Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Việt Nam. Đây là hành vi tạo ra, sử dụng và buôn bán các loại hóa đơn, chứng từ giả mạo hoặc không đúng quy định nhằm trục lợi cá nhân hoặc tránh né nghĩa vụ nộp thuế.
Hành vi này không chỉ gây thiệt hại lớn đến ngân sách nhà nước mà còn làm suy yếu tính minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi này là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà nước và toàn xã hội, cũng như duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Hình sự năm 2015;
1. In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là gì?
In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được hiểu là hành vi in, phát hành, mua bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép các đối tượng là hóa đơn, chứng từ được sử dụng trong hoạt động thu nộp ngân sách nhà nước.
Hay hiểu một cách ngắn gọn đó là tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi in ấn, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Căn cứ theo điều 203 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội in phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, theo đó thì:
Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
– Có tổ chức
– Có tính chất chuyên nghiệp
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
– Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
– Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên
– Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên
– Tái phạm nguy hiểm
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau:
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi sau: Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với trường hợp sau: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
– Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong trường hợp sau: Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
– Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
2. Cấu thành tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn
2.1. Mặt khách quan của tội phạm
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thể hiện thông qua các hành vi in trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi làm giả hóa đơn, chứng từ này (làm giả hoàn toàn hoặc sửa lại nội dung của hóa đơn, chứng từ thật đã hết giá trị).
Người phạm tội có thể tham gia vào toàn bộ quá trình hoặc tham gia ở từng công đoạn: tìm các mẫu cần làm giả, tạo ra các bản in, mua giấy; Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi đưa ra lưu hành trên thị trường các loại hóa đơn, chứng từ này không đúng thẩm quyền hoặc trái các quy định của nhà nước; còn mua bán trái phép hóa đơn chứng từ nộp ngân sách nhà nước được hiểu là hành vi mua đi bán lại kiếm lời các loại hóa đơn, chứng từ này mà biết rõ rằng các hóa đơn, chứng từ này không được phép mua bán.
Hành vi mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi: Mua bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định. Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm; Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa một dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.
Những hành vi khách quan trên thể hiện cụ thể thông qua việc vi phạm các điều kiện về chủ thể được phép mua, bán hóa đơn, chứng từ; bán hóa đơn đã mua mà chưa lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; khai không đúng điều kiện để được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành; cơ quan thuế bán quá số lượng hóa đơn được phép bán lần đầu cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh (quá một quyền – năm mươi số cho mỗi loại hóa đơn).
Theo đó thì hành vi in phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp từ ngân sách nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số
– Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số trở lên
– Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Tính trái phép ở đây được được hiểu là sự thể hiện ở chỗ in, phát hành, mua bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
2.2. Mặt chủ quan của tội phạm
Theo đó thì người thực hiện hành vi phạm tội này là thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực thực hiện các hành vi đó
2.3. Khách thể của tội phạm
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách do Nhà nước thống nhất phát hành.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này đối với cá nhân là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một trong các hành vi phạm tội kể trên và là cá nhân bán hàng hóa cung ứng dịch vụ hoặc người tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; người tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn; cá nhân hoặc người của tổ chức nhận in hoặc đặt hóa đơn; cá nhân hoặc người tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.
Ngoài ra thì chủ thể phạm tội này còn có pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội mua bán trái phép hóa đơn?
Căn cứ theo Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước còn tùy thuộc vào mức độ vi phạm của bị can, bị cáo, phụ thuộc vào điều, điểm khoản bị khởi tố, truy tố.
Ví dụ, trưòng hợp bị phạt tù đến 5 năm, thuộc trường hợp nghiêm trọng. Theo đó, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm tính từ ngày tội phạm được thực hiện.