Tội chiếm giữ trái phép tài sản

toi-chiem-giu-trai-phep-tai-san

Quyền sở hữu tài sản là quyền hợp pháp và không thể xâm phạm, được pháp luật bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu, bao gồm cả hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và giá trị tài sản bị chiếm giữ, người phạm tội sẽ phải chịu hình phạt tương ứng.

Vậy, tội chiếm giữ trái phép tài sản là gì, và hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

1. Chiếm giữ trái phép tài sản là gì?

Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi chiếm giữ tài sản của người khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, và sau khi có yêu cầu trả lại từ người có quyền sở hữu, người quản lý hợp pháp, người chiếm giữ tài sản vẫn không thực hiện nghĩa vụ giao nộp tài sản đó.

Tội này bao gồm các trường hợp như: không trả lại tài sản bị giao nhầm, không giao nộp tài sản tìm được hay bắt được sau khi có yêu cầu hợp pháp từ chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng.

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng,di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Phân tích tội chiếm giữ trái phép tài sản

Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành sau đây:

2.1 Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là những người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, vì đây là tội phạm không thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2.2 Khách thể

Tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản. Điều này khác với các tội chiếm đoạt tài sản như cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc cướp giật tài sản.

Đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản, do đó, luật không quy định thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe như một yếu tố để định khung hình phạt. Tuy nhiên, nếu trong quá trình chiếm giữ tài sản, người phạm tội có hành vi sử dụng vũ lực dẫn đến chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác, thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe.

2.3 Mặt khách quan

– Hành vi khách quan: Trước hết, hành vi phạm tội liên quan đến việc chiếm giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được.

Trường hợp giao nhầm tài sản: Cần xác định rằng người phạm tội không thực hiện bất kỳ thủ đoạn nào nhằm khiến bên giao tài sản nhầm lẫn khi chuyển giao tài sản cho mình. Nếu người phạm tội có hành vi gian dối để bên giao tài sản nhầm thì không thể coi là trường hợp giao nhầm tài sản, mà sẽ cấu thành tội phạm khác.

Trường hợp tìm được tài sản: Trong một số tình huống, việc tìm tài sản có thể là hành vi trái phép, nếu việc tìm kiếm tài sản không được phép hoặc bị Nhà nước cấm. Nếu việc tìm kiếm tài sản là hợp pháp hoặc không bị cấm, tài sản đó sẽ thuộc quyền sở hữu của người tìm được. Ví dụ, việc khai thác khoáng sản ở những khu vực mà Nhà nước không quản lý hoặc nơi người khai thác khoáng sản đã được cấp giấy phép.

Trường hợp bắt được tài sản: Khi tài sản bị bỏ quên hoặc đánh rơi, người phát hiện tài sản có nghĩa vụ tuân thủ quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu người phát hiện biết địa chỉ của chủ sở hữu tài sản thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Nếu không biết địa chỉ, người phát hiện phải giao nộp tài sản cho cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã) để thông báo công khai cho chủ sở hữu nhận lại. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này và giá trị tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật), hành vi không trả lại tài sản cho chủ sở hữu sẽ cấu thành tội phạm.

Hành vi không trả lại tài sản: Việc cố tình giữ tài sản, dù bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được, sau khi có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền, sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Yêu cầu nhận lại tài sản phải được đưa ra bởi chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền. Nếu chưa có yêu cầu từ những chủ thể này, hành vi chiếm giữ tài sản chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

– Hậu quả: Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, hoặc bị rơi mà không thể thu hồi được. Tuy nhiên, để cấu thành tội phạm, tài sản phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên, trừ khi tài sản là di vật, cổ vật, trong trường hợp đó, không cần xét đến giá trị của tài sản.

2.4 Mặt chủ quan

Lỗi: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Trong ý thức chủ quan, người phạm tội nhận thức rằng tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình nhưng vẫn cố ý không thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản dù là do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Mục đích này là yếu tố bắt buộc trong việc cấu thành tội phạm

Như vậy, để phải chịu các hình phạt của tội chiế giữ trái phép tài sản bạn phải có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm trên đây.

3. Khung hình phạt

Tùy vào giá trị tài sản và các yếu tố khác, người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt sau:

Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm áp dụng đối với người phạm tội chiếm giữ tài sản không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.

Khung 2: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia.

Ví dụ: Ngày 05/08/2024, tại nhà riêng tại phường B, quận C, TP. Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Q. (32 tuổi, trú tại quận C, TP. Đà Nẵng) sử dụng ứng dụng Internet Banking để chuyển tiền cho một người bạn, trong quá trình thực hiện thao tác do bấm lộn số tài khoản nên anh Q đã chuyển nhầm số tiền 150.000.000 đồng (Một trăm năm mươi triệu đồng) vào tài khoản của ông Lương Văn H. Sau khi liên hệ ngân hàng để nhờ sự hỗ trợ và đã liên hệ với ông H để xin lại số tiền chuyển khoản nhầm nhưng ông H không thực hiện việc hoàn trả cho anh Q. Anh Q đã trình báo công an và sau một thời gian Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP ĐN đã xử lý hành vi của ông H về tội “Chiếm giữ tài sản trái phép”.

Như vậy, hành vi của ông H thỏa mãn cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định tại điều này, anh Q. có thể phải chịu mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam, do giá trị tài sản chiếm đoạt từ 10 triệu đồng trở lên.

Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản không chỉ gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu, mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Pháp luật hình sự quy định rõ ràng các hình phạt để răn đe và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ tài sản của mình và phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Trên đây là nội dung về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự 2017 mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp quý khách hàng vẫn còn đang thắc mắc hoặc cần được tư vấn khác, vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Bài viết liên quan

Gọi ngay
Gọi ngay