Quyền của phụ nữ theo Luật Quốc tế

quyen-cua-phu-nu-theo-luat-quoc-te

Quyền của phụ nữ theo luật Quốc tế là một trong nhóm quyền được bảo vệ của nhóm người dễ bị tổn thương. Đây là nhóm những nội dung trọng tâm hiện nay của pháp luật quốc tế. Theo đó, tinh thần bảo về quyền của nhóm người này, được thể hiện qua những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người cũng như một số điều ước quốc tế đặc thù của từng nhóm người. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế, quyền của phụ nữ theo luật quốc tế được ghi nhận như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái quát luật quốc tế về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương

Quyền của phụ nữ theo luật quốc tế là một trong những nhóm quyền thuộc nhóm người dễ bị tổn thương.

Các nhóm người dễ bị tổn thương chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.

Một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương trong luật nhân quyền quốc tế bao gồm: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi… Theo dòng thời gian, danh sách này có thể còn được bổ sung, bao gồm những nhóm người gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh.

Có thể nói rằng luật nhân quyền quốc tế bắt đầu từ những quy phạm về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, mặc dù trước năm 1945, những quy định về vấn đề này mới chỉ ở mức khái quát.

Lý do chính dẫn đến việc xây dựng thêm những văn kiện và cơ chế quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương bổ sung cho hai công ước năm 1966 đó là:

Thứ nhất, do vị thế yếu hơn của họ, các nhóm này rất dễ bị vi phạm các quyền hoặc gặp khó khăn trong việc hưởng thụ các quyền. Thực tế đó làm nảy sinh nhu cầu xây dựng những văn kiện pháp lý quốc tế với những quy định cụ thể và chi tiết hơn để bảo vệ và  thúc đẩy quyền của các nhóm này.

Thứ hai, hệ thống các quy phạm và cơ chế quốc tế về quyền con người nói chung về cơ bản là không đủ, thậm chí, đôi khi không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc với các nhóm người dễ bị tổn thương.

2. Quyền của phụ nữ theo luật quốc tế

2.1 CEDAW – văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người của phụ nữ

CEDAW là một trong 9 công ước quốc tế quan trọng nhất hiện nay về quyền con người của Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, CEDAW không xác lập các quyền con người mới cho phụ nữ, mà thay vào đó, Công ước này đề ra những cách thức, biện pháp nhằm loại trừ sự phân biệt đối  xử chống lại phụ nữ trong việc hưởng thụ các quyền con người mà họ đã được thừa nhận.

CEDAW sử dụng mô hình bình đẳng thực chất (hay còn gọi là cách tiếp cận mang tính điều chỉnh). Theo mô hình này, bình đẳng giới không mang ý nghĩa đơn giản là cào bằng sự tham gia, đóng góp của nam giới và phụ nữ trong mọi hoạt động, mà có nghĩa là phụ nữ và nam giới được công nhận vị thế như nhau trong xã hội và cùng có các điều kiện và cơ hội như nhau để phát huy khả năng, tham gia đóng góp và hưởng thụ thành quả phát triển của quốc gia trên mọi lĩnh vực.

Liên quan đến khái niệm bình đẳng nam nữ, Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (cơ quan giám sát thực hiện ICESCR), trong Bình luận chung số 16 thông qua tại phiên họp lần thứ 30 năm 2005 của Ủy ban đã nhấn mạnh rằng, bình đẳng nam nữ trong việc hưởng thụ tất cả các quyền con người là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong tất cả các văn kiện quốc tế về lĩnh vực này.

2.2 Những quy định quan trọng trong CEDAW

2.2.1 Định nghĩa sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

Theo Điều 1 của CEDAW, “phân biệt đối  xử  chống  lại  phụ  nữđược hiểu là: “…bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào được đề ra dựa trên cơ sở giới tính, mà có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hóa việc phụ nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ như thế nào, được công nhận, thụ hưởng hay thực hiện các quyền con người và tự do cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự hay bất kể lĩnh vực nào khác, trên cơ sở bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ”.

2.2.2 Nghĩa vụ quốc gia

Theo Điều 2 và 3 CEDAW, để loại trừ mọi sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, các quốc gia có những nghĩa vụ cơ bản sau:

  • Quy định nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong Hiến pháp, pháp luật quốc gia và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc này trên thực tế;
  • Ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ bằng mọi biện pháp, kể cả bằng chế tài hình sự;
  • Thiết lập các cơ chế pháp lý để giúp phụ nữ bảo vệ các quyền bình đẳng của họ;
  • Bảo đảm rằng hoạt động của các cơ quan nhà nước ở các cấp không có tính chất phân biệt đối xử chống lại phụ  nữ;
  • Thực thi tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ những hành động phân biệt đối xử với phụ nữ của bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào, bất kể đó là cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp.
  • Điều chỉnh, xoá bỏ những quy định pháp luật, các phong tục, tập quán có tính chất phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

2.2.3 Các biện pháp đặc biệt tạm thời

Điều 4 CEDAW cho phép các quốc gia thành viên có thể áp dụng những ưu đãi với phụ nữ (hay còn được gọi là các biện pháp đặc biệt tạm thời để thúc đẩy nhanh sự bình đẳng trên thực tế giữa nam và nữ mà không bị coi là phân biệt đối xử với nam giới. Những biện pháp đặc biệt tạm thời có thể bao gồm việc dành một số lượng ghế hay vị trí nhất định cho phụ nữ trong những cơ quan, tổ  chức hoạt động trong những lĩnh vực mà thường do nam giới đảm nhiệm, hay dành ưu tiên cho phụ nữ khi tuyển dụng trong những trường hợp có hai ứng cử viên nam và nữ với trình độ chuyên môn ngang nhau.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 CEDAW, có một điều kiện với việc áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời, đó là những biện pháp đó phải được chấm dứt ngay khi mục tiêu bình đẳng nam nữ đã đạt được. Nhưng có một ngoại lệ đó là theo Khoản 2 Điều 4, các biện pháp ưu tiên nhằm bảo vệ thiên chức làm mẹ của phụ nữ thì có thể áp dụng liên tục mà không bị coi là phân biệt đối xử với nam giới.

2.3.4 Sửa đổi những tập tục và khuôn mẫu giới có tác động tiêu cực đến phụ nữ

Điều 5 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp để sửa đổi các tập tục, khuôn mẫu về văn hoá, xã hội có tính chất hoặc có thể làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử với phụ nữ, chẳng hạn như, các phong tục, tập quán mang tính định kiến, dập khuôn về vị thế thấp kém của phụ nữ trong gia đình hoặc ngoài xã hội, chẳng hạn như cho rằng phụ nữ cần phải phục vụ hay tuân phục đàn ông, phụ nữ cần phải được chồng ‘giáo dục’, phụ nữ chỉ thích hợp với các công việc nội trợ và chăm sóc con cái…

2.3.5 Ngăn chặn mọi hình thức buôn bán và bóc lột tình dục phụ nữ

Điều 6 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp để ngăn chặn mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột phụ nữ mại dâm.

Khuyến nghị chung số 19 do Uỷ ban CEDAW thông qua tại kỳ họp lần thứ 11 năm 1992 nêu rằng, các biện pháp như vậy cần bao gồm những hành động nhằm loại trừ nguyên nhân của nạn buôn bán, bóc lột tình dục phụ nữ.

Thêm vào đó, cần quan tâm đến những hoàn cảnh mà phụ nữ đặc biệt có  nguy  cơ bị buôn  bán  và  bóc lột tình dục  như nạn  du lịch tình dục, lao động di trú (trong và ngoài nước, hôn nhân với người nước ngoài qua  môi giới (đoạn 14) và  cần có các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ trong những hoàn cảnh này, trong đó bao gồm việc tạo cơ hội phục hồi, tái hoà nhập, đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm… cho những phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn bán, bóc lột tình  dục.

2.3.6 Quyền tham chính của phụ nữ

Điều 7 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống  lại  phụ nữ trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội (còn gọi là quyền tham chính), theo đó, các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho phụ nữ các quyền: (i) Bầu cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử và giữ chức vụ ở các cơ quan công quyền; (ii) Tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật và giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước ở mọi cấp; (iii) Tham gia các tổ chức xã hội.

Khuyến nghị chung số 23 được Uỷ ban CEDAW thông qua tại phiên họp lần thứ 16 năm 1997 nêu ra những biện pháp mà các quốc gia thành viên cần thực hiện để hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ thực hiện quyền tham chính.

2.3.7 Quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia các quan hệ quốc tế

Điều 8 yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm cho phụ nữ có cơ hội bình đẳng với đàn ông trong việc tham gia các cơ quan đại diện ngoại giao của đất nước và các tổ chức, hội nghị quốc tế. Qua điều này, quyền tham chính của phụ nữ đã được mở rộng tới cả ba cấp độ: địa phương, quốc gia và quốc tế.

Trong các Khuyến nghị chung số 8 (thông qua tại  phiên  họp lần  thứ 7 năm 1988) và số 23 (thông qua tại phiên họp lần  thứ 16  năm  1997), Uỷ ban CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên sử dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các  quan hệ quốc tế.

2.3.8 Quyền bình đẳng về quốc tịch của phụ nữ

Điều 9 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc nhập, thay đổi, giữ nguyên quốc tịch, mà không phụ thuộc vào quốc tịch chồng hoặc của cha, đặc biệt trong trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Thêm vào đó, điều này cũng yêu cầu bảo đảm cho phụ nữ quyền bình đẳng với chồng trong việc xác định quốc tịch cho con.

2.3.9 Quyền bình đẳng của phụ nữ trong giáo dục

Điều 10 yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, có thể là trong những khía cạnh như: giáo dục, hướng nghiệp, học nghề, tiếp cận với các hoạt động nghiên cứu và đạt được bằng cấp ở các cơ sở giáo dục thuộc những tất cả các loại hình và cấp độ giáo dục,…

Ngoài ra, Điều 10 cũng yêu cầu các quốc gia thành viên nỗ lực hành động để xóa bỏ những quan niệm rập khuôn cản trở thực hiện quyền giáo dục của phụ nữ tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các chương trình giáo dục thường xuyên; giảm tỷ lệ nữ sinh bỏ học và tổ chức các chương trình dành cho những phụ nữ và trẻ em gái đã phải bỏ học.

2.3.10 Quyền bình đẳng của phụ nữ về việc làm

Điều 11 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong tất cả các khía cạnh của lĩnh vực việc làm, cụ thể là trong các vấn đề như quyền được làm việc; quyền có các cơ hội việc làm (bao gồm việc áp dụng những tiêu chuẩn như nhau khi tuyển dụng); quyền tự do lựa chọn ngành, nghề và việc làm; các quyền liên quan đến việc thăng tiến, an ninh việc làm, phúc lợi, đào tạo nghề, đào tạo, huấn luyện nâng cao; quyền bình đẳng trong trả thù lao và trong đối xử, đánh giá trong công việc; quyền được hưởng an sinh xã hội; quyền được bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động, kể cả bảo vệ chức năng sinh đẻ (Khoản 1).

Khoản 2 Điều 11 nêu những biện pháp cụ thể mà các quốc gia thành viên phải thực hiện để ngăn chặn sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong quan hệ việc làm vì lý do hôn nhân hay sinh đẻ.

Liên quan đến Điều 11 CEDAW, Uỷ ban CEDAW, trong Khuyến nghị chung số 12 thông qua tại phiên họp lần thứ 8 năm 1989 đã đề cập việc bảo vệ phụ nữ không bị xâm hại, quấy rối tình dục ở nơi làm việc, coi đó là một khía cạnh về bình đẳng của phụ nữ về việc làm. Sau đó, trong Khuyến nghị chung số 13 cũng được thông qua tại phiên họp lần thứ 8, Ủy ban đặc biệt lưu ý các quốc gia thành viên về việc bảo đảm quyền  được trả công bình đẳng của phụ nữ thông qua các biện pháp.

Tuy nhiên, Điều 11 CEDAW có một điểm hạn chế là chỉ áp dụng cho phụ nữ trong các công việc chính thức, không áp dụng cho các công việc trên lĩnh vực nông nghiệp, làm việc tại gia…

2.3.11 Quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ

Điều 12 CEDAW yêu cầu các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhằm bảo đảm phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Liên quan đến Điều 12, Uỷ ban CEDAW đã thông qua Khuyến nghị chung số 24 tại phiên họp lần thứ 20 năm 1999, trong đó nhấn   mạnh tầm quan trọng của quyền được chăm sóc sức khỏe với phụ nữ, đồng thời, khuyến nghị các quốc gia thành viên thực thi một chiến lược toàn diện cấp quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ suốt đời.

2.3.12 Quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống kinh tế, xã hội

Điều 13 CEDAW yêu cầu các quốc gia bảo đảm cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong ba khía cạnh: (i) Hưởng các phúc lợi gia đình; (ii) Tín dụng, ngân hàng (ví dụ như: vay tiền của ngân hàng, thế chấp tài sản và tham gia các loại hình tín dụng..) và (iii) Tham gia các hoạt động giải trí và văn hoá.

2.3.13 Bình đẳng trong các quan hệ dân sự

Điều 15 CEDAW không chỉ khẳng định vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới trước pháp luật mà cả trong những quan hệ dân sự cụ thể – lĩnh vực mà theo truyền thống văn hoá của nhiều xã hội, phụ nữ thường phải chịu sự phân biệt đối xử nặng nề so với đàn ông.

Trong Khuyến nghị chung số 21 thông qua tại phiên họp lần thứ 11 năm 1992, Uỷ ban CEDAW nêu rằng, việc giới hạn các quyền của phụ nữ trong việc ký kết hợp đồng, tự do lựa chọn chỗ ở hay tiếp cận với tòa án và dịch vụ pháp luật,v.v. đều làm hạn chế nghiêm trọng khả năng tự chủ trong cuộc sống của phụ nữ và đều bị coi là phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

2.3.15 Quyền bình đẳng trong quan hệ hôn nhân, gia đình

Điều 16 CEDAW đề cập việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trên lĩnh vực riêng tư mà có ý nghĩa rất quan trọng đến cuộc sống của con người nói chung và của phụ nữ nói riêng, đó là hôn nhân, gia đình.

Các khía cạnh chủ yếu được đề cập trong Điều 16 bao gồm: (i) Bình đẳng về kết hôn, (ii) Bình đẳng trong hôn nhân và khi hôn nhân kết thúc. Liên quan đến Điều 16, trong Khuyến nghị chung số 21, Uỷ ban CEDAW nêu rằng, khái niệm gia đình có thể hiểu khác nhau giữa các quốc gia, tuy nhiên, dù được hiểu như thế nào thì trong mô hình gia đình đó, việc đối xử với phụ nữ cũng phải tuân  thủ các  quy  định  của  Điều 16 (đoạn 13).

Ủy ban cũng cho rằng, chế độ hôn nhân đa thê là trái với quyền bình đẳng nam nữ và có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho phụ nữ và con cái họ, vì vậy, Ủy ban khuyến nghị các quốc gia thành viên cấm chế độ đa thê (đoạn 14). Ủy ban cũng khuyến nghị các quốc gia cấm các  hành động cưỡng ép hoặc  sắp đặt  hôn  nhân để bảo  đảm quyền được lựa chọn người phối ngẫu (đoạn 15). Thêm vào đó, Uỷ  ban cho rằng các quy định pháp luật và tập tục ưu  đãi  cho  nam giới trong  việc  hưởng  thừa  kế tài  sản  là sự phân  biệt  đối  xử chống  lại phụnữ; đồng thời, yêu cầu các quốc gia thành viên phải thừa nhận và bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề này.

Liên quan đến Điều 16, trong Khuyến nghị chung số 19, Uỷ ban CEDAW nêu rằng, hành động triệt sản nữ và bắt buộc phá thai cấu thành sự vi phạm quyền của phụ nữ trong việc quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Điểm hạn chế của Điều 16 (và của toàn bộ Công ước) là đã không đề cập một cách đúng mức tới vấn đề bạo lực trên cơ sở giới tính, một trong bốn hình thức cơ bản về bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, hạn chế này đã phần nào được khắc phục với việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn về xoá bỏ mọi hình thức bạo lực chống lại phụ nữ vào năm 1993 và trong Khuyến nghị chung số 12 được thông qua tại phiên họp lần thứ 8 năm 1989.

2.2.16 Quyền bình đẳng của phụ nữ nông thôn

Điều 14 CEDAW xác nhận tầm quan trọng và những đóng góp của phụ nữ nông thôn với kinh tế của quốc gia và sự phồn vinh của gia đình; đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên phải quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm cho phụ nữ nông thôn các quyền bình đẳng trong nhiều vấn đề.

Liên quan đến Điều 14, trong Khuyến nghị chung số 16 thông qua tại phiên họp lần thứ 10 năm 1990, Ủy ban CEDAW đặc biệt khuyến nghị các quốc gia thành viên thu thập số liệu thống kê và báo cáo với Ủy ban về thực trạng pháp lý và xã hội của những phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp gia đình (phần lớn ở vùng nông thôn) mà thường không được trả công, được hưởng bảo hiểm hoặc phúc lợi xã hội cũng như thực hiện các biện pháp để cải thiện tình hình đó. Trong Khuyến nghị chung số 17, Ủy ban cũng yêu cầu các quốc gia thành viên điều tra và báo cáo về những công việc gia đình không tính thành tiền công mà phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn, đang phải làm. Trong Khuyến nghị số 11, Ủy ban đặc biệt lưu ý các quốc gia thành viên về tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ nông thôn, xuất phát từ thực tế là những phong tục tập quán lạc hậu thường tồn tại phổ biến và có ảnh hưởng nặng nề hơn ở vùng nông thôn…

Trên đây là những phân tích về “Quyền của phụ nữ theo luật quốc tế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon