh lý cho việc làm mẹ. Điều kiện có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền không chỉ nhằm đảm bảo cho sức khỏe người nhận mang thai hộ mà còn đảm bảo cho sức khỏe của đứa trẻ, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.

– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý:

+ Các nội dung y tế được tư vấn như các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sẩy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết, khả năng đa thai, em bé bị dị tất phải bỏ thai,… Việc tư vấn này nhằm cung cấp những thông tin về nguy cơ, tai biến ảnh hưởng tới sức khỏe mà người nhận mang thai có thể mắc phải.

+ Liên quan tới nội dung pháp lý được tư vấn là những hậu quả pháp lý cơ bản và quan trọng nhất là mối quan hệ phát sinh hay việc xác định cha, mẹ, con giữa con sinh ra và các bên liên quan.

+ Người nhận mang thai hộ cũng cần được tư vấn về tâm lý, tình cảm gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ, tâm lý đối với con ruột của mình.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về mang thai hộ là gì, điều kiện mang thai hộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon