Để nhận diện về tài sản thì nhất thiết phải chỉ ra được các đặc điểm pháp lý của chúng. Trên cơ sở tìm hiểu các quy định của pháp luật dân sự truyền thống và hiện đại, tài sản có những đặc điểm pháp lý cơ bản sau: (i) Tài sản là những đối tượng mà con người có thể sở hữu được; (ii) Tài sản phải mang lại những lợi ích nhất định cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền.
Để có thể nhận diện được bản chất pháp lý của tài sản, cần phân tích và làm rõ mối quan hệ giữa các khái niệm tài sản, vật và quyền tài sản dưới các khía cạnh pháp lý cũng như mối quan hệ giữa vật quyền và trái quyền. Cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Mối quan hệ giữa các khái niệm tài sản, vật và quyền tài sản
Xét dưới góc độ bản thể vật lý tồn tại của tài sản, vật, quyền tài sản thì “tài sản bao gồm có vật (vật quyền) và quyền tài sản (trái quyền). Quyền sở hữu trí tuệ sẽ được coi là một trường hợp đặc biệt được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành”. Bởi theo tư duy logic có quyền trên vật thì cũng có quyền trên tài sản, trong khi tài sản bao gồm vật và quyền thì và sẽ dẫn đến hệ quả là quyền trên vật và cả quyền trên quyền.
Xét dưới góc độ là đối tượng của giao dịch thì “quyền tài sản chỉ bao gồm trái quyền; còn vật quyền thì có sự hỗn nhập với vật”. Tài sản chỉ có thể tồn tại là vật (vật quyền) và là quyền tài sản (trái quyền) mà con người có thể sở hữu được, mang lại lợi ích cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền. Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình, có thể được quy định thêm trong các văn bản luật chuyên ngành.
2. Mối quan hệ giữa vật quyền và trái quyền
Vật quyền là cơ sở để phát sinh trái quyền, cụ thể là chủ sở hữu có thể dịch chuyển một trong các quyền năng của mình như quyền sử dụng hay quyền định đoạt vật cho chủ thể khác thông qua các giao dịch. Các giao dịch này là cơ sở để hình thành trái quyền cho các chủ thể trong giao dịch đó. Và ngược lại, trái quyền lại là cơ sở để hình thành vật quyền nếu trái quyền đó đáp ứng được các yêu cầu của vật quyền theo như quy định của pháp luật.
Nếu người mua vật, chiếm hữu vật thì sẽ hình thành một loại vật quyền là quyền chiếm hữu; nếu người mua đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với vật mua thì sẽ hình thành quyền sở hữu. Chính bởi vậy, trong lý thuyết về vật quyền có nguyên tắc trừu tượng và tách biệt, theo đó hiệu lực của trái quyền (hiệu lực của hợp đồng) có sự tách biệt với hiệu lực của vật quyền (thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với vật mua bán). Dưới góc độ các giao dịch bảo đảm thì các giao dịch bảo đảm có tính vật quyền có vị trí ưu tiên hơn so với các giao dịch bảo đảm có tính trái quyền.
Theo truyền thống pháp lý đối với việc xây dựng khái niệm tài sản qua các BLDS của nước ta có thể thấy, các nhà lập pháp không đi theo cách tiếp cận cơ bản trên thế giới, đó là tài sản được tiếp cận dưới góc độ vật hay dưới góc độ quyền.
Trước hết, tại Điều 172 BLDS năm 1995 quy định: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Tiếp đến, Điều 163 BLDS năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Xét về các thức giải thích khái niệm tài sản thì không có sự khác biệt cơ bản giữa BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005. Với quy định về sau trong BLDS năm 2005 thì tại Điều 163 của Bộ luật này đã bỏ cụm từ “có thực” ra khỏi tài sản là “vật”.
Sự thay đổi này đã bao quát rộng hơn tài sản không chỉ bao gồm những vật có thực mà còn bao gồm cả các vật được hình thành trong tương lai như công trình xây dựng, hoa lợi, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, thay vì sử dụng thuật ngữ “giấy tờ trị giá được bằng tiền” như trong BLDS năm 1995 thì đến BLDS năm 2005 quy định “giấy tờ có giá”.
Liên quan đến Điều 163 BLDS 2005 về tài sản, có nhận định như sau: “Có lẽ, đây là một giải nghĩa tài sản đặc biệt nhất đã từng được biết đến, bởi khó có thể tìm được một giải nghĩa tài sản tương tự ở trong các quyển từ điển thuật ngữ pháp luật và ở các BLDS của các nước trên thế giới, mặc dù con người không thể sống mà không có tài sản và pháp luật nói chung thì đã chú ý tới câu chuyện này từ nhiều thiên niên kỷ…”
3. Khái niệm tài sản trong BLDS 2015 có những thay đổi so với BLDS 2005
Kế thừa và có sự sửa đổi so với BLDS năm 2005 về cách thức lý giải tài sản, Điều 105 BLDS năm 2015 định nghĩa về tài sản như sau:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
So với quy định tại Điều 163 BLDS 2005, định nghĩa về tài sản trong BLDS năm 2015 có một số sửa đổi và bổ sung gồm:
3.1. Sự điều chỉnh khái niệm tài sản trong BLDS năm 2015 so với năm 2005
Thứ nhất, Điều 163 BLDS năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm…” thì đến Điều 105 BLDS năm 2015 sửa thành “Tài sản là…”. Sự sửa đổi này có tiến bộ hơn về phương pháp định nghĩa (dưới dạng mô tả chứ không phải liệt kê) và nói rõ các định dạng của tài sản. Thực chất sự sửa đổi này không tạo ra tính đột phá cũng như không tạo ra sự khác biệt cơ bản trong nội hàm khái niệm tài sản theo pháp luật hiện hành.
Bởi lẽ, suy cho cùng, cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều thừa nhận tài sản được thể hiện thông qua các loại tài sản cụ thể gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Việc sử dụng thuật ngữ “là” thay thế cho thuật ngữ “bao gồm” chỉ nhằm định rõ Điều 105 BLDS năm 2015 thuộc loại quy phạm định nghĩa. Tuy vậy, từ BLDS năm 1995 đến BLDS năm 2015, các nhà lập pháp đều sử dụng phương thức liệt kê để đưa ra khái niệm về tài sản. Ưu điểm của phương thức liệt kê đó là sự rõ ràng, cụ thể tuy vậy, việc sử dụng phương thức liệt kê không thể bao quát được hết các tài sản mới phát sinh trong tương lai.
3.2. Sự bổ sung về khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 so với năm 2005
Thứ hai, so với Điều 163 BLDS năm 2005, Điều 105 BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định: “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Với sự bổ sung này, đâu đó có thể thấy định nghĩa về tài sản trong BLDS năm 2015 mang chút ít tương đồng với định nghĩa về tài sản trong BLDS của một số quốc gia trên thế giới như BLDS Pháp, BLDS của Tiểu bang Louisiana Hoa Kỳ… Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cách thức tiếp cận tài sản là vật hoặc quyền vẫn chưa được vận dụng trong BLDS hiện hành của nước ta.
Bên cạnh định nghĩa về tài sản tại Điều 105, BLDS năm 2015 còn tiếp tục kế thừa và có sự sửa đổi so với BLDS năm 2005 về quy định bất động sản và động sản (Điều 10745); quyền tài sản (Điều 11546). Ngoài ra, BLDS năm 2015 bổ sung thêm quy định về tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (Điều 10847). Tuy BLDS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung hợp lý nhằm khắc phục các hạn chế trong BLDS năm 2005 về khái niệm tài sản cũng như các vấn đề liên quan khác nhưng qua nghiên cứu về chế định này.
3.3. Nhận xét về sự điều chỉnh và bổ sung khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015
Một là, BLDS năm 2015 vẫn tiếp tục quy định tài sản theo phương thức liệt kê mà chưa có cách tiếp cận cụ thể về tài sản như cách thức ghi nhận của một số quốc gia trên thế giới (xem thêm bài viết Khái niệm về tài sản của một số quốc gia trên thế giới);
Hai là, BLDS được xem là văn bản pháp luật quan trọng và trực tiếp nhất quy định về chế định tài sản. Tuy vậy, các quy định về tài sản trong BLDS hiện hành cho thấy sự không thấy sự đồng bộ và thiếu gắn kết. Bởi lẽ, Điều 105 định nghĩa tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản nhưng các Điều luật được xây dựng sau đó thiếu vắng các quy định diễn giải về các loại tài sản đã được đề cập, cụ thể không tồn tại quy định về tiền và giấy tờ có giá.
Phải chăng, các nhà lập pháp cho rằng tiền và giấy tờ có giá đã được quy định trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực ngân hàng hay các văn bản pháp luật về biện pháp bảo đảm nên không cần thiết quy định về hai loại tài sản này trong BLDS.
Giả định sự suy đoán của chúng tôi là đúng thì có lẽ tư duy xây dựng pháp luật kiểu này đang theo kiểu cách ngược. Tức là lẽ ra BLDS phải là văn bản quy định và lý giải về các loại tài sản theo đúng định nghĩa được đưa ra bởi chính BLDS. Sau đó, các văn bản pháp luật liên quan khác cần căn cứ vào BLDS để cụ thể hoá một số loại tài sản nếu sự cụ thể đó là cần thiết (tuy vậy, theo chúng tôi là không cần thiết bởi các vấn đề tài sản đã được quy định co cụm đầy đủ trong BLDS).
Tựu trung lại, khác với luật các nước, luật Việt Nam không coi quyền hoặc vật như là những cách quan niệm khác nhau, cách hình dung khác nhau về tài sản, mà coi đây là các loại tài sản khác nhau. Có vẻ như trong suy nghĩ của những người soạn thảo các điều luật liên quan, vật, với tư cách là một tài sản, phải được hiểu là vật hữu hình, nghĩa là có thể nhận biết bằng giác quan tiếp xúc; đối lập với vật hữu hình, quyền tài sản được hiểu là các vật vô hình. Từ quan niệm đó đã dẫn đến hệ quả là không tồn tại khái niệm bất động sản vô hình; chỉ vật mới là động sản hay bất động sản; quyền không phải là vật, bởi vậy, không thể đặt vấn đề liệu quyền là động sản hay bất động sản.
Các quy định về tài sản của BLDS năm 2015 mang tính chất liệt kê các loại tài sản tồn tại theo một trong bốn dạng (vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản) chứ không xây dựng khái niệm tài sản cụ thể, chưa chỉ ra được nội hàm của khái niệm tài sản, quyền tài sản, chưa khái quát được hết tất cả các loại hình tài sản và quyền tài sản trong đời sống kinh tế, dân sự, dễ dẫn đến “tình trạng bỏ sót những dạng tài sản khác và không làm rõ được các đặc tính pháp lý cơ bản để nhận diện về tài sản”.
Có ý kiến cho rằng có lẽ nguyên nhân chính của những thiếu sót này là do chưa có được một học thuyết về tài sản, cũng như chưa có quan niệm đúng về tài sản và luật tài sản. BLDS Việt Nam “đã đưa ra rất nhiều cách phân loại tài sản như phân loại tài sản thành các vật và quyền và phân tài sản cơ bản thành bất động sản và động sản. Nhưng thực tế BLDS Việt Nam đã phân vân giữa nhiều cách phân loại tài sản và đã không có một quan điểm nhất quán”.
Trường hợp bạn còn đang thắc mắc hoặc cần tư vấn và hỗ trợ pháp lý, liên hệ ngay Luật Dương Gia qua số Hotline: 079.497.8999 – 093. 154.8999 để được hỗ trợ sớm nhất!