Ủy ban nhân dân là gì? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

uy-ban-nhan-dan-la-gi-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-cua-ubnd

Ủy ban nhân dân là một trong các cơ quan thuộc cấp chính quyền địa phương, được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy Ủy ban nhân dân là gì? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

  • Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019
  • Hiến pháp năm 2013

1. Quy định chung

1.1. Ủy ban nhân dân là gì?

Căn cứ Điều 8 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định về Ủy ban nhân dân như sau:

“1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

2. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.”

Theo đó, Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, đồng thời cũng là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

1.2. Vị trí, chức năng của Ủy ban nhân dân

Theo Hiến pháp 2013, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo khoản 2 Điều 114 Hiến pháp 2013, Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên; tổ chức việc thi hành hiến pháp, pháp luật tại địa phương; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật, các văn bản pháp luật khác và các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phân công, ủy quyền.

Ủy ban nhân dân chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp và nhân dân địa phương; chịu sự chỉ đạo, điều hành và kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp trên; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo, điều hành và kiểm tra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân

2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

– Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các nội dung theo quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

– Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

– Tổ chức thực hiện ngân sách tỉnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi; thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên nhiên thiên khác; thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong phạm vi được phân quyền.

– Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Thực hiện các biện pháp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh; tổ chức giáo dục quốc phòng, an ninh và công tác quân sự địa phương; xây dựng và hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; xây dựng lực lượng dự bị động viên và huy động lực lượng bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.

– Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành chính, tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác thep quy định của pháp luật.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước ở trung ương phân cấp, ủy quyền.

– Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 21 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

– Thực hiện chủ trương, biện pháp tạo nguồn tài chính, huy động vốn để phát triển đô thị; xây dựng và quản lý thống nhất công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật.

– Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, huyện

– Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện quyết định các nội dung theo quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện.

– Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện.

– Tổ chức thực hiện ngân sách quận, huyện; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi; thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên nhiên thiên khác; thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường trên địa bàn quận, huyện trong theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.

– Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân huyện, quận.

2.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã, phường

– Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp xã, phường quyết định các nội dung theo quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường.

– Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường.

3. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân

Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên.

Kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn.

Tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện gồm các cơ quan chuyện môn, đơn vị sự nghiệp. Tại cấp xã, các chức danh công chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

4. Hình thức hoạt động của Ủy ban nhân dân

Ủy ban nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền thông qua việc ban hành văn bản pháp luật, tổ chức họp. Các quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trường hợp số tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Ủy ban nhân dân mỗi tháng họp ít nhất một lần. Ủy ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề quan trọng tại địa phương như: chương trình làm việc của Ủy ban nhân dân; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách,…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân lãnh đạo công tác của Ủy ban nhân dân, các thành viên của Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình và Ủy ban nhân dân cấp dưới trong các công việc theo đúng thẩm quyền.

Trên đây là nội dung chi tiết về quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon