Điều lệ là một phần không thể thiếu của mỗi Công ty. Đây là căn cứ để giải quyết tranh chấp, để điều hành, phát triển công ty. Thậm chí là văn bản điều chỉnh chi tiết những vấn đề Luật Doanh nghiệp còn quy định chung chung, chưa cụ thể.
Vậy, điều lệ công ty là gì? Tại sao mỗi công ty đều phải có điều lệ công ty. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu điều lệ công ty là gì, điều lệ công ty được quy định thế nào trong luật doanh nghiệp năm 2020.
Căn cứ pháp lý
1. Điều lệ công ty là gì?
Điều lệ công ty cũng tương tự một văn bản điều lệ của một quốc gia hay một tổ chức. Đây là một văn bản xác lập điều chỉnh các vấn đề về hoạt động, nguyên tắc của cơ quan, tổ chức hoặc điều chỉnh các hoạt động của tổ chức và các thành viên.
Cụ thể hơn, Điều lệ công ty còn được ví như là một “bản Hiến pháp” của mỗi doanh nghiệp, vì đây là một bản thỏa thuận giữa các chủ sỡ hữu công ty hay giữa những người sáng lập, góp vốn nhằm cam kết, ràng buộc các thành viên trong quy định chung, thống nhất. Được các thành viên công ty cùng nhau thống nhất, phê duyệt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Văn bản này được soạn thảo dựa trên những quy định của luật doanh nghiệp 2020 quy định các nguyên tắc về cách thức thành lập, quản lý, hoạt động và giải thể của công ty cùng với sự thỏa thuận, tự nguyện của các thành viên trên cơ sở không trái với pháp luật. Các quy định của điều lệ công ty có tính bắt buộc thi hành đối với công ty và các thành viên của công ty.
2. Điều lệ công ty theo quy định của luật doanh nghiệp 2020
2.1. Điều lệ công ty được quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp
Điều 24. Điều lệ công ty
1. Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
2. Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;
đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
e) Cơ cấu tổ chức quản lý;
g) Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;
h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
i) Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên;
k) Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
m) Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Các nội dung chủ yếu khi soạn thảo điều lệ công ty được quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật doanh nghiệp 2020 bao gồm các nội dung như hình thức, mục tiêu, tên gọi, trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh, thời hạn hoạt động của công ty; họ tên, địa chỉ liên lạc các thành viên; vốn điều lệ, phần góp vốn của mỗi thành viên vào vốn điều lệ; quyền và nghĩa vụ của công ty; cơ cấu tổ chức và quản lý, người đại diện theo pháp luật của công ty; thể thức thông qua quyết định của công ty, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên; Nguyên tắc giải quyết phân chia lãi, lỗ trong kinh doanh; các trường giải thể, thủ tục giải thể; thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty.
Vậy nên có thể nói, Điều lệ công ty không chỉ điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong công ty với nhau mà còn điều chỉnh các mối quan hệ bên ngoài đối với công ty và những người liên quan.
Một số đặc điểm Điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp vì Điều lệ công ty được xem là luật cơ bản nhất của công ty.
- Đây là căn cứ pháp lý đầu tiên, quan trọng nhất khi có tranh chấp, là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp. Điều lệ càng chi tiết càng đảm bảo cho doanh nghiệp và ban điều hành công ty được hoạt động tốt hơn.
- Là bản cam kết của các thành viên công ty về việc thành lập công ty, quản lý và chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của công ty.
- Các điều khoản của điều lệ công ty do các thành viên cùng nhau lập nên phải có nội dung căn cứ theo các quy định của pháp luật và không được trái với các quy định của pháp luật.
- Việc xác lập, sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ các điều khoản của Điều lệ của công ty phải được sự chấp thuận của các thành viên sáng lập và dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký thành lập và Điều lệ được sửa đổi bổ sung trong quá trình hoạt động của công ty.
2.2. Điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp, hoặc sửa đổi, bổ sung
Theo Khoản 3 và khỏan 4 Điều 24 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14,
3. Điều lệ công ty khi đăng ký doanh nghiệp phải bao gồm họ, tên và chữ ký của những người sau đây:
a) Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
b) Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
c) Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
d) Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.
4. Điều lệ công ty được sửa đổi, bổ sung phải bao gồm họ, tên và chữ ký của những người sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;
b) Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
c) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.
2.3. Vai trò của điều lệ công ty
Bên cạnh các quy định về điều lệ công ty tại Luật doanh nghiệp năm 2020 và các quy định pháp luật khác thì việc thành lập, tổ chức quản lý các hoạt động tổ chức lại và giải thể của doanh nghiệp còn được điều chỉnh bởi điều lệ và các tài liệu nội bộ khác.
Các doanh nghiệp tư nhân không bắt buộc phải có điều lệ, theo luật doanh nghiệp 2020 thì các loại hình doanh nghiệp như Công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần bắt buộc phải có điều lệ công ty. Các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần cần nộp dự thảo điều lệ công ty cho cơ quan đăng ký doanh nghiệp để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều lệ công ty thường có hiệu lực tại thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của Điều lệ công ty được thể hiện ở các khía cạnh sau:
+ Khi nhìn vào điều lệ của một công ty thì văn bản đó phải truyền tải những nội dung liên quan đến doanh nghiệp và các hoạt động của công ty, trong đó phải làm nổi bật được hai vấn đề.
- Thứ nhất: cơ cấu tổ chức bộ máy công ty, ban lãnh đạo, bộ máy quyền lực của công ty và giới hạn quyền hạn của ban lãnh đạo vào các hoạt động kinh doanh. Quyền và nghĩa vụ của thành viên/cổ đông ban tổ chức quản lý, người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, thể thức thông qua quyết định của công ty.
- Thứ hai: Quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông, thành viên góp vốn, những người trong ban lãnh đạo của công ty. Theo đó là những nguyên tắc thực hiện, giải quyết tranh chấp phát sinh nội bộ.
+ Khi điều lệ công ty được thành lập phải dựa trên sự thống nhất ý chí của ban lãnh đạo trong công ty, đó có thể là hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên, do vậy nên điều lệ công ty có giá trị áp dụng đối với cả ban lãnh đạo, hội đồng cấp cao của công ty và xuyên suốt mọi hoạt động của công ty. Những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty có thể được giải quyết bằng điều lệ công ty và các quy định của pháp luật, và trong những trường hợp cụ thể điều lệ công ty còn có thể được ưu tiên trước khi áp dụng pháp luật.
+ Đôi khi điều lệ công ty cũng là một nghệ thuật kinh doanh vì đây cũng được coi như là một phần tài liệu quan trọng để các công ty có thể kêu gọi đầu tư.
Trên đây là nội dung chi tiết về Điều lệ công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, các nội dung của Điều lệ phải tuân thủ pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Việc quy định các nội dung vậy là cần thiết để đảm bảo dự thảo điều lệ được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và có giá trị ràng buộc đối với các thành viên hoặc cổ đông, ban lãnh đạo trong công ty. Ngoài các nội dung được quy định tại điều 24 Luật doanh nghiệp 2020 bắt buộc phải có thì các thành viên hoặc cổ đông có thể tự do thỏa thuận và quy định các nội dung khác trong điều lệ nhưng không được trái với pháp luật.