Ngày lễ Vu Lan – 15/7/Âm lịch

ngay-le-vu-lan-15-7-am-lich

Mỗi năm, khi mùa Vu Lan về, lòng người lại dâng lên bao cảm xúc thiêng liêng. Đó là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta. Lễ Vu Lan, không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Vậy đâu là nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ này? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu về Ngày lễ Vu Lan.

1. Lễ Vu Lan là gì? Lễ Vu Lan là ngày nào?

Rằm tháng 7 (18/8/2024) là ngày Lễ Vu Lan hay còn gọi là Vu Lan báo hiếu, một dịp đặc biệt để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Truyền thuyết về lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên luôn nhắc nhở chúng ta về tình mẫu tử thiêng liêng. Hãy dành những ngày này để thể hiện lòng hiếu thảo, chăm sóc và chia sẻ yêu thương với những người thân yêu, đặc biệt là cha mẹ. Bởi lẽ, không có tình yêu nào cao cả hơn tình mẫu tử.

2. Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan

Theo kinh “Vu Lan Bồn”, Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ thời Đức Phật. Đức Phật đã dạy về đạo hiếu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ không chỉ ở đời này mà còn cả nhiều đời khác. Một ví dụ điển hình cho lời dạy này chính là Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong những vị đệ tử xuất sắc của Đức Phật.

Kinh Vu Lan Bồn kể lại rằng, sau khi thành đạo, Tôn giả Mục Kiền Liên đã dùng tuệ nhãn để tìm kiếm mẹ mình. Thế nhưng, Ngài phát hiện mẹ đang chịu khổ sở trong cõi ngạ quỷ. Mặc dù với tấm lòng hiếu thảo, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỹ dâng bát cơm đầy cho mẹ, tuy nhiên, do nghiệp chướng quá nặng, cơm đã hóa thành lửa trước khi đưa vào miệng. Trước cảnh tượng đau lòng ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên đã tìm đến Đức Phật cầu cứu.

Đức Phật đã dạy rằng: “ Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ.”

Làm theo lời Phật dạy, Tôn giả Mục Kiền Liên đã tổ chức lễ cúng vào ngày 15 tháng 7 âm lịch và nhờ chư tăng cùng tụng kinh cầu nguyện. Nhờ đó, mẹ Ngài đã được giải thoát. Từ câu chuyện cảm động này, Đức Phật cũng dạy: “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp) mà làm.” Và kể từ đó, Lễ Vu Lan đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, được mọi người tưởng nhớ và thực hành cho đến ngày nay.

3. Ý nghĩa của ngày Vu Lan

Bắt nguồn từ câu chuyện cảm động của Tôn giả Mục Kiền Liên, Lễ Vu Lan đã trở thành một ngày lễ lớn trong Phật giáo, nhắc nhở chúng ta về nhân quả và tầm quan trọng của việc báo hiếu cha mẹ. Trong suốt năm tháng trưởng thành, chúng ta nhận được vô vàn sự yêu thương, hy sinh của đấng sinh thành. Lễ Vu Lan chính là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc ấy, đồng thười cầu nguyện cho những người đã khuất được siêu siêu tịnh độ.

Hơn thế nữa, ý nghĩa của Lễ Vu Lan còn lan tỏa ra cộng đồng, truyền đi thông điệp về tình thương, sự chia sẻ và lòng nhân ái. Việc báo hiếu không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách để chúng ta tạo dựng phúc đức cho bản thân và gia đình. Lễ Vu Lan còn là dịp để các thế hệ trong gia đình sum họp, chia sẻ những kỷ niệm đẹp và củng cố tình cảm gia đình. Qua câu chuyện về Tôn gỉa Mục Kiền Liên

Trong xã hội hiện đại, Lễ Vu Lan là dịp để chúng ta sống chậm lại, dành thời gian quan tâm đến gia đình và những người xung quanh. Lễ Vu Lan đã hòa quyện vào văn hóa Việt Nam, tạo nên những nét đẹp truyền thống, nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình thân và sự biết ơn.

4. Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ

Theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, cụ thể như sau:

– Con phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ. Bên cạnh những trách nhiệm được luật pháp quy định, người con trong các gia đình còn có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa, truyền thống đạo đức gia đình.

– Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Khi còn trong độ tuổi đi học, việc làm tròn bổn phận của con, cháu đối với cha mẹ, ông bà là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, tích lũy kiến thức và trau dồi đạo đức để khi trưởng thành sẽ tự tin tham gia vào đời sống xã hội, lao động để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình.

– Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

– Ngoài ra, con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.

