Thay đổi tội danh từ Giết người sang Cố ý gây thương tích

thay-doi-toi-danh-tu-giet-nguoi-sang-toi-co-y-gay-thuong-tich-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-va-vai-tro-cua-luat-su-bao-chua-nhu-the-nao

Tội “Giết người” với tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định của Bộ luật hình sự là loại tội thường có nhiều điểm tương đồng về cấu thành tội phạm, thực tiễn áp dụng khi tội phạm này xảy ra còn rất nhiều quan điểm, nhận thức đánh giá khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc định tội danh để xác định đúng bản chất của vụ án nhằm tránh oan, sai là điều mà cả xã hội mong muốn, đồng thời đáp ứng mục tiêu bảo vệ quyền con người.

Thuê Luật sư hình sự tại Đà Nẵng

Theo đó, nhận thức đúng về bản chất, tính chất, mức độ của hành vi này trong vụ án sẽ định tội danh đúng, hạn chế được những sai lầm trong đánh giá chứng cứ của các cơ quan tố tụng, và cũng là cơ sở pháp lý để Tòa án quyết định hình phạt một cách chính xác đối với người phạm tội trong từng trường hợp cụ thể. Như vậy, việc thay đổi tội danh từ tội “Giết người” sang tội danh “Cố ý gây thương tích” theo quy định của pháp luật và vai trò của luật sư bào chữa trong trường hợp này có ý nghĩa như thế nào?

Cơ sở pháp lý:

– Hiến pháp năm 2013

– Bộ luật hình sự

– Bộ luật Tố tụng hình sự

– Án lệ số 47

– Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP

Dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác, có phạm tội Giết người?

1. Ý nghĩa của việc thay đổi tội danh sang tội nhẹ hơn

Tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự tương ứng với điều khoản cấu thành, có khung hình phạt rất nghiêm khắc. Người phạm tội bị khởi tố, điều tra về tội “Giết người” trong các giai đoạn tố tụng khi chưa có bản án kết tội của Tòa án thường mang tâm lý hoang mang, nặng nề, không chỉ trường hợp người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, mà còn cả trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gây thương tích vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại với mức độ thương tích không nghiêm trọng.

Trong suốt quá trình tố tụng, ở bất cứ giai đoạn nào, các cơ quan tiến hành tố tụng đều có thể quyết định thay đổi tội danh sang tội nhẹ hơn hoặc xét xử bị cáo về tội nhẹ hơn, tùy thuộc vào việc thu thập, đánh giá các tài liệu, chứng cứ (kể cả quan điểm bảo vệ của người bào chữa cho người phạm tội) để xác định sự thật vụ án, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, tạo sự tin tưởng vào công lý của người dân. Đồng thời, hạn chế những sai lầm trong các quyết định tố tụng có thể dễ dẫn đến oan, sai.

2. Quy định của pháp luật về việc thay đổi tội danh như thế nào?

– Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự: Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.” Như vậy, khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các thủ tục thay đổi quyết định khởi tố vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để phê chuẩn và kiểm sát theo quy định. Trình tự thực hiện sẽ theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 04/2018.

– Trong giai đoạn truy tố: Khi nhận được hồ sơ kèm theo bản kết luận điều tra vụ án hình sự của cơ quan điều tra, trường hợp nhận thấy kết quả điều tra dẫn đến tội danh đã khởi tố không đúng thì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát sẽ quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra. Ngoài ra, trong quá trình kiểm sát điều tra, nếu như Viện kiểm sát nhận thấy tội danh đã khởi tố không đúng thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp đã có yêu cầu bằng văn bản nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.

– Trong giai đoạn xét xử: Theo quy định tại Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Trường hợp xét thấy các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án chưa đầy đủ hoặc có vi phạm nghiêm trọng tủ tục tố tụng thì Tòa án có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự.

3. Thực tiễn thay đổi tội danh từ “Giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích”

– Trong thực tiễn, không ít trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi tội danh hoặc tuyên phạt bị cáo theo tội nhẹ hơn đối với trường hợp này.

Đơn cử: Vụ án Nguyễn Thị Kim N cùng 23 bị cáo khác bị khởi tố, truy tố tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Vụ việc đánh nhau xảy ra vào ngày 15/12/2019 tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ giữa nhóm của N và nhóm của B. Trong lúc hỗn chiến, hai bị cáo trong nhóm của N là Lê Văn P và Nguyễn Trung Đ dùng dao tự chế chém, gây thương tích cho hai người trong nhóm của B với thương tích lần lượt là 15% và 18%. Tại phiên tòa diễn ra ngày 31/12/2020, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập, tranh luận tại phiên tòa cũng như việc thay đổi quyết định truy tố, kết luận về tội nhẹ hơn của Viện kiểm sát. Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã tuyên phạt các bị cáo với mức cao nhất là 06 năm tù, thấp nhất là 02 năm tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự.

– Vẫn có những trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị can về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng sau đó chuyển sang tội “Giết người” và chuyển điều tra theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên xét thấy hành vi của bị can chỉ đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, thì trường hợp này các cơ quan tố tụng tiếp tục thay đổi tội danh để đảm bảo nguyên tắc có lợi bị can. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ kéo dài thời gian tố tụng, giải quyết vụ án, đặc biệt là trường hợp bị can bị tạm giam về mặt tâm lý, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can cũng sẽ bị ảnh hưởng.

4. Vai trò của Luật sư bào chữa trong trường hợp người phạm tội bị khởi tố, điều tra về tội “Giết người”

Theo quy định tại Điều 163 và 268 Bộ luật tố tụng hình sự, đối với vụ án người phạm tội bị khởi tố về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, thì thẩm quyền điều tra là của Cơ quan điều tra cấp tỉnh. Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, trường hợp này nếu như người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Với vai trò luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo về tội “Giết người”, theo Khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Trong tố tụng hình sự, nguyên tắc hiến định này được cụ thể hóa tại Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự: “…người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.

Như vậy, việc nhờ luật sư tham gia bào chữa cho người bị buộc tội về tội danh “Giết người” là điều hết sức cần thiết và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, bởi lẽ:

a. Trong giai đoạn điều tra:

– Luật sư được quyền thu thập các tài liệu, chứng cứ cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ những tình tiết có lợi nhất cho người bị buộc tội.

– Tham gia hỏi cung bị can cùng với Điều tra viên, Kiểm sát viên (kể cả trường hợp bị can bị tạm giam) để đảm bảo tính khách quan trong quá trình lấy lời khai, tạo tâm lý thoải mái hơn cho bị can trong quá trình hỏi cung, hạn chế được sự áp đặt, quy kết từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bị can.

– Gửi văn bản kiến nghị hoặc thực hiện các thủ tục đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can được tại ngoại, tùy từng trường hợp có thể đưa ra các quan điểm đánh giá tài liệu, chứng cứ để đề nghị thay đổi tội danh cho bị can sang tội nhẹ hơn là tội “Cố ý gây thương tích” tương ứng với các điểm khoản của điều luật.

– Thực hiện việc thu thập các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can về yếu tố nhân thân, về việc bồi thường khắc phục hậu quả…

b. Trong giai đoạn truy tố:

– Sau khi kết thúc điều tra, theo quy định thì luật sư được quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án để nghiên cứu, đây là yếu tố quan trọng để luật sư đánh giá toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để việc bào chữa cho người bị buộc tội diễn ra thuận lợi hơn.

– Trường hợp Viện kiểm sát xét thấy cần thiết phải tiến hành hỏi cung thì luật sư có thể tham gia cùng với Kiểm sát viên để làm rõ các tình tiết có lợi nhất cho bị can.

– Trong giai đoạn này, luật sư có thể thực hiện các thủ tục đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can được tại ngoại, đề nghị Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra khi xét thấy các tài liệu, chứng cứ thu thập chưa đầy đủ, có căn cứ cho rằng bị can phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” chứ không phải tội “Giết người” như đã khởi tố hoặc chuyển sang tội khác nhẹ hơn.

c. Trong giai đoạn xét xử:

– Luật sư được quyền sao chụp, ghi chép, nghiên cứu hồ sơ khi phát sinh các tài liệu, chứng cứ khác.

– Trao đổi, thống nhất hướng bào chữa, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người bị buộc tội.

– Chuẩn bị các tài liệu, luận cứ bào chữa để tham dự phiên tòa.

– Tại phiên tòa, luật sư được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ có lợi cho bị cáo, phân tích về tính chất, mức độ hành vi bị cáo thực hiện, các yếu tố khách quan cũng như nhân thân của bị cáo để bảo đảm tính thuyết phục trong luận cứ bào chữa.

– Đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung khi nhận thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, hoặc đề nghị chuyển tội danh từ “Giết người” sang tội danh khác nhẹ hơn cho bị cáo.

Như vậy, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bên cạnh việc thu thập, đánh giá toàn diện các chứng cứ, tài liệu thì trong tiến trình tố tụng, vai trò của luật sư bào chữa cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc bào chữa cho người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng như đã đề cập. Việc quyết định thay đổi tội danh hoặc kết luận về tội nhẹ hơn cho bị can, bị cáo khi thỏa mãn đủ điều kiện là kết quả của quá trình nghiên cứu, đánh giá vụ án một cách khách quan, mang tính thuyết phục, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước và đảm bảo tính công bằng trong xã hội.

Trên đây là phân tích về nội dung “Thay đổi tội danh từ “Giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định của pháp luật và vai trò của luật sư bào chữa như thế nào?”. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon