Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra

hoan-thien-phap-luat-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-nguoi-thi-hanh-cong-vu-gay-ra

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, thì vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung và bảo đảm quyền được bồi thường nói riêng vẫn sẽ tiếp tục được đặt ra và đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Vậy pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cần được hoàn thiện như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết sau.

Cơ sở pháp lý:

Cơ sở pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra

1. Quy định pháp luật về phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước

1.1. Định hướng hoàn thiện

Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải bảo đảm sự tương xứng giữa quyền với trách nhiệm của Nhà nước. Theo đó, quyền lực của Nhà nước được xuất phát từ nhân dân, do đó, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần phải bảo đảm tương xứng giữa quyền và trách nhiệm của Nhà nước bởi quyền lực càng rộng thì trách nhiệm càng nhiều; quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn, càng nặng nề. Việc viện dẫn bất kỳ lý do gì để cho rằng Nhà nước chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường một cách có giới hạn trước những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức trong khi thi hành công vụ đều sẽ bị coi là không phù hợp.

Thứ hai, việc giới hạn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải nhằm bảo đảm sự cân bằng và công bằng giữa việc bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại với việc bảo đảm những lợi ích chung khác liên quan. Việc giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước hoàn toàn có thể đặt ra nhưng phải bảo đảm rằng sự giới hạn đó không phải là sự chối bỏ trách nhiệm của Nhà nước mà là nhằm bảo đảm rằng, việc bảo vệ, bảo đảm quyền được bồi thường của một người bị thiệt hại sẽ không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của chủ thể khác.

Thứ ba, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Hai đạo luật có tác động trực tiếp nhất đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chính là Hiến pháp – với tư cách là đạo luật gốc và Bộ luật dân sự – với tư cách là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

1.2. Một số hạn chế 

Một là, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định hạn chế Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ trong 06 lĩnh vực là quản lý hành chính (Điều 17), tố tụng hình sự (Điều 18), tố tụng dân sự (Điều 19), tố tụng hành chính (Điều 19), thi hành án hình sự (Điều 20) và thi hành án dân sự (Điều 21). Và, ngay trong từng lĩnh vực cụ thể thì Nhà nước cũng không bồi thường cho mọi trường hợp thi hành công vụ mà chỉ những trường hợp nào được liệt kê thì Nhà nước mới bồi thường. Tinh thần này được thể hiện rõ nét nhất ở một trong những căn cứ không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 là “Yêu cầu bồi thường không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Chương II của Luật này”.

Hai là, quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 về phạm vi Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 vì Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013). Tinh thần nêu trên của Hiến pháp hoàn toàn không thấy hiện diện trong các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Ba là, tương tự như sự chưa phù hợp với Hiến pháp, quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 về phạm vi Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 vì Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 2 Bộ luật dân sự năm 2015). Tinh thần nêu trên của Bộ luật dân sự hoàn toàn không thấy hiện diện trong các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

1.3. Gợi ý hoàn thiện quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước

Một là, bỏ các quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại các Điều 1, 17, 18, 19, 20 và 21 và bổ sung 01 điều mới quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng dẫn chiếu áp dụng các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung quy định tại Bộ luật dân sự hoặc quy định lại các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Bộ luật dân sự đã quy định, đồng thời, quy định rõ hành vi gây thiệt hại phải là hành vi thi hành công vụ.

Hai là, bỏ quy định về đối tượng được bồi thường tại Điều 2 và bỏ quy định về người bị thiệt hại tại khoản 1 Điều 3 vì thực chất nội dung của Điều 2 và nội dung khoản 1 Điều 3 là sự giới hạn đối tượng được bồi thường thông qua việc giới hạn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Quy định pháp luật về thiệt hại được bồi thường

2.1. Các loại thiệt hại được bồi thường 

Thứ nhất, quy định liệt kê các nhóm thiệt hại được bồi thường bao gồm: (1) thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 23); (2) thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24); (3) thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25); (4) thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26); (5) thiệt hại về tinh thần (Điều 27); (6) thiệt hại là chi phí khác được bồi thường (Điều 28); (7) khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại (Điều 29) và (8) trả lại tài sản (Điều 30).

Thứ hai, trong từng Điều từ Điều 23 đến Điều 30 thì Luật quy định cụ thể từng loại thiệt hại trong mỗi nhóm thiệt hại được bồi thường đó và quy định cả cách tính toán các loại thiệt hại đó.

Thứ ba, do quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước là “việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này”, vì vậy, việc xác định thiệt hại trong quan hệ trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ hoàn toàn chỉ áp dụng các quy định từ Điều 23 đến Điều 30 mà không áp dụng các quy định có liên quan về nguyên tắc bồi thường thiệt hại và thiệt hại được bồi thường tại Chương về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015. Như vậy, Nhà nước sẽ chỉ bồi thường những thiệt hại mà Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 quy định.

2.2. Đánh giá quy định pháp luật về thiệt hại được bồi thường.

2.2.1. Về ưu điểm 

Thứ nhất, với việc Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường thì nhiều trường hợp trước đây nếu không được bồi thường do thiệt hại chưa được Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2009 quy định thì nay theo quy định mới của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017, người bị thiệt hại sẽ được bồi thường.

Thứ hai, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 sửa đổi quy định về trả lại tài sản theo hướng dẫn chiếu áp dụng pháp luật chuyên ngành sẽ giải quyết được tình trạng khó khăn trong lựa chọn áp dụng pháp luật khi tiến hành trả lại tài sản.

2.2.1. Về hạn chế

Thứ nhất, việc giới hạn các thiệt hại được bồi thường là không phù hợp với quy định về áp dụng pháp luật của Bộ luật dân sự năm 2015, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Thứ hai, về cách thức quy định, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 vừa quy định về loại thiệt hại được bồi thường lại vừa quy định về cách tính loại thiệt hại đó nhưng cách tính lại không chi tiết và cứng nhắc, dẫn đến khó bảo đảm tính linh hoạt trong áp dụng.

Thứ ba, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 không những không khắc phục được hạn chế của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2009 là quy định về thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết trong hoạt động tố tụng hình sự bị “thu hẹp” trong văn bản hướng dẫn thi hành thì nay lại “luật hóa” hạn chế này trong quy định của mình. Cụ thể Khoản 4 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 quy định: “Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì không áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này”. Khoản 1, 2, 3 và 5 đề cập ở đây là các thiệt hại về tinh thần trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự và thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm.

Thứ tư, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 quy định thiệt hại là chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại (khoản 2 Điều 25 và khoản 2 Điều 26) chỉ được bồi thường nếu phát sinh trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp. Chi phí này lẽ ra phải được bồi thường căn cứ vào mức độ tổn hại thực tế về sức khỏe chứ không phải căn cứ vào việc người bị thiệt hại có đi khám bệnh, chữa bệnh hay không. Tương tự như vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 2017 quy định thiệt hại là chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại (khoản 3 Điều 25 và khoản 3 Điều 26) cũng chỉ được bồi thường nếu phát sinh trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp. Chi phí này lẽ ra phải được bồi thường căn cứ vào việc có người chăm sóc người bị thiệt hại chứ không phải căn cứ vào việc người bị thiệt hại có đi khám bệnh, chữa bệnh hay không.

2.3. Gợi ý hoàn thiện quy định về thiệt hại được bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước

Thứ nhất, đổi tên Điều 22 từ “xác định thiệt hại” thành “nguyên tắc xác định thiệt hại.”

Trong Điều 22 quy định các vấn đề sau đây:

  • Bỏ khoản 1 vì khoản 1 chỉ liệt kê các loại thiệt hại tại Chương III mà không có tính chất định nghĩa hay định hướng chung;
  • Bổ sung 01 khoản quy định dẫn chiếu áp dụng quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại của Bộ luật dân sự vì các quy định đó đều là các quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại;
  • Sửa đổi quy định tại khoản 2 về nguyên tắc xác định giá trị thiệt hại theo hướng không nên lấy cố định một thời điểm để xác định giá trị thiệt hại mà nên theo hướng xác định thời điểm xác định giá trị theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại;
  • Đưa khoản 5 Điều 4 xuống thành một khoản mới tại Điều 22 và sửa đổi theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ hai, về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. 

Theo đó, cần bổ sung 01 khoản mới quy định dẫn chiếu áp dụng các khoản 1, 2 và 3 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 1 vì trùng với quy định khoản 1 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, bỏ quy định tại khoản 2 vì trùng với quy định tại khoản 2 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, bỏ quy định tại khoản 3 vì trùng với quy định tại khoản 3 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, bỏ quy định tại khoản 6 vì trùng với quy định tại Điều 595 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ ba, về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

Cần bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 về thu nhập thực tế bị mất do tài sản bị xâm phạm; bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do do sức khoẻ bị xâm phạm; bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.

Cần bổ sung 01 khoản mới quy định về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đối với trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường mà không thông qua người đại diện nhưng có khấu trừ đi chi phí yêu cầu bồi thường mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã quy định.

Sửa đổi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 theo hướng loại trừ các thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm hoặc do trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường mà không thông qua người đại diện.

Thứ tư, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết

  • Đề nghị đổi tên Điều 25 thành “thiệt hại về vật chất do tính mạng bị xâm phạm”.
  • Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 theo hướng gộp chung thành một khoản và dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Sửa đổi khoản 3 theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 vì vừa trùng vừa thiếu so với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Sửa đổi khoản 5 theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015. Thứ sáu, bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ năm, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm 

  • Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 theo hướng gom chung thành một khoản và dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Tách điểm b khoản 4 thành một khoản riêng và dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 591.
  • Bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ sáu, thiệt hại về tinh thần

  • Đổi tên Điều 27 thành “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.
  • Sửa đổi khoản 5 theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ bảy, về phục hồi danh dự

  • Đổi tên Điều 31 thành “phục hồi danh dự, nhân phẩm, uy tín”.
  • Bổ sung 01 khoản mới dẫn chiếu áp dụng quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 đối với bất kỳ hành vi thi hành công vụ nào trực tiếp liên quan đến thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.

Thứ tám, về các thiệt hại Nhà nước không bồi thường.

  • Sửa đổi điểm a và điểm b khoản 1 theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015.
  • Sửa đổi khoản 3 theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại Điều 113 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; sửa đổi khoản 4 theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định tại 128 khoản 2 Điều 66 Luật thi hành án dân sự năm 2008. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các Bộ luật, Luật mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định dẫn chiếu áp dụng các trường hợp Nhà nước không bồi thường thì có thể quy định chung là “trường hợp Luật khác quy định thiệt hại Nhà nước không bồi thường thì áp dụng quy định của Luật đó trong quá trình giải quyết bồi thường”

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Dương Gia về “Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra” Nếu có bất kì khó khăn hay vướng mắc gì trong quá trình tham khảo và áp dụng quy định trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ sớm nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon