Quy định mới về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

nhung-diem-moi-quy-dinh-ve-cac-tinh-tiet-giam-nhe-tnhs

Trong sự so sánh với quy định của BLHS 1999 cho thấy số lượng tình tiết giảm nhẹ tăng đáng kể, có tới 05 tình tiết giảm nhẹ mới bao gồm: Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng; Đầu thú. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về những điểm mới quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

1. Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Việc bắt giữ các đối tượng phạm tội, đối tượng có lệnh truy nã, đối tượng phạm tội quả tang được pháp luật tố tụng hình sự quy định trong phần những biện pháp ngăn chặn. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS 2015 có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn: bắt, tạm giữ, tạm giam người phạm tội. Trong BLTTHS 2015 các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam được quy định từ Điều 109 đến Điều 125.

Thuê Luật sư hình sự tại Đà Nẵng

Các trường hợp bắt người gồm: a) Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; b) Bắt người phạm tội quả tang; c) Bắt người đang bị truy nã; d) Bắt bị can, bị cáo để tạm giam và d) Bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Theo quy định tại Điều 111, 112 BLTTHS 2015 thì ngoài các cơ quan như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, mọi công dân cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Điều 24 BLHS 2015 đã gián tiếp quy định quyền, điều kiện, mức độ dùng vũ lực đối với người bị bắt giữ:

Thứ nhất, chỉ dùng vũ lực đối với người bị bắt giữ khi cần thiết và không còn cách nào khác. Điều này có nghĩa rằng nếu đối tượng bắt giữ tuân thủ việc bắt giữ thì không được dùng vũ lực để gây thiệt hại cho họ, việc dùng vũ lực trong trường hợp này là không cần thiết.

Thứ hai, chỉ cho phép người bắt giữ gây thiệt hại ở mức độ cần thiết cho đối tượng bị bắt giữ.

Để xác định mức cần thiết ta cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, số người cần bắt giữ, vũ khí hoặc công cụ chống đối của người bị bắt giữ, thái độ tuân thủ pháp luật của người bị bắt giữ và hoàn cảnh khách quan cụ thể nơi tiến hành việc bắt giữ.

2. Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải lỗi của mình gây ra

Đối với mỗi trường hợp cụ thể trên đây cần thiết phải xem xét đến lỗi của người gây thiệt hại cho xã hội đối với khả năng nhận thức và tình trạng nhận thức của người gây thiệt hại cho xã hội. BLHS 2015 đã có một số quy định về các trường hợp trên. Đối với trường hợp người gây thiệt hại cho xã hội  không nhận thức được hành vi và hậu quả là nguy hiểm cho xã hội, người gây thiệt hại có thể được coi là người đang ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 21 BLHS 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nên người gây thiệt hại được coi là không có lỗi khi gây thiệt hại cho xã hội và họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp người gây thiệt hại cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng họ lại có lỗi khi tự để mình lâm vào tình trạng này, trong thực tiễn có thể là là các trường hợp dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác,  Điều 13 BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Trong thực tiễn còn trường hợp người gây thiệt hại cho xã hội nhận thức hạn chế đối với hành vi, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và họ không có lỗi đối với tình trạng nhận thức. BLHS 2015 tại Điều 51 coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

3. Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng

Thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự và phù hợp với các văn bản pháp luật về người khuyết tật, trong đó có Luật về người khuyết tật được Quốc hội thông qua năm 2010, BLHS 2015 quy định người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Người khuyết tật trong cuộc sống bình thường đã cần sự chăm sóc giúp đỡ của toàn xã hội, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt họ có thể trở thành người phạm tội. khi người khuyết tật phạm tội thì tòa án vẫn phải xem xét trách nhiệm hình sự về tội phạm họ đã thực hiện. Thể hiện nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự, trong trường hợp người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thì trách nhiệm hình sự của họ được giảm nhẹ.

4. Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng

Nghị quyết số 01/NQ/HĐTP ngày 4 tháng 8 năm 2000 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS 1999 đã quy định 8 trường hợp có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Quy định này đã được các tòa án áp dụng trong hơn 10 năm qua. Để khẳng định những kinh nghiệm thu được từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và thể hiện chính sách của nhà nước đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng BLHS 2015 tại Điều 51, khoản 1 quy định người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đối tượng của tình tiết cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng trước hết là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công với cách mạng.  Người có công với cách mạng là

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Liệt sĩ;

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

m) Người có công giúp đỡ cách mạng”.

Ngoài đối tượng là liệt sĩ thì 16 đối tượng trên khi phạm tội các cơ quan tư pháp như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải coi họ là người có tình tiết giảm nhẹ trách nhiêm hình sự.

5. Đầu thú

Khoản 2, Điều 51BLHS 2015 quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Đây là nội dung mới quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong sự so sánh với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51BLHS 2015 ta thấy có đặc điểm sau:

– Thứ nhất, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51BLHS 2015 có tính chất bắt buộc, khi quyết định hình phạt, Tòa án phải coi các tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

– Thứ hai, đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không bắt buộc, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng cũng có thể không coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

– Thứ ba, khi quyết định hình phạt, Tòa án coi đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì phải ghi rõ trong bản án.

Bên cạnh những nội dung mới trong quy định của BLHS 2015 về các tình tiết giảm nhẹ, cho thấy một số thay đổi trong các quy định về tình tiết tăng nặng TNHS. Những thay đổi trong các quy định của BLHS 2015 mang tính chất loại bỏ tình tiết không phù hợp, bổ sung các tình tiết mới trong các quy định về các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS thể hiện chính sách hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, tạo khả năng pháp lý cho việc đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm trong thời gian tới.

Trên đây là nội dung về Những điểm mới quy định về các tình tiết giảm nhẹ TNHS. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới nội dung trên hoặc những vấn đề pháp luật khác, hãy liên hệ Luật Dương Gia qua hotline 1900.6568 để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon