Thẩm phán là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán?

tham-phan-la-gi-nhiem-vu-va-quyen-han-cua-tham-phan

Thẩm phán là chức danh được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vậy, Thẩm phán là gì? Nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm phán ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

– Luật tố tụng hình sự năm 2015

– Luật tố tụng dân sự năm 2015

1. Thẩm phán là gì?

Thẩm phán là người tiến hành tố tụng, là người thực hiện hoạt động xét xử của Tòa án, được bổ nhiệm và giao nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật.

Thẩm phán Tòa án nhân dân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh bao gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện bao gồm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thẩm phán Tòa án quân sự các cấp bao gồm Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương đồng thời là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu bao gồm Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực.

Thuật ngữ Thẩm phán trong tiếng Anh là “Judge”

2. Tiêu chuẩn chung của Thẩm phán

Thẩm phán có các ngạch như: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Chức danh Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử.

Tiêu chuẩn để trở thành Thẩm phán được quy định chi tiết tại Điều 67 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cụ thể:

– Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

– Có trình độ cử nhân luật trở lên.

– Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

– Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Để trở thành Thẩm phán mỗi ngạch, ngoài những tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 nói trên thì con cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện riêng được quy định tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Các tiêu chuẩn riêng đối với từng ngạch thẩm phán chủ yếu thể hiện sự khác biệt về thâm niên và năng lực (Theo khoản 1-5 Điều 68, khoản 1 Điều 69 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014), bao gồm:

– Đối với thẩm phán sơ cấp phải có thâm niên công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp.

– Đối với thẩm phán trung cấp phải có thâm niên thẩm phán sơ cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc kinh nghiệm công tác pháp luật từ 13 năm trở lên, có năng lực xét xử, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán trung cấp.

– Đối với thẩm phán cao cấp phải có thâm niên thẩm phán trung cấp từ đủ 5 năm trở lên hoặc thời gian làm công tác pháp luật từ 18 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án dân dân các cấp hoặc tòa án quân sự trung ương, đã trúng tuyển kì thi tuyển chọn vào ngạch thẩm phán cao cấp.

– Đối với thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có thâm niên thẩm phán cao cấp từ đủ 5 năm trở lên và có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán

3.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán theo luật tố tụng hình sự

– Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Thẩm phán có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; Tiến hành xét xử vụ án; Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Điều luật này quy định “tiến hành xét xử” thay cho “tham gia xét xử” khẳng định vai trò tích cực, chủ động hơn của Thẩm phán và đúng với logic thẩm quyền của người tiến hành tố tụng với hoạt động xét xử là hoạt động tố tụng do Thẩm phán tiến hành.

– Khi được phân công là chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn như đối với các Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự trên, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa; Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.

– BLTTHS ăm 2015 đã cụ thể hóa cũng như bổ sung thêm nhiều quyền mới cho Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa như:

+ Cụ thể hóa phạm vi biện pháp ngăn chặn được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ: đó là tất cả các biện pháp ngăn chặn trừ biện pháp tạm giam;

+ Bổ sung quy định đặc trưng nhất, điển hình nhất của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa mà BLTTHS năm 2003 chưa quy định: đó là điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;

+ Bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực hiện nghiêm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người giám định tài sản;

+ Bổ sung thẩm quyền yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật.

– Thảm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Khác với Điều tra viên và Kiểm sát viên, ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật còn phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng CQĐT và Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án khi tiến hành giải quyết, xét xử vụ án, điều này xuất phát từ nguyên tắc Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

3.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán theo luật tố tụng dân sự

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

– Lập hồ sơ vụ việc dân sự.

– Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

– Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết.

– Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

– Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này.

– Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết.

– Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp.

– Chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự.

– Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

– Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này.

– Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.

– Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

4. Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán

Về mặt thủ tục hình thành, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các thẩm phán còn lại đều do Chủ tịch nước là người bổ nhiệm cuối cùng, tuy nhiên trải qua hai quy trình riêng biệt. Đây chính là nội dung của “chế độ bổ nhiệm thẩm phán”:

– Để trở thành thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ứng viên phải được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia (Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, 1 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án tòa án quân sự trung ương, các chánh án Tòa án dân dân các cấp, 1 đại diện của lãnh đạo ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ban chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Chủ tịch hội đồng này. (theo khoản 1 Điều 70 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014) chọn và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề cử lên Quốc hội. Sau khi Quốc hội phê chuẩn đề cử của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

– Để trở thành thẩm phán sơ cấp, trung cấp hoặc cao cấp, trước tiên ứng viên phải vượt qua kì thi tuyển tương ứng do Hội đồng thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp 1 tổ chức. Sau khi đỗ kì thi này, ứng viên có thể được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia chọn để đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán tương ứng. Chủ tịch nước kí quyết định bổ nhiệm nếu đồng ý với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trên đây là bài viết có nội dung đề cập về chức danh Thẩm phán là gì, nhiệm vụ và quyền hạn của Thẩm phán. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon