Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi?

toi-danh-trao-nguoi-duoi-01-tuoi

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Nó đảm bảo cho trẻ em được tiếp nhận sự yêu thương và chăm sóc của người lớn. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm quyền trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, pháp luật hình sự Việt Nam nghiêm cấm những hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến trẻ em. Dưới góc độ pháp luật hình sự, quy định về tội đánh tráo người dưới 01 tuổi được quy định như thế nào, biện pháp xử lý ra sao? Hãy cùng Luật Dương gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
  • Luật trẻ em 2016.

1. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là gì?

Theo Điều 1 Luật trẻ em 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Đối với tội danh được phân tích thì người dưới 01 tuổi là đối tượng của tội phạm khá đặc biệt được quy định trong Bộ luật hình sự.

Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi được quy định tại Điều 152 Bộ luật hình sự là hành vi vi phạm pháp luật, được thực hiện bởi người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Tội phạm sẽ dùng một người dưới 01 tuổi này để đánh tráo với người dưới 01 tuổi khác trong sự âm thầm, lén lút. Việc đánh tráo này thường xảy ra ở các bệnh viện khi trẻ em vừa mới chào đời với các lý do thường gặp như: cha mẹ mong muốn sinh con trai nhưng lại sinh ra con gái, đánh tráo con mình với con của các gia đình giàu có vì muốn con mình được sống sung sướng hơn,…. Hành vi đánh tráo có thể do chính cha mẹ đứa trẻ thực hiện nhưng cũng có thể do thầy thuốc, nhân viên y tế trong bệnh viện hoặc nhà hộ sinh thực hiện hoặc do người khác thực hiện một cách bất hợp pháp.

Luật sư tư vấn pháp luật tại Đà Nẵng

2. Dấu hiệu pháp lý của tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

2.1. Khách thể của tội phạm

Đánh tráo người dưới 01 tuổi chính là hành vi đánh tráo trẻ em dưới 01 tuổi, làm cho các em phải rời xa vòng tay cha mẹ. Tội phạm này xâm phạm đến quyền được sống cùng cha mẹ ruột của các em. Vì vậy, khách thể của tội phạm này chính là quyền tự do, quyền được chăm sóc, giáo dục từ cha mẹ ruột của trẻ em dưới 01 tuổi và quyền chăm sóc, giáo dục trẻ em dưới 01 tuổi của cha mẹ.

2.2 Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi về mặt khách quan của tội phạm này là hành vi đánh tráo người dưới 01 tuổi và nạn nhân của tội phạm chính là trẻ em dưới 01 tuổi. Để xác định độ tuổi của trẻ em bị đánh tráo các nhà làm luật Việt Nam có đưa ra các căn cứ xác định tuổi của nạn nhân quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định cách xác định tuổi của nạn nhân như sau:

Một là, việc xác định tuổi của người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy chứng sinh;

b) Giấy khai sinh;

c) Chứng minh nhân dân;

d) Thẻ căn cước công dân;

đ) Sổ hộ khẩu;

e) Hộ chiếu.

Hai là, trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Ba là, trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là người có năng lực trách nhiệm đầy đủ, và đạt đủ độ tuổi do luật định.

Họ có thể là bất kỳ ai, nhưng đa số là chính bố mẹ ruột của đứa trẻ hoặc là những người làm trong các cơ sở y tế và những người có con nhưng không như mong muốn của họ.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi đánh tráo người dưới 01 tuổi với lỗi cố ý, mà chủ yếu là cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vcủa mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Động cơ hay mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm này nhưng đa phần mục đích của tội phạm này thường là vì lợi ích, mong muốn có được một đứa con lành lặn,…động cơ có thể là để trả thù hoặc từ ham muốn của bản thân, vì mối quan hệ gia đình…

3. Mức hình phạt của tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

Tại Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định cụ thể như sau:

“1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Phạm tội 02 lần trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Các tình tiết định khung hình phạt cụ thể

– Có tổ chức: Là hình thức đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là người có chức vụ đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng quyền hạn trong khi thực hiện công vụ để phạm tội.

– Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng: Người đầu tiên có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với người dưới 01 tuổi chính là bố mẹ. Nhưng trong trường hợp bố mẹ mất hoặc không may mắc các bệnh nan y, tai nạn,… mất đi khả năng chăm sóc đã giao cho ông bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, anh, chị,…nuôi dưỡng và chăm sóc cháu dưới 01 tuổi.

– Phạm tội từ 2 lần trở lên: Tức là người phạm tội đã thực hiện hành vi đánh tráo người dưới 012 tuổi từ 02 lần trở lên. Nhưng trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Có tính chất chuyên nghiệp: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được hiểu là người phạm tội cố ý thực hiện tội phạm 05 lần trở lên không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích và người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống tức là lấy các giá trị mà các lần phạm tội có được làm nguồn sống.

– Tái phạm nguy hiểm: Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

Như vậy, trường hợp tái phạm nguy hiểm trong tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là trường hợp trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã đánh tráo người dưới 01 tuổi hoặc trước đây họ đã bị kết án về đánh tráo người dưới 01 tuổi, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục đánh tráo người dưới 01 tuổi khác.

5. Tính phù hợp khi thay đổi chính sách, quy định của Bộ luật hình sự

Khái niệm “đánh tráo trẻ em” thực chất không còn quy định ở Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, bản thân của tội phạm này được quy định tại Bộ luật hình sự 1999 với tên gọi là “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”. Điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung so với Bộ luật hình sự năm 1999 là quy định 3 tội với tính chất nguy hiểm khác nhau, cụ thể là “Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153)”.

Khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 2015, theo chủ trương của Đảng và nhà nước thì các quy định phải đảm bảo tính minh bạch, do vậy, nhà làm luật đã quy định rõ độ tuổi của nạn nhân ngay trong điều luật phù hợp với quy định của Luật trẻ em năm 2016. Cho nên nhà làm luật đã không sử dụng cụm từ “trẻ em” mà thay vào đó là quy định cụ thể “người dưới 16 tuổi”, “người dưới 01 tuổi” để xác định chính xác nạn nhân của từng tội, từ đó đảm bảo cho định tội danh được đúng như thực tế. Bởi lẽ, người dưới 01 tuổi chưa có sự nhận thức, do đó quy định về đánh tráo người dưới 01 tuổi sẽ hợp lý hơn.

6. Giải pháp để ngăn chặn tình trạng đánh tráo trẻ em

– Ngày nay, với thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm đòi hỏi người dân cần nâng cao cảnh giác, quan tâm đến con em dưới 01 tuổi để tránh trường hợp bị đánh tráo do chủ quan, sơ ý. Không được lơ là khi được giao nhiệm vụ chăm nom trẻ em bởi kẻ gian có thể là bất cứ ai xung quanh chúng ta, kể cả là người thân hay nhân viên y tế.

– Các bệnh viện, cơ sở y tế cần quản lý chặt chẽ nhân sự trong cơ quan của mình. Tránh trường hợp tội phạm lợi dụng sơ hở giả dạng nhân viên y tế để thực hiện hành vi đánh tráo người dưới 01 tuổi nhằm mục đích xấu xa.

– Nâng cao nhận thức về giới tính cho các ông bố bà mẹ để họ hiểu được rằng trọng nam khinh nữ là một tư tưởng lạc hậu và ngược lại, tất cả con cái dù thuộc giới tính nào thì đều được yêu thương như nhau. Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng bố mẹ cố tình đánh tráo con do con sinh ra không được như mong muốn.

– Nâng cao khung hình phạt, thường xuyên xét xử công khai và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tội đánh tráo người dưới 01 tuổi nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung. Để người dân hiểu rõ và nâng cao sự cảnh giác. Đồng thời, đây cũng là biện pháp răn đe những kẻ đã, đang có ý định thực hiện hành vi phạm tội.

Trên đây là nội dung phân tích về “Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi”. Nếu còn những thắc mắc nào xung quanh nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác cần giải đáp, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon