Về nguyên tắc, tự quyền hưởng dụng không cần phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực. Hiện nay, trong quy định của BLDS mới ghi nhận việc tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu có luật định là nghĩa vụ của người hưởng dụng. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền hưởng dụng trên thực tế vẫn chưa được ghi nhận một cách phù hợp. bởi cho đến nay chưa có luật nào quy định việc đăng ký quyền hưởng dụng, kể cả đối với bất động sản. Điều đó kéo theo rất nhiều bất cập khi xử lý các giao dịch mà chủ sở hữu đã cho phép chủ thể khác có quyền hưởng dụng.
1. Vấn đề đăng ký quyền hưởng dụng?
Khi một người thực hiện quyền hưởng dụng trên tài sản của chủ sở hữu thì quyền sở hữu của chủ sở hữu vẫn được bảo đảm, do đó, chủ sở hữu có quyền mang tài sản của mình đi thực hiện các giao dịch bảo, ví dụ trong trường hợp này là mang tài sản đi thế chấp để đảm bảo một nghĩa vụ vay tiền ngân hàng. Đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay này, chủ sở hữu (bên bảo đảm) không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ. Về nguyên tắc, khi nghĩa vụ bảo đảm không thực hiện được thì bên ngân hàng (bên nhận bảo đảm) phải xử lý tài sản, tuy nhiên tài sản đó lại đang là đối tượng của quyền hưởng dụng của một chủ thể khác; ngân hàng chỉ có thể xử lý được tài sản này khi thời hạn của quyền hưởng dụng chấm dứt, điều này là vô cùng khó khăn cho bên nhận bảo đảm vì có những thỏa thuận về quyền hưởng dụng trên tài sản kéo dài đến suốt đời người hưởng dụng.
Vấn đề ở đây là khi việc đăng ký quyền hưởng dụng không áp dụng lên cho mọi chủ thể hưởng dụng cũng như quy định của luật chưa rõ ràng thì việc ghi nhận tính pháp lý của việc chủ thể có quyền hưởng dụng trên tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể khác là rất khó xác nhận, hơn nữa, chủ sở hữu tài sản chỉ cần chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản (giấy đăng ký tài sản, giấy chứng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất,…) một cách hợp pháp thì giao dịch giữa chủ sở hữu và chủ thể còn lại đã có cơ sở pháp lý. Trong khi đó, chủ sở hữu chỉ còn quyền sở hữu về mặt pháp lý chứ không phải về mặt thực tế.
2. Khi người hưởng dụng đầu tiên không phải là một chủ thể duy nhất?
Trường hợp quyền hưởng dụng được trao cùng lúc cho hai người trở lên (không phải trường hợp được cấp cho người đầu tiên sau đó người này cho người khác thực hiện quyền hưởng dụng để hưởng lợi) thì các quy định về quyền hưởng dụng như Bộ luật hiện này sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Cụ thể không thể xác định được thời hạn của quyền hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu đó là hai cá nhân trở lên. Theo quan điểm tác giả thì trong trường hợp này, thời hạn của quyền hưởng dụng xác định theo cá nhân hưởng dụng sống sau cùng. Ngoài ra việc chấm dứt quyền hưởng dụng sẽ được coi là chấm dứt toàn bộ quyền hưởng dụng với tất cả mọi người hay chỉ chấm dứt với chủ thể tương ứng với sự kiện được xác định là căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng.
3. Về thời hạn hưởng dụng
Thực tế, việc thực hiện quyền hưởng dụng trong thời gian dài hay ngắn sẽ có ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sở hữu. Do đó, Bộ luật Dân sự đã đặt ra thời hạn tối đa của quyền hưởng dụng để bảo đảm dung hòa lợi ích giữa các chủ thể đối với cùng một tài sản. Khi thời hạn đó kết thúc thì quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, việc xác định thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết trong nhiều trường hợp phù hợp với quy định của luật nhưng không phù hợp với thực tiễn của việc khai thác quyền hưởng dụng.
Ví dụ, A cho B quyền hưởng dụng tài sản của mình trong vòng 30 năm, B hưởng dụng được 5 năm thì cho C thuê lại quyền hưởng dụng đó trong 25 năm còn lại và C đã thanh toán toàn bộ tiền thuê quyền hưởng dụng cho B, nhưng C hưởng dụng được 5 năm thì B chết. Theo quy định thì quyền hưởng dụng của C đối với tài sản của A sẽ chấm dứt.
Theo ví dụ trên, số tiền mà C đã thanh toán cho B tương ứng với 20 năm hưởng dụng còn lại sẽ được giải quyết như thế nào là một vấn đề phức tạp mà nếu xảy ra trên thực tế sẽ khó có thể có được phương án giải quyết phù hợp. Theo quan điểm của chúng tôi, việc giới hạn thời hạn của quyền hưởng dụng tối đa hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên là cá nhân đã vô hình chung làm thay đổi bản chất của quyền hưởng dụng, đồng thời dẫn đến những mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan. Về thực tế, xét trong ví dụ trên, nếu B không chết thì việc C thực hiện quyền hưởng dụng trong thời gian 20 năm còn lại không ảnh hưởng cũng như không có sự khác biệt với trường hợp B chết và C thực hiện quyền hưởng dụng trong 20 năm còn lại.
Hơn nữa, thời hạn của quyền hưởng dụng trong ví dụ này là bao nhiêu năm hoàn toàn là sự thỏa thuận của chủ sở hữu tài sản và người có quyền hưởng dụng. Do đó, nếu bản thân chủ sở hữu vẫn chấp nhận hiệu lực của quyền hưởng dụng trong thời hạn còn lại thì pháp luật cũng cần phải tôn trọng ý chí của họ. Từ những lập luận này chúng tôi cho rằng, việc giới hạn thời hạn tối đa của quyền hưởng dụng chỉ phù hợp với trường hợp các bên không có thỏa thuận và luật không có quy định.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định thì phải tuân theo sự thỏa thuận hoặc quy định đó. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt và thoả thuận của các bên trong quan hệ dân sự, chúng tôi cho rằng khoản 1 Điều 260 nên được quy định theo hướng:
“Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định. Trường hợp các bên không thỏa thuận và luật không quy định thì thời hạn hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và …”.
4. Về quyền của người hưởng dụng
Theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền của người hưởng dụng bao gồm:
“1.Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng….3. Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.”
Quy định của khoản 1 và khoản 3 của Điều luật nêu trên dẫn đến vấn đề cần bàn luận sau đây:
Tại khoản 1 việc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng có bao gồm việc chuyển giao có đền bù như chuyển nhượng, trao đổi, cho thuê không?
Nếu câu trả lời ở đây là có thì việc quy định khoản 3 của điều luật là không cần thiết bởi lẽ nội hàm của khoản 1 đã bao gồm khoản 3.
Nếu câu trả lời là không thì quy định này dường như không phù hợp với lý thuyết về vật quyền và cách tiếp cận của Bộ luật Dân sự Việt Nam về vật quyền khi mà chúng ta đang muốn thừa nhận việc tồn tại các quyền tài sản khác nhau trên cùng một đối tượng để bảo vệ và phát huy giá trị kinh tế của tài sản trong nền kinh tế thị trường. Quy định về quyền hưởng dụng không được phép chuyển nhượng chỉ phù hợp với “quyền dụng ích cá nhân” là một quyền hưởng dụng mang tính pháp định mà thôi. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng Điều luật 261 cần được sửa đổi theo hướng xoá bỏ khoản 3. Tuy nhiên, để đảm bảo phạm vi của quyền hưởng dụng phù hợp với từng trường hợp cụ thể khác nhau đặc biệt là trong trường hợp các bên thoả thuận không được chuyển giao chúng tôi kiến nghị khoản 1 của Điều luật này bổ sung thêm cụm từ “trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
– Bên cạnh Điều 261 quy định về quyền của người hưởng dụng thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại có quy định về quyền hưởng hoa lợi, lợi tức tại Điều 264. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng người có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức theo Điều 264 cũng chính là người hưởng dụng. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải gộp hai nội dung này thành một và việc tách quyền của người hưởng dụng ra thành hai điều luật khác nhau là không cần thiết.
5. Về nghĩa vụ của người hưởng dụng
– Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì nghĩa vụ của người hưởng dụng được ghi nhận bao gồm: (i) Nghĩa vụ khai thác, sử dụng tài sản đúng công dụng, mục đích; (ii) Giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản,… (nghĩa vụ đảm bảo tính ổn định và toàn vẹn của tài sản như khi tiếp nhận tài sản) ; (iii) Nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, với phạm vi quyền của người hưởng dụng tương đối lớn thì sự quy định về nghĩa vụ của người hưởng dụng vẫn còn nhiều thiếu sót, cụ thể:
– Có một số loại nghĩa vụ mà trong Bộ luật Dân sự không đề cập tới đối với cả chủ sở hữu và người hưởng dụng, ví dụ: trong thời gian tồn tại quyền hưởng dụng, có những nghĩa vụ hàng năm như thuế, các khoản đóng góp được coi là nghĩa vụ tài chính đối với tài sản (thuế đất, thuế kinh doanh, các khoản chi phí trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản…). Vậy trong những trường hợp này có mặc nhiên coi chủ sở hữu tài sản phải thực hiện các nghĩa vụ này không? Theo chúng tôi, việc thực hiện nghĩa vụ này phải thuộc về bên có quyền hưởng dụng thì phù hợp hơn. Luật một số quốc gia cũng có quy định nghĩa vụ này thuộc về người hưởng dụng.[2]
– Đối với nghĩa vụ “sửa chữa tài sản”, chúng tôi nhận thấy trong quy định của Bộ luật Dân sự, đó là nghĩa vụ của cả người hưởng dụng và chủ sở hữu. Đây là điều rất dễ tạo nên sự trùng lặp về nghĩa vụ khi cả hai bên đều nhận thực hiện nghĩa vụ này hoặc ngược lại, hai bên đều cho rằng đó là nghĩa vụ của bên còn lại nên đùn đẩy nếu quy định của luật chưa rõ ràng và nhất quán như hiện nay; từ đó dẫn đến không xác định được phạm vi nghĩa vụ của từng chủ thể này.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự Pháp thì “người hưởng dụng chỉ có nghĩa vụ thực hiện việc tu sửa, bảo dưỡng tài sản. Các sửa chữa lớn thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu, trừ trường hợp phải sửa chữa lớn do tài sản không được tu sửa bảo dưỡng từ khi bắt đầu hưởng hoa lợi, lợi tức; trong trường hợp này, người hưởng dụng phải chịu chi phí”.[3] Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan cũng quy định người hưởng dụng “chịu trách nhiệm về việc bảo dưỡng thông thường và sửa chữa vặt. Nếu cần có những sửa chữa quan trọng hoặc biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản thì người hưởng hoa lợi, lợi tức phải báo ngay cho chủ sở hữu biết để tiến hành sửa chữa. Trường hợp chủ sở hữu không làm thì người hưởng dụng có thể đem tài sản đi sửa chữa, bảo quản và chủ sở hữu phải chịu chi phí”.[4] … Bởi vậy, theo chúng tôi, cần phải có sự xác định rõ phạm vi nghĩa vụ của các bên chủ thể trong việc sửa chữa, bảo đảm tính ổn định giá trị của tài sản.
6. Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng
– Quyền hưởng dụng là một vật quyền có tính độc lập tương đối so với các vật quyền khác, tuy nhiên, xét về bản chất thì vật quyền này là vật quyền có thời hạn trên tài sản của người khác. Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, khi người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình thì chủ sở hữu chỉ có quyền “yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng” mà không có một cơ chế tự bảo vệ nào dành cho chủ sở hữu. Ngoài ra, chỉ khi người hưởng dụng có sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hưởng dụng của mình thì chủ sở hữu mới có thể yêu cầu truất quyền người hưởng dụng, mà không đặt ra trường hợp, chủ sở hữu có thể chấm dứt quyền hưởng dụng của chủ thể hưởng dụng trong các trường hợp khác.
Theo quy định của pháp luật Thái Lan, chủ sở hữu có thể phản đối bất cứ việc sử dụng bất hợp pháp hoặc bất hợp lý nào đối với tài sản của mình. Nếu chủ sở hữu chứng minh được quyền của mình bị đe dọa thì có thể yêu cầu người hưởng dụng đưa ra bảo đảm. Quyền phản đối này của chủ sở hữu không áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu là người được tặng cho tài sản và người hưởng dụng là người tặng cho tài sản nhưng giữ lại cho mình quyền hưởng dụng trên tài sản đã cho[5].
Trường hợp bị phản đối, nếu người hưởng dụng không đưa ra bảo đảm trong một thời gian hợp lý đã được ấn định, hoặc nếu bất chấp sự phản đối của chủ sở hữu, người đó vẫn tiếp tục sử dụng tài sản một cách bất hợp pháp hoặc bất hợp lý, Tòa án có thể chỉ định một người quản lý tài sản để quản lý tài sản thay cho người đó….[6] Với quy định này có thể hiểu, bản thân chủ sở hữu theo quy định pháp luật Thái Lan cũng có thể tự mình thực hiện quyền bảo vệ tính toàn vẹn tài sản thuộc sở hữu của mình, không nhất thiết trong mọi trường hợp phải thông qua Tòa án.
Do đó, để điều chỉnh về vấn đề này một cách trọn vẹn chúng tôi đề xuất tách quyền hưởng dụng thành hai loại: (i) quyền hưởng dụng là vật quyền xác lập theo ý chí của chủ sở hữu (theo thỏa thuận hoặc theo di chúc) và (ii) quyền hưởng dụng là vật quyền pháp định (theo luật định).
Theo đó, quyền hưởng dụng theo ý chí của chủ sở hữu sẽ mang tính tuyệt đối, việc yêu cầu chấm dứt hoặc thay đổi không vì lý do vi phạm của bên hưởng dụng là không được ghi nhận bởi lẽ, bản thân chủ sở hữu phải xác định được từ đầu mục đích của mình cũng như phải xác định phạm vi quyền và nghĩa vụ của người hưởng dụng, tránh trường hợp tự ý chấm dứt quyền hưởng dụng, gây cản trở và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người hưởng dụng trên tài sản hưởng dụng. Còn đối với quyền hưởng dụng theo luật định thì trong quy định của luật cần xác định rõ các trường hợp người hưởng dụng không được phép làm cũng như cơ chế pháp lý trong những trường hợp vi phạm đó. Việc xác định các trường hợp hạn chế quyền hưởng dụng theo luật định cũng chính là cách thức bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu cũng như bảo đảm tính toàn vẹn giá trị của tài sản hưởng dụng.
– Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 260 “Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này”, dẫn đến cách hiểu Khoản 2 Điều 260 đang đề cập đến một quyền của người hưởng dụng là quyền cho thuê quyền hưởng dụng chứ không chỉ đơn thuần là đề cập đến thời hạn của quyền hưởng dụng. Để tránh gây ra hiểu nhầm thì khoản cần được quy định hợp lý hơn theo hướng: “Thời hạn mà người hưởng dụng cho thuê quyền hưởng dụng cũng phải phù hợp với thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này.”
[1] PGS. TS Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình luật dân sự tập 1, Khoa luật, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2016, tr306,
[2] Điều 1158, Bộ luật dân sự Quebec Canada.
Art. 1158. The usufructuary is liable for the costs of any legal proceedings related to his right of usufruct
Điều 608, Bộ luật dân sự Pháp,
Art. 608
A usufructuary is liable during his enjoyment for all the annual charges upon the property, such as taxes and others which, according to usage, are deemed to be charges on the fruits
[3] Điều 605, Bộ luật Dân sự Pháp
Art. 605
A usufructuary is only bound to repairs of maintenance.
Major repairs remain the responsibility of the owner, unless they were occasioned by the lack of repairs of maintenance since the beginning of the usufruct; in which case the usufructuary is also liable for them.
[4] Điều 1424 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan,
Section 1424. The usufructuary is bound to keep the substance of the property unaltered, and is responsible for ordinary maintenance and pretty repairs.
If important repairs or measures are necessary for the preservation of the property, the usufructuary must forthwith inform the owner thereof and permit them to be carried out. In case of default by the owner, the usufructuary may have the work carried out at the owner’s expense.
[5] Theo Điều 1423 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan, quyền này của chủ sở hữu sẽ không áp dụng trong trường hợp người cho tài sản đã giữ lại cho mình quyền hưởng dụng đối với tài sản đó. Trường hợp loại trừ này cũng là hợp lý bởi người hưởng dụng là chủ sở hữu của tài sản ban đầu nên có toàn quyền sử dụng tài sản theo ý chí của mình và lợi ích của người được cho (chủ sở hữu sau) không thể đặt cao hơn so với người đã tặng cho tài sản đó.
Section 1423. The owner may object to any unlawful or unreasonable use of the property.If the owner proves that his rights are in peril, he may demand security from the usufructuary, except in the case of donor who has reserved to himself the usufruct of the property given.
If the usufructuary fails to give security within a reasonable time fixed for the purpose, or if, in spite of the owner’s objection he continues to make use of the property unlawfully or unreasonably, the Court may appoint a Receiver to manage the property in his stead. Upon security being given the Court may release the Receiver so appointed.
[6] Như trên