Trong mối quan hệ gia đình, tình yêu thương và sự tôn trọng là những giá trị cốt lõi. Không chỉ cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái khi còn nhỏ, mà con cái cũng có nghĩa vụ phụng dưỡng cho cha mẹ khi họ tuổi cao sức yếu. Đây là đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện qua câu tục ngữ: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn”

Việc chăm sóc cha mẹ không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn là quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu hoặc khuyết tật, con cái có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng họ.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều trường hợp con cái không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, thậm chí còn có hành vi ngược đãi, bạo hành cha mẹ. Điều này không chỉ vi phạm đạo lý mà còn bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 185 Bộ luật Hình sự quy định nếu con cái có hành vi ngược đãi cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình có thể bị xử lý với khung hình phạt sau đây:

– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi có hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình trong các trường hợp:

  • Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu thuộc 1 trong những trường hợp dưới đây:

  • Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
  • Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, hành vi hành hạ, ngược đãi cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra khi cha mẹ có yêu cầu thì con cái buộc phải công khai xin lỗi cha mẹ.

Việc quy định rõ ràng các hình phạt nhằm răn đe những hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của cha mẹ. Đồng thời, điều này cũng nhắc nhở mỗi người con về trách nhiệm của mình đối với gia đình, để tình cảm gia đình luôn được giữ gìn và phát triển.

5. Nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan

5.1. Nguồn gốc nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan

Ngày lễ Vu Lan, không khí thiêng liêng bao trùm khắp các ngôi chùa. Một trong những hình ảnh đẹp nhất trong ngày này chính là những bông hồng được trang trọng cài lên ngực áo của Phật tử. Mỗi bông hồng, với màu sắc và hương thơm riêng biệt, như một lời nhắn nhủ đầy tình cảm.

Nghi thức bông hồng cài áo bắt nguồn từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Năm 1962, trong một lần thiền sư vào nhà sách ở Nhật Bản đúng vào Ngày của mẹ, thiền sư đã được cô gái cài lên một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Khi thiền sư hỏi người bạn đi cùng thì mới biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài hoa đỏ, ai mất cha  mất mẹ thì được cài hoa màu trắng. Và vào năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên quyển sách mang tên “Bông hồng cài áo”. Chính câu chuyện của thiền sư đã khởi điểm cho nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan.

Vào ngày lễ Vu Lan, khi đến chùa, mỗi chúng ta nên dành một chút thời gian để cài lên ngực áo mình một bông hồng. Bông hồng, biểu tượng của tình yêu và sự cao quý, như một lời nhắc nhở chúng ta về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hành động nhỏ bé này thể hiện lòng hiếu thảo và sự biết ơn sâu sắc mà chúng ta dành cho đấng sinh thành.

5.2. Ý nghĩa của những màu hoa cài áo trong ngày lễ Vu Lan

Ngày nay, trong không khí trang nghiêm của lễ Vu Lan, hình ảnh những bông hồng đỏ thắm cài trên ngực mỗi người đã trở nên quen thuộc tại các ngôi chùa Việt Nam. Từ người già tóc bạc đến trẻ thơ ngây ngô, ai ai cũng dành một chút thời gian để cài lên mình bông hồng, như một lời nhắc nhở sâu sắc về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Bông hồng đỏ, màu của tình yêu nồng nàn, tượng trưng cho những người con may mắn vẫn còn cha mẹ. Đó là lời nhắc nhở về hạnh phúc hiện tại và lời hứa sẽ luôn làm cha mẹ vui lòng.

Bông hồng nhạt, màu của sự dịu dàng và nỗi nhớ, dành cho những ai đã mất đi một trong hai đấng sinh thành. Còn bông hồng trắng, màu của sự tinh khôi và thanh cao, là biểu tượng cho những tâm hồn đã mất cả cha lẫn mẹ. Hoa trắng gợi nhắc về sự mất mát, nhưng cũng là lời khẳng định về một cuộc sống ý nghĩa để không phụ lòng những người đã khuất.

Đặc biệt, bông hồng vàng là màu sắc của đạo Phật, tượng trưng cho sự giác ngộ và giải thoát. Các tu sĩ cài bông hồng vàng không chỉ để tưởng nhớ công ơn sinh thành mà còn thể hiện nguyện vọng được cứu độ chúng sinh, một hành động báo hiếu cao cả.

Ngoài việc cài hoa, lễ Vu Lan còn là dịp để con cái bày tỏ lòng biết ơn bằng nhiều cách khác nhau: dâng lễ Phật, tụng kinh cầu siêu, làm việc thiện, hay đơn giản chỉ là dành thời gian bên cạnh cha mẹ. Trong văn hóa Việt Nam, màu trắng của hoa thường gắn liền với sự tang tóc, nhưng bông hồng trắng trong ngày Vu Lan lại mang một ý nghĩa khác. Đó là lời nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống và tầm quan trọng của việc trân trọng từng khoảnh khắc bên người thân.

Lễ Vu Lan không chỉ là một ngày lễ tôn giáo mà còn là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân, sống trọn vẹn và biết ơn hơn. Bởi lẽ, tình yêu thương của cha mẹ là món quà vô giá mà không gì có thể thay thế.

Trên đây là bài viết về Lễ Vu Lan của Luật Dương Gia. Trường hợp có thắc mắc hoặc có cần tư vấn pháp lý vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline: 19006568 để được hỗ trợ.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon