Quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền

quy-dinh-ve-thuc-hien-nghia-vu-tra-tien

Dưới tác động của sự phát triển kinh tế, các giao dịch dân sự ngày càng diễn ra nhanh chóng, đa dạng và phổ biến. Cùng với đó các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ dân sự cũng dần được quan tâm và bảo vệ hơn, trong đó có nghĩa vụ trả tiền. Theo đó, nghĩa vụ trả tiền xuất phát từ lâu đời và được đề cập đến trong hầu hết các hợp đồng, phần lớn các tranh chấp diễn ra đều từ vấn đề này. Hiểu được điều đó nên pháp luật đã ban hành các quy định về nghĩa vụ trả tiền. Vậy, thực hiện nghĩa vụ trả tiền dưới góc độ pháp luật được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

1. Nghĩa vụ trả tiền là gì?

1.1. Nghĩa vụ là gì?

Theo quy định tại Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nghĩa vụ được định nghĩa như sau: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).”

Như vậy, có thể hiểu nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật về tài sản và nhân thân của các chủ thể. Chủ thể mang quyền có thể yêu cầu chủ thể mang nghĩa vụ phải chuyển giao một tài sản, thực hiện một việc hoặc không được thực hiện một việc vì lợi ích của mình hay lợi ích của người thứ ba. Đồng thời phải bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc nhân thân do có hành vi gây thiệt hại hay vi phạm lợi ích của bên có quyền.

1.2. Nghĩa vụ trả tiền

Nghĩa vụ trả tiền là nghĩa vụ có tính phổ biến trong các quan hệ dân sự. Theo đó, nghĩa vụ trả tiền có đối tượng là một khoản tiền nhất định mà người có nghĩa vụ phải chuyển giao cho người có quyền đầy đủ số tiền, đúng thời hạn, địa điểm và theo phương thức do các bên đã thoả thuận trước đó hoặc theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Doanh nghiệp A ký kết hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với doanh nghiệp B. Các bên thoả thuận thống nhất về giá cả, số lượng, khối lượng, thời gian và địa điểm giao dịch một cách cụ thể. Trong đó thoả thuận, doanh nghiệp B sẽ thanh toán 30% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết. Sau khi doanh nghiệp A giao đủ số lượng vật liệu xây dựng đến, doanh nghiệp B kiểm tra, nếu phù hợp với nội dung trong hợp đồng thì doanh nghiệp B sẽ thanh toán 70% số tiền còn lại của hợp đồng. Như vậy, doanh nghiệp A là bên có quyền nhận đầy đủ số tiền, đúng thời hạn, địa điểm và theo phương thức do các bên đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán. Ngược lại doanh nghiệp B là bên thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Luật sư tư vấn pháp luật tại Đà Nẵng

2. Quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:

Điều 280. Thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.
2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

2.1. Nghĩa vụ trả tiền được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận

Nghĩa vụ trả tiền thường được đề cập trong các hợp đồng, trong đó một bên có nghĩa vụ cung cấp hàng hoá, dịch vụ tiền tệ bên còn lại có nghĩa vụ thanh toán tiền cho bên cung cấp. Có thể thấy, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định của pháp luật nhằm thoả mãn nhu cầu lợi ích của bên có quyền.

Việc trả tiền cần phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận. Có tính chất bắt buộc, nếu vi phạm thì bên có quyền có thể khởi kiện bên thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

2.2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả lãi

Theo Khoản 2 Điều 280 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Lãi suất được đề cập đến ở đây là khoản tiền tăng lên được xác định theo số tiền chưa trả, thời hạn và không được trái với quy định của pháp luật. Các bên trong hợp đồng có thể thoả thuận trả lãi hoặc không, thoả thuận này thông thường sẽ xuất hiện phổ biến trong các hợp đồng vay tiền. Trường hợp các bên không thoả thuận về lãi suất thì khi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thì lãi đương nhiên sẽ được tính và dựa trên quy định của pháp luật.

3. Quy định về nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Nghĩa vụ trả tiền được thực hiện theo quy định tại Điều 440 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

“Điều 440. Nghĩa vụ trả tiền

1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”

Thứ nhất, bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

Thông thường, địa điểm thực hiện nghĩa vụ thanh toán được xác định là địa điểm bên bán giao tài sản, có thể là địa điểm của bên bán như cửa hàng, chợ,… hoặc nơi cư trú của bên bán, bên mua hoặc nơi diễn ra giao kết hợp đồng mua bán.

Mức tiền cần phải thanh toán là giá trị của hợp đồng mua bán, mức giá này do các bên thoả thuận. Thông thường khi bên bán chuyển giao tài sản thì bên mua phải thanh toán tiền mua bán tài sản đó.

Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán hàng hoá do các bên thoả thuận, trường hợp nếu không có thoả thuận thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thoả thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ thời gian thanh toán hoặc nếu các bên chỉ có thoả thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Trường hợp nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

Như vậy có thể hiểu là nghĩa vụ giao tài sản được thực hiện trước, nghĩa vụ trả tiền được thực hiện sau.

Thứ ba, trả lãi trên số tiền chậm trả. Trường hợp bên mua chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nếu bên mua chậm thanh toán tiền mua thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời giam chậm trả.

4. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

4.1. Trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm là công việc hay nghĩa vụ của mỗi người phải thực hiện hoặc hoàn thành. Theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:

Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”

Như vậy nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải chịu lãi chậm trả theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu thoả thuận thì không được vượt quá 20%/năm, nếu không thoả thuận thì 10%/năm. Bên có nghĩa vụ trong một số trường hợp có thể thoả thuận về việc xin gia hạn thời hạn trả tiền, cam kết bồi hoàn tiền nợ và bồi thường chi phí chậm trả.

Trường hợp nếu đã nhiều lần yêu cầu thanh toán những người mua không trả tiền thì bên có quyền có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền nơi người mua hàng đang cư trú để người mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

4.2. Trách nhiệm hình sự

Dựa vào hành vi của các bên khi thực hiện hợp đồng, căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người vi phạm nghĩa vụ trả tiền tùy theo tính chất, mức độ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, như các tội:

  • Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này là khi người vi phạm có hành vi chiếm đoạt tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng để trả nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản… Khung hình phạt: thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là phạt tù đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
  •  Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu người mua hàng hóa có thủ đoạn gian dối từ trước nhằm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, chiếm đoạt hàng hoá có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 03 năm đến tù chung thân, tuỳ vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là những nội dung phân tích liên quan đến “Quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ Hotline: 1900.6568 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon