Kể từ khi Liên hợp quốc ra đời (năm 1945) đến nay, một hệ thống đồ sộ các quyền con người đã được ghi nhận bởi pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc ghi nhận các quyền con người trong pháp luật là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ phải có các biện pháp để bảo vệ các quyền khỏi bị vi phạm và thúc đẩy sự tôn trọng và thực hiện các quyền trên thực tế. Cụ thể là các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Vậy cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người dưới góc độ pháp luật quốc tế được quy định như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Liên hợp quốc
1.1 Cơ chế dựa trên Hiến chương
Do bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc nên cả 6 cơ quan chính đều có trách nhiệm trên lĩnh vực này. Một số cơ quan chính thiết lập một mạng lưới các cơ quan giúp việc về quyền con người, đồng thời xây dựng một quy chế để huy động sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (quốc tế, khu vực và quốc gia) vào hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Vai trò của các cơ quan chính của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Đại hội đồng (UN General Asembly): Đại hội đồng (ĐHĐ) là cơ quan đại diện chính của Liên hợp quốc, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên (Điều 9 Hiến chương). Trách nhiệm của ĐHĐ trong vấn đề quyền con người được đề cập trong Điều 13 và Điều 10 Hiến chương. Như vậy, về mặt hình thức, ĐHĐ là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trên lĩnh vực quyền con người và có thẩm quyền với tất cả những hoạt động chính nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế, ĐHĐ chỉ có vai trò quan trọng trong một số hoạt động.
Hội đồng Bảo An (Security Council): Hội đồng Bảo an (HĐBA) bao gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Điều 23 Hiến chương). Theo Hiến chương, HĐBA có các chức năng chính là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế (Điều 24) và xem xét, giải quyết các tranh chấp hoặc tình huống có thể gây tổn hại tới việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế (các Điều 34,35). Các quyết định của HĐBA có hiệu lực bắt buộc với mọi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC): ECOSOC bao gồm 54 nước thành viên, do ĐHĐ bầu ra (Điều 61 Hiến chương). Các chức năng cơ bản của ECOSOC (Điều 62 Hiến chương) bao gồm: (a)…tiến hành những nghiên cứu và báo cáo về những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và kiến nghị về các vấn đề này cho ĐHĐ, các nước thành viên Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn hữu quan; (b)…đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người; (c)… chuẩn bị dự thảo các điều ước quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình lên ĐHĐ”; (d)… triệu tập các hội nghị quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, theo các thủ tục do Liên hợp quốc quy định”.
Hội đồng Quản thác (Trusteeship Council): Hội đồng Quản thác (HĐQT) là một trong các cơ quan chính của Liên hợp quốc, được thành lập để trợ giúp ĐHĐ trong việc thực hiện các chức năng của Liên hợp quốc liên quan đến hệ thống quản thác quốc tế, trừ những khu vực được xác định là có tính chiến lược thuộc trách nhiệm của HĐBA.
Ban Thư ký Liên hợp quốc (the United Nation Secretariat): Ban Thư ký là cơ quan hành chính của Liên hợp quốc. Người đứng đầu của cơ quan này là Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Các cơ quan chuyên trách về quyền con người của Liên hợp quốc Hệ thống các cơ quan chuyên trách về quyền con người của Liên hợp quốc rất đa dạng nhưng có nhiệm vụ chung là hỗ trợ các cơ quan chính của tổ chức này trong các hoạt động về quyền con người. Xét chức năng nhiệm vụ, về cơ bản có thể phân chia (một cách tương đối) hệ thống này thành hai loại chính: các cơ quan hỗ trợ về dịch vụ hành chính và các cơ quan hỗ trợ về chuyên môn.
Các cơ quan hỗ trợ về chuyên môn do ĐHĐ và ECOSOC lập ra với nhiệm vụ chủ yếu là trợ giúp về chuyên môn cho ĐHĐ và ECOSOC trong những hoạt động về quyền con người.
Hội đồng Quyền con người của Liên hợp quốc. UNHRC là cơ quan mới được thành lập theo Nghị quyết số 60/251 ngày 03-4-2006 của ĐHĐ để thay thế UNCHR. Sự kiện này được nhiều tổ chức và chuyên gia đánh giá là hứa hẹn mở ra “một trang mới” trong hoạt động của Liên hợp quốc trên lĩnh vực nhân quyền.
Cơ chế Đánh giá Định kỳ toàn thể (hay phổ quát) (Universal Periodic Review – UPR):
Thay thế cho phương thức hoạt động của UNCHR trước đây là hàng năm chọn ra các vụ việc nghiêm trọng nhất về quyền con người xảy ra ở các quốc gia trên thế giới để đưa ra xem xét, đánh giá, UNHRC tiến hành một thủ tục mới là UPR. UPR sẽ đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dựa trên các báo cáo từ các nguồn khác nhau. Để thực hiện UPR, một Nhóm công tác (working group) do UNHRC thành lập sẽ tiến hành ba kỳ họp mỗi năm, mỗi kỳ họp kéo dài hai tuần và sẽ đánh giá 16 quốc gia. Như vậy, theo kế hoạch, mỗi năm UPR sẽ đánh giá được 48 quốc gia và phải mất bốn năm để hoàn tất thủ tục này với toàn bộ 192 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (dự tính đến hết 2011, với 12 kỳ họp mới có thể kết thúc vòng đánh giá đầu tiên).
Ủy ban Tư vấn (Advisory Committee)
Tương tự như mô hình Tiểu ban thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của UNCHR trước đây, UNHRC thành lập một Ủy ban tư vấn để hỗ trợ Hội đồng trong các hoạt động chuyên môn. Ủy ban này bao gồm 18 chuyên gia được Hội đồng bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín từ danh sách những ứng cử viên mà các quốc gia thành viên đề cử. Mặc dù vậy, các chuyên gia thành viên của Ủy ban hoạt động với tư cách cá nhân. Nhiệm kỳ của mỗi chuyên gia là 3 năm, chỉ được bầu lại một lần.
Giải quyết khiếu nại vi phạm quyền con người theo cơ chế dựa trên Hiến chương
Vấn đề tiếp nhận và xử lý những khiếu nại về vi phạm quyền con người đầu tiên được quy định tại điểm (b) Điều 87 của Hiến chương Liên hợp quốc (tuy nhiên, chỉ giới hạn trong việc xem xét các đơn khiếu nại, thỉnh cầu liên quan đến các lãnh thổ quản thác, về sau thêm chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi), sau đó, được đề cập trong nhiều nghị quyết của ECOSOC, đặc biệt trong các Nghị quyết 728 F (XXVIII) ngày 30-7-1959, 227 (X) ngày 17-02-1950, 474 A (XV) ngày 09-4-1953, 607 (XXI) ngày 01-5-1956,1235 (XLII) ngày 06-6-1967 và 1503 (XLCIII) ngày 27-3-1970… Mỗi nghị quyết đề cập việc tiếp nhận và xử lý những khiếu nại về những vi phạm quyền con người trên những lĩnh vực nhất định.
Giải quyết những tình huống vi phạm quyền con người theo cơ chế dựa trên Hiến chương
Bên cạnh việc tiếp nhận và xem xét các khiếu nại về vi phạm quyền con người, ĐHĐ, ECOSOC và UNHRC (trước đây là UNCHR) đều có thể thực hiện các hoạt động điều tra bất thường (non- conventional investigative procedures – còn được gọi là các thủ tục đặc biệt)) những tình huống vi phạm con người nghiêm trọng diễn ra ở một quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Việc điều tra này được tiến hành thông qua các nhóm công tác (working group) hoặc các báo cáo viên đặc biệt (special rapporteur), hay chuyên gia độc lập (independent expert). Trong những trường hợp ngoại lệ, Tổng Thư ký cũng có thẩm quyền chỉ định các đại diện đặc biệt (special representative) để thực hiện nhiệm vụ này.
Phối hợp hoạt động giữa các cơ quan về quyền con người của Liên hợp quốc với các tổ chức phichính phủ
Cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ là Điều 71 của Hiến chương, trong đó quy định: “Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thẩm quyền thi hành những biện pháp thích hợp để tham khảo ý kiến của các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng…”.
1.2 Cơ chế dựa trên công ước
Cơ chế này được dựa trên các ủy ban giám sát việc thực hiện một số công ước quốc tế về quyền con người (treaty-based bodies), được thành lập theo quy định của chính các công ước đó (ngoại trừ Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được thành lập theo một nghị quyết của ECOSOC).
Nếu như các cơ quan trong cơ chế dựa trên Hiến chương có những chức năng đa dạng, bao gồm cả việc nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn kiện, thẩm định, theo dõi, giám sát và điều hành các chương trình, hoạt động về quyền con người… thì hệ thống uỷ ban công ước có chức năng hẹp hơn.
Hiện tại, có 9 công ước được coi là điều ước quốc tế căn bản về quyền con người (core international human rights treaties) của Liên hợp quốc. Các công ước này đều được giám sát bởi các uỷ ban (và một cơ quan tương tự là nhóm công tác).
1.2.1 Chức năng, nhiệm vụ của các uỷ ban công ước
Các uỷ ban công ước thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ căn cứ vào các quy định cụ thể của công ước, trong đó những chức năng có thể nêu sau đây:
- Xem xét báo cáo của các quốc gia thành viên
- Xem xét khiếu nại của các cá nhân.
- Đưa ra các bình luận chung/khuyến nghị chung để giải thích nội dung và các biện pháp thực hiện công ước:
1.2.2 Thủ tục xem xét báo cáo quốc gia của các uỷ ban giám sát công ước
Bước 1, Sự đệ trình báo cáo đầu tiên của quốc gia thành viên
Bước 2, Nhóm làm việc trước phiên họp
Bước 3, Đối thoại xây dựng giữa uỷ ban và quốc gia thành viên
Bước 4, Đưa ra những bình luận và nhận xét
2. Các cơ chế khu vực về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
2.1 Cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Châu Âu
Những tư tưởng triết học và pháp lý về quyền con người đã được phát triển ở châu Âu từ rất sớm (từ thế kỷ XIII) và trở nên rực rỡ trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ XVI-XVIII).
Trong thời kỳ này, ở châu Âu, các quyền và tự do cơ bản của con người đã được ghi nhận và thể hiện dưới dạng các quyền công dân trong một số văn kiện pháp lý nổi tiếng của nhiều quốc gia như Tuyên ngôn về quyền (được Nghị viện Anh thông qua vào năm 1688); Tuyên ngôn quyền con người và dân quyền (được Quốc Hội Pháp thông qua năm 1789)… Nói cách khác, châu Âu có một lịch sử tư tưởng phong phú bậc nhất trên thế giới trong vấn đề quyền con người.
Hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Âu hiện nay có nòng cốt là Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản được Hội đồng châu Âu thông qua từ ngày 4-11-1950, có hiệu lực từ tháng 9 năm 1953. Mọi quốc gia nếu muốn trở thành thành viên của Hội đồng châu Âu đều phải tham gia Công ước quyền con người châu Âu.
Bên cạnh việc ghi nhận các quyền và tự do cơ bản, Công ước nhân quyền châu Âu cũng quy định cơ chế giám sát thực hiện mà nòng cốt là ba cơ quan, bao gồm: Ủy ban quyền con người trực thuộc Hội đồng châu Âu (được thành lập năm 1954 nhưng đã kết thúc hoạt động từ năm 1990), Tòa án quyền con người châu Âu (1959) và Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (gồm ngoại trưởng hoặc đại diện của các quốc gia thành viên).
Công ước được bổ sung bằng hơn 10 Nghị định thư, trong đó Nghị định thư số 11 (có hiệu lực từ năm 1998) quy định việc thành lập Tòa án quyền con người châu Âu. Ngoài Tòa án quyền con người, châu Âu còn có một số cơ quan bảo vệ quyền con người khác như Ủy ban chống tra tấn (CPT).
Đặc điểm nổi bật nhất của cơ chế quyền con người ở châu Âu là chú trọng tới bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, với những tiêu chuẩn cao, cụ thể và chi tiết, cùng với những biện pháp đảm bảo thực thi hiệu quả.
2.2 Cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Châu Mỹ
Cơ chế quyền con người châu Mỹ có lịch sử tương đối sớm. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Mỹ La-tinh chính là những quốc gia đầu tiên vận động cho việc xác định việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc.
Tòa án quyền con người châu Mỹ cùng với Ủy ban quyền con người châu Mỹ tạo nên bộ máy cơ quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở châu lục này. Trước hết nói về Ủy ban quyền con người, cơ quan này có chức năng thúc đẩy việc tuân thủ và bảo vệ quyền con người ở châu Mỹ. Ủy ban bao gồm 7 ủy viên được bầu chọn bởi Đại Hội đồng OAS cho nhiệm kỳ 4 năm, hoạt động với tư cách cá nhân. Ủy ban có một Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch.
Tòa án quyền con người châu Mỹ bao gồm 7 thẩm phán là công dân các quốc gia thành viên OAS, được bầu theo nhiệm kỳ 6 năm bởi Đại hội đồng OAS. Tòa có hai chức năng cơ bản là xét xử và tư vấn.
Ngoài chức năng xét xử, Tòa án quyền con người châu Mỹ còn có chức năng tư vấn cho Ủy ban quyền con người và các quốc gia thành viên OAS về các vấn đề liên quan đến áp dụng Công ước châu Mỹ về quyền con người và các văn kiện khác về quyền con người của khu vực. Ngoài ra, Tòa còn có quyền tư vấn về tính phù hợp của các văn bản và dự thảo văn bản pháp luật của các quốc gia với Công ước châu Mỹ về quyền con người.
Mặc dù được hình thành từ rất sớm và khá phát triển, song không giống với cơ chế quyền con người châu Âu, cơ chế quyền con người châu Mỹ khá phức tạp, có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Vì vậy hiệu lực thực tế của cơ chế này có phần bị hạn chế.
2.3 Cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Châu Phi
Nền tảng của hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi là Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc (African Charter on Human and Peoples’ Rights), được thông qua bởi Tổ chức Thống nhất châu Phi (Organization of African Unity – OAU) vào ngày 27-6-1981, có hiệu lực vào ngày 21-10-1981 (hiện đã đổi thành Liên minh châu Phi – African Union -AU).
Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc là văn kiện nền tảng trong hệ thống văn kiện khu vực về quyền con người ở châu Phi1. Cùng với ngày Hiến chương này có hiệu lực, Ủy ban quyền con người và quyền các dân tộc châu Phi (African Commission on Human and Peoples’ Rights) cũng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định thư bổ sung Hiến chương (được thông qua năm 1998) có hiệu lực vào ngày 25-01-2004, Tòa án châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc (African Court on Human and Peoples’ Rights) mới chính thức được thành lập.
Tòa án châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc được thành lập kể từ khi Nghị định thư bổ sung Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc (được thông qua năm 1998) có hiệu lực (năm 2004). Tháng 7 năm 2004, Đại hội đồng AU đã quyết định sáp nhập Tòa án quyền con người châu Phi với Tòa công lý châu Phi (African Court of Justice). Tòa án gồm 11 thẩm phán được bầu với nhiệm kỳ 6 năm, hoạt động bán thời gian. Tòa chỉ có quyền đưa ra các ý kiến tư vấn. Tòa nhóm họp phiên đầu tiên vào tháng 7 năm 2006.
2.4 Thực trạng và triển vọng của cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở châu Á
Châu Á – châu lục khổng lồ về diện tích với dân số chiếm một nửa nhân loại – có quá nhiều khác biệt về tôn giáo, văn hóa, lịch sử, chính trị và kinh tế. Đây là lý do chính khiến châu Á là châu lục lớn nhất nhưng duy nhất hiện chưa thiết lập được cơ chế chung về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Dù vậy, ở một số phần của châu Á hiện đã tồn tại những văn kiện và thiết chế chung, cho thấy những triển vọng nhất định về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở châu lục
Cơ chế nhân quyền ở ASEAN
Đông Nam Á là nơi được coi là có mối liên kết tiểu khu vực chặt chẽ nhất tại châu Á với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập từ năm 1967, hiện gồm mười quốc gia thành viên (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Năm 2007, Hiến chương của Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á được thông qua, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của tổ chức này. Bên cạnh nhiều nội dung quan trọng khác, Hiến chương có một điều khoản (Điều 14) quy định thành lập cơ quan quyền con người khu vực.
Tuy nhiên, từ trước khi ASEAN thông qua Hiến chương kể trên, vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của một số nhóm như phụ nữ, trẻ em, người lao động di trú.. đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện như Chương trình hành động Hà Nội (1997-2004); Chương trình hành động Viên Chăn (2004-2010); Tuyên bố về sự tiến bộ của phụ nữ của ASEAN (1988); Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ ở khu vực ASEAN (2004); Tuyên bố chống lại việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em ở ASEAN (2004); Khuôn khổ hợp tác ASEAN-UNIFEM,…
3. Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
3.1 Các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xuất phát từ và nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Nòng cốt của cơ chế là các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Các cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền (National Institution on the Protection and Promotion of Human Rights, hoặc national human rights íntitutions – NHRIs) có hình thức tổ chức rất đa dạng. Dưới đây khái quát một số dạng chính mà đã được thành lập ở nhiều nước trên thế giới:
(1) Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human Rights).
(2) Ombudsman
3.2 Liên hợp quốc và các cơ quan nhân quyền quốc gia
Kết luận của Hội thảo được phê chuẩn bởi của Ủy ban Quyền con người trong Nghị quyết 1992/54 như là Các nguyên tắc liên quan đến địa vị của các cơ quan quyền con người quốc gia (Principles relating to the status of national institutions, còn được gọi là Các nguyên tắc Pari).
Văn kiện này sau đó được phê chuẩn bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc trong Nghị quyết số 48/134 (ngày 20-12-1993) và hiện được coi là nền tảng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Kể từ năm 1991, những hoạt động của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy việc thành lập và hoạt động của các cơ quan quyền con người quốc gia đạt được nhiều kết quả đáng kể. Năm 1993, tại Hội nghị quốc tế tổ chức tại Tunis (Tuynidi) do Liên hợp quốc bảo trợ, các cơ quan quyền con người quốc gia đã thành lập Ủy ban Điều phối quốc tế các cơ quan quyền con người quốc gia (International Coordinating Committee of NHRIs – ICC), có chức năng phối hợp hoạt động của mạng lưới các cơ quan quyền con người quốc gia.
Năm 2005, tại cuộc họp lần thứ 59 của UNCHR, Ủy ban đã thông qua Nghị quyết số 2005/74 (ngày 20-4-2005), trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ quan quyền con người quốc gia, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các cơ quan quyền con người quốc gia vào các hoạt động của Ủy ban và của các cơ quan Liên hợp quốc… Gần đây nhất, Nghị quyết số 5/1 (ngày 18-6-2007) của UNHRC đã dẫn chiếu đến nội dung Nghị quyết số 2005/74 của UNCHR, trong đó tiếp tục khẳng định phương thức tham gia và tham vấn với các cơ quan quyền con người quốc gia trong hoạt động của Hội đồng.
3.3 Các nguyên tắc Pari
Về tổ chức của cơ quan quyền con người quốc gia, Các nguyên tắc Pari khuyến nghị cần bảo đảm sự đa dạng của cơ quan này gồm đại diện của nhiều loại cơ quan, tổ chức trong xã hội, trong đó bao gồm:
- Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên lĩnh vực quyền con người và chống phân biệt đối xử, các tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp liên quan như đoàn luật sư, hiệp hội của các bác sỹ, nhà báo các nhà khoa học..
- Các tổ chức tôn giáo;
- Các trường đại học;
- Các nghị viện;
- Các cơ quan chính phủ.
Về thẩm quyền, Các nguyên tắc Pari khuyến khích việc trao thẩm quyền cho cơ quan quyền con người quốc gia “càng rộng càng tốt”, và thẩm quyền đó cần được quy định trong hiến pháp hoặc văn bản luật.
Trên đây là những phân tích về “Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.