Kháng cáo là quyền của bị cáo được thể hiện trong đơn kháng cáo khi không đồng ý đối với phán quyết của Toà án đã xét xử sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án đã ra phán quyết xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Quyền kháng cáo là một trong những quyền được pháp luật quy định nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là của bị cáo trong tố tụng hình sự.
Cơ sở pháp lý
– Hiến pháp năm 2013;
– Bộ luật hình sự;
– Bộ luật Tố tụng hình sự.
1. Người có quyền kháng cáo?
Theo Điều 331 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định người có quyền kháng cáo gồm:
– Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
– Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
– Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
2. Bị cáo kháng cáo có được giảm nhẹ hình phạt?
Trong phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử phúc thẩm được thực hiện thẩm quyền theo quy định tại Điều 355 của bộ luật này, trong đó có quyền sửa bản án sơ thẩm. Theo đó, khi bị cáo phạm tội bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án với mức hình phạt quá nghiêm khắc, bị cáo có quyền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời tùy vào tính chất, mức độ, nhân thân và các tình tiết mới, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự cụ thể như sau:
– Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
– Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
– Giảm hình phạt cho bị cáo;
– Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
– Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
– Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
3. Vai trò của Luật sư bào chữa cho bị cáo tham gia trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”. Do đó, quá trình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo hoặc người đại diện, người thân thích của họ có quyền nhờ Luật sư bào chữa để tư vấn cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo trong giai đoạn phúc thẩm. Điều này cũng rất quan trọng do việc tham gia, đánh giá tài liệu, chứng cứ của Luật sư bào chữa là một trong những yếu tố có thể quyết định đến kết quả xét kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm, bởi vai trò của Luật sư sẽ:
– Nghiên cứu những điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn đối với bị cáo
Luật sư sẽ nghiên cứu, đưa ra những lập luận, tài liệu có liên quan khi tiếp cận hồ sơ vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, khi nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, có sai sót trong việc nhận định và đánh giá chứng cứ dẫn đến việc áp dụng sai điều, khoản đối với tội danh đã xét xử bị cáo dẫn đến việc định tội danh, tuyên phạt không đúng thì Luật sư có quyền đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn đối với bị cáo.
– Nghiên cứu, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo và đề nghị áp dụng
Trong quá trình xét xử sơ thẩm, vì nhiều lý do khách quan bị cáo hoặc gia đình bị cáo không cung cấp được nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để cho bị cáo được hưởng khi lượng hình. Khi tham gia bào chữa cho bị cáo, trách nhiệm của Luật sư sẽ thực hiện việc đánh giá, thu thập thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác theo quy định tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC quy định những trường hợp cụ thể được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS như: gia đình có công cách mạng, người bị hại có một phần lỗi… Ngoài ra, vấn đề bồi thường thiệt hại trong giai đoạn phúc thẩm và việc bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo cũng là tình tiết mới để có thể áp dụng, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự về Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”. Như vậy, khi hội đủ các điều kiện theo quy định, Luật sư bào chữa có quyền đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng Điều 54 BLHS để tuyên phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhằm đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
– Nghiên cứu, đánh giá theo hướng đề nghị giảm mức hình phạt tù và cho bị cáo được hưởng án treo
Trường hợp bị cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù tương ứng với khung hình phạt theo điều khoản cụ thể của Bộ luật hình sự, ngoài các nghiên cứu, đề nghị áp dụng như đã nêu trên, khi xét thấy bị cáo có đủ các điều kiện quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung số 01/2022 của Hội đồng thẩm phán, Luật sư sẽ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định. Bởi án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
4. Luật sư uy tín bào chữa trong giai đoạn xét xử phúc thẩm hình sự tại Đà Nẵng
Ở tất cả các giai đoạn tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, khi được khách hàng quan tâm và tin tưởng, Luật sư đều có quyền đăng ký tham gia tố tụng để bào chữa và bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo trong vụ án, kể cả khi Luật sư mới tham gia từ giai đoạn xét xử phúc thẩm. Thấu hiểu được sự cần thiết hỗ trợ pháp lý của khách hàng về lĩnh vực hình sự, Công ty TNHH Luật Dương Gia với chi nhánh tại: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ được khách hàng trực tiếp, nhanh chóng và thuận lợi ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong khu vực.
Theo đó, khi có nhu cầu tìm kiếm công ty luật, luật sư uy tín tại Đà Nẵng, Công ty luật TNHH Dương Gia chi nhánh Đà Nẵng sẽ là lựa chọn mà bạn đáng quan tâm.
Trên đây là bài phân tích về nội dung “Kháng cáo phúc thẩm hình sự, có được giảm án hay không?”. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.