Tại Việt Nam, trong bối cảnh các hình thức gọi vốn mới như ICO, STO ngày càng trở nên phổ biến, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra các quy định rõ ràng để ngăn chặn các hoạt động lừa đảo và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với các giao dịch tài sản ảo cũng đang trở thành một thách thức lớn.
Điều này đòi hỏi sự đồng bộ giữa các quy định về thuế và việc giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch tài chính. Các chính sách thuế không chỉ cần công bằng, mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích sự phát triển bền vững của thị trường tài sản ảo tại Việt Nam. Tiếp tục trong bài viết này, Luật Dương Gia sẽ phân tích về quản lý đối với hoạt động gọi vốn và thuế liên quan đến tài sản ảo.
Tham khảo bài viết “Một số vấn đề pháp lý về tài sản ảo trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam (Phần 1)” tại đây
…
4. Quản lý các hoạt động gọi vốn liên quan đến tài sản ảo
4.1. Sự phát triển và đa dạng hóa các hình thức gọi vốn bằng tiền ảo
Tại Việt Nam cũng như trên bình diện quốc tế, các hoạt động gọi vốn sử dụng các đồng tiền ảo có giá trị (như BTC, ETH…) đã diễn ra một cách phổ biến kể từ thời điểm giá Bitcoin tăng vọt vào các năm 2016, 2017. Thời gian gần đây, cùng với sự ổn định dần của đồng tiền mã hoá có giá trị lớn nhất này, các cách thức gọi vốn sử dụng tiền ảo cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn, hướng tới tận dụng tối đa giá trị và công dụng của loại tài sản ảo này.
Bên cạnh hình thức cơ bản nhất là chào bán tiền ảo ra công chúng (Initial Coin Offering – ICO), các hoạt động gây quỹ mới cũng dần trở nên phổ biến trong cộng đồng các nhà đầu tư tài sản mã hoá như Chào bán token trên sàn giao dịch tiền mã hoá (Initial Exchange Offering – IEO) hay Phát hành chứng khoán mã hoá (security token) ra công chúng (Security Token Offering – STO)…
Tuỳ theo từng hình thức gọi vốn mà loại tiền mã hoá hoặc token mã hoá được dự án gọi vốn đó sử dụng có công dụng hoặc vai trò khác nhau. Chẳng hạn, token của một dự án có thể coi là một loại chứng khoán mã hoá (do được tạo ra trên cơ sở sử dụng công nghệ mã hoá, điển hình là công nghệ Blockchain), có giá trị và tính chất như trái phiếu, cổ phiếu thông thường và do đó, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành.
Cách quy định này đã được áp dụng tại Nhật Bản, theo đó, các loại chứng khoán mã hoá (security token) đều do Luật Công cụ tài chính và Sàn giao dịch (Financial Instruments and Exchange Act) điều chỉnh. Bên cạnh đó, các dự án gọi vốn cũng có thể xác định token đại diện như một loại “điểm thưởng”, “điểm tiện ích” được sử dụng để thanh toán cho các dịch vụ hoặc hàng hoá của các thương nhân tham gia vào hệ sinh thái của mình. Tại Nhật Bản, các token này được định danh là các “xu” tiện ích (utility token) và được quy định cụ thể trong Luật Dịch vụ thanh toán (Payment Services Act).
4.2. Pháp lý hiện tại đối với hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo tại Việt Nam
Cho đến nay, pháp luật Việt Nam đã bước đầu có những quy định chính thức đối với hoạt động gọi vốn cộng đồng và đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), chẳng hạn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 hay Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo…
Nội dung hỗ trợ của Nhà nước tương đối toàn diện, đa dạng, như hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ…
Đồng thời, đối với hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có thể thấy, về nguyên tắc, các văn bản quy phạm pháp luật vừa nêu đã tạo cơ sở pháp lý thông thoáng, tạo cầu nối cho các tổ chức, cá nhân sở hữu vốn muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mạo hiểm đến với các cá nhân, tổ chức sở hữu ý tưởng sáng tạo tiềm năng nhưng thiếu vốn. Tuy nhiên, hình thức đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, mặc dù dễ dàng, thuận lợi và đa dạng hơn nhưng vẫn dựa trên cơ sở việc góp vốn thành lập, mua cổ phần; phần vốn góp theo các nguyên tắc thông thường của pháp luật về doanh nghiệp chứ chưa có quy định nào cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát hành tài sản mã hóa để huy động vốn cộng đồng như hoạt động ICO, IEO hay STO.
Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021) đã nghiêm cấm hành vi “lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.”
4.3. Những rủi ro và thách thức trong việc quản lý các hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo tại Việt Nam
Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán cũng chưa có quy định cụ thể và chưa chính thức ghi nhận bản chất pháp lý của các token mã hoá của các dự án gọi vốn nói trên. Do đó, các hoạt động ICO, IEO hoặc STO tại Việt Nam luôn tồn tại rủi ro cao cho các nhà đầu tư vì khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực này dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan.
Trên thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trên phạm vi toàn cầu, chỉ trong năm 2022 đã có hơn 3 tỉ USD bị mất do nạn lừa đảo trong lĩnh vực này. Hình thức lừa đảo phổ biến là nhà phát triển rút tiền khỏi dự án (rug pull), công bố những đợt ICO/IDO/IEO (phát hành cổ phiếu dưới dạng token) giả mạo, hay dùng mã độc để tấn công nạn nhân. Chẳng hạn, đối với dự án BitConnect, nhà đầu tư sẽ rót vốn vào dự án và nhận về một khoản lãi hàng tháng lên tới 30-40%/tháng. Phần tiền gốc đầu tư ban đầu sẽ được hoàn trả sau một khoảng thời gian, đồng thời sẽ được nhân lên dựa theo giá trị của đồng Bitconnect. Bitconnect cũng hoạt động theo mô hình đa cấp kim tự tháp.
Dự án khuyến khích nhà đầu tư lôi kéo thêm người tham gia vào hệ thống để nhận được các mức hoa hồng. Bitconnect được phát hành lần đầu vào tháng 11/2016 với mức giá chỉ 0,12 USD. Tuy nhiên, ở thời điểm chạm đỉnh vào cuối năm 2017, mức giá của mỗi đồng Bitconnect lên tới hơn 400 USD, giá trị tăng lên 3.500 lần. Tuy nhiên, đến tháng 1/2018, sàn Bitconnect sập, kéo theo giá trị của đồng Bitconnect giảm sâu. Trong vòng 24 giờ, giá trị của mỗi đồng Bitconnect giảm từ 330 USD xuống còn 21 USD, vốn hóa thị trường cũng “bốc hơi” từ 2 tỷ USD xuống 120 triệu USD.
Cũng trong năm 2018, dự án iFan triển khai theo mô hình ICO đã bị hàng loạt nhà đầu tư tố cáo là dự án lừa đảo. Theo đó, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, iFan đã dụ dỗ được hơn 32.000 nạn nhân tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn. Ban đầu, đội ngũ iFan hứa hẹn với các nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất ít nhất là 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất 4 tháng. Tuy nhiên, sau khi thu hút được số tiền đầu tư khổng lồ, iFan tuyên bố hủy bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn và số tiền nhà đầu tư tham gia vào hệ thống sẽ được trả lại bằng các đồng tiền số với giá quy định do iFan tự công bố.
Từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy sự phát triển của các hoạt động gọi vốn sử dụng tài sản ảo nói chung và tiền ảo nói riêng là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi sự quan tâm, quản lý từ phía Nhà nước để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan, phòng tránh tối đa nguy cơ lừa đảo, rửa tiền… từ các dự án này.
Hiện nay, Bộ Tài chính là cơ quan đang được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quản lý các loại tài sản mã hoá với tư cách là chứng khoán trong các dự án ICO (theo đề xuất của Bộ Tư pháp tại Báo cáo số 255/BC- BTP). Trong tương lai không xa, khi văn bản này được thông qua và ban hành có thể tạo ra nền tảng pháp lý cho quy trình quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các hoạt động gọi vốn sử dụng tài sản ảo.
5. Quản lý thuế đối với các hoạt động liên quan đến tài sản ảo
Đối với các hoạt động liên quan đến tài sản ảo hiện nay, bao gồm giao dịch mua bán, trao đổi, “đào” tiền mã hoá…, pháp luật Việt Nam đều chưa có quy định về việc tính thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Xuất phát từ quan điểm chưa có căn cứ pháp lý để xác định các loại “tài sản ảo”, “tiền ảo” là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, do đó không thể coi các loại hình này là đối tượng chịu thuế. Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong Bản án số 22/2017/HC-ST ngày 21/9/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre.
Dự thảo Án lệ số 17 liên quan đến bản án nói trên cũng khẳng định, đối tượng chịu thuế phải là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008) cũng như theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.
Mặt khác, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thể hiện tại Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/07/2017 thì “tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam” và “về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.”
Như vậy, có thể thấy, dù với tư cách một tài sản, một hàng hoá hay một phương tiện thanh toán, tài sản ảo nói chung và các loại tiền kỹ thuật số (tiền ảo, tiền mã hoá) nói riêng đều chưa được quy định cụ thể và ghi nhận về bản chất pháp lý, do đó không đủ cơ sở để áp dụng các phương pháp tính thuế hiện nay đối với các thu nhập từ các hoạt động liên quan đến loại hình này.
Yêu cầu cần thiết, cấp bách đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước là cần sớm ban hành văn bản pháp luật xác định cụ thể bản chất pháp lý của các loại “tài sản ảo” này (theo hướng công nhận “tài sản ảo” nói chung hoặc một số loại “tài sản ảo” nhất định là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015), từ đó có cơ sở pháp lý vững chắc để khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản chuyên ngành xác định phương thức tính thuế đối với các “tài sản” này.
Trên đây là bài viết của Luậ Dương Gia về “Một số vấn đề pháp lý về tài sản ảo trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam (Phần 2)”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline: 079.497.8999 hoặc 093.154.8999 để đươc tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!