Khái quát Luật Quốc tế về quyền con người

khai-quat-luat-quoc-te-ve-quyen-con-nguoi

Quyền con người là những giá trị cao quý, kết tinh từ nền văn hóa của tất cả các dân tộc trên thế giới. Đây là tiếng nói chung, mục tiêu chung và phương tiện chung của toàn nhân loại để bảo vệ và thúc đẩy nhân phẩm và hạnh phúc của mọi con người. Quyền con người đòi hỏi cách tiếp cận và nghiên cứu đa ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực luật học.

Theo đó, tại Việt Nam quyền con người được quan tâm, thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật. Vậy dưới góc độ pháp luật quốc tế thì quyền con người được thể hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái niệm, vị trí, đối tượng, phương pháp điều chỉnh và nguồn của luật nhân quyền quốc tế

1.1 Khái niệm luật nhân quyền quốc tế

Có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau về luật nhân quyền quốc tế (international human rights law), tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, có thể hiểu đây là một hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn và tập quán pháp lý quốc tế xác lập, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản cho mọi thành viên của cộng đồng nhân loại.

1.2 Vị trí của luật nhân quyền quốc tế

Luật nhân quyền quốc tế là một ngành luật nằm trong hệ thống luật quốc tế chung (hay còn gọi là công pháp quốc tế – public international law) cùng với các ngành luật quốc tế khác như luật nhân đạo quốc tế, luật hình sự quốc tế, luật biển quốc tế, luật hàng không quốc tế, luật ngoại giao và lãnh sự, luật tổ chức quốc tế…

Sở dĩ luật nhân quyền quốc tế có vị trí như trên là bởi hai khía cạnh cơ bản sau đây:

Thứ nhất, luật nhân quyền quốc tế mở rộng phạm vi chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật quốc tế.

Thứ hai, luật nhân quyền quốc tế đang làm thay đổi quan niệm truyền thống về tính bất khả xâm phạm về phương diện đối nội của chủ quyền quốc gia trong luật quốc tế.

1.3 Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế

Về đối tượng điều chỉnh, luật nhân quyền quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể truyền thống của luật quốc tế chung (các nhà nước và tổ chức quốc tế) trong việc ghi nhận, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người ở mọi cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, trong một số bối cảnh, luật nhân quyền quốc tế còn điều chỉnh cả mối quan hệ giữa các nhà nước và cá nhân công dân liên quan đến việc bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Về phương pháp điều chỉnh, về cơ bản, luật nhân quyền quốc tế hiện vẫn áp dụng những phương pháp điều chỉnh chung của luật quốc tế, trong đó đặt trọng tâm vào các biện pháp vận động, gây sức ép quốc tế. Các biện pháp cưỡng chế (trừng phạt về quân sự, ngoại giao, kinh tế) mặc dù về nguyên tắc có thể sử dụng nhưng rất ít khi được áp dụng do những phức tạp chung trong quan hệ quốc tế.

1.4 Nguồn của luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù vẫn còn những tranh cãi nhất định, song quan niệm chung cho rằng, nguồn của luật quốc tế nói chung, trong đó bao gồm luật nhân quyền quốc tế, bao gồm: (i) Các điều ước quốc tế (chung hoặc riêng); Các tập quán quốc tế; (iii) Các nguyên tắc pháp luật chung được các dân tộc văn minh thừa nhận (iv) Các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và quan điểm của các chuyên gia pháp luật có uy tín cao.

2. Mối quan hệ giữa luật nhân quyền quốc tế và pháp luật quốc gia

Pháp luật quốc tế có thể tác động, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của pháp luật quốc gia trong khi pháp luật quốc gia đóng vai trò là phương tiện truyền tải và điều kiện bảo đảm cho pháp luật quốc tế được thực hiện trên thực tế.

Xét mối quan hệ cụ thể giữa luật nhân quyền quốc tếvà pháp luật quốc gia, sự tương tác thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, trong thời kỳ đầu, pháp luật quốc gia, đặc biệt trong những thế kỷ XVIII, XIX, là nền tảng thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của pháp luật nhân quyền quốc tế.

Thứ hai, luật nhân quyền quốc tế tác động, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của pháp luật quốc gia về quyền con người.

Thứ ba, pháp luật quốc gia là phương tiện truyền tải luật nhân quyền quốc tế, là điều kiện đảm bảo cho luật nhân quyền quốc tế được thực hiện.

3. Mối quan hệ giữa luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế

Có nhiều định nghĩa về luật nhân đạo quốc tế, tuy nhiên, một cách chung nhất có thể hiểu đây là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập bởi các điều ước và tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các bên tham chiến trong các cuộc xung đột vũ trang (mang tính chất quốc tế và không mang tính chất quốc tế) để bảo vệ những nạn nhân chiến tranh (bao gồm dân thường và những chiến binh bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, bị bắt làm tù binh).

Những điểm giống nhau cơ bản giữa luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế

Thứ nhất, cả hai ngành luật này đều nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.

Thứ hai, cả hai ngành luật này có chung một số nguyên tắc cơ bản, cụ thể như nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc tôn trọng tính mạng, phẩm giá con người…

Thứ ba, cả hai ngành luật này có một số điều ước và văn kiện quốc tế áp dụng chung (cả văn kiện hoặc một số điều khoản trong các văn kiện), ví dụ như Công ước về quyền trẻ em, Nghị định thư tùy chọn bổ sung công ước này về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang hay Quy chế Rôm về Tòa án hình sự quốc tế…

Thứ tư, cả hai ngày luật này đều xác định chủ thể có nghĩa vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong việc thực thi luật là các quốc gia thành  viên.

Những điểm khác nhau cơ bản giữa luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế

Thứ nhất, mỗi ngành luật được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh khác nhau, theo những cách thức khác nhau.

Thứ hai, luật nhân đạo quốc tế chỉ áp dụng trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ ttrang (có hoặc không có tính chất quốc tế), trong khi luật nhân quyền quốc tế được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong bối cảnh hòa bình hoặc chiến  tranh.

Thứ ba, một số nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế liên quan đến những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế.

Thứ tư, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ các nạn nhân chiến tranh bằng cách cố gắng giảm thiểu những tổn hại và đau đớn do chiến tranh gây ra với con người; trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ mọi con người bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sự tham gia của họ vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Thứ năm, luật nhân đạo quốc tế quan tâm trước hết tới việc đối xử với những người nằm trong vòng kiểm soát của đối phương và việc giới hạn những phương pháp, phương tiện tiến hành chiến tranh của các bên tham chiến. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế quan tâm trước hết đến việc hạn chế quyền tự do hành động vô nguyên tắc của các nhà nước đối với các công dân của họ và những người khác đang sinh sống trên lãnh thổ hay thuộc quyền tài phán của nước họ.

Thứ sáu, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ những thường dân bị kẹt trong hoàn cảnh xung đột vũ trang, thông qua các nguyên tắc về tiến hành chiến tranh (nguyên tắc phân biệt giữa chiến binh và dân thường, giữa các mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự; nguyên tắc cấm tấn công dân thường và các mục tiêu dân sự, cấm tấn công các mục tiêu quân sự nếu có thể gây ra những tổn hại không cân xứng đối với dân thường hay các mục tiêu dân sự..). Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ tất cả mọi cá nhân trong mọi hoàn cảnh thông qua những tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do của con người.

4. Khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của luật nhân quyền quốc tế

Những yếu tố tiền đề

Như đã đề cập ở trên, việc thay đổi nhận thức về chủ quyền đối nội tuyệt đối của các nhà nước là cánh cửa mở ra với việc hình thành và phát triển của luật nhân quyền quốc tế.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, sự thay đổi đó bắt nguồn từ việc các quốc gia bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân mình ở nước ngoài. Đây là hiện tượng đã diễn ra từ lâu trong lịch sử loài người nhưng chỉ có những chuyển biến bước ngoặt vào thế kỷ XVIII ở châu Âu – thời kỳ mà châu lục này bị phân chia rất mạnh mẽ thành các quốc gia phong kiến tập quyền. Ngay trong thời kỳ đó, quá trình đấu tranh, đàm phán, thỏa hiệp và nhượng bộ đã dẫn tới sự ra đời của những quy định về quyền của người nước ngoài trong pháp luật của một số quốc gia phong kiến châu Âu.

Cũng do vấn đề người nước ngoài, ở châu Âu vào thế kỷ XIX  đã  diễn ra nhiều cuộc can thiệp vũ trang của một hoặc một nhóm quốc gia này vào quốc gia khác với lý do bảo vệ các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo của nước mình mà được cho là đang bị áp bức ở nước khác. Kết  quả của những  cuộc can thiệp vũ trang này là một loạt hiệp định về người thiểu số đã được ký kết ở châu Âu sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong đó thừa nhận các quyền sống; quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền không bị phân biệt đối xử; quyền được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình..,.của các nhóm thiểu số.

Kết  quả của những  cuộc can thiệp vũ trang này là một loạt hiệp định về người thiểu số đã được ký kết ở châu Âu sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong đó thừa nhận các quyền sống; quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền không bị phân biệt đối xử; quyền được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình..,.của các nhóm thiểu số.

Những năm đầu thế kỷ XX, với việc thành lập hai tổ chức quốc tế lớn là Hội quốc liên và Tổ chức Lao động quốc tế (cùng được thành lập vào năm 1919), quyền con người đã trở thành một vấn đề có tầm quốc tế ngày càng rộng lớn. Hai tổ chức này đã nâng nhận thức và những bảo đảm về quyền con người lên một mức độ mới.

Chiến tranh thế giới thứ hai – cú hích quyết định với sự ra đời của luật nhân quyền quốc tế

Nếu như những tiền đề lịch sử là cơ sở sâu xa thì những ký ức khủng khiếp về sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai đóng vai trò là chất xúc tác cơ bản dẫn đến việc hình thành ngành luật nhân quyền quốc tế. Nhận định này đã được nêu trong nhiều văn kiện do phe Đồng minh đưa ra trước năm 1945.

Các cuộc hội đàm ở Dumbarton Oaks (Hoa Kỳ) giữa bốn cường quốc của phe Đồng minh là Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc (Trung hoa Dân quốc) và Liên Xô vào năm 1944 đã dẫn đến sự ra đời của bản Kế hoạch Dumbarton Oaks. Bản kế hoạch này dự kiến thiết lập một tổ chức quốc tế có tên là “Liên hợp quốc” mà trong các mục tiêu của tổ chức này, có việc: “… thúc  đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người”. Hội nghị đã bổ sung thêm một số điều khoản trong bản Kế hoạch để chuẩn bị cho văn bản cuối cùng của Hiến chương Liên hợp quốc.

Bản Hiến chương này sau đó đã được ký kết vào ngày 26-6-1945 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24- 10-1945, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự phát triển của luật quốc tế nói chung và của luật nhân quyền quốc tế nói riêng.

Hiến chương Liên hợp quốc – văn kiện nền tảng của luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù quyền con người không phải là chủ đề duy nhất cũng như là chủ đề chính của Hiến chương Liên hợp quốc, tuy nhiên, có thể coi đây là văn kiện đã xác lập nền tảng của luật nhân quyền quốc tế.

Lời nói đầu của Hiến chương khẳng định ý chí của các dân tộc trong Liên hợp quốc: “…phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm  hoạ chiến tranh ..đã gây cho nhân loại những đau thương không kể xiết”, “…  tin  tưởng vào những quyền con người cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các quốc gia lớn và nhỏ..” và bày tỏ quyết tâm của các dân tộc nhằm: “…thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và nâng cao điều kiện sống trong một nền tự do rộng rãi hơn”.

Điều 1 của Hiến chương quy định các mục tiêu hoạt động của tổ chức này. Như vậy, một trong ba mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc hướng trực tiếp vào vấn đề quyền con người. Một loạt điều khoản khác trong Hiến chương đã tái khẳng định và cụ thể hoá mục tiêu của Liên hợp quốc trên lĩnh vực quyền con người. Không chỉ quy định về mục tiêu, nhiều điều khoản trong Hiến chương còn thiết lập những nguyên tắc cơ bản về cơ cấu tổ chức, cách thức thực hiện mục tiêu của Liên hợp quốc về quyền con người.

Bộ luật nhân quyền quốc tế – xương sống của luật nhân quyền quốc tế

Bộ luật nhân quyền quốc tế (the International Bill of Human Rights) là thuật ngữ chỉ tập hợp ba văn kiện quốc tế cơ bản trên lĩnh vực này, đó là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) và hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR) (hai công ước này cùng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1966). Ngoài ra, theo một số tài liệu, các nghị định thư bổ sung của hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 cũng là những bộ phận cấu thành của Bộ luật này.

Hệ thống các văn kiện của luật nhân quyền quốc tế

Liên hợp quốc là diễn đàn chính, tuy không phải là diễn đàn duy nhất mà ở đó các văn kiện của luật  nhân quyền quốc tế được thông qua. Các văn kiện quốc tế về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc và một số chủ thể khác thông qua từ năm 1945 đến nay gồm:

  • Bộ luật nhân quyền quốc tế
  • Các điều ước cốt lõi về quyền con người
  • Các văn kiện thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người và Hội nghị thiên niên kỷ
  • Các văn kiện đề cập đến quyền tự quyết dân tộc
  • Các văn kiện đề cập đến quyền của người thiểu số và của các dân tộc bản địa
  • Các văn kiện đề cập đến vấn đề ngăn chặn sự phân biệt đối xử
  • Các văn kiện đề cập đến quyền của phụ nữ
  • Các văn kiện đề cập đến quyền của trẻ em
  • Các văn kiện đề cập đến quyền của người cao tuổi
  • Các văn kiện đề cập đến quyền của người khuyết tật
  • Các quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hóa các cơ hội cho người khuyết tật, 1993 (Standard Rules on the Equalization of Opportunities for Persons with Disabilities).
  • Các vănkiện đề cập đến quyền con người trong hoạt động tư pháp
  • Các văn kiện đề cập đến quyền về an sinh xã hội, tiến bộ và phát triển
  • Các văn kiện đề cập đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
  • Các văn kiện đề cập đến quyền về hôn nhân
  • Các văn kiện đề cập đến quyền về sức khỏe
  • Các văn kiện đề cập đến tự do lập hội
  • Các văn kiện đề cập đến việc xóa bỏ chế độ nô lệ, các thực tiễn tương tự như nô lệ và lao động cưỡng bức
  • Các văn kiện đề cập đến vấn đề quốc tịch, người không quốc tịch, người tìm kiếm quy chế tỵ nạn và người tị nạn
  • Các văn kiện đề  cập đến vấn đề tội phạm chiến tranh,
  • tội phạm chống nhân loại, tội diệt chủng
  • Các văn kiện của luật nhân đạo quốc tế liên quan mật thiết đến nhân quyền

Trên đây là những phân tích về “Khái quát luật quốc tế về quyền con người”. Hy vọng qua bài viết của chúng tôi, giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nếu có bất kỳ thắc mắc về nội dung trên hoặc những vấn đề về pháp luật khác hãy liên hệ hotline 1900.6568 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon