Vào những ngày cuối năm, chúng ta lại thấy người người nhà nhà tất bất chuẩn bị để chào đón năm mới. Và cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhiều gia đình lại sửa soạn mâm cúng để đưa ông Táo về trời. Vậy nguồn gốc của sự tích ông Táo và ý nghĩa của ngày ông Công ông Táo là gì. Các bạn hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Nguồn gốc của ngày ông Công ông Táo
Ông Công ông Táo thực ra được bắt nguồn từ ba vị Thần của Trung Quốc gồm Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ nhưng đã Việt hóa thành sự tích “Hai ông một bà” là vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc.
Sự tích Táo quân kể về một người đàn bà Thị Nhi có chồng tên là Trọng Cao. Tuy ăn ở hạnh phúc với nhau nhưng mãi vẫn không có con. Vì vậy, lâu ngày Trọng Cao hay kiếm chuyện nổi nóng với vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh đuổi Thị Nhi đi.
Thị Nhi buồn bã bỏ nhà ra đi và đến một xứ khác, sau đó nàng gặp được Phạm Lang. Hai người phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng. Về phần Trọng Cao, sau khi nguôi được cơn giận thì vợ cũng đã đi rồi. Cảm thấy day dứt và ân hận, Trọng Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Sau ngày tìm kiếm, hết tiền hết gạo, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, Trọng Cao ăn xin đúng vào nhà Thị Nhi, vào lúc Phạm Lang đi vắng. Thị Nhi nhận ra ngay đây chính là người chồng cũ của mình. Nàng mời vào nhà, nấu cơm nóng đãi người xưa.
Ngay sau đó, Phạm Lang trở về. Thị Nhi sợ chồng sẽ nghi oan nên đã giấu Trọng Cao dưới đống rạ sau nhà. Đúng lúc, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy lớn, Thị Nhi hốt hoảng bèn nhảy vào lửa cứu chồng cũ ra. Thấy vợ nhảy vào đống lửa, Phạm Lang cũng nhảy theo vợ. Thế là cả ba cùng ở trong đám lửa.
Thương tình ba người ăn ở có tình có nghĩa nên Ngọc Hoàng phong cho ba người làm vua giữ bếp. Người chồng mới được phong là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Hằng năm cứ đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân lên chầu trời, báo cáo tất cả những công việc trong năm qua của các gia đình. Vì vậy, đây cũng là lý do vào ngày này các gia đình thường làm mâm cơm để đưa ông Táo về chầu trời.
2. Ý nghĩa của ngày ông Công ông Táo
Theo quan niệm của người Việt Nam ta, Táo Quân không chỉ là những vị thần cai quản mọi hoạt động trong nhà cho gia chủ mà còn là những vị thần ngăn cản, xua đuổi ma quỷ, giữ bình yên cho căn nhà. Vì vậy, ngày ông Công ông Táo các gia đình cúng tạ lễ để mong cho một năm mới ấm no, đầy đủ, ngoài ra còn có ý nghĩa thờ “thần Bếp” người chuyên cai quản việc bếp núc trong gia đình.
Hằng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người dân làm mâm cơm để cúng tạ lễ nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần vì đã giữ gìn cho gia đình êm ấm. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình tề tựu, sum họp bên nhau sau một năm bon chen, làm việc vất vả.
Đặc biệt hơn, vào ngày này sẽ có hoạt động thả cá chép về trời. Sau khi cúng xong, người dân sẽ chuẩn bị vài con cá chép đem thả phóng sinh ở sông, hồ gần nhà. Việc làm này mang ý nghĩa chuẩn bị những phương tiện để các vị Táo quân có thể cưỡi về trời để bẩm báo.
Ngoài ra, thả cá chép còn mang ý nghĩa cầu cho sự thăng tiến, thành đạt, kiên trì dũng cảm để đi đến thành công.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến ý nghĩa của ngày ông Công ông Táo. Hy vọng Luật Dương Gia đã đem đến cho bạn những thông tin bổ ích. Những ngày cuối năm đang đến gần, Luật Dương Gia kính chúc mọi người năm mới nhiều sức khỏe, mong mọi người sẽ tận hưởng những giây phút đoàn viên ấm áp nhất bên những người thân yêu của mình nhé.