Ly hôn, con cái có bị ảnh hưởng hay không ?

ly-hon-con-cai-co-bi-anh-huong-hay-khong

Hầu hết tâm lý của trẻ em sau khi đứng trước quyết định ly hôn của cha mẹ đều sẽ bị tổn thương và cảm thấy mất mát về mặt tinh thần. Mỗi trẻ sẽ có những diễn biến tâm lý khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, độ tuổi, hoàn cảnh sống,…Các nhà tâm lý học cho rằng, phản ứng tức thời cũng như diễn biến tâm lý về sau của con cái đối với sự ly hôn của cha mẹ có sự khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: độ tuổi, giới tính, cách thức mà đứa trẻ biết về sự ly hôn của cha mẹ, hoàn cảnh sống trước và sau ly hôn, tính chất mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trước và sau ly hôn v.v… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số đặc điểm tâm lý của trẻ em có cha mẹ ly hôn từ góc độ lứa tuổi và giới tính, thông qua việc nguyên cứu, tổng hợp các tài liệu khoa học từ đó đưa ra các nhận định về việc “Ly hôn, con cái có bị ảnh hưởng hay không?”. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Căn cứ pháp lý:

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014
  • Luật trẻ em 2016

Những vấn đề cần cân nhắc trước khi ly hôn?

1. Khi ly hôn con ở với ai?

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo quy định này thì khi ly hôn, con cái sẽ ở với bố hoặc mẹ theo thỏa thuận của hai vợ chồng.

Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa trên các quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định ai được quyền nuôi con.

Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con để quyết định giao con cho cha hay mẹ nuôi. Bởi vì ở độ tuổi này trẻ bắt đầu có nhận thức riêng về việc muốn ở với cha hay mẹ khi cha mẹ không còn sống chung với nhau.

Đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì được ưu tiên hơn cho người mẹ nuôi nếu người mẹ có đủ điều kiện chăm nom, chăm sóc và giáo dục con cái.

Việc pháp luật quy định như vậy là phù hợp vì lúc này độ tuổi đứa trẻ còn quá nhỏ và nếu được mẹ chăm sóc sẽ tốt hơn cho sự phát triển của đứa trẻ.

2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn

Trên cơ sở quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

  • Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  • Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  • Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Từ những quy định này cho thấy, sau khi ly hôn, con cái vẫn nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng sự quan tâm, chăm sóc này sẽ không đầy đủ như trước đây. Bởi lẽ có thể ngay sau khi ly hôn, một bên vợ hoặc chồng lại đi tìm một tổ ấm, một hạnh phúc mới cho riêng bản thân mình. Lúc này sẽ có vô vàn lý do cho sự thờ ơ, sự thiếu quan tâm con cái, vì nếu còn đủ yêu thương, đủ nhẫn nại, đủ hy sinh thì họ đã không lựa chọn để con mình thiếu đi vòng chở che của cha mẹ.

3. Những vấn đề con cái gặp phải khi cha mẹ ly hôn

Từ việc ly hôn con ở với ai cho đến sự chăm sóc, sự phát triển tâm lý của con sẽ như thế nào đều là những vấn đề đáng được các bậc làm cha mẹ quan tâm.

3.1. Cảm giác bị mất mát, thiệt thòi

Những đứa trẻ trong gia đình có cha mẹ ly hôn sẽ thật chạnh lòng khi bắt gặp cảnh một ai đó đang vui vẻ, tay trong tay cùng cha và mẹ.

Khi cha mẹ ly hôn, trường hợp mỗi người đều tìm được hạnh phúc mới, chỉ có những đứa con thì sẽ chịu thiệt thòi khi chúng buộc phải sống cùng với một trong hai người, sẽ mãi chẳng thể có được một gia đình trọn vẹn cả mẹ lẫn cha. Dù con ở vào lứa tuổi nào, thì chúng cũng sẽ có cảm giác mất mát và thiếu thốn về tinh thần.

Nhiều trường hợp tiêu cực hơn con cái có thể cảm thấy bị ruồng bỏ, trở thành “người thừa” nếu cha hoặc mẹ không thường xuyên ghé thăm, hỏi han, sẽ là một cảm giác trống vắng và hụt hẫng trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ.

3.2. Tính tình thất thường, dễ cáu gắt, dễ bị tự kỷ

Bất kì một đứa trẻ nào cũng cần sự giáo dục từ cả cha và mẹ. Đó sự nghiêm khắc của cha, một chút nhẹ nhàng của mẹ, rõ ràng sự giáo dục mang tính cương nhu tuỳ lúc của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm sinh lý của mọi đứa trẻ. Với những gia đình chỉ còn một cha hoặc một mẹ thì sự kiểm soát, uốn nắn này sẽ trở nên khó khăn hơn. Một người vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ thì rất khó khăn để mang lại cho con tất những điều tốt đẹp như những gia đình trọn vẹn khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con cái.

Hậu quả dễ nhận thấy là có những bé trở nên hung hăng, hiếu chiến trong khi những trẻ khác có thể rụt rè và tự ti trước cuộc sống. Nặng hơn nữa là có nhiều đứa trẻ vì việc cha mẹ mình ly hôn, thiếu tình cảm của cha mẹ đã dẫn đến việc nhốt mình trong thế giới của chúng sau đó hình thành nên bệnh tự kỷ… Đây là một căn bệnh khá phổ biến đối với những em trẻ hiện nay khi đối đầu với việc cha mẹ mình ly hôn

3.3. Việc học hành bị ảnh hưởng

Khi cha mẹ ly hôn có thể dẫn đến việc thay đổi chỗ ở hoặc trường học của con. Nếu trẻ không may mắn phải chuyển trường, vừa phải làm quen với một môi trường học tập mới, cùng với áp lực tâm lý bởi những lời trêu đùa vô ý từ các bạn về gia đình mình cũng như những tự ti, thiếu thốn tình cảm vốn có sẽ làm trẻ sợ đến trường.

Mặt khác, những môn học mà trước đây có thể hỏi cha mẹ cũng bị gián đoạn sẽ càng làm cho tình trạng học của con cái ảnh hưởng, sa sút.

Theo một thống kê mới đây của Hội Nghiên cứu Trẻ em Quốc gia của Mỹ (National Survey of Children) đối với trẻ trong các gia đình ly hôn:

  • Trung bình 15% trẻ bị ức hiếp ở trường;
  • 13% bé sẽ bỏ học giữa chừng;
  • 60% các trẻ sẽ học hành sa sút so với khả năng học vấn của bố mẹ chúng.

3.4. Ảnh hưởng trực tiếp đến hôn nhân của con cái sau này

Một hệ quả mà không phải cha mẹ nào cũng ý thức được từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình là việc con cái mình sau này cũng có khả năng rơi vào tình trạng này. Theo như kết quả nghiên cứu mới đây của chuyên khoa Gia đình & Người Tiêu dùng thuộc Đại học Utah (Hoa Kỳ), những cặp vợ chồng trong đó cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ trước đây đã từng ly hôn thì khả năng “lịch sử ly hôn” lặp lại là rất cao, lên đến 2 lần. Hơn nữa, có rất nhiều trường hợp do ám ảnh bởi cuộc hôn nhân không hạnh phúc của cha mẹ, nhiều người sợ yêu, sợ lập gia đình vì không muốn đi vào vết xe đổ của cha mẹ mình. Họ sợ sự đổ vỡ, sợ đặt niềm tin vào một người để rồi sau đó bị bỏ lại trong nỗi đau. Họ không dễ dàng mở lòng cho một mối quan hệ nghiêm túc và bền lâu. Họ luôn mang trong mình cảm giác tự ti và e ngại về vấn đề hôn nhân…

4. Làm gì để con không bị ảnh hưởng khi cha mẹ ly hôn?

Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề ly hôn, thì đây không chỉ là câu chuyện của riêng cá nhân của cha mẹ, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con cái họ. Cha mẹ ly hôn con cái sẽ ra sao luôn là câu hỏi lớn mà mỗi bậc phụ huỵnh khi họ đưa ra quyết định ly hôn để giải thoát cho nhau, để cho người kia có một cơ hội đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng làm gì để con mình không bị ảnh hưởng khi cha mẹ ly hôn là một điều hết sức quan trọng rất mong các bậc phụ huynh có thể hiểu được:

– Hãy cho con mình được lựa chọn người mà con mình mong muốn được sống cùng, đừng gây cảm giác bắt ép hay tranh giành con trước Toà khi có mặt con tham gia tố tụng. Bởi lẽ, việc tranh chấp quyền nuôi con là một cuộc tranh chấp pháp lý không mấy vui vẻ giữa các cặp đôi. Tranh chấp này được giải quyết tại Tòa án và có thể kéo dài rất lâu nếu không có được sự đồng thuận. Con trẻ có thể cảm thấy căng thẳng nếu Tòa án gây áp lực cho trẻ, bằng cách yêu cầu trẻ chọn sống cùng cha hoặc mẹ.

– Quá trình ly hôn của cha mẹ có thể được thực hiện một cách êm đềm, văn minh để không làm xáo trộn cuộc sống của con.

– Kết thúc một mối quan hệ vợ chồng thì dễ, nhưng để xóa đi những “vết thương” trong tâm trí của trẻ con thì không dễ dàng, không đơn giản là câu chuyện ngày một ngày hai, rất khó có thể bù đắp được. Chính vì thế, đừng vì việc hai vợ chồng không còn tình cảm mà để con mình không được tiếp xúc với cả cha lẫn mẹ, hãy tạo điều kiện sống tốt nhất cho con mình nếu có thể hãy cho con mình gặp gỡ cha mẹ một cách thường xuyên để có thể bù đắp tình yêu thương mà cha mẹ không thể dành được cho con mình một cách trọn vẹn,

– Hôn nhân là vấn đề hệ trọng trong cuộc sống mỗi người, nhưng con cái lại chính là một điều quan trọng nhất của cuộc đời cha mẹ. Hãy cân nhắc và quyết định lựa chọn ly hôn khi thực sự cần thiết.

Trên đây là những phân tích liên quan đến nội dung “Ly hôn, con cái có bị ảnh hưởng hay không?”. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề pháp lý có liên quan, xin vui lòng liên hệ chúng tôi theo số Hotline 1900.6568 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon