Quyền của người thiểu số theo Luật Quốc tế

quyen-cua-nguoi-thieu-so-theo-luat-quoc-te

Quyền của người thiểu số theo luật quốc tế thuộc quyền của nhóm dễ bị tổn thương là một trong số những nội dung trọng tâm hiện nay của pháp luật quốc tế. Theo đó, tinh thần bảo vệ quyền của nhóm người này, được thể hiện qua những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người cũng như một số điều ước quốc tế đặc thù của từng nhóm người. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế, quyền của người thiểu số theo luật quốc tế được ghi nhận như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Nhận thức về người thiểu số và sự phát triển của vấn đề quyền của người thiểu số trong pháp luật quốc tế

Khái niệm “người thiểu số” (minorities) từ lâu đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi trong giới luật gia quốc tế. Từ trước đến nay, nhiều định nghĩa về người thiểu số đã được nêu ra, tuy nhiên, ba định nghĩa dưới đây có thể cho là tiêu  biểu:

Định nghĩa thứ nhất được đưa ra bởi Toà án Công lý quốc tế thường trực (Permanent Court of International Justice – PCIJ, cơ quan tài phán của Hội quốc liên), vào năm 1930, khi đưa ra kiến tư vấn về tranh cãi giữa hai nước Hy Lạp và Bungari liên quan đến vị thế của các cộng đồng nhập cư thiểu số ở hai nước này. PCIJ xác định một cộng đồng thiểu số là: một nhóm người sống trên một quốc gia hoặc địa phương nhất định, có những đặc điểm đồng nhất về chủng tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, có sự giúp đỡ lẫn nhau và có quan điểm thống nhất trong việc bảo lưu những yếu tố truyền thống, duy trì tôn giáo, tín ngưỡng và hướng dẫn, giáo dục trẻ em trong cộng đồng theo tinh thần và truyền thống của chủng tộc họ.

Định nghĩa thứ hai về người thiểu số sau đó được đưa ra bởi Francesco – báo cáo viên đặc biệt của Tiểu ban về chống phân biệt đối     xử và bảo vệ người thiểu số của Liên hợp quốc. Trong báo  cáo  nghiên  cứu công bố vào năm 1977, chuyên gia này định nghĩa “người thiểu số”   là: “…một nhóm người, xét về mặt số lượng, ít hơn so với phần dân cư còn lại của quốc gia, có vị thế yếu trong xã hội, những thành viên của nhóm – mà đang là kiều dân của một nước – có những đặc trưng về chủng tộc, tín ngưỡng hoặc ngôn ngữ khác so với phần dân cư còn lại  và chứng tỏ rất rõ ràng là cơ một ý thức thống nhất trong việc bảo tồn nền văn hoá, truyền thống, tôn giáo và ngôn ngữ của họ”.

Trong nỗ lực tìm kiếm một sự đồng thuận về khái niệm người thiểu số, một chuyên gia nữa là Jules Deschêness cũng làm việc cho Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số của Liên hợp quốc đã đưa ra một định nghĩa khác, trong đó người thiểu số được coi là “…một nhóm công dân của một quốc gia, ít về mặt số lượng và yếu về vị thế trong quốc gia đó, mang những đặc trưng về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ mà tạo ra sự khác biệt so với nhóm dân cư đa số, có một ý thức thống nhất, một động cơ rõ rệt trong việc sử dụng ý chí tập thể để tồn tại và đạt được mục  tiêu bình đẳng với nhóm dân cư đa số, cả trên phương diện pháp luật và thực  tiễn”.

2. Phạm vi các quyền của người thiểu số trong luật quốc tế

Theo Điều 27 ICCPR, ở các quốc gia có các nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những thành viên của các nhóm thiểu số đó, cùng với các thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.

Như vậy, Điều 27 ICCPR đã ấn định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các quyền liên quan đến bảo tồn phong tục tập quán; bảo tồn ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết); bảo tồn tôn giáo, tín ngưỡng của các nhóm thiểu số. Tất cả các khía cạnh này, thực chất chỉ nhằm vào một vấn đề chung là bảo tồn bản sắc theo nghĩa rộng nhằm chống sự đồng hoá các nhóm thiểu số.

Liên quan đến quy định của Điều 27, Uỷ  ban  nhân  quyền  –  cơ quan giám sát thực hiện ICCPR- trong Nhận định chung số 23 thông qua tại phiên họp lần thứ 55 năm 1994 đã giải thích thêm một số khía cạnh, mà có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất: Điều 27 ICCPR đã xác lập một quyền của riêng các nhóm thiểu số (quyền của nhóm), mà có tính chất khác với các quyền cá nhân được ghi nhận trong Công ước.

Thứ hai: Sự khác nhau giữa quyền tự quyết dân tộc nêu ở Điều 1 và các quyền của người thiểu số nêu ở Điều 27 là ở chỗ, quyền tự quyết dân tộc là quyền tập thể của cả dân tộc, được quy định trong một phần riêng của ICCPR, và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư tùy chọn của Công ước; trong khi các quyền nêu ở Điều 27 là quyền của các  cá nhân thành viên của các nhóm thiểu số, được quy định trong phần chung về các quyền cá nhân của ICCPR, và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư tùy chọn của Công ước (đoạn 3).

Thứ ba: Việc bảo đảm các quyền của người thiểu số nêu ở Điều 27 không làm tổn hại đến chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ của một quốc    gia thành viên. Một hoặc nhiều khía cạnh của các quyền của cá nhân   được bảo vệ theo Điều 27 – cụ thể như quyền được hưởng nền văn hóa riêng của cộng đồng – có thể bao gồm cả những khía cạnh về cách sống  của cộng đồng đó mà gắn liền với một vùng lãnh thổ và việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trên đó. Điều này đặc biệt đúng với các thành viên của các cộng đồng người bản địa mà đồng thời là một nhóm thiểu số (đoạn  3).

Thứ tư: Các quyền được bảo vệ theo  Điều  27 cũng không đồng nhất với những quyền được bảo vệ theo Điều 2(1) và Điều 26. Cụ thể, quyền không bị phân biệt đối xử quy định trong Điều 2(1) và quyền bình đẳng trước pháp luật quy định ở Điều 26 được áp dụng cho tất cả các cá nhân ở trong lãnh thổ hoặc nằm trong phạm vi tài phán của một quốc gia, bất kể họ thuộc vào cộng đồng thiểu số hay không, trong khi các quyền quy định ở Điều 27 chỉ áp dụng với những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số. Liên quan đến vấn đề này, một số quốc gia thành viên tuyên bố rằng, họ không phân biệt về các lĩnh vực dân tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo khi áp dụng các Điều 2(1) và Điều 26 và nhầm lẫn rằng như vậy có nghĩa là, họ không có vấn đề gì cần làm thêm liên quan đến quyền của các nhóm thiểu số (đoạn 4).

Thứ năm: Các thuật ngữ được sử dụng trong Điều  27 chỉ  rõ rằng, những người cần được bảo vệ là những  người  thuộc một nhóm  và có cùng một nền văn hóa, tín ngưỡng và cùng một ngôn ngữ. Thêm vào đó, những thuật ngữ này cũng chỉ rõ rằng, các cá nhân cần được bảo vệ không nhất thiết phải là công dân của một quốc gia thành viên. Về mặt này, nghĩa vụ quốc gia phát sinh từ  Điều 2(1) cũng  là  thích hợp, vì một quốc gia thành viên ICCPR được yêu cầu bảo đảm các  quyền ghi nhận trong Công ước được áp dụng với tất cả các cá nhân đang ở trong lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của họ, ngoại trừ các quyền chỉ áp dụng cho các công dân nước sở tại, ví dụ như: các quyền bầu cử và ứng cử nêu ở Điều 25. Vì vậy, một quốc gia thành viên không thể tự giới hạn việc áp dụng các quyền trong Điều 27 cho những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số là công dân của nước mình. Nói cách khác, bên cạnh các nhóm thiểu số đồng thời là công dân, quốc gia thành viên phải bảo đảm các quyền quy định trong Điều 27 được áp dụng với các nhóm thiểu số khác như người lao động di trú, khách du lịch nước  ngoài…  (đoạn 5).

Thứ sáu: Quyền của các cá nhân thuộc một nhóm thiểu số được sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng mình không đồng nhất với các quyền khác về ngôn ngữ được ghi nhận trong ICCPR. Đặc biệt, quyền này phải được phân biệt với quyền tự do ngôn luận nêu ở Điều 19. Quyền tự do ngôn luận ở Điều 19 áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể họ thuộc về nhóm thiểu số nào hay không, trong khi quyền về ngôn ngữ trong Điều 27 chỉ áp dụng với thành viên của các nhóm thiểu số cụ thể. Quyền sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong Điều 27 cũng không đồng nhất với quyền sử dụng ngôn ngữ trước Tòa án nêu ở Điều 14 (3,f). Theo Điều 14 (3,f), không phải bất cứ trường hợp nào cũng cho phép người bị buộc tội có quyền sử dụng ngôn ngữ họ lựa chọn trong quá trình xét xử, trong khi Điều 27 không giới hạn việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số ở trong bất cứ môi trường nào (đoạn 5).

Thứ bảy: Bản chất của các quyền được bảo vệ theo Điều 27 là các quyền cá nhân, và khả năng thực hiện chúng phụ thuộc vào việc  các nhóm thiểu số có thể giữ gìn được nền văn hóa, ngôn ngữ hay tôn giáo của họ hay không. Do vậy, các quốc gia thành viên cũng cần có các biện pháp tích cực, chủ động để bảo vệ bản sắc của các nhóm thiểu số. Khi  thực hiện các biện pháp tích cực như vậy, cần phải tôn trọng quy định ở các Điều 2(1) và Điều 26 và phải bảo đảm mối quan hệ bình đẳng giữa các nhóm thiểu số với nhau và giữa các nhóm thiểu số với bộ phận dân cư còn lại (đoạn 6).

Thứ tám: Quyền về văn hóa nêu ở Điều 27 thể hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm cả cách sống và đặc biệt liên quan tới cách sử dụng tài nguyên đất, nhất là trong trường hợp áp dụng với những nhóm người bản địa. Cụ thể, quyền đó có thể bao gồm cả các hoạt động truyền thống như đánh bắt cá, săn bắn thú rừng và quyền được sống trong các khu bảo tồn riêng biệt được pháp luật bảo vệ (đoạn 7).

Thứ chín: Điều 27 đặt ra những trách nhiệm cụ thể đối với các quốc gia thành viên nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển nền văn hóa, tôn giáo và bản sắc của các nhóm thiểu số, qua đó làm phong phú bộ mặt của toàn xã hội. Vì vậy, việc bảo vệ các quyền trong Điều 27 không được đồng nhất với việc bảo vệ các quyền cá nhân khác nêu ở trong ICCPR (đoạn 9).

Bên cạnh Điều 27 ICCPR, Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 là một văn kiện quan trọng về quyền của người thiểu số. Văn kiện này cụ thể hoá và mở rộng nội dung Điều 27  của ICCPR  cả về phạm vi chủ thể và nội hàm các  quyền.

Về mặt chủ thể, Điều 2 (khoản 1) Tuyên bố kể  trên đề cập đến thành bốn dạng người thiểu số: thiểu số về sắc tộc (ethnic), tôn giáo (religious), ngôn ngữ (linguistic) và dân tộc (national) (trong khi Điều 27 ICCPR chỉ đề cập ba dạng đầu). Về mặt nội  hàm của quyền,  các khoản 2,3,4,5 Điều 2 Tuyên bố bổ sung một số quyền với người thiểu số, bao gồm: (i) Quyền được tham gia vào đời sống chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội, kinh tế của quốc gia; và (ii) Quyền thiết lập và duy trì  các mối quan hệ giữa các thành viên của nhóm mình và nhóm  khác.

Trên đây là những phân tích về “Quyền của người thiểu số theo luật quốc tế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon