Ngày Tết Nguyên tiêu

ngay-tet-nguyen-tieu

Tết Nguyên tiêu là một ngày lễ tính theo âm lịch, được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng. Tuy vậy, không phải ai trong chúng ta cũng biết, cũng như hiểu được ý nghĩa và nguồn gốc của ngày lễ này. Luật Dương Gia xin mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về ngày lễ đặc biệt này nhé!

1. Sự ra đời của ngày tết Nguyên tiêu

Trước hết, chúng ta hãy cùng giải nghĩa Tết Nguyên tiêu, chữ “Nguyên” có nghĩa là đầu tiên, mở đầu trong khi đó “Tiêu” có nghĩa làm đêm. Như vậy, có thể hiểu Tết Nguyên tiêu là ngày rằm tháng Giêng, ngày hội đầu tiên của năm mới. Hay trong dân gian còn gọi là ngày tết Thượng nguyên để phân biệt với tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười).

Nguồn gốc ra đời của ngày tết này gắn liền với những sự tích từ xa xưa trong nhân gian Trung Quốc.

Có sự tích kể rằng, thuở xưa Ngọc Hoàng thượng đế rất yêu thích một cặp thiên nga trên trời. Trong một ngày đẹp trời cặp thiên nga xuống trần gian chơi nhưng không may đã bị thợ săn giết chết. Biết được sự tình, Ngọc Hoàng vô cùng tức giận và hạ lệnh trừng phạt tất cả mọi người dưới trần gian bởi ngài cho rằng tất cả loài người đều xấu xa như nhau.

Từ đó, cứ đến ngày 15/1 âm lịch, Ngọc Hoàng ra lệnh cho thiên binh thiên tướng xuống dưới trần gian phun lửa nhằm thiêu trụi hoa màu, đất đai khiến con người không thể canh tác được. Việc trả thù vô lý, độc ác của Ngọc Hoàng không nhận được sự đồng tình của các thần tiên trên Thiên đình và khiến cho bách tính muôn phần căm phẫn. Các vị thần lén xuống trần gian, chỉ cho con người treo đèn lồng đỏ và đốt pháo hoa để đánh lừa Ngọc Hoàng là đã phóng hỏa thiêu đốt nhà cửa, đất đai. Nhờ cách làm này mà người dân dưới hạ giới được yên bình, vô sự.

Vì vậy, cứ đến ngày 15/1 Tết Nguyên tiêu, nhà nhà người người treo đèn lồng và đốt pháo hoa, các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp. Họ chuẩn bị lễ cúng để dâng lên cho các vị thần tiên bày tỏ lòng thành kính cũng như cầu may mắn cho năm mới.

Cũng có nhiều tài liệu cổ nhắc đến Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ thời Tây Hán, Trung Quốc với lễ hội rước đèn long trọng. Câu chuyện bắt nguồn từ việc các cung nữ mỗi khi xuân đến lại nhớ nhà nhưng cung vua lại canh gác nghiêm ngặt nên không thể ra được. Lúc này, Đông Phương Sóc – viên sủng thần của Hán Vũ Đế đã cảm động trước tấm lòng của cung nữ và giúp cô. Ông tung tin thành Trường An sẽ bị Hỏa thần thiêu rụi khiến nhiều người dân lo sợ, sau đó đưa ra hiến kế với nhà vua rằng vào ngày rằm tháng giêng này vua cùng người nhà nên lánh nạn ngoài cung trong ngày đó sẽ cho sẽ cho người treo đèn lồng đầy sân giả cảnh lửa cháy để lừa Hỏa thần.

Hán Vũ Đế đã đồng ý với kế sách này của Đông Phương Sóc và thế là từ đó vào ngày rằm tháng giêng hằng năm cả nước đều treo đèn lồng và các cung nữ đều có thể gặp mặt người thân của mình. Ngày lễ này đã được lưu truyền, lan rộng qua nhiều thế kỷ và ảnh hưởng đến Việt Nam, tuy nhiên tại Việt Nam Tết Nguyên Tiêu đã có sự biến tấu và khác biệt so với Trung Quốc

2. Ý nghĩa và tập tục của ngày Tết Nguyên tiêu tại một số quốc gia châu Á

Tết Nguyên tiêu tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo quan niệm của người Việt thì “đầu xuôi đuôi lọt”. Thời khắc đầu tiên trong năm là rất quan trọng. Vì vậy rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành, gia đạo bình ổn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Cùng với rằm tháng Bảy, rằm tháng Tư (đối với phật tử)  thì rằm tháng Giêng là một trong những ngày rằm quan trọng nhất của năm.

Ở những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An, Tết Nguyên Tiêu có nhiều lễ hội, hoạt động đặc biệt.

Tết Nguyên tiêu tại Trung Quốc

Vì ngày này được bắt nguồn từ Trung Hoa nên ở quốc gia này người dân tổ chức Tết Nguyên tiêu rất lớn. Họ tổ chức vô số các hoạt động truyền thống đặc sắc như: thả đèn hoa đăng; trình diễn múa lân, múa rồng, múa sư; lên chùa cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc; giải câu đố trên lồng đèn; ngâm thơ, đối liễn …

Ở Đài Loan các hoạt động văn hoá cũng diễn ra vô cùng náo nhiệt để chào đón ngày rằm tháng Giêng. Người dân ở đây có tục lệ ghi những câu ước nguyện lên đèn lồng và thả bay lên trời. Do trong thời loạn lạc, nhiều người đã chạy tứ tán khắp nơi, thất lạc với người nhà. Họ bèn nghĩ ra cách là thả thiên đăng lên trời để báo hiệu bình an cho nhau. Vì vậy, “Đèn Khổng Minh” hay thiên đăng còn được gọi là “Đèn chúc phúc” hay “Đèn bình an”. Hoạt động này dần dần phát triển thành một phong tục dân gian. Đèn lồng bay lên trời cao mang theo nhiều ước mong khác nhau.

Tết Nguyên tiêu tại Hàn Quốc

Khi hỏi người dân ở đất nước thuộc phía nam bán đảo Triều Tiên về ngày Tết Nguyên tiêu bạn sẽ thấy được trên khuôn mặt và đôi mắt họ ánh lên niềm vui sướng, hạnh phúc, tràn ngập hy vọng. Bởi, đây là khởi đầu cho một năm mới đầy ấm áp, thổi bùng sức sống mãnh liệt, gạt bỏ mọi vận xui của năm cũ để tiếp sức, truyền lửa cho mọi người một năm mới thịnh vượng hơn. Đây cũng là thời điểm để mọi người đi cầu lễ, mong cho một năm mới công việc cũng như gia đình đều thuận lợi và may mắn.

Một món ăn truyền thông của người dân Đại Hàn trong dịp lễ này là Bu-reom.  Đây là hỗn hợp gồm các loại hạt như hạt óc chó, đậu phộng, hạt dẻ, hạt lạc…Điều đặc biệt là các hạt sẽ còn nguyên vỏ. Khi ăn sẽ dùng răng cắn với hàm ý giúp cho răng luôn chắc khỏe, và đem lại may mắn cho một năm mới, một mùa màng bội thu. Mặt khác, dựa theo số tuổi của bạn, bạn sẽ cắn hạt đúng bằng số năm tuổi của mình.

3. Các món ăn trong ngày Tết Nguyên tiêu

Bánh trôi nước

Có không ít truyền thuyết liên quan tới tục ăn bánh trôi nước vào ngày Rằm tháng Giêng. Song, tựu trung lại thì món ăn này đều được cho là biểu tượng của sự đoàn viên, sung túc, tròn đầy. Vì thế, tục ăn bánh trôi nước vào Rằm tháng Giêng vẫn được nhiều người duy trì.

Xôi chè

Theo lệ xưa, ông cha ta sẽ dâng lên mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng món xôi chè với ý nghĩa cả năm no đủ, mọi việc trôi chảy. Tùy theo điều kiện gia đình có thể dâng lên 1, 3, 4, 5 hoặc 6 chén.

Các món chay

Cũng như nhiều ngày Rằm khác trong năm, Rằm tháng Giêng là dịp tránh sát sinh, làm điều lành tạo phước. Do đó, các bà nội trợ có thể thay món mặn thông thường bằng các món ăn chay thanh đạm, giải hạn cho cả năm.

Mâm cỗ chay cho ngày Rằm có thể chế biến đơn giản với đậu hũ, nem rau củ, súp nấm, canh rau… Có gia đình cầu kì hơn thì làm các món chay giống món mặn như giò lụa chay, gà chay, canh chua chay…

Các loại trái cây có màu tươi sáng

Các loại hoa quả, đặc biệt những loại có phần vỏ tươi sáng như đỏ, vàng, xanh… được cho là mang về sự may mắn, hanh thông cho gia đình. Do đó, đây cũng được xem là các món nhất định phải góp mặt trong mâm cỗ ngày Tết Nguyên Tiêu

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon