Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, một trong số đó là việc quản trị công ty. Không riêng Việt Nam, nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng rất khó khăn trong vấn đề này. Đây là một vấn đề nan giải, cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một giải pháp chung, hoàn thiện cho vấn đề này. Để thực hiện tốt công tác quản trị, vai trò của giám đốc – người quản lý điều hành công ty rất quan trọng. Vậy, giám đốc là gì? Và một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty là vấn đề được phân tích trong bài viết dưới đây, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, có cái nhìn khái quát, toàn diện về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý
1. Giám đốc là gì?
Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, khái niệm này được quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật doanh nghiệp năm 2020.
Có thể hiểu đơn giản rằng, giám đốc là người được chủ sở hữu doanh nghiệp giao cho quyền quản lý điều hành doanh nghiệp, theo chế độ một thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước người chủ sở hữu về mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng như kết quả các hoạt động đó. Đồng thời cũng được hưởng thù lao tương xứng với hiệu suất làm việc.
Giám đốc là một tên gọi chung cho người điều hành hoạt động của công ty, trên thực tế giám đốc được chia làm hai loại là giám đốc điều hành và giám đốc kinh doanh. Giám đốc điều hành (còn được gọi là CEO), là người phụ trách điều hành doanh nghiệp theo mục tiêu, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Không những vậy, giám đốc điều hành còn là người tổng hợp dữ liệu và đưa ra các quyết định chiến lược cho công việc kinh doanh ngắn hạn, dài hạn của công ty và là người trực tiếp chịu trách nhiệm cho kết quả kinh doanh này.
Về cơ bản, một CEO có vai trò trong doanh nghiệp như thay mặt công ty phát ngôn với các cổ đông, các cơ quan chính phủ và công chúng; đề xuất những quyết định về doanh nghiệp trong ngắn và dài hạn; thiết lập, triển khai tầm nhìn và mục tiêu cho công ty; nắm bắt cơ hội thị trường; đánh giá rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt và giám sát, giảm thiểu các rủi ro đó…
Vậy giám đốc kinh doanh là gì? Giám đốc kinh doanh thường gọi là CCO, là một chức danh có vị trí vô cùng quan trọng trong công ty chỉ sau Giám đốc điều hành (CEO). Khác với CEO, CCO là người điều hành toàn bộ các hoạt động liên quan đến tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, khách hàng…Là người có quan hệ thường xuyên và trực tiếp với khách hàng, nắm mọi thông tin và mong muốn của khách hàng và đưa ra chính sách hợp lý nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng đội ngũ khách hàng VIP.
Tuy nhiên, tuỳ theo cơ cấu và quy mô của mình, mỗi doanh nghiệp sẽ có bộ phận quản lý riêng và có những chức vụ liên quan riêng biệt, không phải doanh nghiệp nào cũng có giám đốc điều hành, giám đốc kinh doanh hay bắt buộc phải có cả hai. Về mặt cơ bản, giám đốc nói chung sẽ có những vai trò như:
- Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên (HĐTV).
- Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của HĐQT, HĐTV.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty.
- Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty.
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong công ty.
- Quyết định lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty.
- Tuyển dụng lao động và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của HĐQT, HĐTV.
Tóm lại, giám đốc là người quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp hay tình hình kinh doanh không ổn định dẫn đến phá sản. Chính vì vậy, để đảm nhiệm vai trò một người giám đốc hoàn toàn không đơn giản như vẻ bề ngoài.
Giám đốc dịch sang tiếng Anh là: Director.
Công ty: Company.
Quản lý: Manager.
2. Một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty?
Một người muốn nắm giữ vị trí quan trọng trong công ty cụ thể là vị trí giám đốc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc theo quy định tại Điều 64 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
“1. Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này”.
Ví dụ: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,… sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
“2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.”
Điểm này được quy định có thể xem là rất hợp lý. Vì để có thể dẫn dắt một doanh nghiệp thì người giám đốc có trình độ, kinh nghiệm mới có thể phát triển, nâng tầm công ty vươn ra các nền kinh tế trên thế giới. Đây cũng được xem như là quy định nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng của một người giám đốc đối với công ty, doanh nghiệp.
“3. Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.”
Tại khoản này, quy định rất rõ về việc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc tại doanh nghiệp nhà nước, công ty con của doanh nghiệp nhà nước không được có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, kiểm soát viên công ty và người đại diện phần vốn.
Điều này nhằm tránh tình trạng hiện nay đã và đang diễn ra trên thực tế, nhiều người cậy quyền cậy thế, nhờ vào quan hệ mà được lên làm Giám đốc, Tổng giám đốc mặc dù không có trình độ, năng lực hay kinh nghiệm quản trị kinh doanh. Những người này thường chỉ biết ngồi tại vị trí đó, đẩy công việc của mình xuống cho cấp dưới còn mình chỉ biết hưởng thụ.
Không những thế, họ còn xem thường người khác, không phân biệt phải trái, xem lời nói của mình như mệnh lệnh. Từ đó tình hình hoạt động của doanh nghiệp, công ty trì trệ dẫn đến phá sản, thua lỗ, hơn nữa còn vướng vào pháp luật.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 101 của Luật doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định rằng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước thì không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
Như vậy có thể thấy, Luật doanh nghiệp năm 2020 vẫn chưa có quy định cụ thể nào về việc yêu cầu một người có thể được làm giám đốc tại bao nhiêu công ty. Nói một cách dễ hiểu, theo quy định của pháp luật hiện nay, một người chỉ cần đáp ứng đủ các quy định tại Điều 64 của Luật doanh nghiệp năm 2020 và các điều kiện khác có liên quan thì có thể được làm giám đốc cho một hay nhiều công ty, doanh nghiệp khác nhau.
3. Một số khó khăn liên quan đến giám đốc doanh nghiệp nhà nước và giải pháp
Doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với những khó khăn tiềm ẩn. Một số khó khăn nổi bật ảnh hưởng đến chất lượng giám đốc doanh nghiệp nhà nước như:
(1) Vấn đề đào tạo bồi dưỡng.
Đến hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có lớp đào tạo giám đốc mà chỉ tổ chức bồi dưỡng ngắn ngày cho đội ngũ giám đốc. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo giám đốc vẫn còn nhiều bất cập. Những bất cập này cơ bản rơi vào các vấn đề như việc thi tuyển, công nhận tốt nghiệp, văn bằng, chứng chỉ còn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, học phí đào tạo bồi dưỡng vẫn còn cao so với thu nhập cá nhân.
(2) Vấn đề tuyển chọn, bổ nhiệm giám đốc.
Vẫn chưa có tiêu chuẩn hoá đội ngũ giám đốc doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là về trình độ đào tạo dẫn đến việc tuyển chọn, bổ nhiệm chỉ căn cứ vào phẩm chất chính trị, tư cách, mối quan hệ,… mà không hề có căn cứ rõ ràng nào về khả năng, sự phù hợp và thích ứng với thực tiễn của người giám đốc. Vì lí do này, việc tuyển chọn, bổ nhiệm vẫn chưa công tâm, chưa hợp lý và thiếu dân chủ.
Có rất nhiều người có năng lực thật sự nhưng không thể với tới vị trí này trong khi có người nhờ vào mối quan hệ mà được nắm giữ vai trò quan trọng này mặc dù không có trình độ chuyên môn. Hơn nữa, nhiều trường hợp vẫn còn nặng nề về cơ cấu mà không đề bạt lớp trẻ. Theo tình hình thực tế, có rất nhiều bạn trẻ hiện nay có trình độ chuyên môn rất tốt, các bạn được tiếp xúc với lĩnh vực này từ khá sớm nên việc hình thành kinh nghiệm rất chuẩn.
(3) Vấn đề môi trường kinh doanh.
Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các thị trường kinh doanh trực tiếp đang nằm trong tình trạng sơ khai, không đầy đủ và phù hợp với nhau. Và thực tế, các yếu tố thị trường vốn như các loại trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán,… cũng mới chỉ xuất hiện.
(4) Vấn đề thói quan, nếp nghĩ theo đường mòn trong quản lý.
Nhìn nhận thực tế, hầu hết các giám đốc doanh nghiệp nhà nước đều “lớn lên” từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Tiềm thức của những vị giám đốc này đã nuôi dưỡng cách suy nghĩ và làm việc đó nên khi chuyển sang nền kinh tế thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một loạt các vấn đề xảy ra và nổi bật nhất chính là sự thụ động của các giám đốc.
(5) Vấn đề về quyền hạn, trách nhiệm của giám đốc doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, nhiều vấn đề bất hợp lý trong chính sách đối với giám đốc như: khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, nhà ở, phương tiên, điều kiện làm việc… Chẳng hạn, trên các trang báo chứa đầy những thông tin về việc giám đốc ăn hối lộ, giám đốc làm thất thoát tài sản nhà nước, giám đốc gian dối trong doanh thu để hưởng lợi,… Nhưng sau tất cả những việc này, giám đốc đó vẫn được trọng dụng và đề bạt tiếp mà không hề có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Các khó khăn nêu trên là một thể thống nhất, chúng liên đới và có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Chính vì vậy, để xây dựng một đội ngũ giám đốc doanh nghiệp nhà nước vừa nắm vững trình độ chuyên môn, vừa tận tâm trong công việc thì cần quan tâm một số giải pháp như sau:
– Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của giám đốc và xây dựng đội ngũ giám đốc.
– Xây dựng tiêu chuẩn giám đốc
– Đảm bảo quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm
– Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
– Coi trọng tự đào tạo, bồi dưỡng
Trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đội ngũ giám đốc đã có sự lớn mạnh về chất lượng, kết quả được thể hiện thông qua tình hình kinh tế được cải thiện và tăng trưởng nhiều năm liên tục. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn cần khắc phục ngay lập tức. Vì thế, chất lượng càng phải được nâng cao hơn nữa, phải nghiêm khắc trong việc bổ nhiệm giám đốc,… để nâng cao hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về giám đốc là gì, một người có thể làm giám đốc bao nhiêu công ty và những vấn đề liên quan. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.