Quyền của người sống chung với HIV/AIDS theo Luật Quốc tế

quyen-cua-nguoi-song-chung-voi-hiv-aids-theo-luat-quoc-te

Quyền của nhóm người sống chung với HIV/AIDS thuộc nhóm quyền của nhóm dễ bị tổn thương là một trong số những nội dung trọng tâm hiện nay của pháp luật quốc tế. Theo đó, tinh thần bảo về quyền của nhóm người này, được thể hiện qua những văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người cũng như một số điều ước quốc tế đặc thù của từng nhóm người. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế, quyền của những người sống chung với HIV / AIDS theo luật quốc tế được ghi nhận như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái quát luật quốc tế về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương

Các nhóm người dễ bị tổn thương chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.

Một số nhóm người được coi là dễ bị tổn thương trong luật nhân quyền quốc tế bao gồm: phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV, người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…), người bản địa, nạn nhân chiến tranh, những người bị tước tự do, người cao tuổi… Theo dòng thời gian, danh sách này có thể còn được bổ sung, bao gồm những nhóm người gặp những nguy cơ cao về quyền con người ở trong nhiều hoàn cảnh, bối cảnh.

Có thể nói rằng luật nhân quyền quốc tế bắt đầu từ những quy phạm về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, mặc dù trước năm 1945, những quy định về vấn đề này mới chỉ ở mức khái quát.

Lý do chính dẫn đến việc xây dựng thêm những văn kiện và cơ chế quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương bổ sung cho hai công ước năm 1966 đó là:

Thứ nhất, do vị thế yếu hơn của họ, các nhóm này rất dễ bị vi phạm các quyền hoặc gặp khó khăn trong việc hưởng thụ các quyền. Thực tế đó làm nảy sinh nhu cầu xây dựng những văn kiện pháp lý quốc  tế với những quy định cụ thể và chi tiết hơn  để  bảo  vệ  và  thúc  đẩy quyền của các nhóm này.

Thứ hai, hệ thống các quy phạm và cơ chế quốc tế về quyền con người nói chung về cơ bản là không đủ, thậm chí, đôi khi không phù hợp nếu áp dụng một cách máy móc với các nhóm người dễ bị tổn thương.

2. Quyền của những người sống chung với HIV / AIDS theo luật quốc tế

HIV/AIDS là đại dịch mang tính chất toàn cầu, mặc dù nó mới chỉ được phát hiện từ đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX. Theo thống kê của UNAIDS, vào năm 2010, trên thế giới có 33,3 triệu người sống chung với HIV, trong đó có 2,5 triệu trẻ em. Riêng trong năm 2009, có 2,6 triệu người nhiễm HIV, 1,8 triệu người chết bởi đại dịch này.

2.1 Các hướng dẫn quốc tế về HIV / AIDS và quyền con người

Văn kiện này được thông qua tại Hội nghị tư vấn quốc tế lần thứ hai về HIV/AIDS và quyền con người do Cao uỷ Liên hợp quốc/Trung tâm Quyền con người và Chương trình về HIV/AIDS của Liên hợp quốc đồng tổ chức ở Giơnevơ trong các ngày  từ 23 đến 25-9-1996. Mục đích của văn kiện này là  để hỗ trợ các quốc gia trong việc vận dụng những quy phạm quốc tế về quyền con người vào hoạt động thực tiễn trong bối cảnh HIV/AIDS.

Văn kiện gồm hai  phần: Phần thứ nhất xác định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người làm nền tảng cho cách ứng xử tích cực trong bối cảnh HIV/AIDS; Phần thứ hai đưa ra các biện pháp mang tính định hướng hành động mà các chính phủ cần thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách và thực tiễn quản lý hành chính nhằm bảo vệ các quyền con người và đạt được các mục tiêu về bảo vệ y tế công liên quan tới HIV/AIDS.

2.2 Những nội dung chủ yếu trong Các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người

Mối quan hệ giữa phòng, chống HIV/AIDS, quyền con người và y tế công

Hướng dẫn khẳng định không có mâu thuẫn gì trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người của những người sống chung với  HIV/AIDS với việc đạt được những mục tiêu của y tế công về phòng chống đại dịch. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con  người của  những người sống chung với HIV/AIDS là một yếu tố cấu thành trong việc phòng chống sự lây truyền của HIV/AIDS.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy tính phụ thuộc lẫn nhau của các quyền con người và y tế công khi chứng minh rằng,  những chương trình phòng chống HIV/AIDS mang tính cưỡng bức và trừng  phạt đều dẫn tới kết quả làm giảm sự tham gia và làm tăng sự xa lánh xã hội của những người sống chung với HIV/AIDS, và do đó làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong xã hội.

Ở góc độ pháp lý, cấm phân biệt đối xử là một nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế, được ghi nhận trong những văn kiện quan trọng nhất của ngành luật này, trong đó có UDHR, ICCPR và ICESCR.

Các quyền con người có ý nghĩa quan trọng với những người sống chung với HIV/AIDS

Trong hệ thống các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế, có một số quyền có ý nghĩa quan trọng với những người  sống chung với HIV/AIDS. Hướng dẫn liệt kê các quyền đó, bao gồm: Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp  luật  bảo  vệ một  cách bình đẳng; Quyền sống; Quyền được hưởng chuẩn mực cao nhất có thể  về sức khoẻ thể chất và tinh thần; Quyền được tự do và an toàn cá nhân; Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền được tìm kiếm và được cho lánh nạn; Quyền được bảo vệ sự riêng tư; Quyền được tự do bày tỏ chính kiến, diễn đạt và tự do nhận, trao đổi thông tin; Quyền được tự do lập hội; Quyền được làm việc; Quyền được kết hôn và lập gia đình; Quyền bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục; Quyền được có mức sống thích đáng; Quyền được hưởng an sinh, trợ cấp và cứu trợ xã hội; Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và công cộng của cộng đồng; Quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Theo luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia có thể quy định trong pháp luật những giới hạn áp dụng với một số quyền trong những hoàn cảnh cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với các quyền của những người sống chung với HIV/AIDS. Trên thực tế, bảo đảm sức khỏe của cộng đồng là lý do được các nhà nước viện dẫn nhiều nhất khi giới hạn các quyền của những người sống chung với HIV/AIDS. Đáng tiếc là nguyên tắc kể trên đôi khi bị các nhà nước lạm dụng.

Các hướng dẫn hành động cho quốc gia

Văn kiện đưa ra hướng dẫn về 12 vấn đề nhằm giúp các quốc  gia  thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong bối cảnh HIV/AIDS.

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức quốc gia: Các nhà nước cần thiết lập  một cơ cấu tổ chức quốc gia hiệu quả để tổ chức những hoạt động đối phó với HIV/AIDS nhằm bảo đảm một sự tiếp cận có tính phối hợp, tính cùng tham gia, tính minh bạch và có trách nhiệm, lồng ghép nghĩa vụ về chính sách và chương trình liên quan đến HIV/AIDS trong hoạt động của toàn bộ các ban, ngành của chính phủ. Điều này  có thể bao  gồm việc thành lập một cơ quan liên bộ để quản lý chung hoạt động trên lĩnh vực này của tất cả các chủ thể có liên  quan.

Thứ hai, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng: Các nhà nước cần bảo đảm để có sự tham vấn của cộng đồng trong mọi giai đoạn xây dựng, lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá các chính sách về HIV/AIDS, và bảo đảm rằng các tổ chức dựa trên cộng đồng được phép thực hiện một cách hiệu quả các hoạt động của họ, kể cả trong các lĩnh vực về đạo đức, pháp luật  và quyền con người.

Thứ ba, rà soát, sửa đổi pháp luật về y tế công: Các nhà nước cần xem xét và sửa đổi pháp luật về y tế công để bảo đảm rằng những vấn đề  về y tế công nảy sinh từ khía cạnh HIV/AIDS được chú trọng thoả đáng, rằng các quy định pháp luật áp dụng cho các bệnh lây truyền thông thường không áp dụng cho HIV/AIDS, và rằng các quy định pháp luật đó là phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.

Thứ tư, rà soát, sửa đổi pháp luật hình sự và hệ thống hình phạt: Các nhà nước cần rà soát và sửa đổi luật hình sự và hệ thống hình phạt để bảo đảm rằng chúng tương thích với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người và không bị lạc hậu trong bối cảnh HIV/AIDS hoặc không hướng vào việc chống lại những nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Thứ năm, rà soát, sửa đổi pháp luật về chống phân biệt đối xử và bảo vệ: Các nhà nước cần ban  hành hoặc củng cố luật về chống phân biệt đối xử và những luật khác để bảo vệ những người sống chung và dễ  bị tổn thương bởi HIV/AIDS.

Thứ sáu, tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị và phòng chống : Các nhà nước cần bảo đảm sự sẵn có và cơ hội tiếp cận với các phương tiện và dịch vụ phòng chống HIV an toàn, hiệu quả với chi phí phù hợp.

Thứ bảy, dịch vụ hỗ trợ pháp lý: Các nhà nước cần cung cấp những dịch vụ pháp lý miễn phí nhằm giúp những người bị ảnh hưởng  bởi HIV/AIDS biết về các quyền của họ và để tăng cường các quyền này.

Thứ tám, tạo môi trường trợ giúp và thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác: Các nhà nước cần thực hiện điều này bằng cách phối hợp với cộng đồng và thông qua đối thoại với cộng đồng nhằm phê phán những định kiến tiềm ẩn và những hành vi hay những ứng xử bất bình đẳng, đồng thời tổ chức các dịch vụ y tế xã hội đặc biệt nhằm trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương này.

Thứ chín, thay đổi thái độ phân biệt đối xử thông qua giáo dục, đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng: Các nhà nước cần đẩy mạnh việc truyền bá rộng rãi và liên tục các chương trình giáo dục, đào tạo và các chiến dịch thông tin đại chúng nhằm thay đổi thái độ phân biệt đối xử và kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS.

Thứ mười, phát triển những tiêu chuẩn ứng xử cho các khu vực tư nhân, công cộng và những cơ chế để thực hiện các tiêu chuẩn liên quan đến HIV/AIDS: Các nhà nước cần bảo đảm rằng chính phủ và khu vực tư nhân sẽ xây dựng các bộ quy tắc ứng xử liên quan đến vấn đề HIV/AIDS trong đó đưa những nguyên tắc về quyền con người vào các  bộ quy tắc về trách nhiệm và hoạt động chuyên môn cùng với những cơ chế để bảo đảm các quy tắc đó được thực thi.

Thứ mười một, giám sát và bảo đảm việc thực thi các  quyền  con người của những người sống chung với HIV/AIDS:  Các  nhà  nước  cần thực hiện các cơ chế giám sát và thực thi để bảo đảm thực hiện các quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS và của các thành  viên trong gia đình họ.

Thứ mười hai, hợp tác quốc tế: Các nhà nước cần hợp tác thông qua những chương trình liên quan và các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong các vấn đề về quyền con người liên quan đến HIV/AIDS, cũng như để duy trì những cơ chế hữu hiệu về bảo vệ quyền con người trong bối cảnh HIV/AIDS trên thế  giới.

Trên đây là những phân tích về “Quyền của người sống chung với HIV / AIDS theo luật quốc tế”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon